Đỉnh cao trong nghiên cứu đạo Mẫu

GSTS Ngô Đức Thịnh tuy không phải là người đầu tiên nghiên cứu về đạo Mẫu nhưng anh là người có nhiều đóng góp khoa học và trở thành chuyên gia.

giao-su-ngo-duc-thinh4-1621351074.jpg
 

Anh dành 20 năm cho việc nghiên cứu đạo Mẫu, anh chủ biên và viết chung 9 công trình nghiên cứu (1991,1992,1996,2001,2004,2010,2012,2016a,2016b). Anh còn là tác giả của 3 công trình (2007,2010,2015).Trong đó, công trình “ Đạo Mẫu Việt Nam” do nxb Tôn giáo xuất bản năm 2010 và công trình “Lên đồng hành trình của thần linh và thân phận” do nxb Trẻ xuất bản năm 2008 được coi như đỉnh cao trong sự nghiệp nghiên cứu đạo Mẫu của anh. Ở công trình “Đạo Mẫu Việt Nam” dày hơn 800 trang, anh phân tích đạo Mẫu dưới góc nhìn lịch đại và đồng đại. Bằng những nguồn sử liệu khác nhau và tư liệu trong điền dã của tác giả, đồng nghiệp, anh đã dựng lên bức tranh về sự hình thành đạo Mẫu: từ việc thờ nữ thần, mẫu thần đến tam phủ, tứ phủ. Bằng cái nhìn đồng đại, anh cũng đi sâu phân tích các vùng thờ Mẫu, các địa điểm thờ Mẫu khác nhau. Từ đó anh  đúc kết cái chung và cái riêng của thờ Mẫu ở từng miền.  

Công trình “Lên đồng hành trình của thần linh và thân phận “, tác giả lại tiếp cận với hiện tượng lên đồng bằng một số góc nhìn mới. Bên cạnh góc nhìn của sử học, tác giả đề cập góc nhìn của phân tâm học và các khía cạnh tâm sinh lý. Từ đó tác giả mới “mổ xẻ“ các hiện tượng rối loạn tâm sinh lý, hiện tượng đồng tính của người lên đồng. Mặt khác, tác giả cũng tiếp cận dưới góc độ giới, vấn đề nữ quyền... trong nghiên cứu hiện tượng lên đồng. Tác giả nhìn hiện tượng lên đồng dưới quan niệm chỉnh thể. Lên đồng có nhiều thành tố văn hoá được tích hợp lại. Đó là nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật múa và âm nhạc, nghệ thuật tạo hình và sự vận hành của nghi lễ. Mặc dù tuổi cao lại mắc trọng bệnh, tác giả tích cực đi điền dã, phân tích lên đồng trong xã hội đương đại. Từ đó tác giả phân tích các khuynh hướng biến đổi của lên đồng, các giá trị và phản giá trị... Như vậy, công trình chỉ hơn 350 trang nhưng nhờ tác giả có hướng tiếp cận mới nên công trình có thể là đỉnh cao của sự nghiệp nghiên cứu đạo Mẫu.

Rất tiếc, tác giả viết công trình này trong hoàn cảnh mắc trọng bệnh nên một số luận điểm của tác giả mang tính chất định hướng. Việc vận dụng các lý thuyết nghiên cứu của văn hoá đã được soi rọi nhưng quan trọng là sự gợi ý, truyền lửa cho học trò đi tiếp các hướng đi mới. Và một số học trò được anh hướng dẫn đã thành công.

 

Trần Hữu Sơn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dinh-cao-trong-nghien-cuu-dao-mau-a2959.html