Quê tôi ở Hiền Lương, nơi có đền mẹ Âu Cơ nằm bên bờ sông Thao. Mỗi lần về quê, đi dọc bờ đê hay rẽ xuống bãi sông ngắm nhìn con nước lấp lánh theo dòng về xuôi, trong tôi lại nhớ đến bài thơ mang tên dòng sông của nhà thơ Nguyễn Duy xứ Thanh với một nỗi niềm bâng khuâng và có cái gì tựa như “cái nhớ bâng quơ” để rồi trong lòng không khỏi thức dậy những vần thơ vừa man mác vừa da diết, vấn vương ấy:
SÔNG THAO
Sông Thao thêm một lần tôi tắm
thêm một lần tôi đến để rồi đi
gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng
tôi nhìn em để không nói năng gì
Tôi gửi lại đây cái buồn vô cớ
để mang về cái nhớ bâng quơ
xin chớ hỏi tại làm sao như vậy
tôi vốn không rành mạch bao giờ
Em đưa tiễn bước chân gìn giữ lắm
hạt mưa dùng dằng ngọn cỏ ven đê
yêu mến ạ xin đừng buồn em nhé
giòng nước trôi đi, giọt nước lại rơi về...
1980
(“Mẹ và em”, Nguyễn Duy, NXB Thanh Hóa, 1987)
Bài thơ có tên là “Sông Thao” nhưng đọc hết bài thơ người ta không hề nhìn thấy một hình ảnh nào thể hiện dáng vẻ riêng biệt của dòng sông này như những gì vốn có, không giống như ca dao đã từng khắc họa: “Sông Thao nước đục người đen …”, “Sông Thao nước đỏ như son …”.
Thi ảnh trong bài thơ không phải là không có những nét vẽ về miền sông nước. Nó có đấy nhưng là hình ảnh của mọi dòng sông chứ không phải của riêng gì của sông Thao, như thể nói về việc tắm trên sông, kể về cảnh gió thổi trên bãi vắng hay tả cảnh bờ đê và dòng nước trôi đi, giọt nước rơi về… Có thể thấy, những nét vẽ ấy là những hình ảnh phổ quát cho mọi dòng sông. Cho nên câu chuyện về con sông trong bài thơ rất mờ nhạt. Sao lại thế? Điều này cũng dễ hiểu thôi. Nguyễn Duy đâu có dụng tâm tái hiện sông Thao.
Dường như, con sông chỉ là cái cớ để cho nhà thơ gửi gắm, ký thác một câu chuyện khác. Câu chuyện chia ly của đôi uyên ương bên bờ sông ngập gió. Có lẽ vì thế mà đọc bài thơ, người đọc thấy chất chứa những tâm trạng. Đó là những nỗi niềm lưu luyến, nhớ nhung, bịn rịn của hai người yêu nhau. Hiểu như thế, người ta cũng sẽ biết được cái lý do vì sao bài thơ “Sông Thao” không phải chỉ có riêng người Phú Thọ yêu thích, nhất là các lứa đôi.
Mở đầu bài thơ là một không gian mênh mông bên sông với gió thổi người thưa:
“Sông Thao thêm một lần tôi tắm
thêm một lần tôi đến để rồi đi
gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng
tôi nhìn em để không nói năng gì”
Điệp ngữ “thêm một lần” cho ta thấy “Sông Thao” không phải là miền đất xa lạ với nhân vật trữ tình, xưng “tôi” trong bài thơ. “Thêm một lần tôi tắm”, “thêm một lần tôi đến để rồi đi” có nghĩa là không phải lần đầu và cũng không phải một lần. Như thế, cũng có nghĩa, đây không phải là lần chia tay đầu tiên của hai người yêu nhau. Ngỡ tưởng nhiều cuộc chia tay như thế thì đã thành quen. Nhưng không, lần nào cũng vậy, bên bờ sông chia xa, đôi uyên ương không khỏi lưu luyến như thể nới lần đầu xa cách.
Nỗi nhớ nhung, bịn rịn của hai người ở đây được Nguyễn Duy tái hiện qua hình ảnh rất thi vị:
“gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng
tôi nhìn em để không nói năng gì”
Không gian càng hoang vắng thì nỗi niềm càng chất chứa. Nỗi quyến luyến như lan ra cả ngoài không gian vô tận. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” cho nên cái ngọn gió thổi trống không ở ngoài bãi vắng kia mạnh đến mấy cũng không làm nguôi đi nỗi lòng của kẻ ở người đi. Giá như trong khung cảnh ấy có một tiếng nói cất lên, có lẽ nó sẽ xóa tan bầu không khí nhớ thương đôi chút. Nhưng không, cả hai đều không nói.
