“Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi”.
Thế nên, chả ai tự nhận mình là con nợ cả. Đã là con nợ thì chả bao giờ lấy được thiện cảm mà chỉ nhận được sự khinh khi, dè bỉu, xem thường của người đời. Vậy mà, có một con người - đàn ông/đàn ang, trí thức tầm bác học thế giới hẳn hoi lại tự nhận mình là “con nợ” mà, lại là nợ thuộc diện “nợ định kỳ”. Thật lạ kỳ là, khi nghe ông tâm sự rất... “nổ” vậy, không ai ghét ông, trái lại càng yêu ông, quí trọng, nể phục ông hơn.
“Con nợ” ấy là Giáo sư (GS), Viện sĩ (VS), Anh hùng Lao động (AHLĐ) Vũ Tuyên Hoàng.
Ông tự nhận là “con nợ báo chí”, nợ viết, nợ tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học công nghệ cho nông dân. Còn, nợ tiền, nợ bạc, thì chỉ người khác nợ ông, còn ông, là chủ nợ lại không bao giờ nhớ, không bao giờ đòi.
GS.VS Vũ Tuyên Hoàng là nhà khoa học của tam nông: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Quá nửa đời người, từ năm 1960 đến khi qua đời, ông là tác giả Lý thuyết hai hệ thống Gen trong cây lúa và hơn 50 công trình được công nhận cấp quốc gia, bao gồm các giống lúa mới thâm canh (Xuân số 2, NN 75-6...); các giống lúa chịu hạn (CH5, CHI33...); các giống lúa chịu ngập úng đầu tiên trên thế giới (Ui4, Ui7...); qui trình kỹ thuật trồng khoai tây bằng hạt; chọn tạo các giống rau quả mới bằng phương pháp sử dụng ưu thế lai: Dưa chuột, cà chua, các giống táo mới như Hi2, H32, Má hồng...
Ngoài ra, ông còn xây dựng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, gieo thẳng lúa ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam, thâm canh lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật, Vũ Tuyên Hoàng còn là một nghệ sĩ đa tài, với những tác phẩm văn học nghệ thuật mang phong cách rất riêng. Chỉ kê cứu số lượng tác phẩm thế này, ông có 20 tập thơ in chung; có tập thơ in riêng có tựa đề Thời gian (in năm 2001); khoảng 400 bài tản văn đăng trên Tạp chí Thế giới mới từ năm 1996 đến 2004, được tập hợp trong cuốn sách có tên Tản mạn đường dài (tập đầu in năm 2003), cũng đủ khiến dân nhà báo, văn nghệ sĩ chuyên nghiệp phải… “thèm muốn”.
Ấy là chưa nói đến Vũ Tuyên Hoàng còn có tài hội họa, đặc biệt là vẽ chân dung, tranh phong cảnh. Tranh của ông đã được giới thiệu/bày tại một số triển lãm mỹ thuật lớn và được không ít tạp chí ảnh đăng.
Song, tất cả đấy mới là “phần nổi” của “tảng bang” Vũ Tuyên Hoàng. Còn “phần chìm”, cũng đồ sộ không kém, và còn nhiều điều kỳ bí, rất cần khám phá. Số này nằm trong hơn 800 hồ sơ bản viết tay các công trình nghiên cứu, các bài phát biểu, sáng tác thơ, họa hiện đang được gia đình gửi lưu trữ tại Kho Lưu trữ Quốc gia III, sau khi ông đột ngột qua đời. Trong số này, có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng phục vụ cho nền nông nghiệp nước nhà, cùng nhiều bản ký họa phong cảnh và nhân vật nổi tiếng mà ông từng gặp gỡ.
