Trở lại làng Như Lệ

Hơn 40 năm sau chiến tranh, đứng giữa làng Như Lệ, nhìn cảnh tượng ngôi làng cây cối xanh tươi, những căn nhà tường vôi mái ngói đỏ tươi nằm bên những con đường trải bê tông, tôi không còn nhận ra đâu là những căn hầm chúng tôi từng ở, những hố bom hố pháo đỏ lòm.

tro-lai-lang-nhu-le-1622448160.jpg
Chú thích ảnh

Tháng 8 năm 2012, nhận được tin báo: “Tại làng Như Lệ thuộc thị xã Quảng Trị có một gia đình người dân đào móng xây nhà phát hiện một chiếc hầm bị sập trong đó có 9 bộ hài cốt  và nhiều đồ dùng quân dụng”, tôi vội ra sân bay Tân Sơn Nhất mua vé đi Huế rồi nhảy xe đò ra Quảng Trị. Ở Hà Nội, Anh Thanh báo với đồng chí Hùng - Chính ủy Sư đoàn 312: “Đề nghị Sư đoàn đặc biệt quan tâm tới sự kiện này”. Sư đoàn 312 đã cử ngay một cán bộ Chính sách về đón anh Thanh, anh Thái và anh Lãng. Ở Hà Nội, các anh Dục, anh Thuận… cũng thuê một chuyến xe 7 chỗ đi suốt ngày đêm để kịp vào xác minh xem có phải số hài cốt đó là anh em thuộc Sư đoàn 312 không?

Cuối tháng 4 năm 1972, sau khi bị thất thủ ở tỉnh Quảng Trị, bọn địch đã chạy thục mạng qua bờ Nam sông Mỹ Chánh. Từ ngày 1 tháng 5 năm 1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng hoàn toàn. Với sự yểm trợ tối đa của Không quân và Pháo binh Mỹ, quân địch đã tổ chức phản công cố chiếm lại Cổ thành Quảng Trị để tạo thế mạnh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Pari. Ngoài việc dùng lực lượng Thủy quân lục chiến đổ bộ từ hướng biển, chúng còn dùng bọn lính Dù đánh bọc sườn sang phía Tây Thành cổ Quảng Trị, tạo thành thế gọng kìm bóp chẹt quân ta. Dải đất từ La Vang, Tích Tường, Như Lệ, Đá Đứng…là mục tiêu hàng đầu chúng muốn tái chiếm để bao vây Thành cổ đồng thời chặn đứng con đường vận tải thủy của ta trên sông Thạch Hãn - con đường huyết mạch vận tải đạn dược, gạo, thực phẩm, thuốc men cho bộ đội ta đang chốt giữ Thành cổ và đưa thương binh về tuyến sau.

Khoảng cuối tháng 7 năm 1972, khi tiểu đoàn 6, trung đoàn 165, Sư đoàn 312 nhận bàn giao chốt tại làng Như Lệ thì quân địch đã chiếm mất nửa làng về phía Tây Nam. Chỉ còn khoảng 500 mét nữa là địch nống ra sát bờ sông Thạch Hãn. Nguy cơ địch chiếm toàn bộ làng Như Lệ đang diễn ra từng giờ. Tiểu đoàn nhận lệnh cấp trên trong vòng 10 ngày phải tổ chức đánh địch chiếm lại làng Như Lệ.

Từ nhiều năm qua Sư đoàn 312 chủ yếu hoạt động ở chiến trường Lào. Chiến trường Quảng Trị đối với chúng tôi hoàn toàn xa lạ. Không quen biết dân, không thông thạo địa hình, chưa nắm rõ các quy luật hoạt động của địch. Qua mấy ngày cùng chiếm giữ làng Như Lệ chúng tôi thấy có những hiện tượng lạ là cùng trong một làng nhỏ mà hai lực lược đối địch vẫn có thể sống rất gần nhau. Cả 2 bên đều có dân sống xen kẽ. Đặc biệt là cả làng chỉ có một cái giếng thơi ở giữa làng. Ban đêm chúng tôi ra lấy nước bọn địch cũng không ngăn cản, ngược lại ban ngày bọn địch ra giếng lấy nước chúng tôi cũng làm ngơ…Hình như quân đội của cả 2 bên chỉ làm những điều bất đắc dĩ khi có lệnh của cấp trên…

 Khó khăn nhất đối với chúng tôi lúc này là địch đang sống trà trộn trong dân, khi nào có động tĩnh gì thì chúng mới chui xuống hầm, mà hầm thì có khi ở ngay trong nhà hoặc bờ tre, bụi chuối. Nghiên cứu mãi, tiểu đoàn mới đưa ra phương án đánh địch vào lúc 5 giờ chiều. Lúc đó ta có thể quan sát được hầm hào của địch mà máy bay địch thì không hoạt động được nữa. Nhưng muốn nổ súng vào lúc tranh sáng tranh tối thì bắt buộc chúng tôi phải ém quân ở bìa làng Như Lệ từ đêm hôm trước.

