Chí sĩ Lê Trung Đình đỗ cử nhân năm nào?

Bài viết này trở lại vấn đề “Năm Lê Trung Đình đỗ cử nhân” và cố gắng đưa ra một khẳng định có thể để tin được. Tựu trung các tài liệu, sách, bài viết đã được công bố, nêu lên 2 thời điểm Lê Trung Đình thi đỗ cử nhân. Năm 1882 (khoa Nhâm Ngọ) và năm 1884 (khoa Giáp Thân).

              

h3-le-tu-duong-1621938401.JPGLê Tự Đường – nơi thờ tự Lê Trung Đình và tiền nhân tộc Lê Phú Nhơn

           Hội thảo “Lê Trung Đình và phong trào Cần vương ở Quảng Ngãi” do Sở VHTT và Viện sử học tổ chức tại Quảng Ngãi vào tháng 7 năm 1996 là một hoạt động khoa học rất có ý nghĩa, với sự tham gia của khá nhiều nhà nghiên cứu sử học trong cả nước, và là “một bước tiến quan trọng trong nghiên cứu cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình và phong trào Cần Vương kháng Pháp ở Quảng Ngãi cuối thế kỷ XIX” (1).

            Rất tiếc là, trong khi hầu hết các tham luận đều được viết rất công phu, nêu ra nhiều ý kiến sâu sắc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề về cuộc đời và sự nghiệp của nhà yêu nước Lê Trung Đình, thì trong báo cáo có tính chất tổng kết hội thảo, có lẽ vì chưa đủ điều kiện tổng hợp, khảo chứng, đã chưa thể giải quyết thoả đáng hoặc chí ít là đưa ra những nhận định khoa học về một số điểm còn tồn nghi trong tiểu sử và hành trang Lê Trung Đình như: Năm sinh, năm đỗ cử nhân, ngày mất... Và cũng chính vì thế, những phân vân nêu lên trong hội thảo đến nay hầu như còn bỏ ngõ.

            Bài viết này trở lại vấn đề “Năm Lê Trung Đình đỗ cử nhân” và cố gắng đưa ra một khẳng định có thể để tin được. Tựu trung các tài liệu, sách, bài viết đã được công bố, nêu lên 2 thời điểm Lê Trung Đình thi đỗ cử nhân. Năm 1882 (khoa Nhâm Ngọ) và năm 1884 (khoa Giáp Thân). Về thời điểm năm 1882 có các tài liệu đáng chú ý:

            - Khuôn mặt Quảng Ngãi - Phạm Trung Việt. Nam Quang – SG – 1973. Sao sáng sông Trà - Hồng Sinh Hồng Phú - Hội văn nghệ Nghệ An – 1975. Danh nhân lịch sử Việt Nam – Đinh Xuân Lâm và Chương Thâu – NXB Giáo dục – HN, 1988. Tìm hiểu các phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Quảng Nghĩa. Bùi Định – Ban NCLS Đảng và Sở VHTT Nghĩa Bình xuất bản – 1985.           

h2-trap-dung-nghien-but-cua-cn-ltd-1621938291.JPGTráp đựng nghiên bút (Di vật của Chí sĩ Lê Trung Đình)

Lê Trung Đình – con người, sự nghiệp, giai thoại, văn chương - Trần Văn Thận - Sở VHTT Quảng Ngãi – 1999 – Tham luận tại Hội thảo tháng 6/1996 của Quách Thu Nguyệt (NXB Trẻ), Phạm Nhớ (Nhà nghiên cứu Lịch sử Đảng) Thanh Tùng – TC Cẩm Thành 21),...

            Về thời điểm 1884, có các tài liệu sau:

            - Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam - Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế - NXB Khoa học – xã hội, 1992.

            Bài ngoại liệt truyện - Tiến sĩ nho học Phạm Trọng Mưu - bản dịch Lê Thước.

            Các tham luận tại Hội thảo khoa học tháng 6/1996 của Thái Nhân Hoà (Hội Sử học thành phố Hồ Chí Minh), Lê Văn Sách - Nguyễn Quang Trung Tiến (Đại học TH Huế), Nguyễn Đắc Xuân (Huế), Nguyễn Đình Thảng (Đại học TH Huế).

            Riêng cuốn Quảng Ngãi - Đất nước – con người – văn hoá (Sở VHTT Quảng Ngãi – 1997) ở chương IV viết “Lê Trung Đình (1857 – 1885)” và “... mãi đến năm 26 tuổi, Lê Trung Đình mới đỗ cử nhân”, nghĩa là năm 1883; thế nhưng ở phụ lục IV lại ghi ông đỗ năm 1884 (!).

            Khảo các tài liệu cho rằng Lê Trung Đình đỗ cử nhân khoa Nhâm Ngọ, thấy có một điểm chung là các tác giả không chú dẫn nguồn tài liệu được lấy làm căn cứ, hoặc nếu có chỉ là dẫn lại Phạm Trung Việt, Bùi Định, Đinh Xuân Lâm, Chương Thâu. Ở đây, xin nói thêm, hầu hết các tác giả này đều còn sống và cuốn sách được xuất bản sớm nhất được nói đến là vào thời điểm 1973. Người duy nhất có sự phân tích khi đưa ra ý kiến của mình là nhà giáo Trần Văn Thận trong cuốn sách về Lê Trung Đình xuất bản gần đây. Chúng tôi xin được phép trao đổi cùng ông ở phần sau.

