Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2024

Chiều ngày 7/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch họp báo giới thiệu Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2024 và Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024.

1-bvh-1730981121.jpg
Toàn cảnh buổi họp báo

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2024 được tổ chức từ ngày 15/11  đến ngày 24/11/2024. Đây là sự kiện thiết thực chào mừng 94 năm Ngày Truyền thống - Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024) và kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

2bvh-1730981164.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ chủ trì họp báo

Tham dự Tuần đại đoàn kết có đông đảo nghệ nhân, diễn viên quần chúng, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Ba Na, Tà Ôi, Khmer…

Lễ khai mạc diễn ra tối 16/11, thu hút khoảng 1.000 người. Các hoạt động tiêu biểu tại Tuần đại đoàn kết, gồm: Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái từ ngày 16 đến 18/11; Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào ngày 18/11; sắc màu văn hóa lễ hội, trình diễn, giao lưu, giới thiệu văn hóa của các dân tộc…

3bvh-1730981210.jpg
Ông Trịnh Ngọc Chung, quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Phát biểu tại họp báo, ông Trịnh Ngọc Chung, quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, đây là sự kiện cấp quốc gia nhằm giáo dục truyền thống văn hóa và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc tới thế hệ trẻ. Trong các sự kiện nêu trên, chương trình khai mạc được đầu tư công phu, với chủ đề “Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình” và được kết cấu thành 4 chương, gồm: Lời cây đàn tính; di sản hội tụ và tỏa sáng; chung một niềm tin; kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Đây không chỉ là hoạt động nghệ thuật đơn thuần mà chương trình nhằm chuyển tải thông điệp bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần hội tụ và đoàn kết của dân tộc ta”, ông Trịnh Ngọc Chung bày tỏ.

Trong đó, điểm nhấn là lễ khai mạc Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII. Liên hoan là hoạt động có ý nghĩa, nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong nền văn hóa thống - nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Các hoạt động chính của Liên hoan diễn ra tại Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam từ ngày 15 - 24/11, bao gồm: Biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn Tính; trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống; trình diễn nghề truyền thống Dệt thổ cẩm và chế tác đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái; trưng bày, chế biến, giới thiệu ẩm thực dân tộc truyền thống; trưng bày ảnh “Di sản nghệ thuật hát Then - đàn Tính”, trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Then trong đời sống các dân tộc Tày, Nùng, Thái”.

Trong khuôn khổ Liên hoan, các đoàn tham gia sẽ viếng Lăng Bác; tham quan di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn; diễu hành theo tuyến đường: Hai Bà Trưng - Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn Tính tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Được tổ chức song song với Liên hoan là Ngày hội “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2024 với nhiều hoạt động đậm sắc màu văn hoá truyền thống các dân tộc: Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, trình diễn, giao lưu, giới thiệu văn hóa của các dân tộc tỉnh Đồng Nai, Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam bộ, các dân tộc Tây Nguyên, các dân tộc phía Bắc…

Lần đầu tiên tổ chức Liên hoan hát Then, đàn Tính tại Hà Nội

Liên hoan hát Then, đàn Tính được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội. Hơn 400 nghệ nhân, nghệ sĩ hát Then, đàn Tính sẽ diễu hành tại khu phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và biểu diễn những tiết mục đặc sắc nhất của Liên hoan. Lễ khai mạc Liên hoan sẽ kết hợp với khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2024, có sự tham gia của 1.000 đại biểu.

Thông tin về việc đưa Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái về tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho biết, Ban Tổ chức đã cân nhắc rất kỹ mới quyết định tổ chức Liên hoan tại Hà Nội chứ không phải là các địa phương có đồng bào sinh sống. Bởi lẽ, nhiều năm nay, nghệ thuật hát Then, đàn Tính đã được lan toả ra rất nhiều tỉnh, thành phố khác, trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên cũng có các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính hoạt động sôi nổi.

Liên hoan tổ chức tại Hà Nội sẽ góp phần lan toả rộng rãi hơn nghệ thuật truyền thống đặc sắc này đến người dân và du khách…

4bvh-1730981255.jpg
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII năm 2024 có hơn 400 đồng bào là nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên của 14 tỉnh, thành phố tham gia. Đây là hoạt động có ý nghĩa, nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Liên hoan là dịp để các địa phương giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại về “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh vào ngày 12/12/2019.

Mộc Miên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhieu-hoat-dong-hap-dan-tai-tuan-dai-doan-ket-cac-dan-toc-di-san-van-hoa-viet-nam-nam-2024-a27189.html