Bài 3: Chấn hưng văn hóa, hàn gắn “đứt gãy” đạo đức xã hội: Khi truyền thông được gọi tên!

“Các phương tiện truyền thông đang khiến cho những giá trị phản văn hóa được dung dưỡng, lan truyền bằng những thông tin thiếu định hướng”. Đây là một trong số nhiều nhận định được đưa ra khi mổ xẻ về những tác nhân dẫn tới sự “đứt gãy” đạo đức, lệch chuẩn văn hóa tại nước ta hiện nay.

Báo chí - truyền thông thực sự phải làm gì để góp phần vào công cuộc chấn hưng văn hóa, khắc phục, ngăn chặn những lệch chuẩn, xuống cấp trong đạo đức, văn hóa xã hội?

anh1-1720769288.jpg

Bạn đọc trẻ thích thú với phụ san tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ của Báo Nhân dân. Việc báo chí chính thống tiếp cận và thu hút độc giả trẻ chính là góp phần định hướng lối sống của giới trẻ

Lệch chuẩn về văn hoá, xuống cấp đạo đức xã hội - có trách nhiệm của báo chí, truyền thông

Vừa là bộ phận của văn hóa, vừa là phương tiện truyền tải, phổ biến văn hóa tới công chúng, vì thế bên cạnh chức năng tuyên truyền, báo chí còn có vai trò định hướng, hình thành, lan tỏa chuẩn mực văn hóa ứng xử.

Thực tế thời gian qua cho thấy, trong tình trạng văn hóa có dấu hiệu xuống cấp, trong đó có văn hóa ứng xử trong cộng đồng, xã hội, nhiều khi đến mức báo động... đã được báo chí thông tin kịp thời, phân tích, cảnh báo. 

Các cơ quan báo chí đều đã có các chương trình, chuyên mục chuyên sâu để tuyên truyền, cổ động các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử; phát hiện, cổ vũ cách làm hay, những gương người tốt, việc tốt điển hình, đồng thời phản ánh những thói hư, tật xấu, phê phán những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa... Qua đó, rung hồi chuông báo động về sự xuống cấp trong ứng xử văn hóa, rộng hơn là sự xuống cấp về đạo đức xã hội và góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn. Trong đó, có những chương trình, chuyên mục  tạo ra sức lan tỏa toàn xã hội như: “Tấm lòng vàng” (Báo Lao động); Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” (Báo Quân đội Nhân dân phối hợp với Báo Lao động), “Việc tử tế”, “Cặp lá yêu thương” (Đài Truyền hình Việt Nam)...

 “Tôi đã thấy những chuyển biến rõ rệt ở cơ quan báo chí trong việc xây dựng văn hóa báo chí cách mạng nói riêng, phát triển văn hóa nước nhà nói chung. Việc Hội Nhà báo Việt Nam triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” thực sự đã lan tỏa thông điệp mạnh mẽ, thể hiện trách nhiệm của người làm báo đối với lĩnh vực quan trọng này. Từ sự khuyến khích tập trung lan tỏa giá trị chân - thiện - mỹ, nhiều bài báo, phóng sự về các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã truyền cảm hứng cho toàn xã hội về những giá trị đạo đức, phẩm chất cao đẹp của con người trong cuộc sống, giúp Nhân dân cảm nhận, thấm nhuần hơn bản sắc văn hóa của đất nước.

Điều này được chứng minh, vừa qua, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, những phóng sự, bài báo thực sự cảm động đã chạm tới trái tim của mọi người. Từ đó, mọi người, mọi tầng lớp Nhân dân từ khắp nơi ở trong và ngoài nước cùng hành động, chia sẻ, đoàn kết, để cùng nhau vượt qua dịch bệnh. Điều đó chứng tỏ sức mạnh của báo chí trong việc bồi đắp, lan tỏa những giá trị vô cùng nhân văn” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định. 

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, báo chí đã góp phần đắc lực nhưng chưa đủ trong việc phát hiện, phản ánh những bất cập, thói hư tật xấu trong văn hóa, góp phần xây dựng những chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp. Thậm chí, theo nhiều nhìn nhận, trong vấn nạn lệch chuẩn về văn hoá, xuống cấp đạo đức xã hội- có trách nhiệm của báo chí, truyền thông.

Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, tinh thần "lấy cái đẹp để dẹp cái xấu" chưa được thực hiện nghiêm túc, những thông tin tích cực, gương người tốt việc tốt chưa được truyền thông mạnh mẽ, trong khi các tin bài giải trí thông tục, giật tít, câu view có tần suất gia tăng, ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, thị hiếu, thẩm mỹ của công chúng, dẫn tới tình trạng "nhờn cảm xúc", thái độ vô cảm trong xã hội hiện nay.

GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, khi nhận diện những nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa, xuống cấp đạo đức ở Việt Nam hiện nay đã đề cập tới việc các cơ quan báo chí, truyền thông chưa làm tròn vai trò tuyên truyền, định hướng dư luận, nâng cao nhận thức về đạo đức; còn thiên về phản ánh những phương diện tiêu cực trong xã hội, chạy theo mục tiêu thương mại và giải trí, chưa chú trọng đúng mức đến việc giáo dục đạo đức, bảo vệ cái tốt cái đúng, nêu gương người tốt việc tốt.

