Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định văn hóa là “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước”. Tuy nhiên, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí… Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”. Vì thế, chấn hưng văn hoá đã trở thành mệnh lệnh cấp bách.
Bài 1: Hồi chuông báo động về sự “đứt gãy” văn hoá
Chưa bao giờ, trên báo chí và các trang mạng xã hội, lại thấy nhiều đến thế, phổ biến đến thế câu chuyện buồn đến mức đau lòng về văn hóa ứng xử, sự suy đồi, băng hoại về đạo đức, lối sống… Thực trạng ngày càng diễn tiến một cách đáng báo động, đến mức báo chí và dư luận đã không ít lần đặt vấn đề: dường như chúng ta đang ở vào thời kỳ khủng hoảng, phai nhạt, “đứt gãy” các giá trị văn hóa truyền thống.
Từ “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
“Nghịch tử giết mẹ, lĩnh án chung thân”, “Nghịch tử giết mẹ nuôi, vứt xuống giếng rồi ôm con trai cố thủ trong nhà”, “Nỗi buồn phiên xử con gái đuổi mẹ già ra khỏi nhà”, “Bi kịch cho cha mẹ già bị con đẩy ra đường”… những dòng tít “nặng lòng” như thế xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo. Không biết tự bao giờ, bạo lực gia đình, ngược đãi người thân, nhất là đấng sinh thành, đã, đang trở thành vấn nạn gây nhức nhối xã hội, báo động về sự xuống cấp của đạo đức gia đình, làm xói mòn tính nhân văn, đạo hiếu vốn có của người Việt.
Đơn cử, vụ việc xảy đến cách đây gần 4 năm tại huyện Cần Đước, Long An. Một đoạn video được phát tán trên mạng xã hội ghi lại cảnh một người phụ nữ liên tục chửi bới, dùng chổi đánh và hắt chất bẩn lên mặt một cụ già. Sau khi clip được lan truyền, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định người con bất hiếu trong clip chính là Nguyễn Thị Hoa.
Hoa được xác định có hành vi ngược đãi mẹ ruột của mình. Nói về nguyên nhân ngược đãi mẹ ruột, Hoa khai: Bà không có gì để lại, mà phải một mình chăm sóc bà nhiều năm nên sinh ra bực tức!
Trước thực trạng đau lòng này, nhiều chuyên gia từng bức xúc cho rằng, không xã hội nào coi việc ngược đãi, tàn ác với cha mẹ là bình thường. Việc con cái thiếu trách nhiệm, ruồng rẫy, hắt hủi cha mẹ khi về già hoặc lúc bị đau ốm, bệnh tật là điều không thể chấp nhận được, đi ngược lại chuẩn mực đạo đức xã hội, trái luân thường đạo lý. Hành vi đó không chỉ đáng bị lên án, khinh bỉ mà còn để lại những hậu quả vô cùng xấu với xã hội. Thậm chí có chuyên gia còn cho rằng, hành vi con cái ngược đãi, ruồng rẫy cha mẹ già không còn là chuyện của một cá nhân, hoàn cảnh của một gia đình đơn lẻ mà là một hiện tượng xã hội. Hiện tượng này nếu không được điều chỉnh sẽ để lại những hệ lụy xã hội như hình thành những nhận thức lầm lạc, những ứng xử thiếu văn hóa, những hành vi vô nhân đạo...
Có điều, bất hiếu với cha mẹ chỉ mới là một trong rất nhiều biểu hiện ngày càng đáng báo động về thực trạng suy thoái đạo đức hiện nay. Đáng quan ngại không kém là sự suy giảm về đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ.
Một báo cáo được đưa ra trong năm 2023 vừa qua cho thấy, tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức như số lượng thanh, thiếu niên phạm tội ngày càng tăng, trẻ vị thành niên cũng gây ra nhiều vụ án mạng. Tình trạng bạo lực học đường cũng có xu hướng gia tăng. Thực trạng nạo phá thai rất đáng lo ngại: Khoảng 300.000 ca nạo phá thai mỗi năm ở độ tuổi 15 - 19...
Xung quanh thực trạng đáng buồn này, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, từng chỉ ra cái “gốc” của hiện tượng tiêu cực trong một bộ phận thế hệ trẻ là do hiện tượng tiêu cực trong xã hội “lây lan” sang giới trẻ, khiến giới trẻ suy giảm niềm tin.
Những năm gần đây, nhức nhối không kém nữa là việc liên tiếp các “đại án” bị đưa ra ánh sáng. Điều đáng nói là thủ phạm của những vụ “đại án” đó lại nằm trong “bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”…
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phải đưa ra đánh giá: “Thao túng trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy tội, chạy bằng cấp… là những biểu hiện cụ thể phản ánh suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Gian dối làm chuyển biến bản chất đạo đức, làm suy thoái đạo đức con người. Khi gian dối chi phối mọi hành vi xã hội, thì đây là điều đặc biệt nguy hiểm, trực tiếp làm mất uy tín của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.”
