Ấn tượng khó quên về Hội đua thuyền độc mộc trên vùng biên giới Ia Grai

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2024 được huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai tổ chức, là sự kiện nhằm giới thiệu đến du khách nét văn hóa tiêu biểu của bà con dân tộc thiểu số cũng như chiến công của Anh hùng Lực lượng Vũ trang A Sanh (Puih San), người lái đò trên sông Pô Cô. Qua đó, ôn lại truyền thống lịch sử, cách mạng của dân tộc, quê hương, đất nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.

1-dua-thuyen-1730625164.jpg
Những chiếc thuyền độc mộc lướt sóng để về đích hội thi

Ngày 3/11, sau 3 ngày tranh tài sôi nổi với nhiều hoạt động hấp dẫn, mới lạ và lôi cuốn, UBND huyện Ia Grai đã tổ chức bế mạc Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2024 trong niềm vui, niềm xúc động, đan xen tình cảm lưu luyến của bà con các dân tộc cũng như du khách.

Là người theo sát hội đua, ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, Trưởng ban Tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô cho biết: Nét mới của năm nay là tại không gian lễ hội xuất hiện mô hình nhà cộng đồng thu nhỏ nhằm giới thiệu những văn hóa đặc trưng của đồng bào Jrai trên địa bàn.

Cụ thể, tại đây trưng bày mô hình nhà rông, cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc… Các nghệ nhân uy tín của huyện cũng có mặt và hướng dẫn du khách nghệ thuật chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ và diễn tấu nhạc cụ.

Lễ hội còn trưng bày 26 gian hàng là các sản phẩm OCOP, các món ăn đặc trưng của vùng biên giới huyện Ia Grai như: Gà nướng, cơm lam, các sản phẩm thủ công truyền thống, các loại trái cây… để giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương cũng như đem đến cho du khách nét ẩm thực riêng, hấp dẫn, dễ nhớ và lưu luyến.

1-dt-1730625164.jpg
Đam mê những vòng xoang và tiếng cồng chiêng trong lễ hội

Kết thúc thi, Ban Tổ chức đã trao 84 giải thưởng trị giá trên 152 triệu đồng cho các nội dung văn hóa, thể thao.

Cụ thể, ở bảng A hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, Ban Tổ chức đã trao cúp, huy chương cùng 10 triệu đồng tiền thưởng cho đội thi xã Ia Bă xuất sắc giành cúp A Sanh; trao giải nhì cho đội đua Đồn biên phòng Ia O, giải ba cho đội đua Công an huyện Ia Grai và 3 giải khuyến khích.

Ở bảng B nội dung đua thuyền có 6 giải chính thức. Trong đó, các đội đua của xã Ia O giành 4 giải gồm: giải nhất, giải ba và 2 giải khuyến khích; đội xã Ia Tơi giành giải nhì và 1 giải khuyến khích cho đội Công an huyện.

Ngoài ra, Ban Tổ chức trao giải tích cực cho 32 đội không được xếp hạng.

Ở nội dung Liên hoan văn hóa cồng chiêng, xã Ia Dêr xuất sắc giành giải nhất kèm theo 5 triệu đồng tiền thưởng.

Ban Tổ chức cũng trao 2 giải nhì, 3 giải ba, 7 giải khuyến khích.

1bm-1730625084.jpg
Đồng chí Tống Thới Mốc - Bí thư Huyện ủy Ia Grai (người đầu cùng bên trái) trao trao cúp A Sanh cho đội giành giải nhất đua thuyền

Ban Tổ chức trao 14 giải nội dung thi dân vũ và 14 giải thi trình diễn trang phục truyền thống. Trong đó, câu lạc bộ Toan Phạm giành giải nhất thi dân vũ; xã Ia Krăi giành giải nhất thi trình diễn trang phục dân tộc.

Tại lễ bế mạc, Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Quý thưởng nóng 33 triệu đồng cho các đội tham gia. Trong đó, thưởng 2 triệu đồng/đội cho 13 đội tham gia Liên hoan văn hóa cồng chiêng; thưởng 1 triệu đồng cho đội đua thuyền giành cúp A Sanh và khuyến khích, hỗ trợ cho các nội dung khác.

Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt, đồng chí Tống Thới Mốc - Bí thư Huyện ủy Ia Grai chia sẻ: Để có được kết quả như ngày hôm nay,  thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Ia Grai đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó, dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng của người Gia Rai trên địa bàn”, không những là giải pháp hữu hiệu, tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, mà còn là nguồn lực để phát triển du lịch trên địa bàn.

3bm-1730625164.jpg
Cồng chiêng ngân vang trong những ngày hội đua thuyền độc mộc

Để tiếp nối văn hóa truyền thống của bà con các dân tộc, cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, nâng cao ý thức tự bảo quản thuyền độc mộc, cồng chiêng, dệt thổ cẩm, tạc tượng dân gian...

Cùng với đó, tăng cường vận động xã hội hóa để sửa chữa các thuyền độc mộc đã hư hỏng theo thời gian. Đồng thời, tạo sinh kế cho dân làng khi gắn văn hóa truyền thống với du lịch qua các hoạt động: Tổ chức lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, liên hoan cồng chiêng; triển lãm ảnh về thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng; giới thiệu các sản phẩm truyền thống đặc sắc của địa phương...

Với người dân địa phương, nhất là bà con dân tộc Jrai từng gắn bó với dòng Pô Cô, ngày hội đua thuyền trên sông Pô Cô còn là niềm tự hào để nhắc đến hình ảnh người Anh hùng Lực lượng vũ trang A Sanh, với con thuyền độc mộc đưa hàng ngàn bộ đội ta qua sông cùng lương thực, vũ khí, đạn dược… góp phần làm nên các chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam thống nhất đất nước.

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/an-tuong-kho-quen-ve-hoi-dua-thuyen-doc-moc-tren-vung-bien-gioi-ia-grai-a27156.html