Độc đáo nét đẹp và hương vị núi rừng Chợ phiên Lũng Vân ở xứ Mường Hoà Bình

Chợ Lũng Vân thuộc Xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình tọa lạc ngay tại trung tâm xã, nằm sát đường giao thông, thuận tiện thông thương, giao lưu, trao đổi nông sản, hàng hóa thiết yếu.

Với địa thế nằm ở phía Tây Nam huyện Tân Lạc, phía Đông giáp xã Ngổ Luông, phía Tây giáp huyện Mai Châu, phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Bắc giáp xã Quyết Chiến, chợ Lũng Vân không chỉ phục vụ bà con Vân Sơn mà còn là nơi hội tụ của bà con ở các xã, huyện "láng giềng".

1-1724577729.jpg
Chợ phiên Lũng Vân luôn đông vui, nơi thông thương nông sản xứ Mường của vùng cao Vân Sơn, Tân Lạc, Hòa Bình. Ảnh: Trần Vũ

Là một trong những chợ phiên nổi tiếng nhất chốn Mường Bi, chợ Lũng Vân nhỏ nhưng đông đúc nhộn nhịp từ ngoài chợ đến trong chợ, người dân họp chợ cả hai bên đường, từ đỉnh dốc gần UBND xã Vân Sơn, kéo dài xuống đường vào xóm Chiến, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lũng Vân, thậm chí tràn cả vào sân vận động của xã.

3-1724577812.jpg
Bà con có gì gùi xuống chợ bán nấy: Rau nhà, lá vườn, thuốc trên rừng, củ quả trên nương. Ảnh: Trần Vũ
12-1724578182.jpg
Những món ăn bản địa được bày bán ở chợ phiên Lũng Vân

Chợ Lũng Vân là nơi để bà con vùng cao chủ yếu đến trao đổi, mua bán nông sản của địa phương, mùa nào thức nấy, người dân ở các bản làng khu vực xã Vân Sơn và các xã lân cận mang đồ nông sản do chính mình sản xuất đến bày bán, chủ yếu là các loại rau củ quả. Mùa này bà con gùi xuống chợ Lũng Vân nhiều măng trúc, rau rừng, su su, ngô, bí, ớt, chuối, nhãn… để bán cho khách.

4-1724577915.jpg
Có một thứ hàng hóa được coi là "đặc sản" không thể không nhắc đến ở chợ Lũng Vân, đó là thảo dược. Ảnh: Trần Vũ

Có một thứ hàng hóa được coi là "đặc sản" không thể không nhắc đến ở chợ Lũng Vân, đó là thảo dược. Những bó lá thuốc xanh tươi hay những gói thuốc được sao khô bày bán ở mọi nơi trong chợ, được người dân giới thiệu là trị bệnh dạ dày, trị đau xương khớp, dành cho phụ nữ sau sinh, giúp ăn ngon, ngủ tốt.

Lâu nay, người ta truyền miệng nhau, lá thuốc ở Vân Sơn có nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe, vì thế, Vân Sơn được mệnh danh là "thung lũng tiên", "thung lũng trường thọ", nơi có nhiều cụ già trên dưới 100 tuổi vẫn minh mẫn, mạnh khỏe, vẫn giúp con cháu việc nhà, thậm chí vẫn đeo gùi lên rừng tìm lá thuốc về để phục vụ gia đình và đem ra chợ bán.

Cùng với những phong tục, tập quán riêng của vùng Mường cổ, người dân ở Vân Sơn tự hào vì có những bài thuốc quý với những loại lá cây rừng đặc trưng, có thể mang lại sức khỏe tốt để sinh tồn mạnh mẽ trên vùng núi cao.

5-1724578040.jpg
6-1724578060.jpg
Đến chợ Lũng Vân cũng có thể thưởng thức nhiều món ăn bản địa, trong đó có con chôm, chấu muỗm bắt trên rừng, được bày bán nhiều trong chợ

Đến chợ Lũng Vân cũng có thể thưởng thức nhiều món ăn bản địa, trong đó có con chôm, chấu muỗm bắt trên rừng, được bày bán nhiều trong chợ, có thể nướng ăn tại chỗ hoặc mua về chế biến các món ăn rất ngon và bổ dưỡng.

Điểm độc đáo của chợ phiên Lũng Vân là chỉ họp vào thứ ba hàng tuần, nên may mắn cho những ai đến xã miền núi Vân Sơn trùng với thời điểm họp chợ, có cơ hội chơi chợ. Khách du lịch lên Vân Sơn dịp cuối tuần thì không có cơ hội ấy.

Đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Lạc chia sẻ: “Sở dĩ chợ Lũng Vân được tổ chức vào thứ Ba hằng tuần là để dành thời gian cho bà con tham gia các phiên chợ khác trong huyện như: Thứ Hai, thứ Sáu họp chợ phiên xã Đông Lai; thứ Tư, thứ Bảy họp chợ Ngọc Mỹ; thứ Năm, Chủ Nhật họp chợ Thanh Hối”.

9-1724578128.jpg
Rất nhiều bạn nhỏ được theo người lớn xuống chợ, sắm đồ dùng học tập cho năm học mới. Ảnh: Trần Vũ
10-1724578154.jpg
Vào những dịp trước khai giảng năm học mới, Chợ phiên Lũng Vân nhộn nhịp hơn vì người dân kết hợp xuống chợ sắm đồ dùng học tập cho con em mình

Vào những dịp trước khai giảng năm học mới, chợ phiên Lũng Vân nhộn nhịp hơn vì người dân kết hợp xuống chợ sắm đồ dùng học tập cho con em mình. Những gian hàng phục vụ học sinh luôn đông khách mua hơn các hàng khác. Các gian hàng bán balo, cặp sách trong chợ cũng hút nhiều "khách nhí", các em đã được bố mẹ cho chọn những chiếc balo hiện đại, với quai đeo vai tiện dụng và nhiều ngăn chứa đồ, thuận tiện hơn cho việc mang đồ dùng học tập đến trường, thay cho những chiếc túi vải quàng qua người trước đây.