Nếu ta biết rằng, trong thời kỳ từ năm 1960 đến năm 2007, trên 40 năm, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng được Đảng, Nhà nước tin tưởng trao nhiều cương vị, giữ nhiều trọng trách như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V (Dự khuyết), Khóa VI, VII, VIII; Đại biểu Quốc hội Khóa 8, 11 và 12; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam khóa 4 và 5; VS Viện Hàn lâm Khoa học nông nghiệp Liên Xô, VS Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, VS Viện Hàn lâm khoa học các nước thuộc thế giới thứ ba,... Còn nhiều, rất nhiều chức trách ông đảm nhận do các cơ quan, tổ chức bố trí người kiểu “chọn mặt gửi vàng”, khi nhìn vào năng lực thực sự ông có, nhất là cái tâm của ông. Nếu kê cứu những chức trách ông đảm nhiệm dưới tên gọi những chức danh để “khoe” trên các-vi-dít thì tấm các của Vũ Tuyên Hoàng phải to bằng một phần tư trang Báo Nhân dân mới chứa hết được thì ta mới cảm nhận được cái tâm, cái tầm lớn đến mức nào của Vũ Tuyên Hoàng.
Trải 70 Xuân xanh, có đến gần non nửa cuộc đời làm quan, mà là quan to song, với một khối lượng đồ sộ sản phẩm khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật vô giá như vậy, cho thấy Vũ Tuyên Hoàng không quên nghề, cái nghề mà Vũ Tuyên Hoàng được đào tạo, được học hành bài bản là nhà khoa học, là người cầm bút để Vũ Tuyên Hoàng làm người và ở đời. Vì thế, ông có một sự nghiệp, là người có ích cho hôm qua, hôm nay và mai sau.
Vậy mà Vũ Tuyên Hoàng vẫn cho mình còn nợ nhiều lắm... Ông có hẳn một bài viết “Con nợ báo chí”.
Sinh thời, Vũ Tuyên Hoàng là “con nợ” của Tạp chí Thế giới mới, mặc dù, đối với tạp chí này, từ năm 1996 đến năm 2004, Vũ Tuyên Hoàng đã ưu ái cho đăng khoảng 400 bài tản văn, phần lớn viết về tam nông.
“Con nợ” Vũ Tuyên Hoàng chả bao giờ nghĩ “quỵt nợ” mà, lúc nào cũng đau đáu trả nợ. Ông từng tâm sự: “Tuy bộn bề công việc, tôi phải cố dành được thời gian khi này, khi khác, ngày nghỉ, để mà nghĩ, viết. Mình đã trở thành một con nợ, mà nợ định kỳ, tháng phải có 4 bài. Lại còn nợ nhiều báo và tạp chí khác nữa chứ, các đồng chí ấy đặt bài, tôi đồng ý. Tôi thật sự là con nợ trong cuộc nợ hầu như vô hạn. Tôi tranh thủ viết các bài tổng kết khoa học, bài báo, bài cho Thế giới mới.... Tranh thủ trên ô tô, trên máy bay, những lúc ở nhà, những lúc đi công tác, vì ngày tháng không đợi chờ. Có khi ngồi viết trên ô tô, chạy từ Hà Nội đến Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Hải Dương) dài 68 km, tôi viết xong được một bài cho Thế giới mới. Ngồi viết khi xe chạy không dễ, phải dừng lại khi gặp ổ gà trên đường, còn thì dựa lưng vào tựa ghế, đặt cặp và giấy trên đùi, lựa thế nào để người và tay cầm bút viết chịu sự đu đưa hay lúc lắc cùng một nhịp, mới viết được ra chữ. Cách viết ấy, tôi tập đã lâu”. (trích trong “Vũ Tuyên Hoàng, Tản mạn đường dài”, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tr 227-228).
Viết nhiều, viết khỏe vậy mà Vũ Tuyên Hoàng khiêm tốn bảo mình chỉ “gặp đâu viết đấy, hoặc xúc cảm hoặc suy nghĩ tản mạn, được gì thì viết thế”. Đức khiêm tốn luôn là phẩm chất chung của các bậc hiền tài. Thật đúng với GS.VS. AHLĐ Vũ Tuyên Hoàng!
