Năm học 2024 - 2025 là năm học hoàn chỉnh chặng đường triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cả 3 lớp cuối cấp (5, 9, 12) và cũng là năm đầu tiên môn Ngữ văn chính thức bắt buộc thực hiện đổi mới thi, tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT theo tinh thần công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ký ban hành.
Việc đổi mới cách kiểm tra, đánh giá môn học này được thể hiện rất rõ trong nội dung yêu cầu khi làm đề kiểm tra, đề thi: “Tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”; “khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh”.
Có thể nói, với nội dung yêu cầu này, trước thềm năm học mới, khi yêu cầu của công văn đã chính thức bắt buộc trở thành hiện thực trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT, truyền thông lại bắt đầu “nóng” lên với nhiều ý kiến trao đổi.
Là một giáo viên từng trực tiếp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở trường THCS trong những năm qua, chúng tôi xin được trao đổi một vài ý kiến nhằm góp một tiếng nói vào công cuộc đổi mới này của bộ môn. Hy vọng sẽ đưa đến một cái nhìn khách quan đối với công cuộc đổi mới. Đồng thời đề nghị với các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường một số nội dung nhằm tạo các điều kiện, tạo sự yên tâm để định hướng, hỗ trợ cho giáo viên một tâm thế tích cực trong việc đổi mới việc dạy học môn Ngữ văn trong nhà trường.
Thứ nhất, chúng ta phải thấy rằng quan điểm đổi mới cách kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn của Bộ GDĐT trong Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 là rất tích cực. Tính đúng đắn của nó không chỉ được thể hiện trong mục tiêu: “Để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”; “phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh” mà còn được thể hiện trong việc tạo ra một cuộc “cách mạng” thực sự trong việc dạy học môn Ngữ văn.
Với cách làm đề kiểm tra và thi theo tinh thần này chúng ta sẽ chấm dứt việc học vẹt, học tủ của học sinh; chấm dứt việc đọc chép trong việc dạy học môn Ngữ văn. Có lẽ từ nay thay vào việc hướng dẫn học sinh “học thuộc lòng văn mẫu” giáo viên phải trang bị cho học sinh những lực nghe, nói, đọc, viết một cách nghiêm túc để các em có khả năng và kỹ năng thực hiện các yêu cầu của bài kiểm tra, bài thi.
Với việc “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết” này, trong thực tế nếu không có sự tiêu cực của người ra đề kiểm tra, đề thi hoặc trong các khâu của quá trình triển khai in ấn, lưu giữ đề kiểm tra, đề thi chắc chắn không bao giờ giáo viên và học sinh có thể dạy và học “trúng tủ”, không thể “đoán” được đề để “ôn” và “học thuộc lòng” nhằm đáp ứng được các yêu cầu như mong muốn về điểm số hay thành tích.
Theo hướng đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi bằng việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, học sinh muốn “vượt vũ môn” thành công, giáo viên phải thay đổi cách dạy học văn, từ trọng tâm việc dạy “cái” chuyển sang trọng tâm dạy học sinh “cách” (biết cách làm).
Các văn bản trong sách giáo khoa giờ đây không còn là đối tượng được sử dụng trong đề kiểm tra, đề thi mà chỉ có vai trò là những công cụ “mẫu” thực hành để hình thành nên các tri thức (kiến thức và kỹ năng) về cách “đọc”, cách “viết” trong quá trình học tập. Để rồi từ những tri thức được giáo viên hình thành trong quá trình học ở các công cụ “mẫu” trong sách giáo khoa, học sinh có thể vận dụng để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống và áp dụng vào việc giải quyết các yêu cầu trong đề kiểm tra, đề thi đặt ra.
Khi đối diện với những đề kiểm tra, đề thi đổi mới, các tri thức của học sinh tiếp thu được trong qua trình học tập sẽ được vận dụng để làm bài và thể hiện một cách rõ ràng trên mặt giấy. Theo đó khi chấm những bài thi, bài kiểm tra này giáo viên sẽ không còn thấy cảnh có những bài thi giống nhau. Căn cứ vào sản phẩm (kết quả) thu hoạch của quá trình đào tạo này các nhà giáo dục sẽ thấy “vàng” “thau” chắc sẽ không còn lẫn lộn.
Như vậy, ta thấy rõ việc thay đổi cách ra đề kiểm tra, đánh giá tất dẫn đến việc thay đổi cách dạy và cách học theo hướng rất tích cực; việc học và thực hành của học sinh sẽ thực chất, học sinh sẽ được trang bị những tri thức Ngữ văn nhất định để bước vào cuộc sống (không mang tính nhất thời phục vụ kiểm tra và thi cử và lấy điểm số, chạy thành tích).
