Phác thảo diện mạo Văn học yêu nước - Cần Vương Quảng Ngãi

Tuy không nhiều, nhưng những sáng tác của dòng văn học yêu nước, Cần Vương Quảng Ngãi xứng đáng được ghi vào văn học sử Việt Nam với một vị thế đặc biệt có ý nghĩa.

         h1-nha-tho-ong-le-trung-dinh-1621676217.JPG

Nhà thờ họ Lê Phú Nhơn, nơi thờ tự Thủ lĩnh Cần vương Lê Trung Đình

          Khái niệm “Văn học Yêu nước - Cần Vương” ở đây giới hạn trong phạm vi các sáng tác văn chương xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ XIX, chịu ảnh hưởng bởi phong trào yêu nước do các sĩ phu khởi xướng, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (tháng 7.1885).

          Các lãnh tụ của phong trào Cần Vương hầu hết là quan lại và nho sĩ được đào tạo trong môi trường nho học, xem văn chương là “con thuyền chở đạo” và là nơi thể hiện tốt nhất ý chí, tư tưởng của con người trong mối quan hệ với cộng đồng, trong sự nhận thức về quan hệ thiên - địa - nhân. Vì vậy, không có gì là lạ khi chính các lãnh tụ Cần Vương cũng đồng thời là các tác gia tiêu biểu của dòng văn học Yêu nước - Cần Vương.

          Do bối cảnh đặc thù của lịch sử - xã hội Việt Nam, trong đó có sự chi phối gay gắt của các điều kiện địa - chính trị, dòng văn học yêu nước thường xuyên chiếm vai trò chủ đạo trong tiến trình hình thành và phát triển của nền văn học quốc gia. Qua những tài liệu, thư tịch còn lưu lại, cũng như qua thu thập những truyền ngôn trong dân gian, vào nửa cuối thế kỷ XIX, ở Quảng Ngãi, ngoài các sáng tác mang tư tưởng Yêu nước - Cần Vương của Lê Trung Đình, Nguyễn Bá Loan, Nguyễn Duy Cung, Trịnh Tuyết Anh... ,các dòng văn học khác hầu như không có gì đáng kể.

          Có thể do truyền thống chuộng thi ca của dân tộc, cộng vào đó là thời gian diễn ra tương đối ngắn của phong trào yêu nước - cần vương và những điều kiện khắc nghiệt ở mức độ mất - còn của cuộc kháng chiến, những gì còn lại của dòng văn học Cần Vương ở Quảng Ngãi (cũng như cả nước) là thơ, một số bài hịch, câu đối; tản văn hầu như vắng bóng. Ở đây, những thể loại văn chương có dung lượng câu chữ “kiệm tiệm” đã phát huy ưu thế rõ rệt đối với việc lưu giữ và truyền bá trong công chúng. Sự nén chặt tự bản thân nó mang khả năng bùng nổ và lan tỏa.

          Tuy không nhiều, nhưng những sáng tác của dòng văn học yêu nước, Cần Vương Quảng Ngãi xứng đáng được ghi vào văn học sử Việt Nam với một vị thế đặc biệt có ý nghĩa.

          Đặc biệt có ý nghĩa vì nó được viết ra bằng “huyết lệ” của những người xã thân vì nước và viết bằng nghệ thuật của những tác gia tài năng. “Lâm hình thời tác” của Lê Trung Đình là một thi phẩm bất tử. Với “Huyết lệ tâm thư” và những bài thơ tứ tuyệt còn lưu lại, Nguyễn Duy Cung thực sự là một tác giả có chỗ đứng đáng kính phục trong nền văn học nước nhà.

           “Lâm hình thời tác” được chí sỹ Lê Trung Đình (1861-1885) ứng tác trong đêm trước khi bị hành hình, nguyên văn:

Kim nhật lung trung điểu

Minh triêu trở thượng ngư

Thử thân hà túc tích

Xã tắc ai kỳ khu

(Nay là chim trong lồng

Mai là cá trên thớt

Thân này tiếc gì đâu

Gian nan tình đất nước)

                                                                   Hoàng Tạo dịch

 

          Hai câu đầu nói lên tình cảnh thực của ông, người cầm đầu cuộc ứng nghĩa Cần Vương đầu tiên trong cả nước, đã chiếm được thành Quảng Ngãi; bị phản bội, phải rơi vào tay giặc, không chịu khuất phục nên bị chúng đưa ra hành quyết.

          Hai câu thơ sau thể hiện đầy xúc động chí khí trung trinh của một nhà yêu nước, không tiếc thân mình, chỉ xót cho hoàn cảnh bi thương của đất nước.

          Lê Trung Đình còn là tác giả của nhiều bài thơ, câu đối thể hiện ý chí cứng cõi của một đấng nam nhi, quyết đem tài năng và sở nguyện thi thố với đời.