Trước hiện tượng Vũ Tuyên Hoàng, nhiều người đã tìm cách cắt nghĩa, tìm động cơ này nọ. Song, với Vũ Tuyên Hoàng... chỉ đơn giản là ông đã dành cả đời yêu và gắn bó, tâm huyết với những hoạt động khoa học cho tam nông, cho nền chính trị, văn hóa xã hội, văn học nghệ thuật sôi động của nước nhà.
GS. VS Vũ Tuyên Hoàng là tấm gương sáng về sự tận tâm, nghiêm túc, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp Việt Nam và thế giới.
Người viết bài này rất vinh dự được GS.VS Vũ Tuyên Hoàng (cùng GS. Hoàng Chương, GS.VS Hồ Sĩ Vịnh, TS. Nhà văn Phạm Việt Long, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh...) trong Hội đồng Cố vấn công trình của mình có tên “Bách khoa thư Giáo dục và Đào tạo Việt Nam” (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006; sách dày 1.444 tr, khổ 20,5x29,5).
Khi đem sách tặng, tôi có kể cho ông nghe câu chuyện về quá trình đi tìm nhà xuất bản để in công trình này.
Tôi đăng ký sách thuộc diện tác giả tự in, tự phát hành tại một nhà xuất bản lớn và uy tín bậc nhất trong hệ thống các nhà xuất bản ở nước ta. Sau gần 1 năm trời bản thảo được 3-4 TS trong Ban Biên tập Sách Chính trị của nhà xuất bản này biên tập rất kỹ, sang báo cáo với ông Phó Giám đốc phụ trách (do ông Giám đốc nguyên là Thư ký của Tổng Bí thư nghỉ hưu). Trước mặt tôi và đại diện Ban Biên tập là một TS có thâm niên và kinh nghiệm biên tập của nhà xuất bản, cầm tập bản thảo nặng khoảng 5-6kg, chỉ nhìn lướt qua bìa sách trên đầu ở vị trí thông lệ là tên tác giả, chỉ có mỗi tên tôi, không cần hỏi han, ông ta buông một câu chứa đầy sự mỉa mai: “Cá nhân sao biên soạn được Bách khoa thư”. Hiểu ý của ông ta là loại sách bách khoa thư phải do một tập thể mới đủ tư cách biên soạn, không để ông nói gì thêm, tôi nói ngày: “Thưa ông, ông nên tìm hiểu đi, tôi không cần tranh luận cá nhân có được biên soạn Bách khoa thư hay không, tôi xin rút bản thảo đi in ở nhà xuất bản khác”.
Nghe tôi kể, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng cười, nói: “Chả biết gì cả. Từ điển Bách khoa của Pháp nhân loại đã và đang dùng trên 100 năm nay chả do một mình ông Larue biên soạn là gì! May mà một mình cậu làm mới ra được chứ nếu để một viện khoa học làm có khi 3 năm chưa thông qua được đề cương”.
Đa số những người dù chỉ gặp Vũ Tuyên Hoàng một lần, cùng có chung một nỗi ai hoài là, sao có nhiều người cũng học hàm, học vị đủ cả, chả giống, chả học (gần đèn thì rạng) Vũ Tuyên Hoàng được điều gì cả. Không ít người có học hàm, học vị cao, song “tóc ánh kim, tim không ánh thép”, lười viết, thậm chí còn mang hết sức bình sinh, trút tâm sức, trí tuệ vào những văn bản, thư từ tuyên truyền cho những tư tưởng không có lợi cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Vì thế, số người này, chả thấy mấy bài viết, công trình khoa học thực tiễn có giá trị nào để lại cho đời.
Uổng thay! Tiếc thay!
Trước cảnh đời ấy, càng kính trọng, yêu quí, tiếc thương “con nợ” Vũ Tuyên Hoàng!
TS Nguyễn Minh San