Từ bao giờ khoe thân, chửi tục trên mạng lại được xem như idol?

Không ít người khoe cơ thể, khoe clip nhạy cảm, chửi bậy, nói tục trên mạng nhưng thay vì bị lên án lại được tung hô như thần tượng.

images-1-1724387712.jfif
Nói tục chửi bậy từ bao giờ được xem như nét "văn hóa" mạng? Ảnh minh họa

Nếu như trước đây việc bị lộ ảnh, clip nóng là điều gì đó rất kinh khủng. Dù cố tình hay vô ý thì sự nghiệp, cuộc sống của người đó cũng ít nhiều bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực bởi dư luận và xã hội rất khó có thể chấp nhận. Thế nhưng ngày nay không ít người chọn khoe cơ thể, khoe clip nhạy cảm, chửi bậy, nói tục trên mạng mà chẳng hề ngại ngùng, hay e sợ.

Việc đáng nói là thay vì bị lên án thì nhiều người trong số họ lại được một bộ phận người dùng mạng tôn thờ như thần tượng và họ cũng dễ dàng kiếm tiền nhờ quảng cáo cho các nhãn hàng. Điều nghịch lý này khiến nhiều người giật mình tự hỏi từ bao giờ khoe thân, chửi tục trên mạng lại được tung hô như idol?

Sự suy đồi trong tư tưởng và đạo đức

Rất nhiều những hiện tượng “rác mạng” với những chiêu trò, clip nhảm nhí chứa những nội dung xấu độc, ngôn ngữ tục tĩu, phản cảm lại được đón nhận với lượng người xem lớn trong số đó phần lớn là những người trẻ. Trên nền tảng mạng xã hội Twitter, một nền tảng không kiểm duyệt đối với nội dung 18+, lướt một vòng các bài viết trên đây phóng viên không khỏi ngạc nhiên khi tràn lan các hình ảnh khoe thân, những clip nóng của người dùng mạng từ Việt Nam đến người nước ngoài.

Dưới những bức hình, clip đó là những lời kêu gọi theo dõi, chia sẻ. Những bài đăng này thu hút rất nhiều sự quan tâm, tương tác của người dùng và những người “sáng tạo” nội dung 18+ hiển nhiên trở thành thần tượng khi có nhiều người theo dõi họ.

Một vài nhãn hàng tranh thủ lượng người theo dõi của những người này bất chấp đặt họ quảng cáo, chụp hình sản phẩm và trả tiền cho họ với mức giá không kém những KOLs, KOCs sáng tạo nội dung lành mạnh, hữu ích khác.

Chính bởi sự tung hô và lợi ích kinh tế từ việc bán hàng khi có người theo dõi đó mà những người này càng bất chấp quay, đăng tải những nội dung khiêu dâm, bệnh hoạn và đăng tải lên mạng xã hội.

Hay như việc một idol TikTok nổi tiếng nhờ việc chửi bậy tục tĩu với những ngôn ngữ phản cảm lại được ủng hộ đến mức nhận được lời mời đóng một trong những bộ phim ăn khách nhất trong dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua. Việc này vô tình tiếp tay thêm cho những “idol”, “rác mạng” khác có thêm tự tin và niềm tin về một con đường thành công bằng cách dẫm đạp lên đạo đức xã hội.

tran-thanh-nam-nguoiduatin-1724387880.jpg
Phó Giáo sư Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

Khi hành vi xấu được nhân lên thì điều tốt đẹp dần mất đi

Đưa ra nhận định về nguyên nhân dẫn đến vấn đề này Phó Giáo sư Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Đầu tiên là chúng ta đang sống trong nền kinh tế chú ý. Sự chú ý của một cá nhân gây ra cho xã hội không cần biết là bền vững dựa trên những giá trị tích cực tốt đẹp hay là chỉ dựa trên những chiêu trò sốc, sex cũng đều có thể mang lại “uy tín”, “thương hiệu cá nhân”.

Thứ hai, những người này kém kỹ năng trên mạng xã hội, thiếu ý thức về nguy cơ lâu dài, thiếu nhận thức về pháp luật. Khi không vững về mặt giá trị, không được đào tạo và hình thành những giá trị cốt lõi bền vững như giá trị về sự tôn trọng: chính bản thân mình, người khác và luật pháp.

Đồng thời họ cũng không có kiến thức về sự an toàn ở không gian mạng, không nghĩ rằng những hành vi của mình như khoe thân, chửi bậy nó ảnh hưởng đến tương lai của mình như thế nào, có thể bị mất nhiều cơ hội ra sao?

Thứ ba nữa là họ không cập nhật kiến thức, thông tin về pháp luật để biết được hành động của mình là sai và có khung xử lý rõ ràng. Các nhãn hàng bất chấp hình tượng tốt hay xấu họ chỉ cần bán được hàng là sẵn sàng liên hệ đặt quảng cáo những người này.

Ngoài ra các nền tảng của các mạng xã hội này dù đã có cam kết với Chính phủ nhưng vẫn để lộ lọt rất nhiều những thông tin phản cảm lên. Chính vì vậy làm cho giới trẻ nghĩ rằng họ làm chẳng ảnh hưởng đến ai, họ vẫn làm được và kiếm tiền được thậm chí là rất nhiều tiền.

Có những trường hợp bán hàng khôn khéo lại chẳng có ai mua thế mà hở một chút, lộ một chút là người mua ầm ầm. Như vậy để thấy nhận thức, tầm văn hóa của công chúng nói chung là còn thấp, chỉ thích những gì đấy mang tính chất cấm kỵ mà không có một trình độ để thưởng thức về mặt văn hóa”.

