Là một người say mê với gốm Việt Nam, họa sỹ, nhà thơ, nhà khoa học Ngô Xuân Bính suy nghĩ đến “sứ mệnh” chuyển tải những thông điệp qua văn hóa gốm. Triển lãm gốm mang tên “Hiện linh” được tổ chức tại không gian Bảo tàng Hà Nội, từ Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) đến nay cho thấy ông đã dành hết tâm sức, đam mê cho việc nghiên cứu, phát triển dòng gốm khác biệt.
Triển lãm giới thiệu hình tượng các linh vật qua gần 200 tác phẩm gốm đồ sộ, gửi gắm tinh thần lao động, sáng tạo nghệ thuật của Ngô Xuân Bính, kết tinh của những năm tháng trăn trở đã cho ông góc nhìn xuyên thấu mọi không gian của đời sống xã hội, trong mênh mang của vũ trụ không có đường biên của giới hạn.
Họa sỹ Ngô Xuân Bính cho biết, “Hiện linh” bắt đầu từ giấc mơ “Hồn hiện trong tôi”, không đơn thuần có được một triển lãm cá nhân. Ông nghiên cứu để tìm về giá trị cốt lõi, để lại cho nhân loại di sản nghệ thuật gốm độc bản. Tất cả các tác phẩm của Ngô Xuân Bính tại Triển lãm “Hiện linh” đều độc bản.
“Tôi khát khao hồi thúc, vun lửa - và nhận ra: Để phát hiện tính đặc trưng khác biệt, cốt lõi tập tục sống, tâm lý biểu cảm sống, thị hiếu sống, thao tác và công đoạn công nghệ tồn vong sống… giá trị văn hóa sống và nghệ thuật đỉnh cao của một dân tộc bản địa ngày nay đã vô cùng nan giải gian nan… còn: Nhận ra, tìm ra, đọc ra… tiềm năng bí ẩn và bằng chứng, khung cảnh, mốc không gian không lộ hình ranh giới - siêu dẫn thuộc người xưa với (lập trình sáng tạo nghệ thuật) chỉ dừng lại phục vụ cho mục đích tôn giáo cho các đấng bề trên thần thánh - tín ngưỡng, vua chúa, quan lại, cộng đồng cư trú bản làng, quần cư buôn bán trao đổi hàng hóa… còn khó khăn gấp bội, gấp bội nhiều lần…”, ông cho biết.
Làm thế nào để sống dậy một thời kỳ? Bản nguyên mang huyền sử bi tráng tới mọi thế hệ! Đặc biệt với thế hệ trẻ hôm nay! Với những giá trị không thể nghĩ bàn, cổ tích trong đời thường, những hình tướng cùng những linh vật xuất hiện trong tác phẩm điêu khắc gốm sẽ gợi mở về trí tuệ sáng tạo mới, hội tụ tinh hoa mỹ học trong nghiên cứu của ông. Thông điệp về bản nguyên - trường anh hùng ca, niềm tự hào dân tộc được thể hiện qua những kiệt tác Gốm độc bản, lớn nhất, chưa bị bắt gặp từ trước tới nay.
Với tổ hợp men tầng tầng, lớp lớp, phân khúc của sắc cổ kính hiện hoá ngay trước mắt thành những khối tác phẩm khổng lồ với hình tướng các linh vật như long, ly, quy, phượng và một số loài luôn mang ý nghĩa may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng… Những bản di chỉ, những tấm bia được đội bởi các linh vật đắp nổi uy linh, mang đậm giá trị lịch sử truyền thống nghìn năm cũng được tái hiện lại như: Bản tuyên ngôn được coi là đầu tiên của nước Việt “Nam Quốc Sơn Hà” thời Lý, đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ dân tộc như là một chân lý thiêng liêng, tôn chỉ của đất nuớc với bản bia “Quy ẩn hoá mãnh hổ”. Và uy linh trong văn bia “Chiếu dời Đô” do vua Lý Thái Tổ ban hành vào mùa Xuân năm 1010, được đắp nổi với hình tượng “Quy hoá Long”.
Dấu mốc vàng son về một thời kỳ lịch sử hào hùng được hoạ sĩ Ngô Xuân Bính bằng trí tuệ sáng tạo tạo tác nên.
Với cấu trúc tư duy liên thời đại, ông đã sử dụng chất liệu truyền thống là đất mẹ quê hương, từng chi tiết ẩn hiện uyển chuyển, mạch dẫn làm mềm hoá đôi bàn tay như thép ấy, càng tạo nên giá trị vàng cho các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gốm.
Họa sỹ Ngô Xuân Bính mong muốn tác phẩm gốm ra mắt công chúng lần này có sự nhận thức mới trong dòng chảy của gốm đương đại, bứt phá trong mỗi góc nhìn, góc tư duy, truyền tải tới thế hệ trẻ có sức mạnh trong sáng tạo, cú hích dám bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân, phát kiến ra những kỳ ẩn là kho tàng kiến thức ẩn trong tiềm thức chưa phát huy hết nội lực.
