Xứ Kẻ Trổ xa xưa là giải đất rộng lớn ven bờ sông La, thời nhà Trần có tên Ba Lỗ huyện Chi La, cuối đời Trần đầu đời Lê đổi tên thành Bình Lỗ, đến giai đoạn Lê Trung Hưng (1533-1593) lại mang tên xã Bình Thọ huyện La Sơn phủ Đức Quang. Thời nhà Nguyễn (1802-1945) Bình Thọ phân chia thành 2 làng: Nhân Thọ và Yên Thọ thuộc tổng Yên Hồ phủ Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Từ tháng Tám -1945, Nhân Thọ và Yên Thọ cùng xã Láng Ngạn hợp nhất đặt tên là xã Tam Đồng. Lúc đó xã Tam Đồng có 12 xóm xếp theo số thứ tự từ 1 đến 12. Năm 1953 xã Tam Đồng chia tách thành hai đơn vị hành chính:
- Xã Đức La, tức Láng Ngạn cũ gồm 4 xóm 6,7,8,9
- Xã Đức Nhân gồm 8 xóm của làng Nhân Thọ và Yên Thọ cũ được chia thành 11 xóm được đặt tên là: Yên Lạc, Yên Thành, Yên Chính, Yên Long, Yên Đồng, Yên Hợp, Yên Hảo, Yên Hoà, Yên Bình, Yên Đình, Yên Trung.
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Đức Nhân tiến hành xây dựng HTX nông nghiệp từ quy mô xóm lên liên xóm gồm 6 cơ sở: Nhân Phú, Nhân Quý, Nhân Khang, Nhân Ninh, Nhân Phúc và Nhân Lộc. Cuộc vận động cải tiến quản lý trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, Đức Nhân sát nhập các HTX bậc cao theo quy mô liên thôn rồi toàn xã.
 Sau khi áp dụng cơ chế khoán mới và tiến hành việc giao quyền sử dụng đất cho hộ nông dân, xã Đức Nhân cơ cấu lại việc quản lý hành chính khu dân cư gồm 3 thôn: Phú Quý, Khang Ninh, Phúc Lộc.
Địa danh Kẻ Trổ gắn liền với xã Đức Nhân qua nhiều giai đoạn và tồn tại cho đến bây giờ.
*****
Với đặc điểm tự nhiên là gần sông, gần đường cái quan giao thông thuận lợi, đất đai màu mỡ... nên cư dân đã đến đây làm ăn sinh sống từ lâu đời. Chưa có một nguồn sử liệu nào xác định cụ thể niên đại hình thành và mở mang xứ Kẻ Trổ nhưng theo sách “Bình Lỗ Hoàng tộc phổ” do Giáo sư Hoàng Xuân Hãn toát yếu cho biết: Vị thủy tổ là Hoàng Viết Nghiêu, vốn người Thanh Hoá, từng dự Tú Lâm cục (học để thi Hội), đi về phía nam lánh nạn, thấy đất Kẻ Trổ là nơi cư dân đông đúc phong cảnh tươi đẹp nên đời nhà vào đây từ cuối đời Trần (trước năm 1400) Gia phả họ Phạm-Kẻ Trổ do Tiến sỹ Phạm Khắc Di biên khảo có ghi: Viên Võ quan Phạm Công Chính trấn giữ vùng Cao Bằng (Cao Bình quận) vào công cán lâu dài phía nam nước Đại Việt, sau đó định cư tại làng Kẻ Trổ, lập nên họ Phạm sau họ Hoàng khoảng 50 năm. Những tư liệu đó là cơ sở đáng tin cậy để xác định: Kẻ Trổ là vùng đất cổ có người sinh sống làm ăn, có làng xóm trù mật chậm nhất cũng vào cuối đời Lý đầu đời Trần. Cư dân Kẻ Trổ có nguồn gốc từ nhiều nơi như Thanh Hoá, Ninh Bình, Hải Dương, Cao Bằng, Sơn Tây... hội tụ về, cùng chung sức chung lòng khai đất lập làng xây dựng cuộc sống ngày càng yên vui. Bên cạnh dòng họ Hoàng, họ Phạm còn có các dòng họ lớn như Lê, Nguyễn, Bùi, Trần... qua nhiều thế hệ đã có đóng góp lớn lao vào sự ổn định và phát triển trên nhiều lĩnh vực của Kẻ Trổ-Đức Nhân.
