Đây chính là nhận định của nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam.
Lâu nay, khi nói đến lịch sử nói chung, chúng ta mới chỉ thường nghĩ tới khái niệm Lịch sử Kinh tế. Tuy nhiên, ở các nước phát triển còn có cả chuyên ngành Kinh tế Sử học. Khác với Lịch sử Kinh tế, Kinh tế Sử học là chuyên ngành nghiên cứu lịch sử để rút ra những bài học về kinh tế mà điển hình có thể nói đến đó là cố giáo sư Ngô Vĩnh Long, một Việt kiều ở Mỹ là chuyên gia trong lĩnh vực Kinh tế Sử học.
Kinh tế Sử học là cách đặt vấn đề mới cho cả Lịch sử và Kinh tế
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam cho rằng, chỉ cần một khoảnh khắc trôi qua thì đó chính là lịch sử. Lịch sử đương nhiên là không thể thay đổi được và không thể làm lại được nhưng ít nhất cũng có thể phân tích, tổng kết và rút ra những bài học.
Đương nhiên, sẽ có rất nhiều bài học được đúc kết từ lịch sử mà trong đó có cả về kinh tế. Vì thế, Kinh tế Sử học không phải là Lịch sử Kinh tế mà chính là nghiên cứu Lịch sử để rút ra được bài học về Kinh tế.
Hiện nay, ở Việt Nam thì Kinh tế Sử học vẫn còn là một khái niệm xa lạ với cả 2 giới Lịch sử và Kinh tế. Tuy nhiên, để hội nhập quốc tế và cần có một cách nhìn mới về lịch sử thì sớm muộn chúng ta cũng phải phát triển về Kinh tế Sử học trong công tác nghiên cứu và đào tạo ở các viện nghiên cứu và trường đại học trong cả nước. Đây là vấn đề của khoa học liên ngành và để có thể phát triển Kinh tế Sử học thì đó là quá trình phải thay đổi nhận thức và triết lý. Và có lẽ rằng các chuyên gia kinh tế sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để chủ động tham gia lĩnh vực này, ông Hoàng nhấn mạnh.
Để phát triển kinh tế du lịch không thể thiếu nghiên cứu lịch sử
Còn theo ông Lê Hồng Trung, chuyên viên nghiên cứu Hội tri thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam cũng cho rằng, tại các địa phương, về cơ bản đều có thể phát triển du lịch và qua đó đem lại nguồn lợi kinh tế, theo đó sẽ thu hút du khách đến tham quan. Tuy nhiên, hoạt động du lịch chỉ có thể thực sự hấp dẫn nếu có được câu chuyện lịch sử của địa phương đó gắn với con người và di tích.
Tuy nhiên, đây lại là công việc không phải ở đâu cũng dễ thực hiện được và không phải chính các nhân chứng của địa phương thì ai cũng có thể viết sử cho chính mình. Đó là thực tế rất cần phải đầu tư và cần có những chuyên gia chính thức vào cuộc với sự giúp đỡ của các nhân chứng ở chính địa phương đó.
Nếu như người chép sử trong hoạt động này có tư duy kinh tế thì họ có thể có cách làm việc khác hẳn so với cách làm truyền thống. Lịch sử của con người và di tích khi đó sẽ được làm mới lại trên quan điểm kinh tế.
Cũng theo ông Trung, sau khi lịch sử được viết lại cho con người và di tích của địa phương thì tiếp đó là phải làm sao thu được giá trị kinh tế cho hoạt động này. Hoạt động mà ai cũng có thể thấy ngay tính hiệu quả, đó chính là du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh sản phẩm du lịch thì phải có sản phẩm về văn hoá, như các đồ lưu niệm, đặc sản vùng miền mà địa phương đó có thể bán cho với khách du lịch. Còn sản phẩm văn hoá đó thực chất là cái gì thì đây là bài toàn mà chính các địa phương phải cùng với các chuyên gia thủ công mỹ nghệ phải cùng vào cuộc để hình thành ra lĩnh vực Kinh tế Sử học.
Và chỉ khi đó, Kinh tế Sử học mới phát huy được vai trò của chính mình để góp phần cùng các địa phương, tạo ra nguồn thu phong phú va lâu dài cho các di tích văn hoá mà chính những người trong cuộc hết sức mong muốn, ông Lê Hồng Trung chia sẻ thêm.
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kinh-te-su-hoc-va-phat-trien-van-hoa-dia-phuong-a27192.html