Dưới đây là những chia sẻ xung quanh cách mà các nhà báo đưa tin về các cuộc khủng hoảng, cũng như những lời khuyên của hai tác giả: Milad Haghani (giảng viên cao cấp về rủi ro thiên tai và an toàn công cộng tại Đại học New South Wales) và Claudio Feliciani (Phó Giáo sư Dự án về quản lý đám đông và hành vi tập thể tại Đại học Tokyo, Nhật Bản), được đăng mới đây trên trang trực tuyến của Đài Truyền hình ABC (Úc).
Theo hai tác giả, khi các câu chuyện trên báo chí coi việc sống sót là may mắn và những mất mát là do hoảng loạn, điều này không chỉ đơn giản hóa quá mức các tình huống phức tạp mà còn vô tình làm suy yếu vai trò quan trọng của sự tự cường và những chuẩn bị sẵn sàng ứng phó của con người cho những tình huống này.
Sống sót qua khủng hoảng hiếm khi là “phép màu”
Vào ngày 2/1/2024, một chiếc máy bay Airbus của Hãng Hàng không Japan Airlines đã va chạm với một máy bay của Cảnh sát biển tại Sân bay Haneda, Tokyo, khiến gần 380 hành khách và phi hành đoàn phải sơ tán nhanh chóng khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy.
Sự kiện này có thể dễ dàng biến thành một thảm họa lớn, nhưng thực tế mọi người trên tàu được sơ tán an toàn trong vòng vài phút - một kỳ tích được các phương tiện truyền thông tin tức gọi là “phép màu” một cách nhanh chóng và có lẽ quá dễ dàng.
Sự thành công của cuộc sơ tán không phải là sản phẩm của sự may mắn đơn thuần mà là kết quả của những hành động đúng đắn được thực hiện dưới áp lực.
Việc miêu tả cuộc sơ tán của Japan Airlines như một phép màu không phải là điều bất thường trong các phương tiện truyền thông khi đưa tin về các tình huống khủng hoảng.
Trở lại năm 2005, một chiếc máy bay của Air France chở gần 300 hành khách trượt khỏi đường băng ở sân bay Toronto và bốc cháy. Toàn bộ hành khách đã được sơ tán thành công. Vụ việc này, giống như vụ việc năm 2024, cũng nhanh chóng được báo chí cho là “phép màu”.
Việc sử dụng từ “phép màu” trong tiêu đề chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý và nhiều cú nhấp chuột hơn. Tuy nhiên, điều này phải trả giá bằng việc làm lu mờ thực tế rằng những sự kiện này là ví dụ điển hình về việc ứng phó hiệu quả.
Một tiêu đề chính xác hơn và ít giật gân hơn - chẳng hạn như “Vụ tai nạn máy bay Nhật Bản: Một điển hình về việc sống sót sau cuộc sơ tán khỏi máy bay” - tuy mang tính thông tin và phản ánh bản chất thực sự của sự kiện nhưng có thể không thu hút khán giả theo cách như trên.
Chủ nghĩa giật gân bóp méo hành vi tập thể
Không phải mọi cuộc khủng hoảng liên quan đến nhiều người đều có kết thúc tốt đẹp. Trong những trường hợp như vậy, cách tiếp cận của giới truyền thông có thể hoàn toàn trái ngược với những trường hợp quản lý khủng hoảng thành công.
Một ví dụ sâu sắc là thảm họa đám đông ngày 29/11/2022 ở Hàn Quốc, khiến 159 người thiệt mạng.
Trước một kết thúc xấu, báo chí nhanh chóng đổ lỗi cho hành vi của đám đông. Các bài báo đưa tin sớm chứa đầy những thông tin mô tả và cụm từ như “khoảnh khắc hỗn loạn trước vụ giẫm đạp”, đám đông trở nên “ngày càng ngang ngược và kích động”.
Theo cách này, vụ việc ban đầu được coi là một "cuộc giẫm đạp của đám đông".
Thế nhưng, khi các học giả và chuyên gia cân nhắc, làm rõ bản chất của thảm họa, các bài báo mới bắt đầu thay đổi.
Thuật ngữ trong các tiêu đề đã chuyển sang từ chính xác hơn là "đám đông chen lấn", phản ánh sự hiểu biết sâu sắc hơn về sự kiện ngoài việc đơn thuần đổ lỗi cho hành vi của đám đông trước đó.
Kiểu đổ lỗi cho hành vi của con người trong các vụ tai nạn thương vong hàng loạt không phải là trường hợp cá biệt mà là một phần của tiền lệ rộng hơn trong việc đưa tin trên báo chí.
Thông thường, các sự kiện thảm khốc liên quan đến các nhóm đông người được dán nhãn vội vàng bằng các thuật ngữ như “hoảng loạn” và “giẫm đạp”. Và đa số trường hợp cho thấy, những từ ngữ mô tả này không phản ánh chính xác nguyên nhân thực sự của sự cố.