Vậy là, ngay trong đêm ngày 6 tháng 8 năm 1972, đại đội 10 và đại đội 11 đã nhận lệnh chiếm lĩnh trận địa. Chúng tôi bí mật hành quân vào bìa làng Như Lê. Dàn thành hàng ngang rồi đào những căn hầm dã chiến dưới các bụi sim, mua um tùm. Vị trí chúng tôi đào hầm chỉ cách địch chưa đầy 200 mét nên tuyệt đối không ai phát ra một tiếng động nhỏ. Mỗi người lính sau khi đào xong công sự của mình thì tự cầm súng đạn cùng 4 gói lương khô, 1 bình tông nước và túi bông băng cá  nhân chui vào hầm. Tổ Trinh sát và cán bộ đại đội đi kiểm tra và ngụy trang cẩn thận từng căn hầm cho anh em. Căng thẳng nhất là cả ngày mồng 7, trời nắng như thiêu như đốt, ngồi trong công sự không khác gì ngồi trong lò sấy, quần áo người nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Cậu Tiến ở trung đội 2 bị một con rết to bằng ngón tay cắn vào đùi sưng tấy, đau đến phát sốt mà không dám nhúc nhích. Dù vậy nhưng căng thẳng nhất vẫn là lo bị địch phát hiện. Tuy đã có phương án đề phòng bị lộ thì giải quyết bằng cách nào nhưng chẳng ai muốn tình huống xấu này sảy ra. Rồi một ngày mật phục dài đằng đằng cũng qua đi. Ánh nắng gay gắt của ban ngày đã nhường chỗ cho bóng dâm mát tràn về. Tôi ngồi trong hầm nghe tiếng tim mình đập thình thịch trong lồng ngực. Giờ G đã điểm. Sau tiếng đạn B 40 của ai đó phát hỏa chát chúa, từng đường đạn B 40, B 41, AK liên tiếp bay về hướng địch. Khẩu đại liên của địch từ khóm chuối bên cánh phải tôi khạc như đổ đạn về hướng của ta. Sau tiếng hô “Xung phong!” của đồng chí Hoán đại đội Trưởng, mọi người đều đồng thanh hô “Xung phong!”… “Xung phong!”…. Tiếng hô vang vọng cả núi rừng. Lợi dụng lúc trời còn ánh sáng, anh em xông thẳng tới từng căn hầm địch cố thủ ném thủ pháo, nã đạn B 40 vào những ổ súng máy của địch. Đồng chí Cường bị thương vào mắt, đồng chí Hoán bị thương vào đầu, Đồng chí Thí hy sinh…Tôi dẫn 4 anh em chạy đi cáng thương, với phương châm anh nào bị thương nặng thì chuyển đi trước, liệt sĩ chuyển sau.

Cùng lúc đó 2 chiếc xe tăng của ta lừng lững tiến vào, vừa tiến công vừa chúc nòng pháo và nòng súng 12 ly 7 bắn xối xả vào đội hình quân địch. Khi nghe thấy tiếng xe tăng và đạn pháo tăng nổ thì tiếng súng bộ binh địch hầu như im bặt. Thay vào đó là tiếng pháo hạm của Mỹ từ biển dội vào. Tiếng pháo nổ rung trời chuyển đất. Đất đá, cành cây bay vèo vèo, khói bụi mờ mịt, khét lẹt. Con đường độc đạo tối qua chúng tôi vào chiếm lĩnh trận địa phẳng phiu, bây giờ khiêng thương binh ra bị đạn pháo cày xới không còn sót chỗ nào. Chúng tôi khiêng thương binh cách trận địa chừng 500 mét giao cho trạm phẫu thuật rồi phải quay lại ngay để kịp khiêng người khác. Trong ánh trăng mờ nhạt nhưng tôi vẫn nhìn rất rõ chiếc xe tăng của ta vừa hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu đang quay trở ra để về chỗ ẩn nấp. Chiếc xe lao ầm ầm đến gần chỗ chúng tôi, xả cả khói vào mặt tôi. Bỗng tôi nghe một tràng đạn 12 ly 7 nổ chát chúa từ trên tháp pháo xe tăng. Chiếc đòn cáng trên vai tôi rật mạnh, kêu toác rồi bắn ra khỏi vai tôi, tiếp theo là tiếng la thất thanh của đồng chí Toàn: “Ối trời ơi, tôi bị thương rồi!”. Tôi vội gào lên “Quân ta, quân ta, đừng bắn nữa, Đ. mẹ mày bắn chết lính tao rồi”... Chiếc tăng lao đi quá đà khoảng trên trăm mét vội lùi lại.

      - Xin lỗi các đồng chí! Chúng tôi tưởng quân địch. Đồng chí nào bị thương đưa lên xe ngay chúng tôi mang về trạm phẫu.

Cũng may lúc đó có tổ thông tin của đồng chí Vũ Vang giúp đỡ đưa đồng chí Toàn lên xe tăng. Vậy là tôi đã thoát chết trong gang tấc bởi chính xe tăng của quân mình.

