“Đi giữa ân tình giữa bát ngát hương sen,
Một ngày đi xa là ngàn ngày mong đợi và ngàn năm không quên...”
Hồ Chí Minh - vẻ đẹp bởi sự góp nhặt hết thảy những tinh hoa của nhân loại, vẻ đẹp của trí tuệ và bác ái. Xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là địa phương được đón Bác về thăm vào năm 1961. Bởi lẽ, đây là lần về Nghệ An cuối cùng của Người. Những lời dạy, căn dặn của của Người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân xã Vĩnh Thành cho tới tận bây giờ.
Quê hương nghĩa nặng tình sâu
“Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương,
Người về đây thăm làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha,
Xúc động bồi hồi người rơi giọt lệ,
Thương mái nhà tranh thương đất mẹ nghèo”
Trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quê hương Nghệ An luôn ở trong trái tim Người, với Người “quê hương là nghĩa nặng tình cao”. Dù trong hoàn cảnh nào, khi đang bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, hay khi trên cương vị Chủ tịch nước, bộn bề trăm mối lo toan, Người vẫn luôn nhớ về quê hương. Và, để kịp thời động viên, nhắc nhở, khích lệ phong trào thi đua yêu nước cho nhân dân tỉnh nhà, Người đã có 2 lần về thăm quê, đó là năm 1957 và năm 1961. Và trong lần về thăm quê năm 1961, huyện Yên Thành đã vinh dự được đón Người về thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành (xã Vĩnh Thành bây giờ).
Trong những năm 1958 - 1960, huyện Yên Thành thực hiện kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là trong công tác giáo dục của huyện đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Là huyện đứng đầu trong công cuộc xóa nạn mù chữ ở Nghệ An, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huận chương lao động hạng ba. Hàng trăm giáo viên bình dân học vụ được cấp bằng “Ghi công diệt dốt”, ông Nguyễn Tuyết ở Mỹ Thành được suy tôn là “Chiến sỹ thi đua diệt dốt toàn quốc”.
Hợp tác xã Trần Phú - tiền thân của Hợp tác xã Vĩnh Thành ra đời trở thành mô hình Hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh, đã có ảnh hưởng lớn đến phong trào thi đua sản xuất trong các tổ đổi công của huyện trong giai đoạn này. Các hoạt động giáo dục, bình dân học vụ, văn nghệ thể dục, thể thao phát triển đều trong toàn huyện. Kết thúc giai đoạn 1955 - 1957, huyện Yên Thành được tỉnh công nhận là “lá cờ đầu” về khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, có một đại biểu được suy tôn là “Chiến sỹ thi đua nông nghiệp toàn quốc” là ông Thái Phượng ở xã Tăng Thành.
Hợp tác xã Vĩnh Thành - đơn vị điển hình của quê lúa
Sáng ngày 10/12/1961 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành - một đơn vị điển hình của huyện lúc bấy giờ.
Sáng hôm ấy, từ chiếc máy bay đáp xuống Rú Tháp, Người bước xuống trong bộ quần áo kaki màu vàng đã phai màu, chân đi dép cao su, sắc mặt sáng ngời. Tại đây, Người đã đến thăm nhà trẻ, trại chăn nuôi, thăm hỏi tặng quà một số người dân và đã nói chuyện, gặp gỡ thân mật với đông đảo cán bộ, nhân dân tại trường Cấp 1 Vĩnh Thành, biểu dương thành tích về trồng cây chăn nuôi, cải tiến nông cụ, làm thủy lợi, phân bón, vệ sinh phòng bệnh, xây dựng Hợp tác xã… của địa phương. Đồng thời, Người cũng ân cần nhắc nhở về vai trò của chi bộ Đảng trong việc chỉ đạo để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và xây dựng khối đoàn kết nông thôn.
Người căn dặn: “Chi bộ phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn, làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố Hợp tác xã”. Lúc này, tuy trời đã sang mùa Đông nhưng trời vẫn nắng to, trán Bác vẫn lấm tấm mồ hôi nhưng Bác vẫn không ngại nắng mà đi thật nhanh như sợ để bà con đợi lâu. Kết thúc buổi tham quan, Bác ngỏ ý muốn tạm biệt nhưng mọi người năn nỉ Bác ở lại dùng cơm trưa xã đã chuẩn bị. Nghĩ đến thịnh tịnh chu đáo của bà con nên Bác đã ở lại. Bác đã chọn bàn ăn ngoài cùng, gắp một miếng gan nhỏ trong đĩa lòng lợn, giơ tay lên cao và nói: “Bác đã ăn rồi nhé! mời mọi người cứ tự nhiên” (Theo các cụ kể lại).
Những tình cảm và những lời căn dặn quý báu của Người đã được cán bộ, nhân dân huyện Yên Thành nói chung, xã Vĩnh Thành nói riêng luôn khắc ghi, trở thành kim chỉ nam, nguồn động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Yên Thành và xã Vĩnh Thành vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của mình, góp phần cùng cả nước tô đẹp thêm cho những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Nhằm lưu lại những kỷ vật, những hình ảnh đáng nhớ trong ngày 10 tháng 12 năm 1961 đó, chính quyền và nhân dân huyện Yên Thành nói chung, xã Vĩnh Thành nói riêng đã xây dựng nơi ấy thành một Khu Lưu niệm trung bày những tài liệu, hiện vật, hình ảnh về Bác và quê hương Yên Thành.
Nơi Bác đứng trò chuyện với bà con nhân dân xã Vĩnh Thành là một khán đài được dựng rất dã chiến ở trường tiểu học xã Vĩnh Thành. Tại đây, UBND xã Vĩnh Thành đã đặt tấm bia ghi: “Sáng ngày 10/12/1961, trong dịp về thăm quê hương lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm HTX cao cấp Vĩnh Thành. Tại cuộc nói chuyện với cán bộ, nhân dân xã Vĩnh Thành và huyện Yên Thành ở trường cấp 1 xã Vĩnh Thành, Người đã đề cập tới tất cả các mặt hoạt động của xã. Người căn dặn: “… Làm HTX là chúng ta tập trung lực lượng tiến công vào nghèo nàn và lạc hậu, là đoàn kết chặt chẽ, sản xuất tốt, thu nhập cao, vệ sinh tốt, là học hành chăm, đời sống lên không ngừng…”.
Có thể khẳng định rằng, Vĩnh Thành bây giờ đã khoác chiếc áo mới trong việc xây dựng kinh tế - văn hóa - xã hội. Đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hóa; điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang hơn; đời sống nhân dân được nâng cao.
Với niềm tự hào và vinh dự khi được Bác Hồ về thăm, xã Vĩnh Thành nói riêng và quê lúa nói chung sẽ là điểm đến giáo dục cho các bậc con trẻ trong học tập và đạo đức, phát huy tinh thần của các thế hệ cha ông ta, đưa Vĩnh Thành phát triển giàu mạnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển./.
Nguyễn Diệu
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-niem-60-nam-bac-ho-ve-tham-xa-vinh-thanh-a2743.html