Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí

Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa, sẽ tạo dựng một môi trường làm việc tích cực, năng động, sáng tạo.

ttxvn1-1-1719476168.jpg
 

Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của cơ quan báo chí, hướng tới mục tiêu xây dựng cơ quan báo trở thành một đơn vị kiểu mẫu về văn hóa.

Tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động

Ngày 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.

Lễ phát động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo.

Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa. Thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực và ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức và lòng nhân ái, góp phần xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh…

Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho đến nay, có thể khẳng định, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, sự vào cuộc mạnh mẽ của hầu hết các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo trên cả nước, đáp ứng nhu cầu thiết thực trong đời sống báo chí nói chung và hoạt động tác nghiệp của những người làm báo nói riêng, bước đầu đã tạo được nhiều sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.

Đặc biệt, phong trào thi đua đã thấm nhuần và lan tỏa mạnh mẽ trong các hoạt động nghề nghiệp, hoạt động công tác Hội năm qua. Ngay sau khi phong trào thi đua được phát động, các cấp Hội Nhà báo đã kịp thời cụ thể hóa, triển khai đến người làm báo, hội viên ở các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo. Nội dung phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo từ Trung ương đến địa phương…

“Có thể nói, chỉ sau hơn một năm được phát động, phong trào đã thực sự đi vào đời sống, hoạt động tác nghiệp của những người làm báo. Hiện tượng những người làm báo có hành vi thiếu văn hóa trong hoạt động tác nghiệp của mình đã được khắc phục, hạn chế. Đặc biệt, hàm lượng văn hóa trong các tác phẩm báo chí đã được nâng lên rõ rệt”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định.

525417f3-995e-4ebd-8c1c-b4a425f25412-1719476130.jpg
 

Tạo dựng môi trường làm việc năng động, sáng tạo

Trong những năm gần đây, cùng với sự đổi mới đi lên của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang phát triển vững mạnh trên nhiều lĩnh vực, luôn xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao nhận thức của nhân dân, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam đang đối diện với những thách thức, những hệ lụy, mặt trái của sự phát triển.

Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí với mục đích tạo dựng một môi trường làm việc tích cực, năng động, sáng tạo, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan báo chí nhằm phát huy tốt vai trò của các tổ chức, đoàn thể cơ quan trong xây dựng lề lối, nền nếp làm việc khoa học, trật tự, kỷ cương, phong cách ứng xử chuẩn mực, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của cơ quan báo chí, hướng tới mục tiêu xây dựng cơ quan báo trở thành một đơn vị kiểu mẫu về văn hóa.

Đây cũng là nội dung được các nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan báo chí, đại biểu thảo luận, mổ xẻ, phân tích một cách khách quan tại phiên thảo luận với chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí” trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc năm 2024.

Theo nhà báo Đoàn Minh Long, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa, văn hóa trong phong cách làm việc báo chí có tính đặc thù, văn hóa tiếp cận thông tin để chuyển tải và truyền thông đúng đắn những quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, môi trường văn hóa trong cơ quan báo có vai trò quan trọng không chỉ đối với mỗi cơ quan, đơn vị, mà còn thể hiện sự văn minh, tiến bộ của cá nhân người làm báo, cơ quan tổ chức của những người làm báo trong thời kỳ mới, trước một kỷ nguyên số, một thách thức mới của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời đại công nghiệp hiện đại 4.0.

Để phát huy tốt phong trào thi đua xây dựng môi trường cơ quan văn hóa báo chí, người làm báo văn hóa phát huy tốt những tích cực và có được hiệu quả, trước hết tổ chức và hoạt động của Hội Nhà báo phải luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Đây là yếu tố hàng đầu bảo đảm mọi thành công của tổ chức Hội đặc thù được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, các hội viên, nhà báo nhận thức rõ nhiệm vụ của mình phải tận tụy, trách nhiệm với công việc, không quấy rối, sách nhiễu, vòi vĩnh các cá nhân tổ chức để trục lợi cho cá nhân; phải luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức của người làm báo, thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí 2016; 10 điều quy định đạo đức người làm báo; Bộ Quy tắc dùng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, thường xuyên học tập nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhằm tổ chức thực hiện những tác phẩm báo chí chất lượng cao…

Nhà báo Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trách nhiệm, nghĩa vụ người làm báo trong phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí được thể hiện qua các tác phẩm báo chí có giá trị, được ví như nguồn nước trong mát, trong dòng chảy thông tin của xã hội, mà ở đó cần có sự bồi đắp thường xuyên về văn hóa, đạo đức, chuyên môn để góp phần xây dựng nền báo chí hiện đại và nhân văn.

 

Minh Huyền

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/xay-dung-moi-truong-van-hoa-trong-co-quan-bao-chi-a25513.html