Thứ hai, thực tế hiện nay vẫn còn giáo viên chưa thích ứng với việc đổi mới cách kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn bằng khâu đổi mới cách ra đề kiểm tra nên vẫn có hiện tượng kêu khó, áp lực, chất lượng chưa cao, học sinh lúng túng, ngữ liệu khó kiểm soát …
Thực trạng này theo tôi có những nguyên nhân: Năng lực giáo viên còn hạn chế (chưa nắm chắc chương trình, chuyên môn chưa vững); không chịu đổi mới (không tự làm đề, quen dùng đề có sẵn trên mạng, không chịu tìm ngữ liệu ngoài sách giáo khoa); muốn dạy học kiểm tra theo cách truyền thống để đỡ phải “căng não” tìm ngữ liệu, đỡ phải áp lực về kết quả kiểm tra của học sinh, thậm chí còn vụ lợi cho kết quả “dạy thêm học thêm” được đẹp hơn.
Đứng trước tình hình này, để thực hiện tốt hơn việc đổi mới ra đề kiểm tra, đề thi; chúng tôi thiết nghĩ các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn của mỗi cá nhân giáo viên, tổ nhóm chuyên môn trong nhà trường cần phải chủ động, tự giác và thiết thực; tránh hình thức. Tài liệu tham khảo trong các thư viện phải được bổ sung tăng cường, đặc biệt là các tác phẩm văn học vì đây là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho giáo viên lựa chọn được các ngữ liệu để làm đề kiểm tra, đề thi.
Người giáo viên muốn có một đề đúng, đề hay trước tiên phải nắm vững kiến thức, nắm vững chương trình để lựa chọn được các ngữ liệu tương ứng với chương trình học sinh được học và đưa vào đề kiểm tra, đề thi nhằm kiểm định những tri thức của học sinh đã được trang bị trong quá trình học tập. Thực tế này rất quan trọng. Đã có giáo viên không nắm vững chương trình nên đề kiểm tra ra chưa chuẩn, không sát với chương trình (đề kiểm tra chọn ngữ liệu chưa tương ứng với các nội dung kiến thức và thể loại của chương trình sách giáo khoa mà học sinh đang học).
Thực tiễn trong quá trình làm đề kiểm tra chúng tôi thấy nếu giáo viên ra được một đề đúng, đề hay có nghĩa là giáo viên cũng đã thể hiện được năng lực chuyên môn của mình (khả năng lực thẩm định ngữ liệu, nắm vững kiến thức và chương trình học).
Mặt khác, việc làm đề kiểm tra, đề thi cũng là một cách giáo viên tự bồi dưỡng chuyên môn cho chính mình. Để chọn được một ngữ liệu giáo viên phải đọc nhiều. Từ việc xác định được các tri thức cần kiểm tra và yêu cầu học sinh phải thực hiện trong đề kiểm tra, giáo viên phải tư duy rất nhiều. Trên cơ sở đọc tư liệu, phải tư duy chuyên môn mà giáo viên nâng cao được chuyên môn nghiệp vụ của mình, điều chỉnh được cách dạy và định hướng được cách học cho học sinh một cách phù hợp nhất. Hơn thế nữa việc làm đề kiểm tra, đề thi cũng là một biện pháp giúp giáo viên rèn luyện tính mô phạm, tính khoa học… của bản thân.
Thực tế cho thấy những giáo viên làm được đề kiểm tra là những người rất vững về chuyên môn, nghiệp vụ dạy học. Những giáo viên ngại làm đề kiểm tra, làm đề kiểm tra chưa phù hợp thường là những người còn thiếu cả tâm và tầm trong nghề, năng lực còn hạn chế.
Thứ ba, để nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn, cũng là nâng cao năng lực Ngữ văn của học sinh trong cuộc sống một cách thực chất bằng cuộc “cách mạng” đề kiểm tra, đề thi theo tinh thần của công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi thấy khi tiến hành cần phải nghiêm túc trong các khâu của quá trình làm đề kiểm tra, đề thi; khi triển khai kiểm tra và đánh giá kết quả học tập (khâu chấm bài).
Chúng ta phải trung thực, khách quan và không được chạy theo thành tích. Nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh phải chấp nhận những điểm số không như mong muốn có thể xảy ra để từ đó nhìn nhận, điều chỉnh lại cách dạy, cách học, cách quan tâm việc học tập con cái của mình cho phù hợp.
Thứ tư, để yên tâm giáo viên, học sinh cũng như dư luận xã hội trong công cuộc đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và thay sách giáo khoa, đặc biệt năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp lớp 12, chúng tôi thiết nghĩ các cấp quản lý giáo dục cần sớm hướng dẫn, công bố cấu trúc đề thi, soạn thảo đề thi minh họa để các giáo viên và học sinh nghiên cứu, học tập.
Đào Thị Thu Hiền
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/doi-dieu-suy-nghi-tu-viec-doi-moi-ra-de-kiem-tra-de-thi-mon-ngu-van-truoc-them-nam-hoc-moi-a25820.html