Doanh nhân, văn hóa và… pháp luật

Ngày Doanh nhân (13/10) năm nay có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để bàn đến sự thành bại của doanh nghiệp trong phát triển bền vững và bao trùm trên bình diện văn hóa và pháp luật. Đã qua cái thời thiếu thốn văn hóa kinh doanh, làm ăn chộp giật. Cái thời doanh nghiệp không coi trọng pháp luật, thiếu hiểu biết pháp luật, thậm chí dẫm đạp lên pháp luật để làm ăn cũng sẽ không còn đất sống…

25-07-2023-xay-dung-van-hoa-dac-trung-cua-doanh-nghiep-doanh-nhan-tphcm-trong-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-12eb9a27-details-1729069036.jpg

Ảnh minh họa: https://www.hcmcpv.org.vn/

 

Những điều trước mắt

Quan chức, thậm chí là quan chức cấp cao ngã ngựa phần lớn nguyên do từ các doanh nghiệp sân sau. Tham ô, tham nhũng có, nhận hối lộ có, bảo kê có, cổ phần có… để các doanh nghiệp “lộng hành”, đánh đâu thắng đấy! Có những doanh nghiệp gần như không có đối thủ cạnh tranh. Không cần lấy ví dụ vì thực tiễn đã chứng minh điều này bằng các đại án đã và đang được xét xử  được đăng tải đủ đầy trên báo chí và trên mạng xã hội.

Những cái tên như Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn có thể xem là những điển hình về việc vi phạm pháp luật mà kéo theo đó làm cho nhiều quan chức buộc phải rời bỏ quan trường, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Chỉ riêng vụ án liên quan đến Tập đoàn Thuận An, trong số 8 bị can bị khởi tố, có 2 cán bộ diện Trung ương quản lý, gồm 1 Bí thư Tỉnh ủy, 1 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Thông điệp ở đây là, doanh nghiệp “to đùng” mà “còn chết” khi vi phạm pháp luật thì đương nhiên sẽ không có vùng cấm và không chừa một ai nếu dẫm đạp lên pháp luật mà kinh doanh, làm ăn thu lợi bất chính cho mình.

Và trong bối cảnh hiện tại, thượng tôn pháp luật mới là mục tiêu và con đường phát triển cho doanh nghiệp một cách lành mạnh.

Ngày tôn vinh các doanh nhân, nói chuyện này không phải để “dìm hàng” doanh nhân mà để doanh nhân soi vào đó như “gương báu soi mình”. Và đội ngũ doanh nhân chỉ đáng được tôn vinh khi họ làm ăn có văn hóa, đúng pháp luật để làm lợi cho mình và cho quốc gia, dân tộc.

Niềm tin, hình ảnh, niềm kiêu hãnh của giới doanh nhân bị vấy bẩn khi những cá nhân doanh nhân như bà Trương Mỹ Lan vi phạm pháp luật trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong số 86 bị can, nữ doanh nhân này bị truy tố đến 3 tội danh: Đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản. Bà Lan bị cáo buộc sử dụng hệ sinh thái khoảng 1.000 công ty để lập khống các hợp đồng tín dụng, rồi rút 1 triệu tỷ đồng ra khỏi Ngân hàng SCB, từ đó chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng tiêu dùng cá nhân.

Khi nhìn vào những khoảng tối, những bất cập và cả những sai phạm phải trả giá bằng tù đày và mạng sống, doanh nghiệp, doanh nhân mới ý thức một cách rõ ràng rằng, tuân thủ pháp luật có ý nghĩa sống còn thế nào trong lộ trình phát triển của mình.

Nhìn lại lịch sử khi hai từ “con buôn” được rũ bỏ để khoác lên mình chiếc áo doanh nhân, đội ngũ này đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Đó là sự lớn mạnh của cộng đồng với gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và gần 30.000 hợp tác xã. Chúng ta cũng có gần 30.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động. Tất cả có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Chính họ đã góp phần đưa nước ta đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đóng góp lớn lao là vậy, và sẽ tuyệt vời hơn để tôn vinh đội ngũ doanh nhân nếu như họ hiểu pháp luật, tuân thủ pháp luật để không có những câu chuyện buồn nói trên.

Để vươn tới những vì sao

Có thể nói, bên cạnh sự am hiểu và tuân thủ pháp luật, yếu tố văn hóa sẽ đưa các doanh nghiệp, doanh nhân cùng khát vọng của họ chạm tới những vì sao. Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân được nhắc đến nhiều và cần được tôn vinh một cách thiết thực trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp làm ăn chộp giật, vì lợi nhuận mà bất chấp quyền lợi, tính mạng của khách hàng hiện nay.

Văn hóa theo nguyên nghĩa đơn giản là thay đổi để hướng đến những điều tốt đẹp. Văn hóa là một thành tố tạo dựng nên giá trị của một doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp bao gồm tất cả những thái độ, niềm tin, giá trị văn hoá được xây dựng trong quá trình phát triển và tồn tại của doanh nghiệp và nó trở thành tài sản vô hình của doanh nghiệp. Mỗi một cá nhân gắn với doanh nghiệp thì đều chính là bộ mặt, là thương hiệu của chính doanh nghiệp đó xét từ các vị trí việc làm từ nhân viên bảo vệ, lễ tân cho đến… lãnh đạo các doanh nghiệp.

Xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp có thành tố văn hóa trong đó. Hiện nay nhiều chiến dịch làm thương hiệu của doanh nghiệp gắn với tên tuổi, phong cách, văn hóa của người đứng đầu. Thậm chí văn hóa, phong cách người đứng đầu còn tạo ra bản sắc, giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp.

