Kiên Giang: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Tỉnh Kiên Giang chú trọng xây dựng nguồn nhân lực có quy mô, cơ cấu, chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế.

anh-gia-bao-1729866946.jpg
Hội chợ lao động việc làm. Ảnh: Gia Bảo

Bài 3: Nhiều giải pháp đồng bộ trong phát triển nguồn nhân lực

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu về xây dựng con người Việt Nam trong điều kiện mới phải luôn chú trọng “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” là một trong ba đột phá chiến lược.

Đồng thời, Đảng ta cũng đặt ra yêu cầu “đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”. 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”.

Kiên Giang sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển kinh tế - xã hội nên ban hành nhiều đề án, chương trình, nghị quyết riêng về nội dung này.

Tỉnh ủy Kiên Giang ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/4/2007 về phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015; Chương trình hành động số 38-CTr/TU, ngày 14/10/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chương trình hành động số 36-CTr/TU, ngày 27/02/2013 về phát triển khoa học và công nghệ; Chương trình hành động số 47-CTr/TU, ngày 10/02/2014 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...

Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 về Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 181/NQ-HĐND ngày 14/12/2018 về ban hành chế độ đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức và thu hút nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ngày 16/01/2015 về chế độ đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức và thu hút nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang; Kế hoạch số 44/KH-UBNG ngày 12/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và những năm tiếp theo,...

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là một trong những khâu đột phá chiến lược quan trọng quyết định đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh ủy Kiên Giang ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Nghị quyết số 187/NQ-HĐND ngày 28/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua một số nội dung của Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định số 2314/QĐUBND ngày 20/9/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về phê duyệt Đề án Sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Kiên Giang…

Có thể thấy, các chủ trương, nghị quyết của tỉnh Kiên Giang xem đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các thành phần kinh tế và toàn xã hội. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những giải pháp lớn có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nghị quyết 104/2017/NQ-HĐND tỉnh Kiên Giang, nêu rõ, đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo 67%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 50%. Đào tạo 30 tiến sĩ và 500 thạc sĩ, trong đó, đào tạo sau đại học ở nước ngoài 50 người (45 thạc sĩ và 5 tiến sĩ; trong đó 70% là sinh viên).

Hội đồng nhân dân tỉnh cũng xác định rõ, đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 42.000 người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, chiếm khoảng 2,3% dân số (năm 2015 là 36.000 người, chiếm 2,04% dân số).

Người lao động tham gia học nghề được miễn 100% học phí, riêng các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, khuyết tật… còn được hỗ trợ thêm một số kinh phí như: tiền ăn (30.000 đồng/người/ngày), tiền đi lại (200.000-300.000 đồng/người/khóa học) tùy khoảng cách và thuộc đối tượng ưu tiên.

Giáo viên, giảng viên khi tham gia đào tạo nghề, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp thường xuyên phải xuống xã đặc biệt khó khăn và biên giới được phụ cấp trong tháng thêm 0,2 lần so với lương cơ sở. Bên cạnh đó, còn có các hỗ trợ khác cho giáo viên, giảng viên từ đất liền tham gia tại các xã đảo và ngược lại được hỗ trợ tiền ăn (100.000 đồng/ngày), tiền nghỉ (100.000 đồng/ngày) và chi phí tàu, xe đi về theo giá hiện hành tại thời điểm thanh toán.

Chính sách đối với cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn: các chính sách đối với cơ sở đào tạo nghề đã từng bước được nâng lên. Trong đó, ưu tiên thực hiện đặt hàng đào tạo nghề (thông qua hợp đồng đào tạo) đối với các đơn vị dạy nghề  (công lập và ngoài công lập) có đủ khả năng đào tạo nghề phù hợp và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo nhu cầu tại địa phương, doanh nghiệp và xã hội.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hàng năm, toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo khoảng 24.000 người; giải quyết việc làm cho 35.000 lượt lao động. Tập trung tuyển sinh, đào tạo các ngành, nghề thế mạnh gồm: du lịch, nhà hàng - khách sạn, cơ khí, ô tô; xây dựng, nuôi trồng thủy sản.

Trong năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đào tạo được 24.792 người, đạt 103,3% so với kế hoạch (trong đó: Cao đẳng 1.664 sinh viên, trung cấp 3.459 học sinh, sơ cấp 7.680 học viên, thường xuyên 11.989 học viên). Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 72%, riêng lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 51,5%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ThS Lâm Phước Hải, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, cho rằng, “hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp” và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến việc tìm kiếm, thu hút và trọng dụng nhân tài. Người chủ trương “tìm người tài đức”, “trọng dụng những kẻ hiền năng”. Ngay từ khi mới giành chính quyền, ngày 2011-1946, Người đã ký ban hành Thông lệnh tìm người tài đức phục vụ cách mạng, trong đó chỉ rõ “nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”, cho nên, Kiên Giang cần đổi mới cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn về nhân tài; thiết kế các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài; chế độ thu nhập đủ hấp dẫn để thu hút và giữ nhân tài; tạo dựng môi trường làm việc phù hợp, tạo cơ hội thăng tiến rõ ràng, minh bạch, công bằng; nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng để tiếp tục nâng cao trình độ của nhân tài.

Tiến sĩ Chu Văn Hưởng, Phó Hiệu trưởng Trường chính trị tỉnh, nhận định, Kiên Giang cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực trí thức khoa học trong tiến trình phát triển bền vững của tỉnh. Đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực trí thức khoa học và rà soát, có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trí thức khoa học có trình độ cao, chuyên gia giỏi, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ra trường,… . 

Đồng thời Kiên Giang cần tạo môi trường dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi cho nguồn nhân lực trí thức khoa học phát triển; phát huy vai trò của trí thức khoa học và các tổ chức hội của trí thức khoa học trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh.

Theo thạc sĩ Phạm Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, các cấp, các ngành cần chú trọng khơi dậy ý thức, trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc tự rèn luyện, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng công tác, bản lĩnh chính trị, đáp ứng làm việc trong môi trường quốc tế; có cơ chế khuyến khích đội ngũ cán bộ có năng lực, tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Còn theo thạc sĩ Hình Nhật Tân, giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, thì tỉnh cần kiên quyết quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo với rèn luyện trong thực tiễn và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tỉnh Kiên Giang cần nghiên cứu đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách hiện hành trên địa bàn tỉnh về đào tạo, tạo nguồn, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển của tỉnh và tăng cường các hoạt động liên kết và hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công.

Thạc sĩ Vũ Thị Thu Hiền, Học viện Chính trị Khu vực IV, Kiên Giang cho rằng, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng và phát triền đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên nghiệp hóa; xây dựng, hoàn thiện kế hoạch phát triển đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trước mắt cũng như lâu dài.

Tăng cường liên kết, hợp tác với các trường đại học, cao đẳng chất lượng, uy tín, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với các ngành nghề phục vụ khai thác tiềm năng và thế mạnh của tỉnh; đảm bảo việc liên thông, liên kết đào tạo nguồn nhân lực một cách đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.

Các cơ quan pháp luật cần phải thực hiện các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các thái độ, hành vi bạo hành, lăng mạ, vu khống, tấn công gây thương tích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong khi họ đang thực thi công vụ và thao tác nghiệp vụ, chuyên môn góp phần bảo vệ sự an toàn nguồn nhân lực khu vực công.

Có thể khẳng định rằng, với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cùng các cấp, các ngành với các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh -  một trong những yếu tố quan trọng, nền tảng, mang tính quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần vào sự thành công trong thực hiện các mục tiêu, chiến lược đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Trương Anh Sáng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-ben-vung-1-2-a27092.html