Sự xuống cấp đạo đức có thể nói đã, đang thể hiện vô cùng đa dạng ở mọi lĩnh vực, dưới mọi hình thức, diễn ra ngay cả trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh như: Y tế, giáo dục, luật pháp, báo chí…
Kết quả một cuộc điều tra xã hội học tại 3 thành phố lớn ở 3 miền là Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, đa số người dân đánh giá sự xuống cấp đạo đức ở Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động (chiếm tới 53%) và trầm trọng (25,8%), một bộ phận cho rằng cần phải có biện pháp ngăn chặn ngay (17,3%), chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ cho là ở mức độ bình thường và không đáng lo ngại (dưới 2%). Như vậy, có thể thấy sự suy thoái, xuống cấp đạo đức trong xã hội hiện nay là một thực trạng đáng báo động và ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Với đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, một dân tộc vốn có hàng ngàn năm văn hiến, một dân tộc biết lấy chữ nhân làm đầu, trọng lối sống tình nghĩa, biết khoan dung và giàu lòng tương thân tương ái, thì sự xuống cấp về đạo đức xã hội quả là một nhức nhối lớn đối với lương tri dân tộc, thực sự là “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Báo động thực trạng “đứt gãy” giá trị, đạo đức truyền thống
Cách đây hai năm, tháng 8/2022, tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng từng thẳng thắn: Đã có các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường lại thu hút quan tâm, gây nên sự nhiễu loạn “vàng thau” trong hưởng thụ văn hóa. Môi trường văn hóa còn diễn biến phức tạp, có biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, xuống cấp về đạo đức, lối sống…
Khi đó, người đứng đầu ngành Văn hóa gọi tên nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến thực trạng này là sự đứt gãy với các giá trị truyền thống tốt đẹp. “Chúng ta đang ở vào thời kỳ quá độ - khi các giá trị của xã hội tiểu nông bị giải thể, mà các giá trị của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa được định hình. Cùng với đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường thúc đẩy lối sống chạy theo vật chất, đồng tiền, đề cao các giá trị hình thức bề ngoài. Do vậy, nhiều người, đặc biệt một bộ phận giới trẻ, bị cuốn theo những phù phiếm bề nổi, coi thường các giá trị truyền thống tốt đẹp” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận.
Cùng chung quan điểm, GS.TS Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, nguyên Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cũng cho rằng, thực tế trong những năm gần đây cho thấy, nhận thức của thế hệ trẻ về các giá trị truyền thống của dân tộc, trong đó có các giá trị văn hóa gia đình đã có sự sa sút nghiêm trọng. Các chỉ báo xã hội học từ nhiều nghiên cứu khảo sát đã khẳng định một thực tế đáng buồn là, sự hiểu biết về các giá trị truyền thống đang giảm dần theo từng nhóm tuổi từ cao xuống thấp.
GS.TS Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cũng từng bày tỏ nỗi băn khoăn, rằng phải chăng những lệch lạc trong lối sống, sự phá cách về chuẩn mực đạo đức đang xuất hiện đó đây, đều có gốc rễ từ sự phai nhạt các giá trị truyền thống của dân tộc dưới tác động của nền văn minh vật chất từ bên ngoài tràn vào.
Đặc biệt, PGS. TS Nguyễn Thanh Tú, nhà phê bình văn học, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cảnh báo, một nguyên nhân dẫn đến đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng là do mạch nối giữa văn hóa truyền thống và hiện tại đang bị đứt gãy trầm trọng. Biểu hiện rõ nhất của sự đứt gãy này là sự phai nhạt của chữ “Hiếu” và chữ “Lễ”. Hạt nhân của chữ “Hiếu” là tấm lòng kính trọng, yêu thương cha mẹ mình, mở rộng ra là kính trọng yêu thương cha mẹ người. Hạt nhân của chữ “Lễ” là quy phạm, phép tắc trong quan hệ người với người. Sự phai nhạt này làm cho nền tảng văn hóa gia đình và cấu trúc nhân cách cá nhân bị lung lay, những chuẩn mực đạo đức bị vi phạm.
Rõ ràng, mạch nối giữa văn hóa truyền thống và hiện tại đang bị đứt gãy trầm trọng; sự đứt gãy với các giá trị truyền thống tốt đẹp đang đến hồi báo động. Vấn nạn này đã diễn tiến hàng thập kỷ qua, cho đến nay, vẫn cứ diễn tiến phức tạp, thực sự là điều trăn trở khôn nguôn của hết thảy những người Việt có lương tri và phẩm giá.
Nguyễn Hà