Thăm giáo xứ Tân Vĩnh

Được chính quyền Hà Tĩnh cấp giấy phép, ngày 23/3/2002 toàn họ tiến hành đỗ móng bê tông Nhà thờ mới và đến ngày 7/8/2002 toàn giáo họ nô nức đón chào Đức cha Phêrô Maria Cao Đình Thuyên cử hành thánh lễ đặt viên đá khởi công xây dựng thánh đường. Ngày 2/7/2003, ngôi thánh đường mới hoàn thành. Đây là nhà thờ Họ trưởng nên đồng thời cũng là nhà thờ xứ Tân Vịnh, trong Xứ còn có một nhà thờ họ nữa.

giao-xu-1621832279.jpg
 

Đây là lần đầu tiên tôi sang thăm Giáo xứ Tân Vĩnh (phương ngữ Nghệ gọi là Tân Vịnh), bờ Bắc sông Nghèn. Thị trấn Nghèn có khu phố Tân Vĩnh (ngày xưa gọi là xóm Trại Lau) khá đặc biệt: cư dân khối phố đều là người theo đạo Thiên Chúa. Dùng từ “đặc biệt” vì đó là “di chứng” của một thời tuyên truyền, nhồi nhét làm xa cách giữa lương (người không theo đạo) và người theo đạo Thiên Chúa.

          Trời hôm nay như trước khi vào cơn “vỡ ối”, oi bức, ngột ngạt, khó chịu. Đã qua tiết Tiểu mãn nhưng trời đất còn “ky bo” cực luôn. Thi thoảng mới có vài hạt mưa như trẻ con đái dắt. Tiểu Mãn là tiết khí thứ 8 trong 24 tiết khí, là thời điểm Mặt Trời tạo với đường xích đạo góc 60 độ. Theo dân gian tiết Tiểu Mãn kéo dài từ ngày 20, 21 tháng 5 đến mùng 5 tháng 6. Tiết khí Tiểu Mãn sẽ bắt đầu ngay khi tiết Lập Hạ kết thúc và kết thúc trước khi bắt đầu tiết Mang Chủng. Hôm nay là 24/5 rồi, chưa thấy gì.

          Tân Vĩnh gồm 2 họ đạo Tân Lập và Vĩnh Lộc. Lịch sử Giáo xứ Tân Vĩnh này, nghe đâu có khoảng giữa thế kỷ XIX, năm 1828. Theo đó, cố Can Hằng là người ngoại giáo, quê ở xã Hậu Lộc, sống bằng nghề chài lưới, gia đình cố có 2 người con là Trần Quyền và Trần Phúc Sớn. Nhờ ơn Chúa thương, gia đình cố được trở lại Đạo và đến lập nghiệp tại xóm Trại Lau. Hai năm sau, Canh Dần 1830, có thêm 8 thành viên mới cùng đến sinh sống với cha con cố Hằng, đó là cố Liên, cố Bắc, cố Nhạ, cố Phước, cố Tài, cố Vinh, cố Công và cố Ngại, thuộc giáo họ Ba Già, xứ Trại Lau.

Tập thể giáo họ nhỏ bé đầu tiên ấy đã chung lòng, chung sức, lấy sào đáy làm cột, lá lau làm tranh, cây lau làm mầm trét đất, dựng ngồi nhà nguyện tại khu vực nghĩa địa. Giáo họ Tân Lập được ra đời trong hoàn cảnh ấy. Những trang sử đầu tiên của giáo họ còn ghi:

 

"Tiên tử Đông A làng tộc xứ

Hoang lộ kết thành xạ vụ

Thiên vị Tân Lập chi danh

Con tiên họ Trần cháu rồng xư xứ

Thiên lập thành tích, phát lau đáp nền

Làm nhà, làm cửa, thành xóm thành làng

Sinh cháu, sinh con gọi là Tân Lập".

 

Đất lành chim đậu, đến 1864, năm Giáp Tý, Tân Lập đã có 50 hộ, với số giáo dân đã tăng lên 300 người. Dưới sự hướng đẫn của cha già Tuần quản xứ, giáo họ Tân Lập lại làm được ngôi nhà thờ bằng cột gỗ lim, lợp tranh săng, xung quanh trát đất, quét vôi trắng và đã mau chóng trở thành một họ đạo thuộc xứ Trại Lau đặt tên là họ Tân Lập, quan thầy là Thánh Micae. Từ cầu Nghèn ngược dòng sông khoảng 2km người ta thấy một nghĩa địa Công giáo mới hình thành, đây là xóm cũ của giáo họ gọi là xóm Trại Lau. Xóm này cách thị trấn Nghèn 1km về Tây Bắc, phía Nam sát bờ sông Nghèn, về địa danh hành chính lúc đó thuộc xã Hồng Nam, sau thuộc về xã Thiên Lộc.

ngo-duc-hanh-1621832279.jpgTác giả thăm Nhà thờ Giáo xứ Tân Vĩnh

 

Theo thời gian, qua bao biến đổi thăng trầm, số giáo dân Tân Lập vẫn không ngừng phát triển, ngày một tăng. Giáo dân đã di dời lên sát đường quốc lộ 1A, để đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, cuộc sống và tôn giáo, họ đã dời nhà thờ đến địa điểm mới cho đến ngày nay.