Đội cáng thương của chúng tôi còn 4 người mà có tới 3 thương binh và 1 liệt sĩ chưa đưa ra khỏi trận địa. Sau khi giải quyết khiêng hết số thương binh, liệt sĩ về tuyến sau thì trời cũng mờ sáng. Tôi được đồng chí Phùng Tặng, tiểu đoàn Trưởng giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị chốt giữ phía Tây làng Như Lệ. Cánh Đông làng đã có đại đội 10. Quan sát địa hình địa vật khắp làng, tôi quyết định đưa anh em ra khoảng đất bìa làng gần cánh đồng để chốt. Vì qua khinh nghiệm tôi đoán khi nắng lên bọn Mỹ sẽ bắn pháo và dùng máy bay ném bom san phẳng ngôi làng này. Kiểm lại toàn đại đội lúc này chỉ còn tôi, đồng chí Hồng liên lạc, đồng chí Thuận và đồng chí Tặng là hai tân binh mới được bổ sung về đơn vị được mấy ngày. Ngoài ra còn đồng chí Thảo là lính thông tin 2W được tiểu đoàn bổ sung cho chúng tôi để nối liên lạc với tiểu đoàn, tần suất 2 giờ một lần lên sóng. Tôi phân công Hồng và Thảo ở cùng hầm với tôi còn Thuận và Tặng ở chung một hầm, cách hầm tôi khoảng 20m. Lúc này cả Thuận và Tặng cùng khóc hu hu, năn nỉ, cầu khẩn:

     - Chính trị viên ơi! Cho chúng em ở chung hầm với. Có hai chúng em nhỡ địch nó vào thì làm thế nào. Chết một đống còn hơn sống một người.

     - Cả 5 người ở chung một hầm bị một quả bom hay quả pháo thì chết hết à. Các cậu cứ sang đó thay nhau canh phòng còn tôi chạy đi chạy lại cả 2 hầm.

Thuyết phục mãi Thuận và Tặng cũng chịu về hầm của mình. Tôi chui vào căn hầm rộng đến cả tiểu đội cũng chui vào được. Hầm được lát một lớp gỗ tròn rồi lại được đắp đất cao cả  mét, rất chắc chắn. Trong hầm còn bừa bộn súng đạn, ba lô, quần áo, chăn màn và đồ ăn lủng củng… Tôi đoán chắc tối qua những người lính Cộng hòa nghe thấy tiếng xe tăng của ta đã bỏ của chạy tháo thân. Tôi để ý ngay tới cây rau bắp cải to tới 2 kg và một chiếc siêu đun nước bằng nhôm ở góc hầm. Đã hơn 3 năm qua chiến đấu tại chiến trường Lào, chúng tôi toàn ăn lá tàu bay, môn thục, lá rừng các loại. Nhìn thấy cây bắp cải thật nở mày nở mặt. Không còn chần chừ gì nữa, tôi bóc bắp cải thành từng lá cho vào siêu rồi lấy nước từ bình tông đổ vào và nhóm lửa. Chỉ sau hơn 10 phút đồng hồ, mùi bắp cải chín đã tỏa ra thơm nức. Tôi trút bắp cải ra tờ giấy to đem cho Thuận và Tặng gần nửa, còn lại 3 anh em lấy tay bốc từng lá bắp cải cho vào miệng nhai ngấu nghiến. Trong phút chốc cả siêu nước bắp cải nóng hôi hổi cũng không còn một giọt. Sẵn có chiếc siêu tôi lại cho anh em đun nước để pha gạo sấy do địch bỏ lại. Thế là qua mấy ngày ăn lương khô, hôm nay chúng tôi mới được ăn hạt cơm vào bụng, dù là cơm gạo sấy. Ở nơi chiến trường đầy bom đạn này mà được ăn rau bắp cải với cơm gạo sấy thật hạnh phúc biết nhường nào. Những ai đã từng trải qua chiến tranh, đã từng nhịn đói nhịn khát, từng ăn rau rừng, rêu đá nhiều năm mới thấy hết niềm sung sướng khi được ăn một tàu lá bắp cải giữa chiến trường khói lửa.

Giây phút yên tĩnh và hạnh phúc của chúng tôi diễn ra thật ngắn ngủi, chừng hơn tiếng đồng hồ. Mặt trời đã nhô lên khỏi mặt đất khoảng một con sào, ánh nắng đã trải vàng khắp làng Như Lệ. Tôi nghe ìn ìn ìn…tiếng nổ đề pa của pháo hạm Mỹ từ phía biển. Chỉ trong chớp mắt những tiếng nổ chát chúa đã ập xuống đầu chúng tôi. Cả làng Như Lệ chìm trong khói pháo. Những căn nhà tranh bắt đầu phát hỏa. Xung quanh căn hầm tôi đang chốt cùng anh em lửa cháy hừng hực và khói đen táp vào cửa hầm làm chúng tôi ho sặc sụa. Cành cây gẫy răng rắc, đất đá, mảnh đạn bay vèo vèo. Mặt đất rung lên như đưa võng. Không ai có thể đếm hết có bao nhiêu nghìn quả pháo đã trút xuống một ngôi làng bé nhỏ trong vòng một tiếng đồng hồ. Bỗng một tiếng nổ đinh tai làm mấy cây gỗ lát hầm của chúng tôi gãy gục, đất trên nóc hầm tụt xuống, để hở ra một cái lỗ toang hoác cho khói bụi lùa vào hầm mịt mù. Đồng chí Hồng la lên:

    - Ối trời ơi! Em bị thương rồi.

Tôi thấy đầu choáng váng và suốt dải sườn bên trái  cũng đau ê ẩm từ đầu đến cánh tay, mạng sườn, đùi, cẳng chân. Máu cũng bắt đầu tuôn ra ướt từ đầu tới quần áo. Dùng tay phải sờ nắn khắp đầu tôi thấy mình chỉ bị cây gỗ hầm đè vào xước một mảng da đầu, mảng sườn bên trái tôi cũng bị nhiều vết thương nhưng ở phần mềm, bởi những mảnh đạn pháo nhỏ. Vì khi đạn pháo nổ thì mảnh của nó thường bay lên theo hình phễu. Đồng chí Hồng bị thương vào đầu và bị sức ép nặng hơn tôi, hai tai điếc đặc. Kể từ đó khi tôi nói gì cậu ta chỉ nghe bằng cách nhìn tay tôi ra hiệu.