          Thân thế và hình trạng của Nguyễn Tấn Kỳ, một trong các phó tướng của Lê Trung Đình, cho đến nay vẫn chưa rõ được bao nhiêu. Có lẽ vì sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông thoát khỏi sự truy bức của kẻ thù, đi tu trên núi vắng, náu mình nơi cửa Phật chờ đợi thời cơ. Không như Phạm Thái, nương chốn Tiêu Sơn, buồn bã phận mình, bỏ quên chí lớn (Chí lớn trong thiên hạ/ hề/ không đựng đầy một bồ rượu; Chí lớn trong thiên hạ/ hề/ không đong đầy trong đôi mắt mỹ nhân.), Nguyễn Tấn Kỳ có đôi câu đối còn truyền tụng:

Cái vồ lực sĩ quăng đâu đó

Nương cửa bồ đề đỡ chuối xôi...

          “Quăng đâu đó” nghĩa là vẫn còn đâu đó và khi gặp lúc thì sẽ đem dùng.

          Nguyễn Tấn Kỳ còn một số thơ, câu đối mà nhà giáo Nguyễn Đình Thảng và một số bậc cao niên ở Bình Sơn, quê hương ông, thuộc nằm lòng.

         

h2-thap-phuoc-son-1621676218.JPGTháp Phước Sơn am, nơi gìn giữ di hài ông Nguyễn Tấn Kỳ
 

           Quảng Ngãi là mảnh đất có truyền thống phụ nữ sánh vai cùng nam giới tham gia tích cực vào những cuộc đấu tranh vì chính nghĩa; và không hiếm những bậc nữ nhi đã trở thành danh tướng mà tiêu biểu là các bà Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung thời Tây Sơn.

          Trịnh Tuyết Anh (1870 - ?) là một phụ nữ tiếp nối và làm vinh danh truyền thống đó. Số phận của bà là trang bi kịch về thân phận người phụ nữ trong một hoàn cảnh oái ăm. Vừa là người có duyên nợ với nhà yêu nước Nguyễn Bá Loan (1857-1908), vừa là hôn thê của kẻ phản bội Nguyễn Thân. Nhưng bà đã vượt lên số phận, bằng một sự lựa chọn đáng kính phục là cải nam trang tham gia chống kẻ thù cướp nước . Bà còn để lại 2 bài thơ tứ tuyệt “Dệt đường thơ”“Đẹp má đào”. Có không ít những đấng nam nhi phải hổ thẹn khi đọc những câu thơ nầy:

Khoác áo nam nhi, vượt sóng trào

Hồn ôm đất nước rực trời sao!

Tuốt gươm trừ tiệt phường bạo tặc,

Thoả chí bình sinh, đẹp má đào.

          “Tuốt gươm trừ tiệt phường bạo tặc”, là chí khí của một nữ nhi anh hào, và cũng là lời thề giữa Nguyễn Bá Loan và Trịnh Tuyết Anh, bởi thế trong bài thơ “Nỗi ngậm ngùi” của Nguyễn Bá Loan có những câu rất đẹp:

Ngóng về đồng nội mây che khuất

Nghe tiếng quân reo dậy cõi bờ

Thanh gươm tuyết hận rơi đầu giặc

Bóng nàng lồng lộng giữa trời mơ.

          Huyết lệ tâm thư, hay còn gọi là Hịch kêu gọi chống Pháp, Hịch Bình Tây là một sáng tác bất tử trong lòng sĩ phu và nhân dân Nam Trung bộ. Tác giả bài văn bi tráng và có sức cổ vũ rất lớn này là nhà yêu nước Nguyễn Duy Cung. Ông sinh năm 1843 tại làng Vạn Tượng, phủ Tư Nghĩa (nay thuộc xã Nghĩa Dõng, thành phố Quảng Ngãi), nổi tiếng thông minh, hay chữ, đỗ cử nhân năm 1867 tại trường thi Bình Định, là thầy dạy của nhiều nho sinh anh tài, trong đó có Lê Trung Đình.

          Tháng 7.1885, nghe tin cuộc khởi nghĩa Cần Vương ở Quảng Ngãi do Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân lãnh đạo bị phản kích, ông đem quân từ Bình Định ra tiếp cứu, nhưng không kịp. Trở về Bình Định, ông tham gia phong trào Cần Vương và đóng vai trò rất quan trọng trong mối liên hệ mật thiết giữa sĩ phu yêu nước 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.

          Năm 1885, Pháp đổ bộ vào Qui Nhơn, Nguyễn Duy Cung cùng nghĩa quân chống giữ, nhưng thất thế phải lui về An Nhơn. Bị phản bội, ông rơi vào tay giặc. Kẻ thù dùng nhiều thủ đoạn tra tấn, mua chuộc để dụ hàng nhưng không lay được ý chí của ông, nên chúng tống ông giam vào ngục, chờ xử chém. Trong tù ông xé vạt áo và cắn tay lấy máu viết bài Huyết lệ tâm thư, tỏ rõ tấm lòng trung trinh ái quốc, kêu gọi sĩ phu và nhân dân tiếp tục chiến đấu vì sự tồn vong của xã tắc.

