Bây giờ đang giữa mùa heo may, chỉ còn nắng vàng óng ả trên những hàng cây nghiêng ngả, xơ xác. Vậy là phố cũng qua rồi mùa lá rụng, đi theo cơn bão. Những con đường vàng lá từng nhộn nhịp người đến để mê mải thả dáng chụp hình lưu giữ khoảnh khắc xuân thì nay cũng đang buồn thiu mặc cho người xe vẫn cứ rộn ràng qua lại.
Đúng là bao nhiêu năm rồi Hà Nội mới lại có một cơn bão to đến thế, mới phải hứng chịu một trận lụt lội lớn đến như vậy. Một số nơi, nước sông Tích, sông Bùi vẫn ngập tràn lênh láng; làng mạc, đường đi lối lại vẫn đang còn chìm sâu trong nước.
Cũng may thời nay khoa học đã tiến bộ và truyền thông cũng rất phát triển không thì hậu quả của Yagi để lại không biết khôn lường đến nhường nào. Cơn cuồng phong gầm réo đi qua chỉ thoáng chốc mà làm cho người ta sợ hãi đến giờ chưa hết nhưng dù sao cũng chưa khủng khiếp bằng hoàn lưu của nó trên các vùng thượng du phía Bắc. Không chỉ là những dòng nước đục ngầu ngập tràn đồng, bãi, làng, bản, phố phường mà còn cả những trận nở núi sạt đồi làm thành những dòng sông bùn nhầy nhụa nhấn chìm cả thôn bản với biết bao nhà cửa và hàng trăm sinh linh vô tội.
Trời ơi, Yagi, cái điều tưởng như không tưởng đã trở thành sự thật. Cơn đại hồng thủy ở miền Bắc, sự “nổi giận” của “bà mẹ thiên nhiên” đã bắt đầu. Yagi, cơn bão đã đi qua và đem theo bao nhiêu mất mát đau thương nhưng cũng để lại cho người ta bao điều phải làm và phải nghĩ.
Ta vốn không thích bão nhưng ta cũng không bao giờ tránh được bão. Trong ta bão hiện lên như một mụ phù thủy độc ác chỉ chờ sơ hở của loài người là xông đến với những gió, mưa, sấm sét để dâng nước cướp của, giết người cho thỏa nỗi khát thèm mang đầy tính bản năng.
Ngày xưa, người ta bảo rằng đấy là Thủy Tinh dâng nước đánh Sơn Tinh hòng cướp lại nàng Mỵ Nương xinh đẹp tuyệt trần. Cái việc tranh cướp, giằng giật nhau ấy năm nào chẳng diễn ra. Thủy Tinh đâu có chấp nhận thua cuộc Sơn Tinh một cách dễ dàng như thế. Cho nên thần cứ “năm năm báo oán, đời đời đánh ghen” để cho những cơn bão năm nào cũng xuất hiện, khiến cho loài người không thích thì cũng cứ phải giáp mặt. Bởi vậy, những cơn bão và các trận lũ chẳng thể nào mất đi đâu được. Nó tự sinh tự diệt theo quy luật của đất trời. Và ta cũng không bao giờ tránh được những trận bão lũ, lụt lội như thế. Ta phải sống chung cùng với bão, với lũ lụt. Con người chúng ta còn phải cùng nhau dắt tay đi trong bão, lội trong nước ngập, cho đến bao giờ mặt trời không còn tỏa nắng được nữa thì mới thôi. Cho nên, dù đã muộn nhưng chúng ta vẫn cần hành động, ứng xử và sống thân thiện với bão, với mưa lũ, với mẹ thiên nhiên.
Nhìn lại, khi Yagi đã đi qua, nếu dự báo và ý thức cảnh giác như người làng Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, hậu quả sẽ đỡ thảm khốc hơn rất nhiều; nếu hạ tầng chống lũ của ta tốt hơn nữa thì muôn dân cũng đỡ thiệt hại biết bao nhiêu; nếu đồi còn xanh với những rừng cổ thụ cắm rễ sâu trong lòng đất thì cũng có khi đâu nên nỗi “đất chảy” hóa bùn thành cả “dòng sông”… nếu và nếu …
Nghĩ như thế, bất chợt, ta toảng giật mình nhớ đến lời dặn của các cụ ngày xưa. Liệu có phải chăng vì người ta đã ăn quá nhiều của rừng mà đến lúc phải trả bằng nước mắt rưng rưng …
Khi Yagi đi qua người ta chợt nhớ đến cơn bão cuồng phong của những năm Giáp Thìn trong khoảng trên dưới trăm năm trở lại mà không khỏi hoảng sợ. Trận bão lụt năm 1904 đã làm cho vùng đất Nam Bộ tan hoang, Trung Bộ ngập sâu trong nước. Cả nước năm đó bị Thủy Tinh lấy đi khoảng mười ngàn người. Rồi đến trận đại hồng thủy năm 1964 quét qua Quảng Nam, nước lũ xé toạc cả núi đá cuốn phăng đi, xóa sổ biết bao làng mạc bên đôi bờ Thu Bồn và Vu Gia khiến cho khoảng sáu ngàn người thiệt mạng, trong đó có làng với khoảng gần một ngàn rưỡi người sau bão chỉ còn lại mười chín người…
Bão Yagi, tuy chưa thông kê đầy đủ nhưng số người chết và mất tích cũng phải đến ngót bốn trăm. Đúng là “thủy - hỏa - đạo - tặc”, thời nào cũng vậy. Bốn mối nguy cơ ám ảnh con người mà các cụ truyền lại kinh nghiệm cho đời sau để biết đường phòng tránh chẳng hề sai. Mất của đã tiếc, mất người còn xót hơn. Trong mưa lũ tang thương người ta trách trời oán đất nhưng rồi khi bình tĩnh lại để ngẫm người ta hẳn sẽ thấy lũ lụt cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Nghĩ tiêu cực là vậy. Nhưng cứ giả thử không có mưa lũ thì làm gì có những châu thổ mênh mông. Không có lũ lụt thì làm gì có những cánh đồng phù sa màu mỡ. Không có mưa lũ thì nguồn nước ngọt, hệ sinh thái, độc tố trong đất rồi… sẽ ra sao? Nghĩ đến đây hẳn ta sẽ bớt phần oán trách Thủy Tinh, tức ghét bão lũ và ngập lụt.
