Linh thiêng đền Quả
Đền Quả Sơn tọa tại chân núi Quả, bên bờ sông Lam, thuộc địa phận làng Miếu Đường, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đây là ngôi đền thiêng thứ hai trong 4 ngôi đền thiêng của tỉnh Nghệ An: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.
Đền có tuổi thọ ngót gần một ngàn năm, được trùng tu nhiều lần, đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa uy nghi, tôn nghiêm, có quy mô khá đồ sộ trong một khuôn viên rộng lớn và rất đẹp mắt. Đền Quả Sơn không chỉ nổi tiếng bởi giá trị nghệ thuật, quy mô to lớn và linh thiêng, mà còn bởi đây là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - Tri châu Nghệ An, người có công lao to lớn xây dựng quê hương xứ Nghệ và mở mang, bảo vệ bờ cõi cho quốc gia Đại Việt dưới triều đại nhà Lý.
Trên phương diện nghiên cứu lịch sử, các nhà sử học đã đánh giá cao về ông và xếp Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là một trong 9 vị danh nhân của nước Đại Việt. Tác phẩm “Việt Điện u linh” của Lý Thế Xuyên nói về Lý Nhật Quang với một ngôn từ rất trang trọng “một đại phúc thần cải châu, trung trực, liêm khiết”. Đặc biệt, xếp theo thứ tự, những vị thần nào công đức lớn hơn được xếp trên sau các vị vua và các đại thần chứ không xếp theo thời gian thì Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được viết đầu tiên.
Cùng với thờ Uy Minh Vương, đền Quả Sơn còn thờ Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương là hai hoàng tử nhà Lý, là anh em của Lý Nhật Quang được nhà vua cử vào giúp ông trong thực hiện việc chính sự.
Có thể nhận thấy, đền Quả Sơn là một công trình kiến trúc cổ, đồ sộ, là công trình hội tụ tư duy sáng tạo, mới mẻ: Bộ khung của các công trình trong đền được lấy từ các nơi đưa về và dựng lại. Đền bao gồm nhiều hạng mục, điển hình như: Tòa nhà hình chữ công gồm Thượng điện, Trung điện và Hạ điện nối liên tiếp với nhau - thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Tả vu thờ Đông Chính Vương, Hữu vu thờ Dực Thánh Vương, phần mộ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, nhà bia, nhà ngựa và ông ngựa…
Bảo tồn, phát huy giá trị di tích
Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, do thời gian và chiến tranh, đền Quả Sơn ngày nay không còn lưu giữ được quy mô và tầm vóc như xưa. Năm 1952, bom đạn đã làm cho đền bị phá hoại nghiêm trọng. Đền chỉ còn lại tấm bia đá cổ và ngôi mộ của Ngài.
Thực hiện chủ trương bảo tồn, phục hồi và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa dân tộc, năm 1996, được sự giúp đỡ của ngành Văn hóa tỉnh Nghệ An, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Đô Lương cùng du khách gần xa, đền đã từng bước được xây dựng lại ngay chính vị trí cũ.
Ngày 12/2/1999, đền được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia” theo Quyết định số 05/QĐ-BVHTT. Ngày 17/12 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (lễ Chạp đền). Lễ hội đền được tổ chức hàng năm vào ngày 19, 20 tháng Giêng âm lịch.
Bên cạnh việc xây dựng, tôn tạo Đền và tổ chức tế tự chu đáo, từ lâu nhân dân trong vùng được sự chỉ đạo và giúp đỡ của Nhà nước đã tổ chức Lễ hội đền Quả Sơn rất linh đình và trọng thể. Tương truyền, tướng quân Lý Nhật Quang đi đánh giặc, trên đường lui quân khi bị thương được Bà Bụt chỉ cho đất huyết thực (đất có long mạch tốt, ngàn năm được phụng thờ), sau khi hiển thánh, Ngài nhớ ơn nên có Lễ tạ này. Lúc đầu lễ hội được tổ chức đều kỳ: 3 năm 2 lần, gần đây, tổ chức 1 năm 1 lần. Đây là Lễ hội để nhân dân trong vùng thay mặt cho nhân dân xứ Nghệ bày tỏ tấm lòng tri ân đối với vị anh hùng thời dựng nước, Thành hoàng của xứ; đồng thời cũng là dịp đón xuân bằng tinh thần thượng võ và những trò chơi dân gian truyền thống.
Trong những năm gần đây huyên Đô Lương đã tập trung đầu tư, tu bổ nâng cấp ngôi đền để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách. Điển hình như huyện đã trích ngân sách (cùng với nguồn xã hội hóa) đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng nhiều hạng mục công trình: lát gạch hai bên dọc theo nhà ngựa, xung quanh nhà chính điện, cạnh nhà trực và sau nhà Tả vu, Hữu vu. Làm nhà bán hàng truyền thống trong khuôn viên đền bằng tôn, quy hoạch lại bãi trông giữ xe… Đặc biệt, huyện đã tiến hành thu âm đĩa về di tích để tuyên truyền, đồng thời tái bản sách Uy Minh Vương Lý Nhật Quang với Nghệ An.
Đặc biệt, đầu năm 2017, được sự cho phép của Bộ VH, TT&DL, UBND huyện Đô Lương cùng với Ban quản lý di tích đền Quả Sơn đã đề ra dự án đầu tư phục dựng lại toàn bộ nguyên trạng đền giống với ban đầu, ước tính kinh phí khoảng 70 tỷ đồng (nguồn vốn xã hội hóa). Cùng với đó, UBND huyện Đô Lương đã triển khai chủ trương vận động xây dựng Quỹ “bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử đền Quả Sơn”. Đây là việc làm thể hiện đạo lý “Uốc nước - Nhớ nguồn” đối với những người có công với dân, với nước đồng thời thể hiện trách nhiệm trong việc đầu tư kinh phí tôn tạo, xây dựng Đền Quả Sơn xứng đáng với di tích lịch sử Quốc gia.
Việc bảo tồn, tôn tạo xây dựng Đền Quả Sơn thờ Uy Minh Vương - Lý Nhật Quang là việc làm cần thiết đáp ứng mong muốn của du khách và nhân dân thể hiện lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc đối với vị tri châu Nghệ An cách đây 1.000 năm đã có công xây dựng vùng đất Hoan Châu phồn thịnh, trong đó có vùng đất Đô Lương ngày nay./.
Minh Thụ
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/den-qua-son-kien-truc-co-do-so-hoi-tu-tu-duy-sang-tao-moi-me-a3034.html