Thực trạng sản phẩm OCOP
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Kiên Giang đã và đang được triển khai mạnh mẽ, giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và đặc sản của địa phương.
Hiện nay, Kiên Giang có 136 chủ thể OCOP với 269 sản phẩm, trong đó có 06 sản phẩm đạt 5 sao, 36 sản phẩm đạt 4 sao và 227 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm chủ yếu là đặc sản nông sản và thủy sản như: Nước mắm Phú Quốc, thủy sản khô, chả cá phi, gạo hữu cơ và dưa bồn bồn,… chiếm 90% tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh.
Những sản phẩm OCOP của tỉnh có tiềm năng lớn để phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước và đã được đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại như: Siêu thị Bách hóa Xanh, CO.OPMART, VinMart; các sàn thương mại điện tử: Lazada, Shopee,...
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm OCOP vẫn chưa thể tiếp cận rộng rãi đến thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là các sản phẩm vẫn còn yếu về mẫu mã, bao bì chưa bắt mắt, không đồng đều, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế. Mặc dù một số sản phẩm đã được đưa vào các kênh phân phối hiện đại nhưng việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường ngoài tỉnh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Lâm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, các chủ thể OCOP hiện nay vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề. Trước hết, vấn đề vốn đầu tư còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng nâng cấp công nghệ sản xuất, cải thiện quy mô và chất lượng sản phẩm. Việc thiếu nguồn vốn đầu tư cho các nhà xưởng, máy móc, thiết bị hiện đại khiến năng suất, chất lượng của sản phẩm chưa đạt được mức độ tối ưu.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu và bao bì sản phẩm, điều này làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường. Một số sản phẩm dù có chất lượng tốt nhưng thiếu đi yếu tố hình thức sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Mặt khác, một số cơ sở sản xuất cũng gặp khó khăn trong việc duy trì nguồn nguyên liệu ổn định và tuyển dụng lao động có tay nghề, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng sản xuất.
Các chủ thể OCOP cũng gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu. Việc tham gia vào các chuỗi bán lẻ hiện đại, siêu thị lớn và các sàn thương mại điện tử vẫn còn hạn chế. Điều này làm cho các sản phẩm OCOP của Kiên Giang khó có thể chinh phục được người tiêu dùng ngoài địa phương, đặc biệt là ở các thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hay nước ngoài.
Là doanh nghiệp sản xuất rượu sim rừng, ông Hồ Văn Hải, Công ty Cổ phần sim rừng Phú Quốc, cho biết, do sản phẩm của công ty là những sản phẩm nông nghiệp, thời gian sản xuất kéo dài nên cần có vốn đầu tư lớn, do đó, công ty có khó khăn rất lớn về vốn về thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thái Thủy, bà Phạm Thị Bạch Thủy, chia sẻ, công ty của bà chuyên kinh doanh tôm sấy cán cay, cá cơm sấy nước mắm, khô cá cơm, khô cá lìm kìm, cá lìm kìm sấy,… nhưng công ty luôn trong tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, nguồn lao động địa phương và vốn. Để sản xuất kinh doanh được thuận lợi, công ty của bà mong muốn được hỗ trợ về vốn để nhập nguyên liệu, máy móc thiết bị; được hỗ trợ khoa học kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đăng ký thương hiệu,…
Chìa khóa để OCOP vươn xa
Để tháo gỡ những khó khăn cho các mô hình, sản phẩm OCOP của tỉnh, ông Lâm Quốc Toàn đề xuất một số giải pháp quan trọng. Trước hết, cần tạo ra các kênh vay vốn ưu đãi cho các chủ thể OCOP để họ có thể đầu tư vào công nghệ, máy móc, nhà xưởng, thiết bị và mở rộng vùng nguyên liệu. Việc hỗ trợ vốn vay không chỉ giúp các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, hình thành văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường tự nhiên, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đào tạo và chuyển giao công nghệ là vô cùng quan trọng. Các chủ thể OCOP cần được đào tạo về quản lý tài chính, chiến lược marketing và tiếp cận thị trường. Đặc biệt, việc hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia vào các sàn thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến là một giải pháp hiệu quả để tăng trưởng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ.
Ngoài ra, việc cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm cũng là một yếu tố then chốt giúp các sản phẩm OCOP có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường. Các cơ sở sản xuất cần có sự đầu tư hợp lý vào thiết kế bao bì để sản phẩm của họ trở nên hấp dẫn và dễ tiếp cận với người tiêu dùng. Chính quyền địa phương cần có các chính sách hỗ trợ việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP.
Một giải pháp quan trọng khác là thúc đẩy liên kết giữa các chủ thể sản xuất trong và ngoài tỉnh để tạo ra các chuỗi giá trị sản phẩm liên hoàn. Các doanh nghiệp cần được hỗ trợ kết nối với các đối tác phân phối, siêu thị, cửa hàng bán lẻ lớn để tăng trưởng doanh thu, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Trần Văn Đẳng, Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Tiên Thành Phát, thành phố Hà Tiên, nhận định, các Hợp tác xã hiện nay, trong sản xuất rất thiếu vốn, do đó, việc bổ sung nguồn vốn cho các Hợp tác xã mở rộng sản xuất, kinh doanh là rất cần thiết để thành viên các Hợp tác xã nâng cao năng xuất lao động, tái đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Sản phẩm OCOP của Kiên Giang có tiềm năng lớn để phát triển và đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, để các sản phẩm này có thể vươn xa hơn và tiếp cận được thị trường trong và ngoài nước, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền, các tổ chức và doanh nghiệp. Việc giải quyết những khó khăn về vốn, công nghệ, marketing và kết nối thị trường sẽ là chìa khóa để giúp các sản phẩm OCOP của Kiên Giang vươn lên, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển nền kinh tế địa phương một cách bền vững.
Trương Anh Sáng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-go-kho-cho-san-pham-ocop-a27215.html