Sau đợt pháo dàn thì từng đoàn máy bay phản lực thi nhau đến trút bom. Tụi A37, F4  thay nhau hết tốp này chúc xuống trút bom xong ngoi lên lại đến tốp khác. Những bụi tre, bụi chuối vừa bị pháo bắn tả tơi bây giờ đến lượt bom đào văng đi cả hàng trăm mét. Cây cối, nhà cửa cứ bị bom băm nát dần ra, rồi một quả bom Napan giải chất cháy NP trộn với xăng tạo thành dạng keo vung khắp làng. Lúc này cả làng Như Lệ thành một biển lửa, còn chúng tôi chẳng khác nào những con chuột đang ở trong hang chịu trận.

Tới hơn 10 giờ sáng, chắc bọn địch cũng đoán không còn tên Việt cộng nào sống sót trong cái biển lửa này nên chúng cũng ngừng ném bom. Tôi đứng từ trong cửa hầm quan sát khắp khu đất rộng khoảng nửa cây số vuông, vừa cách đây mấy tiếng là làng Như Lệ cổ kính với những nếp nhà gỗ mít lợp ngói mốc đen, những cây mít 2 người ôm không xuể, những rặng tre bao quanh làng như chiến luỹ, bây giờ đã thành một vùng đất chết với những hố bom như mắt người đỏ máu nhìn thẳng lên trời.

Nếu đi thẳng người trên mặt đất thì chắc chắn bọn địch ở phía đồi Chè sẽ nhìn thấy. Tôi phải bò sang hầm của Thuận và Tặng động viên anh em đừng sợ hãi, phải canh phòng chu đáo đề phòng địch tấn công.

Vừa về đến hầm khoảng 30 phút, bỗng có tiếng lựu đạn nổ ở phía hầm Thuận. Biết ngay là sự chẳng lành, tôi mở khóa an toàn khẩu AK chui ra cửa hầm. Khói lựu đạn đã bao trùm lên nóc hầm của Thuận. Cùng lúc, tôi thấy ba, bốn tên lính địch chĩa súng AR15 nhả đạn vào hầm của Thuận. Tôi nghiến răng bóp cò, xả gần hết băng đạn AK. Vừa lúc đó các đồng chí Hồng, Thảo, Thuận, Tặng cũng theo tôi nổ súng về hướng địch. Chỉ trong vòng 5 phút, hầu hết bọn địch đã biến vào đâu mà không để lại dấu vết gì. Chỉ còn một người lính bị thương đang nằm giãy giụa và kêu la thảm thiết. Đồng chí Thuận cũng bị thương vào chân. Đồng chí Hồng lao lên, định chĩa súng vào tên địch bị thương, nhả đạn. May quá tôi vội kêu: “Không được bắn! Không được bắn! Người ta đã bị thương rồi mà còn bắn thì cậu bị kỷ luật đó”.

Ngay lập tức tôi hướng dẫn anh em băng vết thương cho Thuận và ra khiêng người lính Cộng hòa vào hầm băng bó cho anh ta. Anh ta bị gẫy cánh tay nhưng được cầm máu sớm nên vẫn tỉnh táo và luôn mồm xin chúng tôi tha chết. Băng bó cho Thuận và người lính Cộng hòa xong, tôi lại sai Hồng dùng cái siêu đun nước pha gạo sấy cho anh em ăn. Vừa ăn người lính Cộng hòa vừa cảm ơn chúng tôi rối rít. Anh ta kể ở nhà có bố mẹ già, có vợ và hai con nhỏ. Anh ta đi lính cũng chỉ là bắt buộc. Nếu những ngày trốn quân dịch mà gặp quân Giải phóng thì anh ta đã theo quân Giải phóng rồi.  Anh ta còn khoe có một người chú ruột cũng theo Cộng sản và tập kết ra Bắc từ năm 1954. Sự yên tĩnh cũng chỉ kéo dài chưa được một tiếng đồng hồ. Hình như bọn địch đã đánh hơi Việt cộng vẫn còn nên sau đợt pháo hạm chừng 30 phút, từng đàn máy bay lại đến trút bom xuống làng Như Lệ. Giữa lúc đất trời đang rung chuyển thì một cậu lính mặt trẻ măng, quần áo nhếch nhác từ đâu chạy vào hầm tôi. Cậu ta vừa thở hổn hển vừa nói.

    - Các anh ơi! Cho em trú với. Chết hết cả rồi. Một quả bom nổ gần làm căn hầm có khoảng 7, 8 người, bị sập mà không có ai đào bới.

      - Cậu ở đơn vị nào.

      - Em là lính tân binh mới bổ sung về, em không nhớ tên đơn vị.

      - Cậu tên gì?

      - Em tên Tống!

       - Ở bên đó còn đông người không?

       - Em không biết, chắc cũng còn nhưng ít lắm.

       - Bây giờ đang lúc địch đánh bom, có chạy được sang chỗ hầm sập thì người đi cứu cũng chết hết, thôi đành để đến lúc ngớt bom ta bò sang xem sao!