Đặc biệt là nhân vật trữ tình, người thường trong tư thế chủ động nói năng thì ở đây lại lựa chọn một cách nói khác, một ngôn ngữ thể hiện khác: “tôi nhìn em để không nói năng gì”. Không nói không có nghĩa là không yêu. Ngược lại im lặng lại là yêu rất nhiều. Chàng trai nói với cô gái bằng ánh mắt. Nói bằng mắt mới nói được nhiều. Nói bằng mắt mới nói được cả những điều khó nói thành lời. Lựa chọn cách nói này nhà thơ tỏ ra rất khôn ngoan. Ánh mắt vô ngôn, vô thanh nhưng trong tình huống này lại thắng cả hữu ngôn, hữu thanh.
Dường như, đây cũng không phải là lần duy nhất Nguyễn Duy nói bằng ánh mắt. Tôi nhớ trong bài thơ “Đà Lạt một lần trăng” Nguyễn Duy cũng đã từng có cái nhìn rất láu lỉnh như thế: “tôi lơ đãng nhìn em nhìn lơ đãng”. Cái nhìn ấy không phải vô tình mà rất có chủ ý. Cái chủ ý ấy cũng được chính nhà thơ nói ra luôn, nói một cách rất rõ ràng: “Em biết chứ, chả ai lơ đãng cả/ hòn than kia đang đỏ đến hết lòng/ mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói/ mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng”. Tình yêu là thế. Muôn đời vẫn thế. Tưởng như phí lý nhưng lại rất có lý. Bởi thế, khó có thể cắt nghĩa tình yêu bằng những lý lẽ thông thường.
Khổ thơ thứ hai ngập tràn nỗi niềm tâm trạng:
“Tôi gửi lại đây cái buồn vô cớ
để mang về cái nhớ bâng quơ
xin chớ hỏi tại làm sao như vậy
tôi vốn không rành mạch bao giờ”
“Cái buồn vô cớ” và “cái nhớ bâng quơ” ở đây là cái gì? Thật khó hiểu theo lối tư duy thông thường. Tâm trạng của nhân vật trữ tình (người đang yêu) ở đây quả là không thể cắt nghĩa theo cái logic thông thường được. Người đang yêu vốn “không bình thường” cho nên tâm trạng “không bình thường” cũng là quy luật muôn thủa của tình yêu. “Cái buồn vô cớ” của thi nhân xứ Thanh ở đây chính là kiểu buồn của “ông hoàng thơ tình” - Xuân Diệu: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Chiều). Hiểu như thế ta sẽ thấu rõ nỗi niềm tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Nỗi buồn ở đây là nỗi buồn vì phải chia xa, cách trở với người yêu và nỗi nhớ ở đây là nỗi nhớ nhung, yêu thương người bạn gái, nhớ cái giây phút chia tay đầy lưu luyến trên bến sông này.
Hình ảnh sông nước ở trong khổ thơ không thấy nữa. Thay vào đó là các cung bậc của cảm xúc buồn, nhớ… được diễn đạt bằng nghệ thuật tương phản rất đặc sắc. Nhân vật “tôi” đã “gửi lại …” và “mang về …” những nỗi niềm tâm trạng rất mơ hồ. Cảm xúc thực thực mơ mơ đan xen vào nhau thật khó tách bạch.
Nghệ thuật tương phản ấy trong khổ thơ không chỉ tạo nên nhịp điệu cân đối cho lời thơ mà còn khắc họa sâu sắc cái trạng thái tâm lý “bất thường” của chàng trai trong giây phút chia ly kiểu như “bước đi một bước giây giây lại dừng”. Đúng là một trạng thái tâm lý không thể giải thích rõ ràng: “xin chớ hỏi tại làm sao như vậy”, bởi thế giới của tình yêu, tâm trạng người đang yêu: “không rành mạch bao giờ”. Tình yêu là như thế đấy. Nhà thơ Xuân Diệu đã chẳng từng thốt lên “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu” đó sao? Thậm chí, lúc tỉnh mới thấy rằng khi yêu mình còn “khờ khạo lắm, ngu ngơ quá” đấy thôi.
Chính vì ngập tràn cảm xúc như thế mà người đọc thấy khổ thơ thứ hai này gợi nhiều hơn tả. Chính vì gợi nhiều hơn tả như thế mà “chất thơ” của gã trai si tình đã thăng hoa một cách rất đáng yêu, tế nhị mà rất hóm hỉnh.
Khổ thơ thứ ba cũng là khổ thơ cuối cùng, kết thúc bài thơ. Có thể nói đây là khổ thơ hay nhất trong toàn bài:
Em đưa tiễn bước chân gìn giữ lắm
hạt mưa dùng dằng ngọn cỏ ven đê
yêu mến ạ xin đừng buồn em nhé
giòng nước trôi đi, giọt nước lại rơi về...
Một bức tranh chia ly buồn nhưng không thảm. Cuộc chia ly vô ngôn, vô thanh kéo dài từ đầu bài thơ cho đến cuối bài thơ. Cả hai nhân vật đều dùng hành động để thay cho những lời muốn nói. Cái bước chân đưa tiễn cứ như thể “bước đi một bước giây giây lại dừng” trên bờ đê mênh mông gió thổi. “Bước chân gìn giữ lắm” là bước đi rất nhẹ nhàng, ngập ngừng, có gì như chẳng muốn rời xa.