            Về mặt khoa học, một khi vấn đề đã có nghi vấn (cụ thể ở đây là năm Lê Trung Đình đỗ cử nhân) thì cần thiết phải có chú dẫn nguồn tư liệu đảm bảo sự xác tín mới có thể củng cố được ý kiến khi đưa ra trao đổi. Cho dù rất kính trọng các nhà nghiên cứu nói trên, chúng tôi vẫn thấy rằng năm Lê Trung Đình đậu cử nhân theo các vị (1882) là chưa đủ tin lắm.

            Về thời điểm năm 1884, xin phép không dài dòng mà chỉ dẫn ra đây những tư liệu mà chắc chắn các nhà nghiên cứu khó có thể phủ nhận.

            1. Trong cuốn Bài ngoại liệt truyện (nguyên văn chữ Hán, tiến sĩ nho học Phan Trọng Mưu biên soạn, GS Lê Thước - vốn là người đỗ đầu khoa thi 1918 ở trường Nghệ An dịch và giới thiệu), phần “Tiểu truyện Lê Trung Đình” chép: “Ông là người xã Phú Nhân, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cha là Lê Trung Lượng, đậu cử nhân khoa Nhâm Tý triều Tự Đức (1852), làm Án Sát. Lê Trung Đình đậu cử nhân khoa Giáp Thân, triều Kiến Phúc (1884)”.

            Phan Trọng Mưu (1851 -?) người xã Đông Thái, huyện La Sơn nay là thôn Đông Thái, xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông sinh năm Tân Hợi (1851), đỗ cử nhân khoa Bính Tý (1876), đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỹ Mão (Tự Đức thứ 32-1879), làm quan đến chức Thị Độc; tham gia cuộc khởi nghĩa Cần vương kháng Pháp ở Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Về sau bị bệnh nặng, ông về làng sống những ngày cuối đời, không rõ mất năm nào. “Bài ngoại liệt truyện” có lẽ được viết trong thời gian ông sống ở quê nhà. Bản dịch thuật của Lê Thước hiện còn lưu tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, ký hiệu VV 112/69. “Tiểu truyện Lê Trung Đình” chỉ khoảng 100 chữ nhưng là tác phẩm thành văn sớm nhất ghi lại những chi tiết quan trọng về cuộc đời Lê Trung Đình.

            2. Tài liệu mà chúng tôi cho rằng đáng tin hơn cả chính là Quốc triều Hương khoa lục (2) của Cao Xuân Dục (1842 – 1923), nguyên Thượng thư bộ Học - Tổng tài Quốc sử quán trièu Nguyễn. Ngoài tính chính xác, nhất quán của bộ sách, nhờ khảo cứu công phu, lấy nguồn tư liệu gốc từ văn khố triều đình, Long Cương Cao Xuân Dục cũng là người khá gần gũi với giới quan lại và khoa bảng ở Quảng Ngãi. Ông đỗ cử nhân 1876, hỏng thi hội 1877 nên nhận chức Hậu bổ ở Quảng Ngãi. Từ đó đến năm 1881 (khi được điều về Huế) ông giữ các chức Kinh lịch, rồi Tri huyện Bình Sơn, Tri huyện Mộ Đức.

            Theo Quốc triều Hương khoa lục, khoa thi Hương năm Giáp Thân - Kiến Phúc thứ I (1884) là Ân khoa (chính khoa theo định lệ vào các năm tý, ngọ, mão, dậu). Năm đó, tại trường Bình Định lấy đỗ 18 cử nhân. Đỗ đầu là Phạm Văn Chất (người làng Thi Phổ, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi). Lê Trung Đình xếp thứ 17, áp chót. Khoa này còn có 3 người Quảng Ngãi khác đỗ cử nhân là Võ Dương (Mộ Đức, xếp thứ 5), Phạm Văn Nga (Mộ Đức, xếp thứ 7), Nguyễn Thừa Lương (Chương Nghĩa, xếp thứ 8).

            Cũng xin nói thêm, khoa tiếp sau (Ất Dậu, Hàm Nghi Thứ I, 1885) các sĩ tử Quảng Ngãi khi đỗ xong kỳ thứ nhất, nghe tin kinh thành có biến, kéo về quê, bỏ thi, nên không có ai đậu.

            Còn trước đó, khoa Nhâm Ngọ (Tự Đức thư 35 – 1882), tại trường thi Bình Định, trong số 11 người đỗ cử nhân, Quảng Ngãi có Trần Cư (Bình Sơn - thủ khoa), Nguyễn Mậu Thọ (Mộ Đức, thứ 6), Nguyễn Du (Mộ Đức, thứ 7), Lê Tựu Khiết (Mộ Đức, thứ 9), Bùi Doãn (Sơn Tịnh, thứ 11).