Về sản xuất nông nghiệp, tập trung vào các loại cây trồng chính như lúa, khoai,ngô, mía, đậu, lạc ... chăn nuôi trâu bò, lợn gà... đem lại nguồn thu nhập chính. Về sau thêm nghề trồng bông trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa, chế biến nông sản, đường mật, phát triển nghề mộc gia dụng... góp phần cải thiện và nâng cao đời sống. Đặc biệt nghề trồng mía chế biến đường mật ở Kẻ Trổ đã nổi tiếng lâu đời. Chỉ tính riêng từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến cuối thập kỷ năm mươi thế kỷ XX, xã Đức Nhân đã có gần 500 hộ với hàng ngàn lao động làm nghề chế biến đường mật. Trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 970 tấn mật mía để làm đường khuôn, đường cát, đường phèn. Nhiều hộ gia đình khá giả lên bằng nghề đường mật như Phạm Nhượng, Lê Đức Oanh, Lê Văn Thành, Phạm Quang Oanh, Lê Khánh, Nguyễn Huân, Phạm Bảy... Không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân khu vực phía bắc tỉnh Hà Tĩnh, mật đường Kẻ Trổ còn vận chuyển đi bán buôn bán lẻ trên thị trường các tỉnh Quảng Bình,Nghệ An, Thanh Hoá... đem lại cho dân nguồn thu lớn, tạo động lực hấp dẫn cho bước phát triển mới.
Một sự kiện đáng nhớ là vào giữa năm 1953, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết định, thực hiện chủ trương ‘Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến’ xã Đức Nhân đã thành lập Đội dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng thanh niên tình nguyện lên đường đã đem theo những chiếc xe đạp mang nhãn hiệu Lincol, Supeglobe, Sterline do Pháp sản xuất nay dùng làm xe thồ đưa lương thực vũ khí ra mặt trận đánh Pháp. Việc làm mang ý nghĩa lớn lao là những chiếc xe đạp này được các gia đình mua bằng những đồng tiền làm ra từ nghề ép mía, chế biến và mua bán đường mật. Từ trong thực tiễn của sản xuất và chiến đầu đã làm cho tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa thêm nồng nàn sâu sắc.
Quê ta là đất Tam Đồng
Mùa về mía ngọt đường thơm cả làng
Nón Hạ buộc quai thao vàng
Em về Kẻ Trổ đổ đàng (đường) với anh
Nghề trồng mía và chế biến đường mật bị mai một dần khi Nhà máy đường Sông Lam chính thức đi vào hoạt động (1960). Sau đó một số hộ gia đình đi đi dân làm kinh tế mới ở Trại Côốc - Tân Hương (Đức Thọ) Sơn Mai (Hương Sơn) Hương Điền và Hương Giang (Hương Khê) đã trở thành lực lượng nòng cốt về kỹ thuật trồng mía, nghề chế biến đường mật và kẹo Cu đơ phục vụ tiêu dùng tại các địa phương.
