Sau chiến thắng chống quân xâm lược nhà Minh (Trung Quốc), đầu tháng 4 năm Mậu Thân 1428, Lê Lợi chính thức lên ngôi Hoàng đế tại điện Kính Thiên, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, khôi phục lại quốc hiệu Đại Việt.
Vương triều nhà Hậu Lê chính thức được thành lập.
Triều nhà Hậu Lê được chia làm hai thời kỳ, đó là thời Lê Sơ, và thời kỳ Lê Trung Hưng.
Thời Lê Sơ tồn tại từ năm 1428 đến năm 1527 thì bị nhà Mạc thay thế.
Vào năm 1533 tại Thanh Hóa, Nguyễn Kim lập Lê Duy Ninh lên làm vua, hình thành một triều mới của nhà Lê, sử cũ gọi là nhà Lê Trung Hưng.
Nhà Lê Trung Hưng tồn tại đến năm 1789 thì bị sụp đổ. Cua cuối cùng của nhà Lê Trung Hưng là vua Lê Chiêu Thống, chạy sang nương nhờ nhà Thanh (Trung Quốc) và chết ở bên Trung Quốc.
Nhà Hậu Lê truyền nối tổng cộng được 27 đời vua (thời lỳ Lê Sơ truyền nối được 11 đời vua, thời kỳ Lê Trung Hưng truyền nối được 16 đời vua).
Về tình hình chính trị: Hệ thống chính quyền phong kiến ngay từ thời đầu của Lê Lợi đã chi phối khá chặt chẽ xuống tận xã. Tất cả hệ thống chính quyền ấy đều tập trung quyền hành vào tay triều đình trung ương, đứng đầu triều đình là vua, rồi đến các chức Tả, Hữu tướng quốc, Tam tư, Tam thái, Tam thiếu dành riêng cho nhưng tôn thất và đại công thần.
Dưới là hai ngạch văn ban và võ ban. Văn ban có chức Đại hành khiển đứng đầu, rối đến thượng thư các bộ và đến các cơ quan chuyên trách như Khu mật viện, Ngũ hành viện, Bí thư giám, Hàn lâm viện, Ngự sử đài, Quốc Tử Giám...
Võ ban có các chức Đại tổng quản, Đại đô đốc, Đô tổng quản cầm đầu chỉ huy các quân thường trực ở kinh thành và các vệ quân ở các đạo, dưới có các võ tướng cao cấp khác.
Đến thời Lê Trung Hưng, quyền hành đều nằm trong tay các chúa Trịnh, các vua nhà Lê lúc đấy cũng chỉ là bù nhìn.
Nhìn chung, bộ máy Nhà nước thời Lê Sơ chủ yếu vẫn là dựa vào quy chế tổ chức của các triều đại trước đó, tuy nhiên đến thời Lê Sơ thì nó đã là một bước tiến về mức độ tập trung chính quyền.
Về luật pháp: Ngay sau khi lên làm vua, Lê Lợi đã cùng với các quan đại thần bàn định một số luật lệ và lo đến việc lập pháp.
Dưới thời vua Lê Thánh Tông, vào năm 1483, nhà vua đã sai các triều thần sưu tập tất cả các điều luật, pháp lệnh đã ban bố và thi hành trong các triều vua thời Lê Sơ, xây dựng thành một bộ pháp điển hoàn chỉnh, gọi chung là Lê Triều hình luật, hay còn được gọi là Luật Hồng Đức.
Đến thời Lê -Trịnh, bộ luật này được sửa sang và thêm một số điều.
Về tổ chức quân đội và quốc phòng: Tổ chức quân đội được xây dựng có quy củ hùng mạnh và trên cơ sở một đội quân hùng mạnh, nhà Lê đã tiến hành một chính sách cương giới rất cương quyết, nên trong thời nhà Lê, biên giới của nước ta đã được giữ gìn, bảo vệ chặt chẽ, quốc phòng thì được củng cố vững chắc.
Về mặt đối ngoại: Đối với nhà Minh, nhà Lê vẫn giữ quan hệ hòa hiếu và sau này đến thời Lê - Trịnh, Nhà nước vẫn giữ mối quan hệ hòa hiếu với nhà Thanh (Trung Quốc). Còn đối với Champa và Ai Lao, nhà Lê cho các nước trên được thuần phục và hàng năm các nước trên phải triều cống cho nhà Lê.
