Xin chào họa sĩ Phạm Anh! Là hoạ sĩ trẻ sinh sống tại Đà Nẵng, anh nhận định thế nào về thị trường mỹ thuật này hiện nay?
Tôi chuyển từ Huế vào đây từ 2015 đến nay đã gần một thập kỷ, chứng kiến nhiều biến động kinh tế xã hội trong thời gian vừa qua. Ở Đà Nẵng, có thể nói, hầu như không có thị trường về mua bán trao đổi tác phẩm nghệ thuật, chỉ dừng lại ở các dòng tranh in, tranh thương mại decor phục vụ trang trí các khách sạn, resort... Ở đây, người nhiều tiền hầu như họ chỉ quan tâm đến các sản phẩm có giá trị kinh tế khác hoặc là bất động sản. Họ có thể xây nhà rất đẹp, rất lớn nhưng không treo tranh, nếu có cũng là sản phẩm của tranh in, tranh decor, các loại tranh trang trí phong thủy. Hầu hết người ta treo tranh hay đồ trang trí lại quan tâm đến xem có hợp mệnh, hợp phong thuỷ, mà quên mất yếu tố chính là "giá trị nghệ thuật". Vẫn có các cuộc triển lãm nghệ thuật thuần tuý được Hội Mỹ thuật thành phố hoặc các các nhân, nhóm hoạ sĩ tổ chức hàng năm nhưng hầu như vắng bóng người xem, chỉ những người trong giới mỹ thuật quan tâm tới xem và chúc mừng triển lãm.
Anh tiếp cận với thị trường mỹ thuật như thế nào?
Đà Nẵng không có thị trường. Các tác phẩm của tôi hầu hết được các nhà sưu tập ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sưu tập. Ở Đà Nẵng vắng bóng các curator (giám tuyển hay nhà quản lý nghệ thuật), nhà phê bình, hay gallery nghệ thuật thuần tuý nên việc các hoạ sĩ tiếp cận với thị trường nghệ thuật là rất khó, dường như đó là việc tự thân tự vận động của mỗi hoạ sĩ. Có thể nói ở hai đầu đất nước có thị trường nghệ thuật rất tốt, ý tôi là tốt hơn so với mặt bằng chung trong nước. Tôi dành thời gian chủ yếu cho sáng tác và bên cạnh đó thì tôi tham gia các cuộc triển lãm tập thể, solo cá nhân, hoặc do Bộ Văn hóa tổ chức hằng năm. Đó cũng là cách mà tôi mang nghệ thuật của mình đến với công chúng và một phần nào đấy tiệm cận trực tiếp với thị trường mỹ thuật.
Theo anh, tiêu chí nào để mua một tác phẩm nghệ thuật?
Không có theo tiêu chí nào mà nó phụ thuộc vào cảm quan và kiến thức của người chơi nghệ thuật hay gọi là nhà sưu tập, vì thực tế mỗi hoạ sĩ vẽ mỗi cách khác nhau, mỗi trường phái khác nhau.... Người hoạ sĩ cần phải vẽ lao động tạo ra tác phẩm nghệ thuật có giá trị và tiêu chí đánh giá anh ta cũng tạo ra từ đó. Quyết định là ở người mua tác phẩm. Người mua không tự dưng mua tác phẩm nghệ thuật một cách chộp giật, tuỳ hứng hoặc a dua. Họ cũng phải học hỏi trau dồi kiến thức, dành thời gian đi xem các triển lãm trong và ngoài nước hay các viện bảo tàng trên thế giới... Từ đó, họ tiếp cận với nghệ thuật, hiểu được giá trị nghệ thuật và khi ấy, họ có thể mua những tác phẩm có giá trị. Việc quảng bá hay truyền thông cho nghệ thuật để phổ cập đại chúng là một việc dài hơi, tốn rất nhiều thời gian.
Giám tuyển và vai trò của giám tuyển quyết định đến đầu ra của tác phẩm nghệ thuật chăng?
Curator hay là giám tuyển mỹ thuật là người quản lý các nghệ sĩ, họ làm triển lãm, viết lách phê bình, kết nối nghệ sĩ với với các nhà sưu tập. Họ là cầu nối giúp nghệ thuật đến với công chúng và cuối cùng họ cũng là người được hưởng lợi từ nghệ sĩ. Ở những nơi thị trường nghệ thuật phát triển như ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay nhiều nơi khác trên thế giới, người nghệ sĩ là người thực hành nghệ thuật. Họ lao lực với công việc của mình ở xưởng, còn việc các tác phẩm của nghệ sĩ đến với thị trường và công chúng là việc của người giám tuyển.
Vai trò của người giám tuyển rất quan trọng trong vấn đề đưa nghệ thuật đến với công chúng và tiếp cận thị trường. Nếu để người nghệ sĩ “ôm” tất cả thì sẽ không hề dễ dàng và sẽ bị gián đoạn rất nhiều thời gian, họ không thể tập trung cho việc sáng tạo nghệ thuật.
Anh từng bán một tác phẩm nghệ thuật đáng nhớ và ấn tượng nhất?
Tôi có quen một nhà sưu tập người Úc sống tại Hà Nội. Đầu năm 2024, anh ấy biết tôi qua Facebook và muốn đến thăm xưởng vẽ của tôi. Khi đến nơi, anh ấy xem rất nhiều tác phẩm nhưng bất ngờ vì bộ tác phẩm "Lập phương" và đứng ngắm rất lâu. Tôi cũng rất bất ngờ và sau khi nói chuyện mới biết là anh ấy đã từng xem tác phẩm "Lập phương" của tôi trong triển lãm chung kết cuộc thi Dogma Prize 2015, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Anh ấy nói rất thích và ấn tượng với tác phẩm nhưng không cách nào liên lạc được với tôi, khi anh quay trở lại, triển lãm đã kết thúc. Bẵng đi gần một thập kỷ, đầu năm nay anh ấy trở lại Việt Nam và thật hữu duyên khi kết nối được với tôi. Sau buổi nói chuyện đó, anh ấy đã quyết định sở hữu tác phẩm. Qua đó để thấy người hoạ sĩ tiếp cận được với thị trường không hề dễ dàng, cần có hành trình lao động sáng tạo nghệ thuật bền bỉ. Nếu tôi vì cuộc sống khó khăn mà kiếm việc khác để làm, chắc chắn mọi thứ sẽ bị gián đoạn hoặc thậm chí không quay trở lại làm nghệ thuật. Bởi thế, trong cuộc sống gia đình, tôi vẫn phải luôn cân bằng giữa chuyện cơm áo và nghệ thuật.
Cảm ơn anh đã chia sẻ, chúc anh mọi điều tốt đẹp nhất!
Phụng Thiên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vai-nhan-dinh-cua-hoa-si-pham-anh-ve-thi-truong-my-thuat-da-nang-hien-nay-a25692.html