Tôi chỉ trao đổi với Tống được vài câu, rồi tiếng bom đạn át đi tất cả các âm thanh khác. Ngồi im được một lúc, cậu Tống thấy anh em gọi tôi là Chính trị viên, cậu ta liền khẩn khoản đề nghị:

      - Em khát nước quá, Chính trị viên có còn nước cho em uống với.

     - Chúng tôi cũng khát lắm nhưng lấy đâu ra nước bây giờ.

     - Đằng nào rồi cũng chết, ở đây không còn nước thì em phải liều chạy ra sông Thạch Hãn uống nước thôi.

Vừa nói dứt câu, cậu ta đã lao ra khỏi hầm như một mũi tên. Tôi với tay định kéo lại nhưng không kịp. Tôi ra cửa hầm quan sát, thấy cậu ta chạy về hướng có bức tường gạch đổ. Cậu đặt bàn tay trái lên mảng tường và dùng tay phải cầm viên gạch vỡ ra sức đập vào bàn tay trái. Sau đó cậu ôm bàn tay máu chảy ròng ròng chạy trở lại hầm, miệng kêu la.

      - Ới Chính trị viên ơi, em bị thương rồi!

Tôi lặng lẽ băng bàn tay cho cậu ta và chẳng muốn nói câu nào. Bởi tôi biết ngay từ lúc chạy vào hầm cậu ta đã có biểu hiện loạn trí, có nói cũng chẳng ăn thua gì. Tôi băng bó xong nhưng cậu ta càng kêu khóc to hơn, làm cái anh lính Cộng hòa đang rên rỉ giờ lại gào lên thảm thiết.

     - Ới các anh ơi! Các anh có cho em về phía sau không. Ở chỗ này không khéo em được các anh tha chết thì lại chết vì bom đạn Mỹ.

Lại một loạt bom  nổ gần, cậu Tống bỗng chạy vụt ra khỏi hầm, biến vào đám khói bom. Ngay lập tức anh lính Cộng hòa cũng chạy theo hút cậu Tống. Cả hai người lính cùng chìm trong biển lửa và khói bom mờ mịt, khét lẹt…

Khoảng 4 giờ chiều, hình như cánh phi công và lính pháo binh Mỹ tham chiến cũng đã mệt mỏi. Bầu trời làng Như Lệ chỉ còn những đám mây xám xịt lững thững bay qua. Đây đó trên mảnh đất chết này vẫn còn những đám cháy và những tiếng nổ đùng đoàng. Trong mùi khói bom đạn còn lẫn cả mùi thịt cháy. Tôi rủ Hồng cùng bò sang khu vực cậu Tống nói có hầm bị sập nhưng chỉ thấy hố bom chi chít, tìm mãi cũng không thấy hầm đâu đành bò quay về. Lúc này, cậu Thuận bị thương từ sáng mất máu nhiều nên mới kêu khát nước. Nghĩ mãi tôi mới nhớ ra, nếu đi lục soát các căn hầm của đám lính Cộng hòa bỏ chạy tối qua có thể còn những bình tông nước.

      - Cậu đem súng theo tôi đi lục soát các căn hầm của địch may ra sẽ còn nước để uống.

Chui vào căn hầm thứ nhất, tôi lấy ra được một bình tông còn khoảng nửa bình nước đưa cho Thuận. Thuận uống ừng ực một hơi hết sạch. Đến căn hầm thứ 2 cậu ta vội chui vào trước. Đang hăm hở tìm nước uống, tôi bỏ lại Thuận rồi chui vào hầm thứ 3. Vừa chui khỏi miệng hầm tôi bỗng thấy có vật gì động đậy và một nòng súng dương lên chĩa thẳng vào mặt tôi. Tôi vừa kịp dùng tay trái gạt nòng súng sang bên thì một loạt tiếng nổ gầm lên, đầu đạn AR15 sạt qua tai bỏng rát. Tôi vội chồm lên ôm choàng cái khối bùng nhùng ngọ nguậy và quát lớn.

        - Buông súng xuống! Hàng thì sống!

        - Thuận ơi! Mau tới đây. Có địch.

Từ trong cái khối bùng nhùng bỗng phát ra những âm thanh rên rỉ.

       - Con lạy ông! Con lậy ông! Ông tha chết cho con.

       - Mày chui vào đây từ bao giờ?

       - Dạ thưa từ sáng nay. Chúng con tưởng các ông đã rút đi hết nên mới quay lại, nào ngờ… Thấy súng của các ông nổ dữ quá con vội chui vào đây. Định chờ tới tối rồi mới dám đi, không ngờ các ông phát hiện.

Chúng tôi đưa người lính Cộng hòa về hầm. Người anh ta hôi hám đến không thể chịu nổi. Sau khi bắt anh ta thay quần áo, lau mặt, uống nước, anh ta tháo luôn chiếc đồng hồ Orien có mặt màu xanh đưa cho tôi.

      - Con biếu ông chiếc đồng hồ này, lạy các ông tha chết cho con.

      - Anh họ tên gì?

      - Dạ con tên Nguyễn Văn Phường.

      - Cấp bậc?

      - Dạ thưa, Thượng sĩ, lính Dù!

      - Quê quán ở đâu?

      - Dạ thưa, con quê ở Phan Thiết nhưng đưa vợ vào Sài Gòn làm nghề máy khâu.