Cũng theo Phó Giáo sư, việc thần tượng những người chửi bậy, nói tục, giang hồ mạng còn đến từ việc những hình ảnh đẹp, sang chảnh, lung linh được phô bày trên mạng đã từng hấp dẫn một bộ phận công chúng nhưng mà sau đấy họ phát hiện ra đấy chỉ là chủ nghĩa phông bạt thôi.

Thứ mà người dùng mong muốn được nhìn thấy là những điều thực tế, chính bởi vậy sau nhiều vụ việc dàn dựng bị khui ra người ta đã mất dần niềm tin và cho rằng hình ảnh lung linh, nhân ái không phải là câu chuyện thực, chỉ có trên lý thuyết, phim ảnh thôi.

Ngược lại với điều đó những “giang hồ mạng”, “rác mạng” chẳng cố tô vẽ lên lớp ngụy trang của sự tử tế, họ mặc sức quát tháo, chửi tục, lột đồ khoe thân trần trụi mà chẳng hề e sợ, kiêng nể ai. Và khi đã quá ngán ngẩm với những thứ giả tạo, một bộ phận người dùng cho rằng đấy mới là những người “sống thật”.

Giới trẻ nhìn các hình tượng đó rất là lệch lạc, méo mó, họ nghĩ rằng những người khoe thân, chửi tục ở trên mạng như vậy nhưng cuộc sống ngoài đời vẫn tốt, vẫn kiếm được nhiều tiền và được đón nhận. Và khi khả năng phân biệt những điều tốt xấu còn kém lại bị hấp dẫn bởi những thứ bề ngoài và thiếu nhận thức về hậu quả dẫn thì việc xuất hiện nhiều thần tượng “rác” như ngày nay cũng là điều dễ hiểu.

Hậu quả cho xã hội và biện pháp ngăn chặn kịp thời

Những hành vi và tư tưởng này gây nên những hậu quả xấu về mặt nhận thức của giới trẻ cũng như ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của xã hội. Phó Giáo sư Trần Thành Nam cho biết: “Những người trẻ học thông qua bắt chước cho nên càng có nhiều những hình ảnh xấu độc trên mạng càng làm cho giới trẻ mất sức đề kháng trở nên chấp nhận những hành vi xấu độc và lệch chuẩn đó.

Khi mà họ chấp nhận những hành vi xấu độc, lệch chuẩn và không muốn lên án thì họ sẽ bắt chước. Khi họ làm theo thì không chỉ làm y nguyên như thế mà còn làm cho nó sốc hơn và lệch chuẩn hơn tạo nên cái vòng luẩn quẩn để lan truyền hành vi xấu, độc trong khi hành vi đẹp thì không ai quan tâm. Hành vi xấu lan truyền quá nhiều trên không gian mạng, nó thay đổi luôn cả cái thế giới quan và nhân sinh quan của những người trẻ.

Những người trẻ sẽ bắt đầu hành xử với nhau một cách bạo lực, dùng những ngôn ngữ thô tục để giao tiếp với nhau rồi thậm chí là nghi ngờ thế giới này không công bằng khi để thành công không chỉ cần có tài năng mà cần những chiêu trò. Tất cả những điều này làm giảm chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta đặc biệt nguồn nhân lực thế hệ trẻ”.

Cũng theo ông Trần Thành Nam để ngăn chặn hành vi này, đầu tiên là việc phải giáo dục về mặt nhận thức để người trẻ lên mạng thấy những hành vi phản cảm, clip khoe thân thì tự biết rằng đây là hành động không đúng và không xem, chia sẻ, download những hành vi dung tục ấy.

Thứ hai, về phía nhà trường, gia đình và xã hội cần nâng cao năng lực số để tạo hệ vaccin số của người trẻ trên mạng xã hội, nâng cao giáo dục giá trị cho để hình thành hệ giá trị tốt để người trẻ khi gặp những giá trị xấu có sẵn màng lọc, bảo vệ khỏi bị nhiễm độc bởi những thứ đó. Bố mẹ đến giai đoạn con dậy thì, muốn khẳng định bản thân thì cũng phải đồng hành với con.

Thứ ba, các ông lớn công nghệ phải có trách nhiệm không được để các nội dung trái với thuần phong văn hóa lên không gian mạng, phải có bước kiểm duyệt để đảm bảo không có ngôn ngữ tục, hình ảnh khỏa thân, bạo lực… lên mạng.

Cuối cùng, tất cả những hành vi nào vi phạm quy tắc ứng xử trên không gian mạng phải được xử lý theo quy định và chúng ta cần nghiên cứu cách đánh giá công dân số trên mạng xã hội. Nếu liên tục vi phạm thì có thể bị trừ điểm giống như đề xuất trừ điểm bằng lái xe. Điểm số bị trừ và đến khi nào hết điểm thì sẽ bị cách ly khỏi không gian mạng trong một khoảng thời gian nhất định. Cần phải có thêm biện pháp này để tăng tính răn đe chứ không chỉ đơn giản là phạt tiền vì thực tế chỉ ra mức xử phạt không đáng kể so với số tiền họ kiếm được nhờ tai tiếng bởi những hành vi xấu, độc cho xã hội đó.

Lê Đình Trung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tu-bao-gio-khoe-than-chui-tuc-tren-mang-lai-duoc-xem-nhu-idol-a26178.html