Kẻ Trổ cũng là nơi có nhiều gia đình buôn bán khá thịnh vượng. Cùng với mật, đường, kẹo... họ còn mở thêm các mặt hàng khác. Chợ Trổ ở xóm 4-Yên Hợp là trung tâm thương mại lớn phía đông bắc của huyện Đức Thọ hoạt động từ lâu đời, mỗi tháng họp 9 phiên vào các ngày 3-6-9, mặt hàng khá phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm truyền thống của vùng quê Đức Thọ như: lúa gạo Đồng Khê-Kẻ Ngù, miến bột lọc Hạ Tứ, hến Thượng, bún giá Yên Trung, vải Yên Hồ, lụa Châu Phong, đồ mộc Thái Yên...cho đến chè xanh Hương Sơn, cá nước mắm Cửa Hội, nồi đất Cổ Đạm... Hàng phở Bà Cừ, Bà Thuận, hiệu thuốc bắc cụ Bùi Thố cụ Nguyễn Huyền, hiệu thợ bạc Bùi Trâm, Nguyễn Oanh, hiệu may Lê Ban, Lê Khanh. Ông Vũ Nhận anh Liên...mở hiệu cắt tóc cho đến hiệu ảnh Lúa Vàng của Hoàng An, hiệu đồng hồ Trung Lục, hiệu vẽ Sáng Chuyên của Quang Cẩn... Tất cả làm nên sự hưng thịnh và vẻ đẹp riêng của vùng quê Kẻ Trổ.
Những năm đầu thế kỷ XX, Giải nguyên Lê Văn Huân cùng một số sỹ phu yêu nước ở Hà Tĩnh và Nghệ An đã mở cửa hàng tạp hoá Mộng Hanh tại chợ Trổ buôn bán kiếm lời gây quỹ cho thanh niên trong vùng xuất dương du học vừa lợi dụng tính hợp pháp trong làm ăn lấy cửa hàng làm địa điểm tụ họp nhằm giáo dục ý thức dân tộc và lòng yêu nước cho nhân dân. Nhiều bậc cao niên còn nhớ, thời kỳ đó cửa hàng Mộng Hành có treo bức đối liễn:
- Bán mật bán đường không bán nước
- Buôn ngàn buôn vạn chẳng buôn quan
Chợ Trổ trước đây có 4 ngôi đình làm bằng gỗ tốt, xếp hình chữ Khẩu trông rất bề thế, nay đình đã hỏng hoặc dời đi nơi khác, chỉ còn ngôi đình chính được đưa về Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Trải qua thời gian và thời tiết khắc nghiệt, đình vẫn giữ được khá nguyên vẹn về kiến trúc. Tư liệu cho thấy: Đình được khởi công xây dựng năm Canh Thìn (1760) do các hội thọ giỏi ở Thái Yên (Đức Thọ) và Xa Lang (Hương Sơn) đảm nhận. Quá trình tập kết vật liệu và thi công kéo dài gần 2 năm. Theo một câu chuyện truyền ngôn: Dự định của làng là sẽ làm lễ khánh thành vào dịp Tết Đoan Ngọ (5/5âl), gần sát đến ngày hoàn công, toàn bộ khung ngôi đình đã được dựng lên nhưng hai chiếc đầu rồng gian giữa lắp ráp vào không kín mộng. Mọi người vô cùng lo lắng. Sáng sớm ngày mùng hai, có một cụ già hành khất đi qua ghé vào xem thợ làm rồi tình nguyện xin chỉnh sửa lắp ghép. Lúc đầu chức sắc và dân làng ái ngại nhưng rồi đành chấp nhận. Cụ chăm chú làm cùng với vài ba thợ trẻ hỗ trợ, gần hai ngày sau đã ghép đầu rồng vào cột hoàn chỉnh kịp ngày lễ hội. Làng quyết định trích ba quan tiền biếu cho người hành khất. Cụ già đưa tay nhận rồi để tiền vào chiếc nón mê, thong thả nói: - Được làng ban thưởng, tôi rất cảm ơn tấm thịnh tình. Số tiền này tôi xin gửi lại để thưởng cho các con cháu đang đi học... Nói xong cụ bước lại giữa đình, đặt chiếc nón mê đựng tiền lên sập thờ rồi vái chào ra đi không để lại danh tích gì cả.
