Đây là việc làm thiết thực chào mừng 131 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021), nhằm hưởng ứng Đề án trồng mới một tỷ cây xanh của Chính phủ gắn với phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phú Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội; Đại tá Nguyễn Đức Độ, Chính ủy Trung tâm Bồi dưỡng và Đào tạo nghiệp vụ Cảnh Sát Biển, cùng đại diện Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã bồi hồi xúc động ôn lại sự tích cây Xanh Bốn Mùa gắn với sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ với những người lao động bình thường.
Đại biểu cùng ôn lại sự tích cây Xanh Bốn Mùa
Vào một đêm khuya mùa đông giá rét vào khoảng năm 1954 khi Bác mới về Phủ chủ tịch, Bác vẫn trằn trọc chưa ngủ. Từ xa tiếng chổi tre xào xạc của những người lao công quét đường vọng tới. Bác gọi đồng chí phục vụ lại rồi nói: “Nhiều đêm đã khuya, Bác vẫn nghe thấy tiếng chổi tre quét đường. Bác nghĩ, mùa đông các cô, các chú công nhân quét đường làm việc vất vả lắm. Chú tìm hiểu thật cặn kẽ rồi cho Bác biết”.
Sau khi được nghe báo cáo về công việc của những người lao công quét đường thường phải làm việc về đêm kể cả mùa đông giá rét hay mùa hè nóng bức, Bác nói: “Chú nhắc nhở các cơ quan có trách nhiệm phải có chế độ cấp phát quần áo lao động để bảo vệ sức khỏe và bàn với cán bộ phụ trách các cấp, các ngành quan tâm hơn tới các cô, các chú làm công việc vất vả này”.
Những tưởng câu chuyện về người lao công quét rác đêm đông vất vả đã được Bác quan tâm chỉ đạo chăm lo chế độ bảo hộ lạo động, chăm lo sức khỏe là xong. Nhưng không, nhiều năm sau Bác vẫn nhớ đến sự vất vả của người lao công từ tiếng chổi năm xưa. Đến tháng 12-1957, đang giữa mùa đông, nhân chuyến công tác nước ngoài, Bác Hồ thấy có một loại cây lá vẫn xanh tốt trong khi nhiều loại cây khác đều rụng lá. Khi hỏi cán bộ địa phương và được biết đó là một loại cây có sức sống tốt, bốn mùa cây đều xanh và ít rụng lá, Bác đề nghị xin bạn một cây.
Khi về nước, Bác đã cho trồng thử bên nhà Bác ở cạnh ao cá, Người nói với anh em làm vườn: “Đây là loại cây có sức sống tốt, mùa đông ít rụng lá, các chú chăm sóc thử xem. Nếu cây chịu được khí hậu nước ta và phát triển tốt thì sau này nhân giống trồng trên các đường phố, để mùa đông các cô, các chú công nhân đỡ tốn công sức, đỡ vất vả khó nhọc”.
Các đại biểu lưu niệm dưới gốc cây Xanh Bốn Mùa do Bác Hồ mang về trồng năm xưa
Khi trồng cây Xanh Bốn Mùa từ hơn 60 năm về trước, Bác Hồ muốn giữ lại tình thương cho những người lao công quét rác trên khắp các phố phường, để họ bớt đi những khổ cực giữa nắng gắt trưa hè và giá rét đêm đông. Song tiếc thay, ước vọng nhân văn cao đẹp và thiết thực của Bác đến nay chúng ta chưa biến thành hiện thực.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cây Xanh Bốn Mùa có là tên gọi cây Săng xanh (Ligustrum lucidum Ait), thuộc họ Ô liu (Oleaceae), có đặc điểm là cây thường xanh, mặt lá xanh bóng, tán lá đẹp, chịu được thời tiết giá lạnh. Cây sinh trưởng khá tốt, có ra hoa nhưng đậu quả rất ít và hạt rất khó nảy mầm. Khi cây trưởng thành có thân to, vững chãi, tán lá rộng. Lá không to nhưng dày mình, săn chắc và trổ ken dày khắp cành. Quanh gốc cây không thấy lá rụng. Loại cây này được nhiều chuyên gia đánh giá là rất phù hợp với mục đích phát triển cây xanh trồng trong đô thị và khu dân cư.
Đại diện các đơn vị bàn giao mẫu cây cho Viện Nghiên cứu Hợp tác KHKT Châu Á Thái Bình Dương để tiến hành nhân giống
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc phát triển cây Xanh Bốn Mùa thành cây xanh đô thị và trong dân cư không chỉ góp phần kiến tạo cảnh quan sinh thái, giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường trong lành, mà còn có giá trị văn hóa lịch sử và giá trị nhân văn sâu sắc. Sự tích cây Xanh Bốn Mùa gắn với tình thương yêu con người, tình yêu thiên nhiên tha thiết, lối sống hòa đồng với thiên nhiên của Bác Hồ kính yêu.
Chính vì lẽ đó, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Thành phố Hà Nội phối hợp cùng Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và một số cơ quan trong thời gian tới sẽ tiến hành nghiên cứu nhân giống loại cây này bằng phương pháp cây mô với số lượng lớn để đóng góp thiết thực vào Chương trình trồng mời một tỷ cây xanh của Chính phủ trong giai đoạn (2021 - 2025) và Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội.
Vương Xuân Nguyên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/phat-trien-cay-xanh-bon-mua-thanh-cay-xanh-do-thi-theo-y-nguyen-cua-bac-ho-a2714.html