Dưới thời cha già Phêrô Nguyễn Hiên làm quản xứ, năm 1927, giáo dân đã dựng nên một ngôi nguyện đường bằng tre, bằng nứa để sớm tối cầu kinh nguyện ngắm. Về sau, ngôi nguyện đường bé nhỏ không thể đáp ứng vì số giáo dân ngày càng đông thêm. Do vậy năm 1942, thời cha Phêrô Trần Văn Ngôn làm quản xứ, một ngôi thánh đường khác được dựng nên, to hơn, đẹp hơn, sau khi xây dựng nhà thờ bà con giáo dân lấy đày ráo làm một nhà mục vụ( nhà phòng). Trong quá trình tồn tại của mình, theo thời gian ngôi thánh đường chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, được tu bổ lại nhiều lần.

Thời gian, vâng, theo thời gian giáo họ và giáo xứ ngày càng thay đổi. Được chính quyền Hà Tĩnh cấp giấy phép, ngày 23/3/2002 toàn họ tiến hành đỗ móng bê tông Nhà thờ mới và đến ngày 7/8/2002 toàn giáo họ nô nức đón chào Đức cha Phêrô Maria Cao Đình Thuyên cử hành thánh lễ đặt viên đá khởi công xây dựng thánh đường. Ngày 2/7/2003, ngôi thánh đường mới hoàn thành. Đây là nhà thờ Họ trưởng nên đồng thời cũng là nhà thờ xứ Tân Vịnh, trong Xứ còn có một nhà thờ họ nữa.

Với những người Công giáo, tháng 5 là tháng “Dâng hoa cho Đức Mẹ Maria”. Về văn hóa nói chung, tặng hoa, hoặc dâng hoa cho một ai đó là thể hiện tình yêu, lòng tôn kính và trân trọng của người trao dâng. Hoa luôn là biểu tượng, ngôn ngữ sống động để nối kết tương giao.

Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công Giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên Đàng. Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ những tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ”, (Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, Đức Phaolô VI ban hành)

Khi tôi đến thì cha quản xứ còn bận rộn cho những công việc, tối nay diễn ra Thánh lễ. Trong Nhà thờ xứ, 5 cháu học sinh đang nhắc nhở nhau vệ sinh, lau dọn. Bên trái, là các hàng ghế của Đoàn hát Thánh ca, trên mặt bàn những chiếc micro được lau sạch sẽ. Những hàng ghế được kê san sát trong khuôn viên Thánh đường. Tôi ngước nhìn lên vòm Thánh đường. So với các nơi, khi xây Nhà thờ xứ, kinh phí chắc hạn hẹp. Và, 19 năm qua, từ ngày khánh thành chưa được tu bổ, sơn tường đã bong tróc...

Hiện Giáo xứ Tân Vịnh có 850 hộ, với 3.300 khẩu. Như vậy, thế kỷ 20 và hai mơi năm đầu thế kỷ 21, tăng được 3.000 khẩu. Linh mục quản xứ Gioan Baotixita Nguyễn Khắc Bá vừa là một giáo sư Đại chủng viện, vừa là quản hạt, quản xứ vừa là tổng đại diện Giáo phận. Nói thế đã thấy, uy tín không chỉ của cá nhân linh mục mà còn nói lên vị thế của giáo xứ Tân Vĩnh.

Giáo dân Tân Vĩnh cũng làm đủ nghề, có làm nông, có xây dựng, có thương mại dịch vụ như các khối phố khác của thị trấn Nghèn. “Bên này dân thuần lắm, cả làng biết nhau, tình làng nghĩa xóm gắn bó”, Trần Đình Tuân, một người kinh doanh các sản phẩm gỗ, một con chiên của Xứ đạo nói với tôi.

Tôi hiểu, dân các khối phố khác đã “xen dắm”. Thời người khôn của khó, người sinh, đất không đẻ; dân các nơi về mua đất ở thị trấn Nghèn sống lẫn trong các xóm cũ rất nhiều.

          ...

Quê đã lên đô thị

hào nhoáng ít ai ngờ

đông vui người kẻ chợ

về quê thành bơ vơ?

(Quê giờ lên đô thị, thơ Ngô Đức Hành)

Sự lai tạp làm cho “văn hóa làng” biến đổi. Riêng Tân Vĩnh chỉ là dân gốc, phát triển từ thời mang tên Trại Lau, cuối thế kỷ 19 đến bây giờ. Trời “ươn” nhiều khi vì con người. Ngay bây giờ, oi đến khó chịu./.

 

Hà Tĩnh, ngày 24/5/2021

NĐH

 

 

 

Tùy văn của Ngô Đức Hành

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tham-giao-xu-tan-vinh-a2904.html