          Các tài liệu trước đây ghi ông mất năm 1885, tức là bị kẻ thù xử chém sau khi chúng dụ hàng không thành. Tuy nhiên, gần đây khi sưu tầm được tập thơ Vân sơn thi tập của nhà yêu nước Nguyễn Trọng Trì (Bình Định), thấy có một số thơ chữ Hán của Nguyễn Duy Cung chép ở phần phụ lục, trong đó có bài “Khốc Mai nguyên suý” (Khóc nguyên soái Mai Xuân Thưởng). Mai Xuân Thưởng mất năm 1887, vậy phải chăng Nguyễn Duy Cung đã thoát hiểm, tiếp tục chiến đấu và tử trận cuối năm 1887, sau khi phong trào Cần Vương kháng Pháp của Mai Xuân Thưởng bị thất bại?

          Với 15 bài thất ngôn tứ tuyệt viết bằng chữ Hán mới sưu tầm được và một số bài thơ, câu đối lưu truyền trong dân gian, Nguyễn Duy Cung hiện là người còn để lại nhiều bài thơ nhất trong số các lãnh tụ Cần Vương người Quảng Ngãi.

          Bằng một bút pháp rất đỗi độc đáo và tài hoa, thơ Nguyễn Duy Cung thể hiện thắm thiết nỗi lòng của một người con trung hiếu đứng trước cảnh đất nước đang rơi vào nanh vuốt quân thù. Ông căm giận lũ ngoại bang và tay sai giày xéo non sông, mừng vui khi nghĩa quân thắng trận, đau xót và khâm phục trước sự hy sinh của các chiến sĩ Cần Vương, trăn trở vì nỗi mình ngày càng thêm tuổi mà giang san chưa được yên bình.

                             Thu nhạn Nam quy xúc ngã sầu

                             Vị năng khôi phục cựu thần châu

                             Cao sơn lạc diệp thôi nhân lão

                             Quá khích quan âm tự bạch câu

                                                     Ngôn chí (nói chí mình)

                             Cánh nhạn về Nam gợi mối sầu

                             Bởi chưa lấy lại được thần châu?

                             Non cao lá rụng đầu thêm bạc

                             Nghe bước thời gian tựa bóng câu.

                                                                   Đào Văn dịch

          Đọc bài thơ nghe như đâu đây sự truyền vang âm hưởng những câu thơ của Đặng Dung thuở trước:

                             “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch

                             Kỷ độ long truyền đái nguyệt ma”

          Còn bài Tư hương thi (Bài thơ nhớ quê) là sự hoà quyện tình quê, tình nước đến rơi nước mắt người đọc tận bây giờ.

                             Kỷ thu nhung mã vệ gia bang

                             Nhật mộ tư hương vọng Thái Hàng

                             Quốc phá nam nhi đàn huyết lệ

                             Ngự thù, hà nhạc đắc trùng quang.

 

                             (Mấy năm chinh chiến giữ giang san

                             Chiều nhớ quê hương vọng Thái Hàng

                             Nước nạn thân trai đầm máu lệ

                             Diệt thù mong sớm buổi trùng quang).

                                                                             LHK dịch

          Nguyễn Duy Cung xứng đáng có một vị trí đáng kể trong lịch sử văn học nước nhà. Thơ ông là khúc ca bi tráng của phong trào yêu nước Cần Vương cuối thế kỷ XIX ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung. Phong trào yêu nước - Cần Vương Quảng Ngãi chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ. Cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình còn được ghi nhận quá khiêm tốn và dĩ nhiên chưa tương xứng với vị trí mà nó phải có trong lịch sử. Văn học yêu nước - Cần Vương Quảng Ngãi cũng đang trong tình trạng như vậy. Thật là thiếu sót và đáng tiếc nếu việc giảng dạy về lịch sử và văn học địa phương cho học sinh phổ thông tỉnh nhà, phong trào yêu nước Cần Vương và nền văn học hình thành cùng với nó chưa được quan tâm đầy đủ như chúng ta đang hiện thấy.

----------------------------

*Chú thích:

Phần thơ Yêu nước- Cần Vương trích trong các tập:

- Thơ ca yêu nước - cách mạng Quảng Ngãi.

Hội Văn Nghệ Nghệ An – XB năm 1975

- Thơ ca yêu nước – cách mạng Nghĩa Bình

Ty Văn hoá – Thông tin Nghĩa Bình 1981

- Thơ ca yêu nước Quảng Ngãi, Phòng VHTT thị xã Quảng Ngãi 1995.

Lê Hồng Khánh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/phac-thao-dien-mao-van-hoc-yeu-nuoc-can-vuong-quang-ngai-a2771.html