Bảo tàng sống trong việc bảo tồn dân ca Ví, Giặm
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Vào hồi 17 giờ 10 phút giờ Paris (tức là 23 giờ 10 phút giờ Việt Nam) ngày 27/11/2014, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 9 của UNESCO diễn ra tại Thủ đô Paris, Pháp; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam đã chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là loại hình nghệ thuật phổ biến trong đời sống của cộng đồng xứ Nghệ, được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải, trồng lúa... Lời ca của dân ca Ví, Giặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người.
Trong công tác bảo tồn, phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thì không gian diễn xướng được xác định là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, góp phần gắn kết, bảo lưu và phát huy giá trị các làn điệu. Có thể nói, không gian diễn xướng là xương sống của dân ca Ví, Giặm. Bởi, đó chính là môi trường để dân ca Ví, Giặm phát triển và hồi sinh.
Trở về mảnh đất Diễn Châu, Nghệ An, nghìn năm văn hiến, tìm về làng Phượng Lịch của xã Diễn Hoa để đắm chìm trong những điệu Ví, Giặm của người dân nơi đây, chúng tôi gặp gỡ Nghệ nhân ưu tú Cao Xuân Thưởng nổi tiếng với “Tuyển tập Cao Xuân Thưởng về dân ca Ví, Giặm” và “O Thất mất bò” mới hiểu hết được nguồn cội và giá trị của những câu Ví, điệu Giặm.
Ông chính là tác giả đặt lời mới cho di sản được UNESCO vinh danh tại các kỳ hội diễn, liên hoan nghệ thuật. Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng được ví như bảo tàng sống lưu giữ những điệu Ví, Giặm xứ Nghệ.
Ông cho rằng, đặc thù của Ví, Giặm khác với dân ca khác ở chỗ, nếu dân ca Quan họ Bắc Ninh được hát đi hát lại thì câu hát của dân ca Ví, Giặm lại luôn thay đổi tùy theo thời gian, không gian và môi trường. Cụ thể hơn, hôm nay hát với dân xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An thì trêu (ghẹo) bắt cá, bắt tôm, nhưng khi hát với dân Phượng Lịch, xã Diễn Hoa, lại hát Ví phường vải. Bởi thể nên mới cần các thầy đồ, đây cũng là một trong những yếu tố cần phải bảo tồn.
Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng nhận định, đối với dân ca Ví, Giặm thì phần ứng tác cực kì quan trọng. Theo ông, các làn điệu để phát huy thì quá nhiều và vô hình chung lại quên mất đi làn điệu gốc. Ví dụ, điệu “hát tứ hoa” hay “hát khuyên”... là những làn điệu cải biên. Một kịch bản dân ca Ví, Giặm muốn hay thì phải có một nhà văn, nhà thơ có nghề tham gia sáng tác.
Bởi thế, việc bảo tồn dân ca Ví, Giặm ắt hẳn phải có nhà thơ, nhà văn vào trong tổ chức, và phải có sự đóng góp tài năng của họ. Nếu chỉ chú tâm vào việc bảo tồn những làn điệu cổ, lời cổ, mà không chú trọng đến môi trường diễn xướng mới, nội dung mới, hay nội dung không gắn bó, không thiết thực thì người ta sẽ hờ hững với dân ca, thậm chí là quay lưng. Nên, việc thổi hồn thơ văn vào các làn điệu dân ca ví giặm sẽ làm những điệu ví, câu giặm mượt mà, khoác lên mình một làn gió mới.
Đặc biệt, khi nói về không gian diễn xướng của dân ca Ví, Giặm, ông cho rằng, không gian diễn xướng ngày xưa nay không còn nữa. Không ai đi hái củi, không ai đi trèo non mà hát cả.... mà thay vào đó là sân khấu hóa (đưa dân ca Ví, Giặm lên sân khấu).
Nếu xưa kia có cây đa, bến nước, sân đình, có quay tơ, dệt vải thì ngày nay chúng ta có các sinh hoạt cộng đồng mừng Đảng, mừng Xuân, những sự kiện trọng đại của đát nước, lễ hội các làng nghề. Từ nhà máy xí nghiệp, đồng ruộng hay các hoạt động của đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học cho đến phong trào văn nghệ quần chúng... vẫn luôn xuất hiện những câu Ví, điệu Giặm.
Theo Nghệ nhân ưu tú Cao Xuân Thưởng, để bảo tồn dân ca Ví, Giặm thì cần tổ chức, nâng cao không gian diễn xướng ngày xưa cho phù hợp với hôm nay. Việc bảo tồn hình thức diễn xướng mới, hoàn cảnh mới, phải có nội dung phù hợp thì vở diễn mới thật sự đi vào lòng người. Đặc sắc của dân ca Ví, Giặm là người nghe không chỉ cảm nhận cái hay của câu hát, giọng hát, mà còn thấy được trong đó cả một nền văn hoá xuất phát từ trong lao động sản xuất của cha ông ta.
Việc xây dựng, phục hồi không gian diễn xướng là để tạo ra một môi trường cho di sản có thể tồn tại và phát triển một cách tự nhiên. Và dần đưa dân ca Ví, Giặm về với cộng đồng dân cư là phù hợp với mục tiêu bảo tồn dân ca - đúng như tiêu chí mà UNESCO đặt ra.
Để dân ca Ví, Giặm ăn sâu, bám rễ vào quần chúng nhân dân, không còn cách nào khác ngoài việc đưa những làn điệu ấy vào trong những sinh hoạt cộng đồng. Chính các hoạt đồng có sự tham gia của dân ca đã giúp ta bảo tồn một cách hiệu quả và thiết thực nhất. Trong đó có việc đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học mà chúng ta đang thực hiện.
Di sản văn hóa là thước đo quan trọng về sự giàu có, bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng miền. Đó cũng là nguồn tài nguyên, là sản nghiệp văn hóa quan trọng làm nền tảng cho sự tồn tại và phát triển. Việc bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm là công việc thường xuyên, cấp bách, góp phần giữ gìn thuần phong, mỹ tục, xây dựng nhân cách, đạo đức theo chuẩn mực chân - thiện - mỹ; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần, nâng cao nhận thức của nhân dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An.
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/giu-hon-dieu-vi-giam-a27205.html