Từ khi có đình làng, việc học hành khoa bảng của con em Kẻ Trổ ngày càng tấn tới, năm nào cũng có người đỗ đạt cao công thành danh toại. Và cũng từ đó trên sập thờ đình làng luôn có chiếc nón mê, vật kỷ niệm của người hành khất...
Thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, dọc theo Lạch Trổ và sông La, nhiều khu dân cư bị bom đạn tàn phá, nhất là vùng Cửa Tịnh và Bến Miệu, hàng chục người chết và bị thương. Chợ Trổ phải sơ tán vào trong các xóm có cây cối che chở. Năm 1975, hoà bình lập lại, chợ được xây dựng ở Đồng Đinh kề chân đê La Giang và đường Liên xã Nhân-Thủy. Diện tích đất chợ Trổ cũ giành để xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ, ghi danh 121 người con ưu tú của quê hương Kẻ Trổ-Đức Nhân đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Giải đất Kẻ Trổ có hơn 30 dòng họ cùng nhau sinh sống làm ăn và là một địa phương giàu truyền thống học hành khoa bảng. Từ đời Lê đã có Hoàng Trừng, tự Nhất Thanh (Tổ thứ 5 họ Hoàng) đỗ Nhị giáp Tiến sỹ khoa Kỷ Vị (1499) làm Tả Thị lang Bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sỹ, tước Lệ Trạch hầu. Hậu duệ họ Hoàng có nhiều người đỗ đạt cao như: Hội nguyên Hoàng Dật, Hương cống Hoàng Thủy Hạo, Hoàng Viết Thụy, Cử nhân Hoàng Xuân Phong Hoàng Xuân Viên...
Vị tổ đời thứ 7 họ Phạm-Kẻ Trổ là Võ tướng Phạm Khánh Thiện có nhiều công lao bảo vệ miền biên ải phía nam nước Đại Việt (giai đoạn 1527-1592) được phong chức Thượng tướng quân Cẩm Y vệ, tước Quế Sơn hầu. Con trai là Phạm Thế Vinh đã được tu nghiệp Quốc Tử Giám làm Thị nội Văn chức trong Vương phủ. Giai đoạn Lê Hiển Tông trị vì, do có công trong vụ Dẹp loạn Tam phủ nên Thiên hộ Phạm Như Tấn được phong Tráng Tiết tướng quân, Phó Thiên hộ Phạm Như Trân được phong Phấn Lực tướng quân, Khâm sai cai đội Phạm Như Viện thăng bổ Tri phủ Trà Lân...
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước và hiếu học của cha ông từ đầu thế kỷ XX, người Kẻ Trổ trong nhiều lĩnh vực ở cả trong và ngoài nước đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, trở thành những nhân sỹ trí thức lớn.
- Họ Hoàng, chi cụ Tuần (Tuần phủ Hoàng Xuân Phong) di cư đến Yên Hồ có Nhà văn hoá-Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) Giáo sư Văn học Hoàng Xuân Nhị (1914-1990) Giáo sư Tiến sỹ Y học Hoàng Xuân Mãn (định cư tại Pháp) Phó Giáo sư Khảo cổ học Hoàng Xuân Chinh...
- Họ Phạm, có Luật gia-Nhà văn Phạm Khắc Hoè (1902 - 1996), Giáo sư-Bác sỹ Phạm Khắc Quảng (? - ?) Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Khắc Chi (? - 1994) Tiến sỹ khoa học Phạm Khắc Di, Tiến sỹ Mỹ học Phạm Thị Thành (chi Giáp), Đại tá Phạm Thiệu-Phó Văn phòng Quân ủy TW, có con là Đại tá-Tiến sỹ Phạm Việt Trung-Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin-Bộ Quốc phòng (chi Ất)...
- Họ Nguyễn (Nhân Thọ) có Đồng chí Nguyễn Trọng Nhã (1908-1956) là Uỷ viên thường vụ TƯ Đảng - Đại biểu Quốc hội khoá I.