       - Tôi tạm giữ chiếc đồng hồ của anh là vì nguyên tắc chiến trường, khi nào dẫn giải anh về tuyến sau chúng tôi sẽ trả anh. Chúng tôi chỉ tịch thu vũ khí, còn tiền bạc và tư trang của anh chúng tôi không tịch thu.

      - Dạ thưa ông con đội ơn ông suốt đời, mong ông tha tội chết cho con.

      - Ban nẫy nếu tôi không kịp gạt nòng súng của anh thì tôi đã xơi cả băng đạn của anh rồi. Nhưng đó là lúc giao tranh, bây giờ anh đã là tù binh, chúng tôi có trách nhiệm đối xử nhân đạo với anh. Mong anh ra miền Bắc cải tạo tốt, khi nào đất nước Hòa bình sẽ sớm được về xum họp với gia đình.

Nãy giờ nghe tôi và người tù binh trao đổi về chiếc đồng hồ, cậu Thảo liền đề nghị:

      - Tiểu đoàn quy định sau 2 tiếng lên sóng một lần, do không có đồng hồ nên lúc em lên sớm quá, lúc lại lên muộn. Hay Chính trị viên cho em tạm giữ chiếc đồng hồ này để ta căn giờ lên sóng có được không?

Nghe Thảo nói có lý nên tôi giao chiếc đồng hồ cho Thảo giữ và nói với người tù binh là cho chúng tôi tạm trưng dụng chiếc đồng hồ này.

Thấy chúng tôi đối xử nhân đạo, người tù binh cũng bớt sợ hãi và liên tục đề nghị chúng tôi cho ra khỏi trận địa này càng sớn càng tốt. Nhất là khi có pháo địch bắn tới, anh ta lại hoảng hốt kêu la chẳng khác gì người lính đã chạy ra khỏi hầm ban sáng. Trời đã nhập nhoạng tối, tôi dẫn Hồng và Thảo đi một vòng quanh trận địa chốt, bỗng chúng tôi nghe thấy tiếng rên và kêu cứu yếu ớt từ một căn hầm bị xe tăng ta cán sập tối qua:

       - Các ông ơi, con lậy các ông, các ông cứu con với!

Tôi hiểu ngay rằng  có một người lính Cộng hòa bị xe tăng đè sập hầm không chạy kịp.

      -  Mau về hầm lấy cuốc xẻng…

Chỉ trong vòng 10 phút, chúng tôi đã lôi được người lính Cộng hòa từ trong căn hầm sập ra ngoài. Thì ra khi bị xích xe tăng đè sập hầm, người lính ngất đi và khi tỉnh dậy hồi sức dần, anh ta ra sức lấy tay cào đất để thoát ra ngoài, nhưng bị mấy cây gỗ lát hầm chèn ngang lưng nên anh ta không tài nào ra được. Hơn nữa một bên cẳng chân của anh ta bị gãy. Được cứu ra khỏi căn hầm sập, thoát chết nhưng anh ta lại khóc thê thảm và luôn mồm nói:

      - Con lậy các ông! Các ông tha chết cho con!...

      - Anh bình tĩnh lại đi. Anh đã là tù binh thì không bao giờ chúng tôi hãm hại anh.

Trời đã tối hẳn, chúng tôi phải tính chuyện bàn giao chốt cho đơn vị bạn, đưa thương binh và tù binh về tuyến sau. Chúng tôi đã có 1 thương binh gãy chân, lại thêm anh lính Cộng hòa này nữa. Có 3 người bị thương nhẹ làm sao khiêng được 2 người. Trong khi chúng tôi đang bàn luận thì người tù binh tên Phường cũng tham gia vào:

      - Thưa các ông, các ông cho con cùng khiêng thương binh có được không?

      - Được! Anh tham gia khiêng luôn người lính bạn anh nhé!

Được chấp nhận cùng khiêng thương binh Phường vui mừng ra mặt. Có một sơ suất nhỏ làm tôi nhớ đến tận bây giờ. Đó là khi bàn giao cho lực lượng đưa người tù binh này về phía sau chúng tôi quên không trao lại cho Phường chiếc đồng hồ. Vậy nên chiếc đồng hồ này được chuyển về Ban Chính trị trung đoàn 165, giao cho đồng chí Lương Văn  Bổng -  Trợ lý Địch vận giữ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn Giải phóng.

Tôi luôn cầu mong cho Phường sau Hiệp định Pari được trao trả cho Quân đội Cộng hòa và đã về đoàn tụ với gia đình. Không biết giờ này anh Phường và gia đình anh ở đâu?

Còn một đồng chí suốt bao năm nay tôi lặng lẽ đi tìm mà cũng không thấy tăm hơi gì – Đó là anh Hồng liên lạc. Anh bị thương cùng với tôi khi pháo bắn sập hầm nhưng bị vào đầu và điếc đặc. Suốt những ngày chiến đấu anh em luôn kề vai sát cánh bên nhau, sống chết có nhau. Khi đưa anh về tuyến sau, anh em cũng chẳng nói với nhau được câu nào, bởi tai anh có nghe được đâu mà nói. Vào Trạm phẫu không biết anh có qua khỏi hay đã hy sinh rồi? Tôi chỉ biết quê anh ở vùng Chín Nam, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Qua câu chuyện này, nếu ai biết anh Hồng còn hay mất hãy vui lòng cho tôi biết.

