Người Vĩnh Phúc ở vùng đồi núi trung du, cách ngày nay khoảng bẩy, tám chục năm, rừng còn bao bọc thị xã Vĩnh Yên. Tục thờ cây, thờ đá ăn sâu vào đời sống tinh thần của cư dân vùng bán sơn địa. Ngay trong khuôn viên của chùa, dưới các gốc cây cổ thụ là dấu vết của tục thờ đá, các tảng đá được xếp trang trọng, đầy tính linh thiêng. Có hòn đá được chôn dưới gốc cây. Có hòn khắc chữ, có hòn hình dài...
Cây trong khuôn viên chùa cũng được lựa chọn các loài cây thiêng hoặc mang tính biểu tượng có quả theo quan niêm phúc lộc thọ. Cây si, cây đa còn có sự tích ly kỳ. Cách ngày nay mấy trăm năm, khắp vùng Đoan Hùng trấn Sơn Tây (có xã Định Trung - nơi có chùa Hà Tiên) đều bị hạn hán nghiêm trọng, các cánh đồng nứt nẻ, người dân phải đi xa lấy nươc. Người dân khổ cực kêu than. Vị sư trụ trì chùa Hà dựng đàn tụng kinh cầu Phật. Trời vẫn không mưa. Đến ngày thứ ba sư tự thiêu. Ngọn lửa bùng cháy, cả thân thể sư trở thành bó đuốc sống. Mây đen ầm ầm kéo đến, sấm chớp nổi lên. Mưa như trút nước. Ngọn lửa thiêu bị dập tắt. Bất ngờ, các rễ đa như những bàn tay vô hình cuốn lấy hài cốt nhà sư. Từ hài cốt mọc lên ngọn tháp, thân cây đa mở ra ôm chặt ngọn tháp. Đến nay, dấu tích cây ôm tháp vẫn còn như một chứng tích cây thiêng, và mô típ cây ôm người hoá Phật lại xuất hiện. Tín ngưỡng thờ cây được Phật giáo hoá.
Chùa Hà còn là địa điểm linh thiêng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Sau đó chùa thờ Phật được dựng xây. Chùa vẫn dành một toà nhà ba gian thờ Mẫu. Ở đây người dân vừa thờ Quốc Mầu và Mẫu Tam Phủ. Quốc Mẫu Tây Thiên ngồi trên ngai vàng ở cung cấm. Nơi ngài ngự vẫn còn kiến trúc nhà sàn. Sự hoà hợp giữa thờ Quốc Mẫu và Mẫu Tam Phủ cũng như sự đa dạng vừa thờ Phật vừa thờ Mẫu là đặc trưng của ngôi chùa cổ.
Ngôi chùa Hà còn có dấu tích của Đạo giáo với quan niệm về phong thuỷ thế đất và huyệt mạch. Quan niệm dân gian còn tin rằng chùa Hà là huyệt mạch linh thiêng được Cao Biền đánh dấu trong bản đồ cùng với giếng Mắt Rồng ở Đồi Cao. Dân gian còn tin rằng Bác Hồ rất am hiểu đạo giáo, nắm được sơ đồ huyệt mạch nên nhân ngày thăm Vĩnh Yên đầu tiên, Bác đã nói chuyện với 16 ngàn người dân chống hạn thắng lợi ở giếng Mắt rồng và đến thăm giếng chùa Hà. Người dân còn có câu ca :
Con gái mà xấu như ma
Uống nước chùa Hà cũng hoá thành tiên
Không biết câu ca có thật không nhưng ai đến thăm chùa Hà cũng ra múc nước giếng rửa mặt. Một ngôi chùa cổ, có lịch sử lâu đời nhưng ẩn chứa các tín ngưỡng cổ xưa với cả đạo Phật, tín ngưỡng thờ Mãu và Đạo giáo. Người Việt đã dung hoà tôn giáo.
Bài liên quan: Vĩnh Phúc: Chùa Hà Tiên
Trần Hữu Sơn
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chua-ha-tien-da-dang-va-hai-hoa-ton-giao-a3170.html