Một cách ngoạn mục, Ngân hàng ACB nổi như cồn nhờ cái tên Trần Hùng Huy. Doanh nhân sinh năm 1978, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Trần Hùng Huy gây “sốc” cho công chúng khi vừa đàn, vừa hát, vừa nhảy trình diễn ca khúc “Always Remember Us This Way” và “Cô đơn trên sofa” trong gala kỷ niệm 30 năm thành lập. Thân hình đẹp, vũ điệu đẹp, giọng ca đẹp, khuôn mặt đẹp của doanh nhân này bỗng chốc bị đào xới, tụng ca và mọi thông tin đều gắn với ACB. Phải chăng phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng là một dạng thức đẹp của văn hóa doanh nghiệp?

Trái lại là những hình ảnh màu mè, thậm chí lố bịch từ phong cách ăn mặc, phong cách làm từ thiện rởm đời, phong cách la hét bắn dây chun dạy dỗ nhân viên sặc mùi đa  cấp… cũng tạo nên một nét dị hợm phản văn hóa trong văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nhân của doanh nghiệp.

Ở tầm quốc gia, dân tộc thì, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định. Ở tầm vóc nhỏ bé hơn, văn hóa cũng chính là ngọn đuốc soi đường cho doanh nghiệp phát triển một cách bền vững. Văn hóa tạo ra sự phát triển ổn định, bền vững cho doanh nghiệp. Nó gắn với việc xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp như đã phân tích. Một mặt nó chính là động lực làm việc, thúc đẩy tính sáng tạo của các thành viên, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ở đâu có một thiết chế văn hóa tiến bộ, lành mạnh, sáng tạo thì chắc chắn ở đấy sẽ  thu hút nhân tài, giữ chân nhân viên muốn gắn bó lâu dài và cống hiến cho doanh nghiệp.

Và như một điều tối thượng, doanh nhân, doanh nghiệp sinh ra là để thỏa mãn, thu hút đối tác và khách hàng. Có một nền tảng văn hóa doanh nghiệp tốt cũng là cách để tạo dựng lòng tin và thu hút khách hàng, đối tác một cách tốt nhất.

Vĩ thanh

Làm doanh nghiệp không khó, nhưng làm doanh nghiệp tử tế, hiểu và tuân thủ pháp luật thì rất khó. Nhưng vượt qua cái khó thì thành công và phát triển bền vững là một tất yếu trong sự phát triển.

Hãy chú ý đến hình ảnh của một nam tiếp viên hàng không trong câu chuyện sau. Tác giả bài viết xin chép lại toàn bộ câu chuyện này để thấy văn hóa đã giúp xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp thế nào để thay cho lời kết:

Trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Đà Nẵng đi Cần Thơ, một bà cụ tóc bạc phơ đi một mình, các bạn tiếp viên và nhân viên phục vụ mặt đất của hãng đã xách hành lý, dẫn cụ lên tận chỗ ngồi trên máy bay.

Khi máy bay cất cánh được khoảng 30 phút, cậu tiếp viên trưởng đã đến bên bà, cậu ấy ngồi xuống và ân cần hỏi:

- Bà ơi, bà đã đi máy bay lần nào chưa ạ?

+ Bà đi lần đầu con à!

- Vậy nhà bà ở đâu ạ?

+ Bà ở Huế

- Bà vào Cần Thơ thăm người thân ạ? Thế có ai đón bà ở sân bay không?

+ Bà có cháu ra đón.

- Dạ, bà ơi, bà đi một mình nhưng tụi con chỉ có thể giúp bà ở trong sân bay và trên máy bay thôi bà ạ, khi ra ngoài sân bay tụi con không hỗ trợ bà được. Ở trên này có nhiều bạn thanh niên, các bạn ấy sẽ giúp bà ạ. Rồi cậu nói với một thanh niên ngồi ngay ghế kế bên bà cụ: Em ơi, bà đi một mình, lát xuống máy bay em xách đồ giúp bà và đưa bà ra chỗ cháu bà với nhé.

Dạ vâng anh.

- Bà nghỉ đi ạ, con phải ra làm việc, con chúc bà chuyến bay tốt đẹp ạ.

Nói rồi cậu ấy đứng lên đi về phía buồng lái. Giọng nói của cậu ấy trầm ấm, lễ phép và rất nhẹ nhàng.

Trước khi máy bay hạ cánh, cậu ấy lại qua chỗ bà cụ lần nữa rồi mới trở về nói lời tạm biệt với tất cả hành khách trên chuyến bay.

Nó ngồi ghế đối diện dưới bà cụ một ghế và nó đã nghe được toàn bộ câu chuyện của cậu ấy và bà cụ. Nó thật sự thấy ấm áp và cảm động vì lâu rồi nó mới lại được chứng kiến sự kính lễ như thế của hai người hoàn toàn xa lạ.

Khi nghe kể lại, ai đó sẽ nói rằng, họ được đào tạo để làm như thế, nhưng nó thì nghĩ cái sự chân thành, thái độ, giọng nói và hành động quỳ xuống bên bà cụ thì là sự giáo dục từ gốc gia đình.

Cảm ơn vì cuộc đời còn vô vàn điều tốt đẹp!”.

Về phần bạn, bạn có đánh giá tốt văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân từ câu chuyện này?

 

Trần Ngọc Hà

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/doanh-nhan-van-hoa-va-phap-luat-a27006.html