Giải quyết xong việc đưa thương binh và tù binh về tuyến sau, cả bãi đất mênh mông bị bom đạn cày xới quen gọi là làng Như Lệ chỉ còn lại tôi và anh Phùng Tặng - tiểu đoàn Trưởng, ở lại chờ đơn vị bạn đến để bàn giao chốt. Theo cấp trên điện báo cho chúng tôi, chậm nhất 7 giờ tối lực lượng thay thế sẽ đến nhận bàn giao.

Chúng tôi chờ đến 8 giờ rồi 10, 11 giờ khuya vẫn không thấy người nào đến nhận bàn giao chốt. Chỉ có những đợt pháo hạm chừng vài chục phút lại giã tới một chập. Chờ đợi, mong ngóng, ngán ngẩm…người mệt rã rời, bụng đói nhưng lương khô thì không nuốt nổi. Qúa nửa đêm bỗng nghe thấy tiếng gà gáy. Ôi! Ở cái xứ sở chết chóc này mà vẫn còn những chú gà trống sống sót, thật là kỳ diệu. Không hiểu những người dân hôm qua còn xuất hiện thấp thoáng trong ngôi làng này giờ ai mất ai còn và họ đang ở đâu?. Đằng Đông về phía biển ánh mặt trời cũng hửng dần lên, báo hiệu một ngày mưa bom bão đạn sắp ập đến đầu chúng tôi lần nữa. Thế là đã trọn 2 đêm mất ngủ, 3 lần chết hụt trong gang tấc và chịu bao lần sức ép bom đạn. Tôi mệt đến không buồn bước, không muốn nói chuyện gì với anh Tặng. Tôi nằm gục ngay bên cạnh cửa hầm cố nhắm mắt mong có thể ngủ được chút ít nhưng không thể. Từ mấy ngày nay, ngủ chỉ là một khái niệm chập chờn. Có thể mắt nhắm đấy nhưng tai vẫn thức lắng nghe từng tiếng đề - pa từ phía biển và choàng tỉnh ngay khi có tiếng động lạ xung quanh. Lợi dụng đêm tối, bọn Trâu điên, Quái điểu hay Biệt động thường tổ chức từng toán mò lên chiếm chốt. Trước khi trời sáng hẳn, anh Tặng giục tôi đi thu lượm cả súng đạn của ta và súng đạn của địch vứt vương vãi trong các căn hầm. Anh động viên tôi:

      - Nếu địch tấn công, bằng mọi giá phải quyết chiến đấu tới cùng, không được bỏ chốt.

Khoảng 8 giờ sáng, địch lại dội một trận mưa pháo lên đầu chúng tôi, sau đó 2 chiếc F105 đến trút mấy loạt bom rồi chuồn thẳng. Ở hướng dãy đồi Cháy chúng tôi nhìn rõ mấy chiếc xe tăng và bộ binh địch di chuyển, nhưng có tiếng pháo 130 của ta từ đâu bắn tới nên sau đó không thấy bóng một tên địch nào di chuyển trên mặt đất nữa. Thấy im ắng, anh Phùng Tặng bê bao gạo để ở trước cửa hầm vừa nhai gạo sống vừa uống thứ nước tôi múc ở một con suối nhỏ gần đó. Còn tôi dù đói thắt lòng vẫn không nuốt nổi thứ gì qua miệng. Buổi tối ngày 8 tháng 8 năm 1972, việc bàn giao chốt của chúng tôi cũng xong xuôi.

Sau khi bàn giao cho đơn vị bạn chốt giữ làng Như Lệ, toàn tiểu đoàn 6 tập trung đánh địch lấn chiếm ở khu vực đồi Cháy và đồi Chè, cách làng Như Lệ chừng gần một Ki - lô - mét. Tôi được tiểu đoàn thông báo sẽ điều anh Đấu từ đại đội 9 sang làm đại đội Trưởng đại đội 11 thay anh Hoán, nhưng anh Đấu chưa kịp về đại đội 11 thì đã hy sinh.

Việc chiến đấu lại khu đồi Cháy diễn ra rất quyết liệt. Địch huy động quân tới mức tối đa. Không phân biệt được tụi lính Dù, Biệt động quân hay gì gì nữa, Có thể cả tụi Thủy quân lục chiến cũng đã có mặt. Ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, hàng chục cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn đã hy sinh. Nhưng chính những trận đánh cam go tại khu đồi Cháy này đã làm nên những chiến công hiển hách tô thắm thêm Truyền thống của Sư Đoàn 312, thêm 2 Anh hùng lực lượng vũ trang là Nguyễn Thế Thao và Hoàng Đăng Miện.