Đấy là mặt tự nhiên của mưa lũ, bão lụt. Rồi khi cơn bão đi qua, tình người sau cơn bão làm ta cũng cảm thấy ấm lòng. Có lẽ, chưa bao giờ nghĩa tình đồng bào được phát huy cao độ đến thế (trừ khi Tổ quốc bị xâm lăng). Từ Nam ra Bắc, từ vùng biển cho đến miền núi cao, từ đồng bằng lên đến rừng rú, kiều bào ở các nơi và bạn bè quốc tế, nơi nào dân ta cũng sẵn sàng chia sẻ ngọt bùi đắng cay. Từng đoàn xe nối đuôi nhau chở hàng cứu trợ đến vùng lũ lụt. Từng đoàn người tìm đến các nơi thiên tai để tìm người, cứu hộ. Bộ đội, công an bất kể ngày đêm ngâm người trong nước, dầm mình trong bùn giúp dân khắc phục hậu quả. Hàng trăm chiếc xe vận tải của người dân ngừng kinh doanh xếp hàng chờ người gọi để chở đi những chuyến hàng không đồng giúp đỡ đồng bào.
Hàng trăm con người nơi đất Phật Hương Sơn, Hà Nội, với những chiếc thuyền con lao vào vùng lũ để cứu người, cứu trợ. “Một miếng khi đói bằng cả gói khi no”, truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam ta vẫn tiếp tục được trao truyền và hừng hực chảy trong huyết quản.
Chưa bao giờ chúng ta thấy những hình thức giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt trong những ngày qua lại phong phú và thực tế đến như thế. Từ cứu nạn, cứu đói đến sửa đồ, sửa xe và dọn nhà, dọn đường… Nhưng cũng đáng buồn thay, khi cả nước cùng hướng về các tỉnh đang bị bão lũ ở phía Bắc đất nước thì vẫn còn những người vô cảm trên những nỗi đau khổ của đồng bào, đồng chí. Họ thi nhau khoe khoang làm từ thiện; gian dối trong làm từ thiện. Họ mượn công việc từ thiện để “làm màu” và đánh bóng tên tuổi. Thậm chí họ còn tranh thủ tạo dựng những hình ảnh làm từ thiện để thể hiện bản thân hay dàn cảnh dựng hình tang thương của đồng bào trong mưa lũ để câu like, câu view kiếm tiền bẩn thỉu. Những điều đáng buồn, đáng xấu hổ này tuy không nhiều nhưng lại là “con sâu làn rầu nồi canh”, làm nhem nhuốc, nhếch nhác hình ảnh tốt đẹp của dân tộc.
Thịnh nộ cuồng phong Yagi đã đi qua nhưng đau thương vẫn chưa thể nào nguôi ngoai. Vượt qua gian khó, chúng ta tin tưởng và tự hào về tình dân tộc, nghĩa đồng bào của những con Lạc cháu Hồng. Thời gian và nghĩa tình đồng bào hẳn sẽ xoa dịu và làm vơi đi những nỗi đau mất mát. Để không còn xảy ra những cảnh tang thương kinh hoàng của làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nữa chúng ta cần phải nhìn lại cách ứng xử của con người với mẹ Đất.
Nói như nhà văn Nguyên Ngọc là đất và nước: “Mối quan hệ sinh tử của sự sống là đất và nước được kết chặt vào nhau bằng rừng. Năm mươi năm nay, với lòng tham vô độ, bất chấp mọi lời kêu cứu thất thanh, ta đã chặt đứt cái khâu sinh tử: Rừng. Phá sạch sành sanh rừng rồi. Không còn rừng, rừng tự nhiên, thì núi chảy ra như nước. Năm nay không phải chủ yếu là lũ nước, mà là lũ đất. Đó là thay đổi cơ bản năm nay, và theo tôi, từ nay.
Không cần giàu tưởng tượng lắm đâu, để mà thử nghĩ: Chảy hết núi rồi, thì đến gì nữa? Cứ đà này, rồi sẽ đến một ngày, cái nơi thân yêu và thiêng liêng mà ta vẫn gọi là Đất nước, là Tổ quốc, cái mặt đất trên đó là làng mạc, đồng ruộng, thành phố, con người nữa… tất cả, tất cả ta vẫn đinh ninh là trường cửu, là vĩnh hằng đây, có chảy trôi tuột luôn hết ra Biển Đông không? Ai dám bảo là không?”
Những lời gan ruột thống thiết ấy không chỉ là cảnh báo mà còn là tiếng kêu cầu cứu khẩn thiết. Tiếng kêu ấy cách đây bốn năm rồi. Nay vẫn cứ còn nguyên giá trị.
Phan Anh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thoang-nghi-sau-bao-yagi-a26844.html