Chuyến tham quan và trải nghiệm Lễ hội Cổ Cò cùng Câu lạc bộ (CLB) Di sản Áo dài Việt Nam tại Đà Nẵng là một hành trình đầy cảm xúc, ngập tràn màu sắc và văn hóa.
Chúng tôi bắt đầu hành trình vào một ngày cuối tháng 8, cùng các thành viên của CLB lên xe di chuyển từ trung tâm Đà Nẵng đến Công viên Lăng Bà Cồn Động (đường Trường Sa) phường Cẩm An, TP. Hội An, Quảng Nam - nơi tổ chức lễ hội.
Không khí trong xe tràn ngập tiếng cười, những tiếng hát vui vẻ vang lên, hòa quyện cùng hình ảnh các tà áo dài truyền thống thướt tha bay phấp phới. Những nụ cười tươi tắn, ánh mắt rạng rỡ của các thành viên làm không khí càng thêm phấn khởi. Ai nấy đều hào hứng mong chờ sự kiện đặc biệt này, một lễ hội đầy ấn tượng, nơi mà truyền thống và nét đẹp dân tộc sẽ được tôn vinh.
Trên đường đi, chị Lê Thị Lý, Chủ nhiệm CLB, kể về sự hình thành và mục tiêu của CLB Di sản Áo dài. Vừa chính thức ra mắt vào giữa tháng 8, CLB là một nỗ lực đáng tự hào trong việc bảo tồn tà áo dài - biểu tượng văn hóa đặc trưng của người Việt Nam.
Ngay khi ra đời, CLB đã không ngừng lan tỏa tình yêu và giá trị của áo dài qua nhiều hoạt động, từ thiện nguyện đến các buổi trình diễn thời trang áo dài, không chỉ dành riêng cho phụ nữ trung niên mà còn là sân chơi cho các tài năng trẻ, những nhà thiết kế đam mê sáng tạo.
Đến Hội An, một không gian lung linh hiện ra trước mắt chúng tôi. Dòng sông Cổ Cò (Đế Võng) huyền thoại chảy êm đềm ven không gian văn hóa truyền thống, tạo nên bức tranh bình yên, hữu tình. Cùng lúc, Lễ hội Cổ Cò đang diễn ra sôi động, với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật, các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc đan xen cùng với hội thi ẩm thực, cũng như “phiên chợ làng chài” đặc sắc, tour trải nghiệm bằng ghe chèo tay khám phá dòng sông Cổ Cò thơ mộng đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan, trải nghiệm, mua sắm.
Trong bộ áo dài thướt tha, các thành viên CLB Di sản Áo dài tiến bước nhẹ nhàng, tham gia dự lễ khai mạc và các hoạt động chính của lễ hội. Màu sắc đa dạng của những tà áo dài như hòa quyện với vẻ đẹp mộc mạc, thanh bình của dòng sông Cổ Cò. Những tà áo dài của CLB đã làm sáng bừng không gian lễ hội, tôn vinh vẻ đẹp tinh tế và truyền thống của trang phục dân tộc.
Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất là khi cả CLB cùng nhau chụp ảnh bên dòng sông. Những bức ảnh lưu giữ lại không chỉ là kỷ niệm đẹp mà còn là thông điệp mạnh mẽ về việc gìn giữ và phát triển văn hóa áo dài. Dưới ánh nắng cuối hè, những tà áo dài rực rỡ bay trong gió, tạo nên khung cảnh thơ mộng, đầy cảm hứng.
Chị Lê Thị Lý chia sẻ, sự tham gia của CLB tại Lễ hội Cổ Cò không chỉ là cơ hội để tôn vinh di sản áo dài mà còn là dịp để kết nối, giao lưu với các tổ chức khác, làm phong phú thêm văn hóa của vùng đất Hội An. Đặc biệt, chị không giấu được sự xúc động khi đứng bên dòng sông huyền thoại, nơi mà thiên nhiên và con người như hòa quyện vào nhau, tạo nên vẻ đẹp mê hoặc lòng người.
Chuyến tham quan và trải nghiệm Lễ hội Cổ Cò của CLB Di sản Áo dài Việt Nam tại Đà Nẵng đã khép lại, nhưng những dư âm tốt đẹp vẫn còn đọng lại trong lòng người dân và du khách. Hình ảnh những tà áo dài thướt tha bay trong gió, hòa cùng cảnh sắc thơ mộng của dòng sông Cổ Cò, không chỉ tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của áo dài mà còn gợi lên niềm tự hào về di sản văn hóa dân tộc. Lễ hội không chỉ là nơi giao lưu, kết nối mà còn là dịp để lan tỏa tình yêu áo dài, để lại dấu ấn khó phai trong mỗi người tham dự./.
Tiên Sa
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cau-lac-bo-di-san-ao-dai-viet-nam-tai-da-nang-tham-gia-le-hoi-co-co-ben-dong-song-huyen-thoai-a26616.html