- Họ Bùi (Nhân Thọ) có Đại tá Bùi Đình Kế là Phó ban nghiên cứu Lịch sử quân sự TƯ.
- Họ Lê (Yên Thọ) có Trung tướng Lê Giang tức Đào Việt Hưng (? - ?), Tiến sỹ Lê Hồng Mận...
Năm 2005, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Đồng chí Nguyễn Trọng Nhã và Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Nhà Văn hoá-Giáo sư Hoàng Xuân Hãn.
Những tấm gương yêu nước hiếu học và học giỏi để phụng sự Tổ quốc không chỉ làm rạng danh quê hương mà chính là niềm tự hào cổ vũ các thế hệ tiếp nối truyền thống. Bức đối liễn ở từ đường họ Phạm-Kẻ Trổ ghi:
- Phụng tiên tổ thiên niên yên tĩnh
- Dưỡng tử tôn vạn thế sinh tồn
là sự nhắc nhở truyền đời ghi nhớ công ơn tổ tiên, nuôi dưỡng hậu thế kế tục phát triển. Theo số liệu sơ bộ đến nay xứ Kẻ Trổ-Đức Nhân có hàng ngàn con dân có trình độ đại học trở lên đang làm việc và sinh sống trên mọi miền đất nước và nước ngoài. Ở quê hương mỗi năm có từ 8-10 con em vào tu nghiệp trong các trường đại học.
Kẻ Trổ-Đức Nhân có khả nhiều đình chùa, miếu mạo. Do thời gian đã lâu giải dầu mưa nắng, khí hậu khắc nghiệt lại bị chiến tranh tàn phá. Thời kỳ hợp tự, do tư tưởng duy lý, không phân biệt giữa ‘mê tín dị đoan’ với ‘tín ngưỡng tâm linh’, thiếu ý thức trong bảo tồn tôn tạo nên hầu hết các công trình di tích và các hiện vật đều bị mất mát hư hỏng. Hiện nay chỉ còn đình Trung, đình Giáp Nhất đã được sửa chữa cải tạo làm lớp học mầm non. Đình Làng Thiên chỉ còn dấu vết cổng và nền đất đá. Đền Cả thờ Thành hoàng làng đang hư nát dần, thần phả bị thất lạc. Theo một số tài liệu thì ngôi đền này có thể là nơi thờ Khuông Quận công Hoàng Văn Phái-một vị tướng có công từng đi với Nguyễn Kim dẹp loạn nhà Mạc.(1541-1592) được phong chức Đô đốc Thiềm sự và cấp “Lộc điền" vùng đất bãi Kẻ Trổ.
Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và văn hoá tâm linh, thời gian gần đây người dân đã chung tay khôi phục lại miếu Thần Nông ở Phúc Lộc. Ngôi nhà Văn thánh-biểu tượng về học hành khoa bảng của huyện La Sơn bị hư hỏng thành phế tích, chỉ còn lại tấm bia đá vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Đền Bản Thổ có tiếng là linh thiêng cũng phải chịu chung số phận. Riêng hệ thống nhà thờ của các dòng họ được con cháu thành tâm công đức tu sửa khang trang. Trong đó Nhà thờ họ Hoàng-Bình Lỗ, Nhà thờ họ Phạm-Kẻ Trổ (Phú Quý) và Nhà thờ họ Lê (Phúc Lộc) đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp bằng xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hoá.
