Hội nghị có sự tham gia của đại diện Phòng Nội vụ thuộc 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn; các thành viên trong Hội đồng Tư vấn chuyên môn về quản lý tín ngưỡng; đại diện các ban quản lý, tiểu ban quản lý, các thủ nhang, đồng đền; và nhiều cá nhân tiêu biểu trong thực hành tín ngưỡng.
Phát biểu khai mạc, ông Phan Vũ, Trưởng ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội, nhấn mạnh: Đây là cơ hội để các cơ quan chức năng và cộng đồng cùng chia sẻ, nâng cao hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Ông khẳng định rằng: Sự đồng thuận trong cộng đồng về tín ngưỡng và tôn giáo dưới sự quản lý của Nhà nước, là nền tảng thiết yếu để xây dựng một xã hội ổn định, hòa hợp và phát triển.
Báo cáo viên của hội nghị, Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu, Trưởng phòng Tín ngưỡng và Tôn giáo khác, Ban Tôn giáo Chính phủ, đã trực tiếp truyền đạt các nội dung trọng yếu trong chương trình. Theo đó, bà đã giới thiệu quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tín ngưỡng đối với đời sống tinh thần của người dân, đồng thời khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng cho mỗi cá nhân và cộng đồng.
Bên cạnh đó, cung cấp thông tin về tình hình tôn giáo hiện tại cùng một số vấn đề cần quan tâm trên thế giới, Việt Nam và tại địa bàn Hà Nội, nhằm giúp cộng đồng nhận thức đúng đắn và chủ động ứng phó trước các biến động có thể ảnh hưởng đến đời sống tín ngưỡng.
Hội nghị còn tập trung thảo luận về các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Các đại biểu đã được giới thiệu chi tiết về thủ tục hành chính, các quy định và biện pháp thực thi pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, qua đó nắm rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc duy trì, phát triển tín ngưỡng phù hợp với quy định của pháp luật.
Một phần nội dung quan trọng khác là công tác nhận biết, phòng ngừa và ngăn chặn các hiện tượng lạ hoạt động bất hợp pháp, nhằm bảo đảm sự ổn định và duy trì bản sắc văn hóa truyền thống trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng.
Hội nghị lần này không chỉ là một hoạt động phổ biến pháp luật đơn thuần, mà còn là nỗ lực xây dựng sự đồng thuận và hiểu biết chung trong cộng đồng về tín ngưỡng và tôn giáo. Trong bối cảnh xã hội ngày càng đa dạng về niềm tin, việc các cơ quan quản lý và tổ chức tín ngưỡng phối hợp để tạo nền tảng cho đoàn kết dân tộc và đoàn kết tôn giáo là một bước đi quan trọng. Đây là dấu hiệu cho thấy văn hóa tín ngưỡng cần được thực hành trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng pháp luật, giúp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Sự kiện này cũng thể hiện rõ quyền tự do tín ngưỡng không chỉ được pháp luật bảo vệ mà còn cần được thực hiện trên tinh thần hòa hợp và bình đẳng giữa các tôn giáo, nhằm tạo nên một môi trường tín ngưỡng lành mạnh, bền vững. Khi các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật và tinh thần đồng thuận, chúng sẽ trở thành động lực quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Qua hội nghị này, không chỉ khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo mà còn thể hiện rõ quyết tâm xây dựng một nền văn hóa tín ngưỡng bền vững, gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng, góp phần vào mục tiêu phát triển xã hội ổn định, văn minh.
Bình An