Việc dùng từ như vậy ngầm đổ lỗi cho các cá nhân có liên quan, vẽ nên một câu chuyện có thể không phù hợp với sự phức tạp của tình huống.
Để hiểu xu hướng này một cách hệ thống hơn, một nghiên cứu đã phân tích các bài báo về các vụ tai nạn liên quan đến đám đông từ năm 1900 đến năm 2019. Gần 400 bài báo đã được phân tích và thuật ngữ “giẫm đạp” được sử dụng làm tiêu đề thường xuyên.
Hơn nữa, nghiên cứu còn khám phá cảm xúc của ngôn ngữ được sử dụng trong cả nội dung và tiêu đề các bài báo. Nó phân loại ngôn ngữ theo các “tông màu” cảm xúc, bao gồm “nỗi buồn”, “niềm vui”, “tình yêu”, “tức giận”, “sợ hãi” và “bất ngờ”. Kết quả, tâm lý chủ yếu trong các bài báo này được cho là “sợ hãi”, một xu hướng đã gia tăng đáng kể trong những năm qua, đặc biệt là trên các tiêu đề.
Điều này cho thấy báo chí ưa thích ngôn ngữ giật gân, gây sợ hãi khi đưa tin về các cuộc khủng hoảng thảm khốc liên quan đến đám đông lớn. Một nghiên cứu khác xác nhận rằng, mô hình này không chỉ giới hạn ở việc đưa tin về các sự cố và khủng hoảng. Xu hướng chung cho thấy sự tiêu cực về tình cảm ngày càng gia tăng trên các tiêu đề trên báo.
“Thuyết hoảng loạn”
Các xu hướng phổ biến trong việc đưa tin trên báo chí và niềm tin xã hội về hành vi của đám đông trong các cuộc khủng hoảng có nguồn gốc từ một số lý thuyết tâm lý xã hội lỗi thời, hiện đã bị vạch trần, như thuyết tâm lý đám đông và những lý thuyết tương tự.
Những lý thuyết này đã miêu tả các đám đông lớn vốn có xu hướng hành vi ngang ngược và phi lý, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp. Đây cũng là nguồn gốc của “thuyết hoảng loạn” đã ăn sâu.
Tuy nhiên, rất nhiều bằng chứng thực tế đã liên tục chứng minh những lý thuyết này là sai. Các phân tích chi tiết về các cuộc khủng hoảng thực tế, các cuộc phỏng vấn với những người sống sót và việc tái hiện lại các sự kiện lớn - chẳng hạn như vụ đánh bom ở Luân Đôn, Anh, năm 2005 - liên tục tiết lộ cách ứng phó khác nhau của con người trước áp lực.
Ví dụ, người ta thấy những người xa lạ ở sân ga xe lửa, nhanh chóng hình thành mối liên kết và cảm giác đoàn kết khi đối mặt với một tình huống như một cuộc tấn công khủng bố. Bằng chứng này cho thấy phần lớn rằng, trái ngược với việc hoảng sợ hoặc hành động phi lý, các cá nhân trong đám đông thường cố tình mạo hiểm sự an toàn của bản thân để hỗ trợ người khác.
Thực tế, như đã thấy nhiều lần, là mọi người có xu hướng thể hiện hành vi có chủ ý, tập thể và thường vì người khác khi đối mặt với nguy hiểm, thách thức những quan niệm lỗi thời về “thuyết hoảng loạn”.
Kiểu phản ứng tương tự cũng có thể được thấy qua số lượng cảnh quay hạn chế có được từ thời điểm trước khi cuộc sơ tán máy bay Nhật Bản bắt đầu. Mặc dù mọi người có thể thấy mức độ nghiêm trọng của tình huống mà họ gặp phải một cách sợ hãi và ngọn lửa bên ngoài máy bay, nhưng họ không hề hoảng sợ.
Thúc đẩy văn hóa an toàn
Việc thúc đẩy văn hóa an toàn và sự tự cường của tập thể, nơi mọi người được trang bị kiến thức sinh tồn, trở thành điều tối quan trọng.
Xu hướng báo chí giật gân hóa các cuộc khủng hoảng, mô tả chúng thành những cảnh “hoảng loạn” hoặc “phép màu”, làm suy yếu bản chất thực sự của sự tự cường và những chuẩn bị sẵn sàng ứng phó của con người trong các trường hợp khẩn cấp.
Những câu chuyện như vậy không chỉ làm sai lệch nhận thức của công chúng mà còn không thừa nhận vai trò quan trọng của hành động cá nhân trong việc sống sót sau khủng hoảng.
Trong bối cảnh này, vấn đề đạo đức của các nhà báo cần phải được đặt lên hàng đầu. Những bài viết về các cuộc khủng hoảng không chỉ đóng góp vào việc kể chuyện mà còn góp phần xây dựng một xã hội coi trọng kiến thức, sự chuẩn bị và sức mạnh của phản ứng sáng suốt trong những thời điểm quan trọng.
Hoài Phương
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dua-tin-giat-gan-ve-cac-cuoc-khung-hoang-duoc-it-mat-nhieu-a25523.html