Trước đây vào ngày rằm tháng giêng và tháng sáu âm lịch, chức sắc và nhân dân Kẻ Trổ-Đức Nhân thường tổ chức lễ hội rước Thần, Phật và mở Hội Cầu yên ở các đền chùa rất vui, mang tính cộng đồng cao. Dịp Tết nguyên đán thường có múa hát sắc bùa, diễn tuồng bội và tổ chức các trò chơi dân gian như bơi thuyền, đu xít, cầu kiều, tổ tôm điếm, cờ tướng, cờ thẻ... Khoảng thời gian từ năm 1945 đến 1960, Đội tuồng làng Yên Thọ với hơn 20 nghệ nhân giàu nhiệt huyết và có năng khiếu, tự bỏ công sức và tiền của để sưu tầm kịch bản, mua sắm trang phục đạo cụ, tổ chức luyện tập và biểu diễn miễn phí phục vụ nhân dân trong xã và các đơn vị bạn. Ngoài lớp nghệ nhân cao tuổi đã ‘quy tiên’, thế hệ tiếp nối như ông Lê Nghĩa, Lê Thái, bà Phạm Thị Châu (Chuẩn), Phạm Thị Huệ... nay đã vào tuổi xưa nay hiếm, họ vẫn nhớ về ‘một thời lưu luyến ấy’ qua từng vai diễn trong các vở Thoại Khánh-Châu Tuấn, Đôi vòng khắc hận, Lưu Bình-Dương Lễ... để lại ấn tượng đẹp giữa lòng công chúng. Trong giai đoạn đầu kháng chiến chống Mỹ, Đội văn nghệ xã Đức Nhân luôn duy trì và đẩy mạnh phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” phục vụ sản xuất và chiến đấu. Hoạt động văn nghệ qua từng giai đoạn đã góp phần bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc. Tay đàn Violon Trung Lục, guitar Trần Lệ Thuý và các giọng hát của Trần Ngũ, Hồng Lý, Thu Hà... ngày càng trưởng thành bổ sung cho các đoàn văn công chuyên nghiệp.
Do nhiều nguyên nhân nên vài ba chục năm gần đây, hoạt động văn hoá văn nghệ ở Đức Nhân thiếu đi tính cộng đồng, thiếu lửa nhiệt huyết và tinh thần tự nguyện. Phong trào lắng xuống làm cho nhiều người cứ hoài niệm, băn khoăn trăn trở.
Hiện nay toàn xã Đức Nhân có 776 hộ, 3367 nhân khẩu, làm ăn sinh sống trên diện tích tự nhiên 432 ha, trong đó có 247 ha đất nông nghiệp. Con lạch Trổ chảy phía tây bắc xã hợp lưu với sông La, Quốc lộ 8 ở mé đông nam, đê La Giang chạy dọc giữa khu dân cư nối liền với đường liên xã liên thôn tạo nên mạng lưới giao thông thuận lợi. Hệ thống điện, trường, trạm được cải tạo nâng cấp. Nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào thực tế sản xuất. Tuy nhiên việc tìm hướng du nhập nghề mới, mở mang dịch vụ thương mại tạo việc làm cho lao động nông nhàn đang cần những giải pháp mới.
Trên con đường xây dựng làng quê theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá, những người con Đức Nhân tâm huyết với cội nguồn vẫn mong muốn : Kẻ Trổ Đức Nhân trong tương lai không chỉ đủ đầy về vật chất mà còn phải phong phú hơn về đời sống tinh thần, kế thừa và phát huy những nét đẹp truyền thống mang đậm bản sắc quê hương.
Đ.N
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Địa chí huyện Đức Thọ
- Bình Lỗ Hoàng tộc phổ
- Gia phả họ Phạm-Kẻ Trổ
- Từ điển Nhân vật Xứ Nghệ
- Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam
- Một số Tư liệu thống kê xã Đức Nhân
+ Gần đây Nhà Văn thánh La Sơn và Đền Bản Thổ đã được xây dựng mới bằng nguồn công đức của con em quê hương (không phải trùng tu phục chế theo quy định của Luật Di sản)
+ Năm 2019, 3 xã: Đức Nhân, Đức La, Bùi Xá hợp nhất đặt tên mới là xã Bùi La Nhân.
Đỗ Nhiệm
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ke-tro-duc-nhan-dat-va-nguoi-may-thuo-a3213.html