Nói chuyện xuất khẩu đường

Thật trớ trêu, ngành mía đường nước ta, với khả năng sản xuất dồi dào, kỹ thuật chế biến độc đáo, vốn là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm lĩnh thị trường rộng lớn trong nhiều thế kỷ, nay chẳng những không xuất khẩu được, mà còn bị đường từ bên ngoài chèn ép đến điêu đứng.

         

h1-duong-muong-1624714709.jpg
Đường muỗng truyền thống ở Quảng Ngãi

         Theo các tài liệu của người Nhật, người Trung Hoa và các nước phương Tây, vào thế kỷ 17, 18, đường (đường cát, đường phổ, đường phèn) là một mặt hàng xuất khẩu rất quan trọng của Đàng Trong.

          Một cuộc điều tra do Johan Van Linga thực hiện năm 1642 đã đưa ra bảng liệt kê các món hàng thương thuyền nước ngoài mua ở Đàng Trong hàng năm, trong đó đường phổi, (1 trong 5 mặt hàng chính), có khoảng 18 tấn đến 24 tấn. Hai mươi năm sau, một tài liệu của Nishikawa Joken (được công bố ở Kyoto - Nhật Bản năm 1708), cho thấy vào năm 1663, các thương gia người Hoa đã mua ở Đàng Trong và chở đến Nhật Bản 15.130kg đường cát trắng, 61.000 kg đường phổi, 750kg đường phèn. Như vậy là, sau 2 thập kỷ riêng lượng đường phổi xuất từ Đàng Trong đã tăng lên gần gấp 3 lần.

          Nhà nghiên cứu Trung Hoa Li Tana dẫn các số liệu này và nhận xét rằng: “Việc sản xuất ra loại hàng này rõ ràng là đã được khuyến khích bởi nền ngoại thương và xem ra đã phát triển rất nhanh”(1).

          Đến đầu thế kỷ 19, theo Grawfurd, lượng đường cát trắng hàng năm từ Đàng Trong đến Trung Hoa từ 1.000 đến 3.000 tấn và khoảng 250 tấn đến các căn cứ của người Âu ở eo biển Malacca.(2)

          Chúng ta biết rằng, đường cát, đường phổi Đàng Trong trong những thế kỷ 17, 18 và thậm chí gần đây, chủ yếu được sản xuất và chế biến ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.   

         Đến đầu thế kỷ 20, riêng ở Quảng Ngãi, các tác giả Quảng Ngãi Tỉnh chí dẫn số liệu của Sở Thương Chính Quảng Ngãi, cho thấy lượng đường của tỉnh này xuất qua 3 cảng Cổ Luỹ, Sơn Trà và Sa Huỳnh các năm 1929, 1930, 1931 lần lượt là 9.052, 897 tấn; 7.782,906 tấn; 7.351,123 tấn (3)

          Còn theo công sứ Quảng Ngãi Laborde (trong Laprovince de Quang Ngai đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hue. 1925) thì vào thập niên 20, hàng năm Quảng Ngãi xuất khẩu được 12 ngàn tấn đường.

          Năm 1933, Quảng Ngãi có trên 12 héc ta đất trồng mía. Mỗi hécta mía lúa bấy giờ chế biến được khoảng dưới 10 tạ đường, vị chi cả tỉnh sản xuất khoảng 12 tấn đường mỗi năm.

          Điều này cho thấy lượng đường làm ra ở Quảng Ngãi dành phần lớn cho xuất khẩu.      

h2-duong-phoi-1624714906.JPG
Đường phổi

         Đầu thế kỷ 20, giá mỗi tấn đường là 100 đồng tiền Đông Dương, nếu Quảng Ngãi xuất khẩu mỗi năm 12.000 tấn đường thì số tiền thu về sẽ là 1.200.000đ Đông Dương. Các tác giả Quảng Ngãi tỉnh chí nhận xét số tiền này “cũng là một con số lớn trong thương trường”(4).

          Các Hương ước Quảng Ngãi lập ra vào khoảng thập kỷ 30,40(5), cho biết mỗi ngày công được định giá là 0,20đ – 0,25đ. Tính ra, giá bán một tấn đường tương đương giá trị bằng tiền của 500 ngày công.

          Vào thời điểm năm 1999, giá 1 tấn đường trên dưới 5.000.000đ, giá thuê một ngày công ở Quảng Ngãi chừng 15.000đ. Như vậy, 1 tấn đường tương đương giá trị bằng tiền của 333 ngày công.. Thấp hơn nhiều so với giá đường hồi đầu thế kỷ. Đến đầu năm 2013, giá 1 tấn đường 15.000.000đ, trong khi giá nhân công chừng 150.000đ/ ngày. Như vậy, sau 14 năm, giá nhân công đã tăng lên 10 lần, trong khi giá đường chỉ tăng gấp 3 lần.

          Trở lại thời điểm năm 1663, cũng theo Nishikawa Joken, trong lúc Thái Lan đã xuất sang Nhật 71.000kg đường cát, 22.700kg đường phổi thì Đàng Trong xuất 15.130kg đường cát và 61.000kg đường phổi.

          Số lượng đường phổi (một loại đường chế biến từ đường cát, rất tinh khiết và có hương vị độc đáo) xuất khẩu ở Đàng Trong rõ ràng là nhiều gấp 4 lần đường cát. Điều đó có nghĩa là nghề làm đường phổi ở đây rất phát triển và hiển nhiên đã góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của đường rất nhiều.

          Đầu thế kỷ 20 trở về trước, đường phổi và đường phèn của Quảng Ngãi được bán sang Trung Hoa, Nhật Bản, Lào, Campuchia. Lái buôn Hoa kiều mua đường phổi, đường phèn Quảng Ngãi đưa về Hương Cảng (Hồng Kông) rồi cho lên thuyền bán sang các nước phương Tây, gọi tráo là đường Hương Cảng. Bằng cách này, theo Pierre Poivre, họ đã lãi từ 100% đến 400%(6).

          Thật trớ trêu, ngành mía đường nước ta, với khả năng sản xuất dồi dào, kỹ thuật chế biến độc đáo, vốn là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm lĩnh thị trường rộng lớn trong nhiều thế kỷ, nay chẳng những không xuất khẩu được, mà còn bị đường từ bên ngoài chèn ép đến điêu đứng.

          Vậy thì tại sao bên cạnh các biện pháp nâng cao chất lượng, năng suất, mía đường, chúng ta lại không đầu tư để dần dần phục hồi nghề làm đường phổi, đường phèn, những mặt hàng từng làm say mê nhiều thương gia Âu, Á.?

_______________________________

Chú thích:

(1), (2), (6): Li Tana – Xứ Đàng Trong. NXB Trẻ 1999.

(3), (4): Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Đình Chi - Quảng Ngãi Tỉnh chí – In trên Nam Phong tạp chí. 1933.

(5): Hương ước Quảng Ngãi – Vũ Ngọc Khánh, Lê Hồng Khánh sưu tầm, biên soạn. Sở VHTT Quảng Ngãi. 1996.

 

 

Bài và ảnh: Lê Hồng Khánh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/noi-chuyen-xuat-khau-duong-a2869.html