Các gian hàng bán quần áo trong chợ dịp này cũng luôn tấp nập kẻ bán người mua. Đông khách nhất thường là hàng bán trang phục dân tộc Mường, vì nơi đây đại đa số người Mường sinh sống. Các em nhỏ xúng xính thử các bộ váy áo truyền thống, trang phục không thể thiếu trong hành trang của các em khi bước vào năm học mới.

Một phụ huynh chia sẻ, “trong một tuần sẽ có một ngày các học sinh mặc trang phục của dân tộc mình đến trường, nên các con được theo xuống chợ chọn trang phục cho vừa vặn, nhà nào bán được nhiều nông sản sẵn sàng mua cho con 2 bộ trang phục dân tộc để mặc trong những dịp trọng đại”.

14-1724578291.jpg
Màu sắc và hoa văn bắt mắt của trang phục dân tộc Mường

Trang phục truyền thống dân tộc Mường có rất nhiều nét cuốn hút, đặc biệt là trang phục của phụ nữ Mường. Thường là chiếc áo pắn cánh ngắn mầu trắng, đỏ, nâu, tím... với ống tay dài, bên trong mặc áo yếm dệt tỉ mỉ các hoa văn độc đáo gắn liền với chiếc váy dài màu đen chạm tới mắt cá chân, ngoài ra còn chiếc khăn trắng hoặc xanh đội đầu.

Trong bộ y phục của phụ nữ Mường bắt mắt nhất có lẽ là phần yếm váy và chiếc dây lưng được dệt, trang trí hoa văn rất tinh tế và mang màu sắc rực rỡ.

Một số người bán hàng cho biết, rất nhiều du khách đến chợ phiên thường hay mua dây thắt lưng đủ sắc màu của người Mường rồi sử dụng làm khăn quàng cổ trông ấn tượng, đẹp mắt. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số người dân địa phương, hiện nghề thêu, dệt truyền thống ở nơi đây bị mai một, nên phần lớn trang phục được cung cấp từ nơi khác mang đến chợ bán.

15-1724578328.jpg
Những bà, những mẹ chọn mua quần áo mới

Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Lạc cho biết thêm, cùng với việc cần thiết đầu tư vào hạ tầng, Vân Sơn cũng rất cần đa dạng hóa các loại hình trải nghiệm cho du khách khi đến với "chốn tiên cảnh vùng cao”, trong đó có việc thay đổi thời gian tổ chức chợ phiên Lũng Vân. Theo đó, cơ quan chức năng dự kiến sẽ thay đổi thời gian tổ chức chợ phiên Lũng Vân chuyển từ thứ Ba hàng tuần sang Chủ nhật hàng tuần

"Việc tổ chức chợ phiên Lũng Vân vào sáng Chủ nhật rất phù hợp cho du khách lên Vân Sơn du lịch, sau khi trải nghiệm các loại hình du lịch độc đáo xứ Mường sẽ ghé chợ phiên Lũng Vân mua sản phẩm nông sản mang về làm quà. Sự chuyển đổi này là cần thiết và phù hợp với mục tiêu phát triển các loại hình du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, nâng cao cuộc sống người dân gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp của địa phương. Và khi đó, dẫu không phải ngày giáp Tết Độc lập hay Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, chợ Lũng Vân vẫn đông vui, nhộn nhịp, là điểm hẹn hấp dẫn của người dân và du khách thập phương”.

7-1724578402.jpg
Chợ là nơi giao thương, trao đổi hàng hoá của người dân Mường, Thái, Kinh... sinh sống trên địa bàn và vùng lân cận. Ảnh: Trần Vũ

Người dân Vân Sơn chia sẻ, họ luôn ngóng chờ đến chợ phiên Lũng Vân, được bước chân xuống chợ là niềm vui của họ sau những lúc leo nương, lội ruộng, lên rừng, băng suối.

Chợ Lũng Vân không chỉ là nơi giao thương mà còn là điểm hẹn, nơi gặp gỡ, giao lưu của người dân trong vùng, là nơi trải nghiệm của du khách khi du lịch tới chốn "thung mây” này. 

Xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, với độ cao chừng 1.200 mét so với mực nước biển, người dân nơi đây cho biết, trước đây xã Vân Sơn gọi là Lũng Vân hay Thung Mây, xa xưa nữa gọi là Mường Chậm, gọi là Lũng Vân là vì nơi đây lọt thỏm trong thung lũng trù phú với bốn bề núi cao dựng đứng, quanh năm mây trắng bao phủ.

Đây là một trong 4 cái nôi văn hóa lớn và cổ xưa nhất ở xứ Mường Hòa Bình, với cộng đồng người Mường định cư lâu đời, sống tập trung trên các triền đồi, tứ phía là núi rừng và các thửa ruộng, không khí thoáng đãng, trong lành.

Một ngày ở đây có tới 4 mùa: sáng mát mẻ như mùa Xuân, trưa hửng nắng như mùa Hạ, chiều se lạnh như mùa Thu và đêm rét buốt như mùa Đông, nhiều người ví von Lũng Vân như "Đà Lạt của tỉnh Hòa Bình".

 

Mộc Miên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/doc-dao-net-dep-va-huong-vi-nui-rung-cho-phien-lung-van-o-xu-muong-hoa-binh-a26360.html