Trong cảm nhận của chàng trai, cô gái dường như muốn đang đóng băng không gian để hai người khỏi phải chịu đựng sự xa cách. Bởi vì tâm trạng như thế nên mới có cái “hạt mưa dùng dằng ngọn cỏ ven đê”. Câu thơ nhân hóa ở đây được sử dụng rất tài hoa. “Hạt mưa dùng dằng” hay chính lòng người đang dùng dằng chẳng muốn chia tay. Một hình ảnh của ngoại cảnh đã nhuốm màu tâm trạng.
Cái bước chân của cô gái cứ bịn rịn, quyến luyến chẳng muốn rời xa làm cho anh chàng láu lỉnh chỉ “nhìn em để không nói năng gì”, đi bên cạnh. Cuối cùng, dường như cũng không kìm nén được nữa, người trai cũng phải cởi lòng, thốt lên rằng:
“yêu mến ạ xin đừng buồn em nhé
giòng nước trôi đi, giọt nước lại rơi về...”
Quả là có biết bao yêu thương dồn nén trong mấy từ “yêu mến” và “em nhé”. Lời nhắn gửi yêu thương tình tứ ấy liệu có làm vơi đi nỗi buồn trong đôi mắt em? Có lẽ, cảm nhận và thấu hiểu nỗi niềm của người thương mà nhân vật trữ tình đã không hề giấu giếm để trao gửi một tình yêu rất chân thành: “giòng nước trôi đi, giọt nước lại rơi về”. Lời trao gửi là hình ảnh mang tính quy luật của dòng sông. Dòng sông đưa nước trôi đi ra đại dương mênh mông. Nước từ đại dương bốc hơi ngưng tụ thành hạt mưa lại rơi về nguồn. Lấy quy luật của đất trời để thể hiện lòng mình. Câu thơ như thế có khác gì lời thề non hẹn bể. Nó là lời an ủi người yêu nhưng cũng chính là sự nhắn nhủ với chính lòng mình của chàng trai
Vì thế, bài thơ dù có nỗi buồn của cuộc chia ly nhưng không hề có một chút tâm trạng bi thương nào cả. Không những thế, người ta thấy sáng lên một tình yêu bất diệt của sự son sắt thủy chung. Chính vì điều đó mà bài thơ đã gieo vào lòng người đọc một niềm tin trong sáng ở nơi sâu thẳm của tâm hồn. Đấy cũng chính cái thần của bài thơ được ngưng đọng và hóa thành những giọt yêu thương ở trong câu thơ cuối khổ.
Có một lần nhà thơ Nguyễn Duy nói về bài thơ “Sông Thao” của mình như sau: Bài thơ được sáng tác ở bên dòng sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn), tôi đã “bỏ con sông đi và giữ lấy con đê thôi” cho nên đã chuyển sông Kỳ Cùng sang sông Thao (Sông Thao, nhà thơ Nguyễn Duy tự ngâm, www.youtobe.com). Lời “bật mí” của nhà thơ như thế đã một lần nữa khẳng định cho chúng ta một điều, trong bài thơ “Sông Thao”, hình ảnh con sông chỉ là cái cớ, làm cái nền để tái hiện những nét tâm trạng lưu luyến, bịn rịn, nhớ thương của những kẻ đang yêu khi xa nhau mà thôi.
Chính vì thế mà bài thơ có tên là “Sông Thao” nhưng tác giả không khắc họa một nét gì riêng biệt mang tính đặc trưng của “Sông Thao” (tức sông Hồng, sông Thao là tên gọi từ xưa của người Phú Thọ). Những cảnh vật của dòng sông trong bài thơ là những cảnh muôn đời của tất cả những dòng sông. Bởi thế khi tìm hiểu bài thơ ta đừng quá rạch ròi, chú trọng đến dòng sông như cái tên gọi của nó.
Bài thơ “Sông Thao” rất ngắn gọn, dường như nhà thơ rất kiệm lời. Khổ đầu mở ra một không gian rất khoáng đạt nhưng tĩnh lặng. Khổ thơ thứ hai ngập tràn tâm trạng, ngập ngừng khó nói. Khổ thơ cuối cùng giống như một lời ước hẹn thủy chung. Chỉ vậy thôi, du dương như một bản nhạc không lời nhưng khắc họa sâu sắc cái tâm trạng của kẻ ở người đi khi hương lửa đương nồng.
Phải nói rằng hồn thơ của Nguyễn Duy rất tinh tế. Câu thơ của ông như thấu hiểu lòng người. Nó không chỉ nói được những nét tâm trạng khó gọi thành tên mà còn thể hiện những rung cảm yêu thương đong đầy trong đôi mắt trẻ, trong mỗi nỗi bịn rịn nhớ thương của những kẻ đang phải ở trong cảnh ngộ “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” (Nguyễn Du - Truyện Kiều).
Giang Hiền Sơn
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/noi-niem-luu-luyen-ben-dong-song-a27455.html