Về văn hóa giáo dục và thi cử: Triều đình nhà Lê chú trọng đặc biệt đến việc giáo dục đào tạo nhân tài.
Năm 1429, Lê Lợi đã cho mở khoa thi đầu tiên của nhà Lê, gọi là Khoa Minh kinh Bác học. Vua Lê Thái Tông nối ngôi đã chuẩn bị cho những khoa thi có quy chế chặt chẽ.
Năm 1434 nhà vua có lệ định cứ 5 năm thi hương và 6 năm thi Hội một lần. Đến năm 1438, nhà vua đã sửa đổi lại cứ 3 năm thi Hội một lần, và những người trúng tuyển đều liệt vào hàng tiến sỹ xuất thân và ban hành lệ cứ 3 năm một lần thi đã trở thành thông lệ.
Chế độ khoa cử của triều Hậu Lê rất nghiêm, nhất là dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Năm 1462, vua Lê Thánh Tông định lại lệ thi Hương và đến năm 1472, phép thi Hội lại được định lại.
Đến năm 1484, vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh cho tiến sỹ Thân Nhân Trung ghi tên tuổi các vị tiến sỹ vào bia dựng ở Văn Miếu Quốc - Tử Giám.
Thời kỳ Lê Trung Hưng, vẫn giữ phép thi của thời Lê Sơ.
Đến năm 1554 mới bắt đầu thi chế khoa cho đậu hạng tến sỹ xuất thân và tiến sỹ đồng xuất thân.
Đến năm Kỷ Sửu 1589 đời vua Lê Thế Tông, triều đình mở thi Hội ở Tây Đô, từ đó trở đi, lệ cứ 3 năm mở khoa thi một lần, nhưng phép thi còn sơ lược hơn thời Lê Sơ.
Năm Giáp Thìn 1664, đời vua Lê Huyền Tông, chúa Trịnh Tạc mới định lại lệ thi Hội cho có quy củ hơn.
Dưới thời vua Lê Dụ Tông (1680 - 1731), triều đình vì thiếu tiền, nên đặt ra lệ người đi thi phải nộp tiền Minh Kinh để lấy tiền làm trường học và phí cho quan trường chấm trường thi.
Đến thời vua Lê Hiển Tông (1716 - 1786), quốc khố thiếu hụt vì phải lo chiến tranh, nên triều đình lại đặt lệ thông kinh nghĩa, hễ ai nộp ba quan thì được đi thi mà không cần phải hảo hạch. Thành ra theo tệ đoan ấy, những người ít học, nhưng có tiền cũng đi thi, chính vì vậy mà việc mua quan bán tước diễn ra ngày càng nhiều.
Dưới thời Lê Trung Hưng, ngoài các khoa thi định kỳ, triều đình còn mở những khoa thi bất thường như khoa thi Vọng, khoa Đông các, khoa Hành từ, khoa Tuyển cử (sử không ghi rõ chương trình của các khoa thi này).
Thời Lê Trung Hưng tính từ khoa thi năm Giáp Dần 1554 đến khoa thi năm Đinh Mùi 1787, triều đình đã mở tổng cộng 73 khoa thi, lấy đỗ 772 Tiến sỹ.
Nhìn chung, thời Lê Sơ và thời Lê Trung Hưng, vương triều nhà Lê được thành lập từ năm 1428 đến năm 1789 tồn tại đúng 355 năm (bị gián đoạn 6 năm từ năm 1527 - 1533), trong thời gian tồn tại đó, vương triều nhà Hậu Lê cũng có rất nhiều đóng góp trong yiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1.Đại cương lịch sử Việt Nam tập 1, Trương Hữu Quýnh (chủ biên), NXB Giáo dục, năm 2000
2.Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1884, GS Nguyễn Phan Quang, TS Võ Xuân Đàn, NXB TP. HCM, năm 2000
3.Khoa cử và giáo dục Việt Nam, tác giả Nguyễn Quyết Thắng, NXB Tổng hợp TP. HCM, năm 2005.
Vương Quốc Hoa
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vuong-trieu-nha-hau-le-trong-lich-su-trong-lich-su-phong-kien-viet-nam-a26831.html