TS Đỗ Ngọc Hà, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên cũng cho rằng, cần phải quan tâm là cách đưa thông tin về các vụ án, các hiện tượng sai lệch chuẩn mực xã hội… trên Internet, mạng xã hội và ngay cả trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử hiện nay.

Dường như để tăng tính hấp dẫn đối với người đọc, tần suất xuất hiện của các tin, bài về các vụ án, hiện tượng lệch lạc khá dầy đặc trên các báo điện tử, mạng xã hội và thông tin được mô tả khá chi tiết diễn biến sự việc và hành vi thực hiện. Như vậy, thay vì đạt được mục đích cảnh báo và định hướng dư luận xã hội, cách đưa thông tin không phù hợp vô hình chung đã tạo nên hệ quả ngược, đó là những người trẻ có thể bắt chước theo hành vi đó.

anh2-1720769350.jpg

Mỗi nhà báo phải là một sứ giả văn hoá, mỗi cơ quan báo chí phải là những con thuyền văn hoá trong dòng chảy của dân tộc

Báo chí phải kiến tạo, lan tỏa những giá trị tốt đẹp và nhân ái trong xã hội, góp phần hình thành nhân cách, lối sống 

Báo chí nước ta đang chịu sức ép không nhỏ của truyền thông xã hội. Cuộc cạnh tranh thông tin giữa báo chí và mạng xã hội diễn ra ngày càng gay gắt, quyết liệt. Báo cáo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 từng thừa nhận nguy cơ tụt hậu của báo chí trước sự phát triển rất nhanh của truyền thông xã hội cả về nội dung, khả năng dẫn dắt, định hướng thông tin đến phương thức tiếp cận công chúng, làm chủ công nghệ và thu hút nguồn thu. Một số cơ quan báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong tình hình hiện nay. 

Tuy nhiên, nhiệm vụ của báo chí cách mạng là phải tạo được dòng thông tin chủ lưu trên không gian số, càng trong tình trạng nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội thì công tác thông tin, định hướng dư luận xã hội của báo chí chính thống có vai trò hết sức quan trọng và cần thiết.

“Từ việc báo chí đưa thông tin đến việc bình luận khen, chê như thế nào đều có tác dụng điều chỉnh hành vi ứng xử của xã hội. Đặc biệt cần "xây" một cách tâm huyết, một cách nghệ thuật thì cái hay ấy mới lan tỏa nhanh trong đời sống. Tức là báo chí cần có nhiều hơn nữa những bài báo hay về cái hay, cái đẹp, những nhân tố tích cực trong đời sống. Bởi nếu báo chí mải chạy theo tia ra, câu view, quá thiên về mảng tiêu cực thì sẽ dễ gieo cảm xúc thiếu tích cực với người đọc”- GS.TS  Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng nhìn nhận. 

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, môi trường văn hóa có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhân cách, đạo đức, định hướng hành vi của con người. Một cơ quan báo chí coi trọng xây dựng môi trường văn hóa trước tiên sẽ tạo ra các tác phẩm giàu tính nhân văn, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Điều này còn thúc đẩy sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thiết thực và ý nghĩa để từng cá nhân trong các tòa soạn làm tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

 “Trong một thế giới phẳng hiện nay, báo chí có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Việc xuất bản các tài liệu, sách báo, tạp chí và phát sóng trên các phương tiện truyền thông nhằm phổ biến các giá trị tốt đẹp, quảng bá di sản văn hóa, bảo tồn bản sắc, phong tục truyền thống của dân tộc, sẽ tạo nên sự tự tin, hun đúc lòng tự hào cho mỗi người dân. Từ đó, giúp đất nước hội nhập tốt hơn trong quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, hình thành nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc từ những thông tin tích cực của báo chí” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh. 

Để làm được điều đó, để thực sự là “mỏ neo” thông tin trên không gian số, và trên hết là có thể làm tròn nhiệm vụ của một ấn phẩm văn hóa, cao hơn nữa là góp phần chấn hưng văn hóa, không gì khác là báo chí phải có được cho mình vị thế , trận địa thông tin vững chắc với những thông tin có nguồn gốc rõ ràng, được thẩm định chặt chẽ và nội dung thấm đẫm các giá trị chân-thiện-mỹ.

Đặc biệt, mỗi nhà báo phải là một sứ giả văn hoá, mỗi cơ quan báo chí phải là những con thuyền văn hoá trong dòng chảy của dân tộc. Mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có văn hóa sẽ ý thức được trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa.

Làm được điều đó, cũng có nghĩa báo chí đã góp phần vào công cuộc chấn hưng văn hóa, bồi đắp đạo đức xã hội. Như Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa từng khẳng định: Những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam là cội nguồn sức mạnh, giúp dân tộc ta trường tồn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách nghiệt ngã trước thiên tai, địch họa. Với sứ mệnh vẻ vang của người chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, mỗi người làm báo cần xác định rõ trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thắp lên ngọn lửa tri thức, lòng nhân ái trong toàn xã hội. Mỗi bài báo phải là một tác phẩm văn hóa, thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, đủ sức lay động lòng người, hướng tới các giá trị cao đẹp của chân - thiện - mỹ.
 

Thư Nguyễn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bai-3-chan-hung-van-hoa-han-gan-dut-gay-dao-duc-xa-hoi-khi-truyen-thong-duoc-goi-ten-a25613.html