Ông luôn sống cống hiến mang tới cộng đồng giá trị to lớn về tầm ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật từ điêu khắc gốm, hội hoạ và thi ca… Đều là những bản trường hùng ca, khi bất cứ ai khi nhắc đến tên ông đều tự hào về một con người dành hết tâm huyết trong nghệ thuật sáng tạo, để lại cho đời di sản trí tuệ, kho tàng kiến thức trong phát kiến mọi loại hình nghệ thuật như có một phép lạ mang đến cho đời.
Ngô Xuân Bính làm việc không ngưng nghỉ, ai cũng cảm thấy lo lắng về sự quá sức trong đam mê, nhưng có lẽ lúc say, trong suy tư đã tái tạo năng lượng tự thân trong kiến tạo các tác phẩm mới. Khi tác phẩm thành hình là công đoạn dành cho men, khâu mà khiến ông cũng đau đáu trong nghiên cứu, làm sao ra được chất men lạ cổ kính, có sức hút của thời gian mà không phá vỡ đi cấu trúc của hình…
Về công nghệ, ông cho biết, từng công đoạn là sự tính toán sao cho tác phẩm ấy đạt hiệu quả tốt nhất, với chiều cao nhất trên 2m thấp nhất là 1m mà mỗi lò gốm chỉ nung được từ một đến hai tác phẩm nặng cả tấn. Sự tính toán cân nhắc đòi hỏi kỹ thuật cao trong kiến trúc tạo hình, với lực cân bằng chi tiết để tác phẩm trọn vẹn trong mỗi lần vào lò và ra lò.
Thử nghiệm và trải nghiệm đã cho ông trở về với bản nguyên thuỷ tổ của kỷ khủng long xưa…, mạch dẫn trải qua bao thời kỳ cổ đại và hiện hữu ngay thực tại. Các tác phẩm khi gặp hoả linh đã hiện thực hoá giấc mơ trong ông về một kỷ nguyên gốm hoàn toàn mới rất khác biệt, rất đương đại.
Lắng đọng lại tâm thức, ông đã rất xúc động khi chia sẻ: Ông đã hoàn thành sứ mệnh, những giằng xé vật lộn trong ông giờ là những bình dị của đời thường. Ông đã để lại cho đời khối kiến thức di sản khồng lồ, các tác điển nghệ thuật đồ sộ hiếm thấy từ trước tới nay đều là những nghiên cứu khoa học mang huyền sử bi tráng gắn trong tư tưởng mà ông đã gửi trọn tâm.
Gốm điêu khắc của hoạ sĩ Ngô Xuân Bính không chỉ đẹp về hình khối siêu lớn mà ông còn để đời về sắc men sáng tạo có gu mỹ thuật cao và sắc nét. Nhiều lớp men được nghiên cứu, pha trộn tạo nên độ sang quý: men nâu vàng trầm ấm, men mận chín được mùa, men xanh lục bảo ngọc, men lam xám phỉ thúy, men ngà châu xa… với lớp lớp vảy nảy ra bên ngoài, mang màu thời gian sâu thẳm như đã có niên đại nguồn gốc của gốm cổ Việt xưa.
Màu men tối giản rất độc và lạ khi kết hợp với kỹ thuật cao trong tạo hình điêu khắc, góc lồi lõm đọng men, chuyển sắc sau khi nung tạo độ xa gần với các điểm sáng tối, có độ xốp, độ luợn của các tần sóng chắc khỏe trong đường gân thớ thịt, của huyết mạch trong veo rõ nét mà nên các khối ngọc ẩn, ngọc đa sắc của các tác phẩm gốm như vừa mới được khai quật từ trong lòng đất, hiện vẻ tinh tế sang quý không ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết bằng lời.
Họa sỹ Ngô Xuân Bính sống giản dị và luôn mong muốn được cống hiến cho cộng đồng, dân tộc. Ông sẵn sàng nhập cuộc hoà nhập xu thế thời đại gìn giữ gốc nguồn cội trong truyền tải di sản văn hoá thông qua tác phẩm sáng tạo trong các loại hình nghệ thuật đi vào đời sống. Là bước tiến quan trọng thay đổi tư duy nếp nghĩ về lối mòn đã ăn sâu vào tiềm thức. Chỉ có bứt phá tìm ra con đường mới hướng đi mới, sự táo bạo chỉ có ở ông. Những thành quả đã hiện hữu nhiều năm qua thành công không chỉ trong nước mà cả thế giới ghi nhận.
Dịp ra mắt các tác phẩm điêu khắc gốm lần này là minh chứng cho cuộc cách mạng đổi mới tư duy, giá trị gốm Việt hoà nhịp với đời sống hiện tại, mang lại giá trị tinh thần cho nhân sinh mà ông tâm huyết gửi trao./.
Ngô Đức Thành Nam
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hien-linh-thong-diep-van-hoa-va-su-thi-cua-gom-viet-a27454.html