            Nếu kể từ khoa Kỷ Mão (Tự Đức thứ 32 – 1879) đến Ân khoa Giáp Thân (Kiến Phúc thứ I – 1884) thì có 3 kỳ thi Hương liên tiếp thủ khoa là người Quảng Ngãi (Bùi Phụ Truyền, Trần Cư, Phạm Văn Chất). Đây chính là cái cớ của câu ca:

                        Tiếc công Bình Định xây thành

                        Để cho Quảng Ngãi ba lần thủ khoa        

h1-mo-chi-si-le-trung-dinh-1621938401.JPGPhần mộ chí sĩ Lê Trung Đình (Phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi)
 

Xin trở lại cuốn sách của Trần Văn Thận. Ông giáo, một mặt xác nhận Quốc triều Hương khoa lục chép tên Lê Trung Đình đỗ cử nhân khoa Giáp Thân (1884), mặt khác lại cho rằng điều này không khớp với bài thơ Tự trào của Lê Trung Đình. Ông đã phân tích bài Tự trào kết hợp với giai thoại “Gõ đầu thủ khoa Phạm Văn Chất” và một vài ý kiến khác để thiên về khẳng định thời điểm 1882.

            Chúng tôi cho rằng, thực ra bài Tự trào và giai thoại “Gõ đầu thủ khoa Phạm Văn Chất” lại gián tiếp khẳng định Lê Trung Đình thi đỗ khoa Giáp Thân (1884). Vì lẽ: 1. Phạm Văn Chất (quê Thi Phổ, Mộ Đức) là người đỗ đầu khoa thi năm 1884 tại trường thi Bình Định. 2. Bài Tự trào không phải nói về chuyện thi năm Nhâm Ngọ (1882) mà nói về kỳ thi năm Kỷ Mão (1879).

                                    ... “Khoa Kỷ Mão” ưu, bình trường nhất đủ

                                    Giải nguyên này hai chú hãy tranh nhau

                                    Chữ nhất kia xuất vận bởi vì đâu?

                                    Nên Đình lại qua khoa Nhâm Ngũ

                                    Còn một tay Bá Võ vào trường ba, chữ Tấn lại quên đài

                                    Uý, thôi thôi, hỏng cả vừa hai

                                    Con tạo khéo thày lay lắm bấy

                                    Long độc nhãn phi lai hà xứ tộc

                                    Mất thủ khoa về bởi tay ai?

                                    Rồng khúc thuỷ lạc loài nơi Chương Nghĩa.

Khoa này 2 ông Lê Trung Đình và Trần Bá Võ đậu trường nhất (ưu, bình trường nhất đủ). Đến trường hai, Lê hỏng vì chữ “nhất” xuất vận; Trần đậu, vào tiếp trường ba. Ở trường ba, Trần viết chữ “Tấn” quên đài, lại hỏng. Như vậy là giấc mộng “giải nguyên này hai chú hãy tranh nhau” thành chuyện trào lộng vì 2 người đều hỏng, nói gì đến giải nguyên (đỗ đâu). Câu “mất thủ khoa về bởi tay ai” không phải nói chuyện đỗ hay không đỗ đầu, mà là nhắc lại với ý tự trào về chuyện muốn “giành nhau” cái giải nguyên của hai anh học trò mới …đỗ trường nhất!

            Sau 2 lần liên tiếp thi hỏng 1879, 1882, đến lần thứ 3 (1884) đỗ, nhưng thủ khoa lại rơi vào tay một người mình không phục, cử Đình đã tỏ thái độ, mà nếu đúng như giai thoại, là có phần thái quá.

            Bài thơ Tự trào ý tứ trào lộng nhẹ nhàng, trẻ trung, không như hành động có phần quá trớn trong giai thoại “gõ đầu”.

            Đúng như nhà giáo Trần Văn Thận, giai thoại không phải là lịch sử, nhưng được hình thành và lưu truyền dựa vào một sự thật nào đó của lịch sử. Chúng tôi không tin là có thật, hoặc giả cho là chuyện đáng nhắc lại giai thoại Lê Trung Đình gõ đầu Phạm Văn Chất. Nhưng dù sao đối với các nhà nghiên cứu, giai thoại này đã góp phần làm rõ năm Lê Trung Đình thi đỗ cử nhân – năm 1884, chứ không phải năm 1882.

            Thiết tưởng, sự thật đã rõ!

Chú thích:

            (1): PTS Trần Hữu Đính. Báo cáo thay mặt Ban chủ trì hội thảo về Lê Trung Đình tại Quảng Ngãi năm 1996. Cao Xuân Dục. Quốc triều Hương khoa lục. Bản dịch NXB thành phố Hồ Chí Minh – 1993. Có thể xem thêm: Các ông nghè ông cống triều Nguyễn – NXB VHTT – 1995.

(2) Cao Xuân Dục; Quốc triều hương khoa lục; NXB Lao Động 2011

 

                       

Lê Hồng Khánh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chi-si-le-trung-dinh-do-cu-nhan-nam-nao-a2963.html