Cách đồi Cháy không xa là đồi Chè (Cái tên đồi Cháy, đồi Chè, đồi Cây Mít.. cũng toàn do lính ta dựa vào đặc điểm của từng quả đồi để đặt tên cho dễ nhớ). đại đội 10 đã chốt ở đây cả hơn tuần nay. Bom địch đánh hầm hào sạt lở, số anh em thương vong ngày một nhiều. Điều đáng buồn nhất là có tên Huỳnh, đại đội Phó không chịu được sức ép của bom đạn Mỹ đã bỏ trốn.  Lúc đầu đơn vị cũng không biết là anh ta đi đâu. Chỉ khi anh ta ngồi trên trực thăng Mỹ gọi loa kêu đồng đội đầu hàng thì mọi người mới biết anh ta đã phản bội và chạy theo giặc. Sau này thông tin hé lộ, trước khi chạy theo giặc Huỳnh còn hèn hạ ném một quả lựu đạn vào hầm đồng đội làm anh Nguyễn Văn Chín và anh Lê Văn Nho hy sinh. Tối hôm đó anh em phải nhặt từng mảnh xương thịt đồng đội đem xuống mai táng ngay dưới chân đồi Chè. Những ngày sau bom đạn Mỹ tiếp tục cày xới làm cả quả đồi không còn một gốc cây ngọn cỏ. Sau ngày hòa bình, theo sơ đồ mộ trí, đội tìm kiếm hài cốt Liệt sĩ đào đi bới lại cũng không thấy hài cốt các anh ở đâu, đồng đội đã gom góp tiền xây tại nơi đây một căn miếu thờ. Mỗi lần có dịp về thăm chiến trường xưa, chúng tôi lại tới đây thắp hương cho các anh. Chúng tôi còn gửi chính quyền xã Hải Lệ một số tiền để những ngày lễ, Tết địa phương sẽ mua hoa quả và thắp hương cho các anh.

Sau khi địch tái chiếm được Cổ thành Quảng Trị, Sư đoàn 312 nhận lệnh bàn giao khu vực làng Như Lệ, đồi Chè, đồi Cháy cho đơn vị bạn rồi chuyển quân sang khu vực Đá Đứng, Khe Trai, Động Ông Do làm nhiệm vụ Phòng ngự. Tôi được lệnh chuyển về làm Trợ lý Tuyên huấn của Trung đoàn 165. Anh Phan Văn Nhiên từ C25 được điều về đại đội 11 thay thế tôi. Anh Châu được điều về làm đại đội Phó đại đội 11. Nói là lên làm trợ lý Tuyên huấn trung đoàn nhưng hàng ngày tôi vẫn đi cùng tiểu đoàn 6 để động viên tinh thần chiến đấu của anh em. Tôi được Ban Chính trị giao cho chiếc máy ảnh để chụp những hình ảnh bộ đội ta chiến đấu và sinh hoạt. Nhờ có máy ảnh, không những tôi đã chụp được nhiều tấm ảnh chiến đấu hy sinh của đồng đội mà còn chụp được một số hình ảnh hoạt động của đối phương.

Càng gần đến ngày ký kết Hiệp định Pari, việc tranh giành khu Động Ông Do càng trở lên quyết liệt. Bởi khu Động Ông Do có 3 đỉnh núi cao nhất khu vực, nằm ở phía Tây Thành cổ Quảng Trị. Bên nào chiếm được Động Ông Do sẽ án ngữ được cả khu Đông Trường Sơn ra tới biển. Suốt ngày địch dùng pháo binh và máy bay đánh phá. Khi ngưng bắn phá thì chúng cho bộ binh xung phong. Ta và địch giằng co, vật lộn nhau tranh giành từng mét đất trên trận địa. Có những đỉnh đồi ta vừa chiếm xong mấy chục phút lại rơi vào tay giặc. Anh em thương vong chuyển ra ngoài không kịp nằm la liệt trong các căn hầm ở dưới chân đồi. Đồng chí Châu đại đội Phó C11 bị thương khi đi trinh sát trận địa. Đồng chí Quang (Mù) bị thương khi địch chiến chốt, ta không chuyển ra kịp nên đã rơi vào tay địch.

Ngày tuyên bố ngừng bắn của Hiệp định Pari có hiệu lực, chính đồng chí Dẩu chiến sĩ C11, người dân tộc Tày, đã cắm cây cờ nửa xanh nửa đỏ to bằng chiếc chiếu trên đỉnh cao điểm 143 (thuộc Động Ông Do) và tôi là người chụp ảnh. Khi thấy tôi, đồng chí Thuận vội ra bắt tay chào. Thật vui mừng khi gặp lại Thuận, bởi chẳng những mừng vì tôi và Thuận còn được sống đến ngày nay mà còn mừng vì chỉ sau 3 tháng chiến đấu, từ một anh lính tân binh, nay Thuận đã giữ chức vụ đại đội Phó của Đại đội 11.

Trong chiến tranh thì niềm vui nào thường cũng đi liền với nỗi đau. Mãi sau ngày hai bên trao trả tù binh anh Quang mới được trao trả. Khi đó anh đã bị mù cả 2 mắt nên anh em mới gọi anh bằng cái tên trìu mến – Quang Mù. Quang kể rằng: Trước khi anh bị thương thì anh Châu đã bị thương vào đầu rất nặng. Tuy cả 2 người cùng bị bắt nhưng có lẽ anh Châu đã hy sinh rồi. Và cho tới ngày hôm nay khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn biết anh em đồng đội hàng năm vẫn về tận Phú Thọ thăm gia đình anh Quang. Còn tin tức về anh Châu thì vẩn biệt vô âm tích…

Sau chiến tranh anh Phùng Tặng được chuyển công tác về làm Phó Hiệu trưởng trường lái xe thuộc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh. Tôi được chuyển về công tác tại Nhà máy in Quân đội 2, Anh em vẫn gắn bó bên nhau và vẫn thường xuyên ôn lại những kỷ niệm của những ngày hy sinh gian khổ. Anh Tặng đã qua đời năm 2014.

                                                                     ***

Nghe tin có 9 bộ hài cốt mới được dân tìm thấy ở một căn hầm tại làng Như Lệ, anh em Cựu chiến binh của Sư đoàn 312 đã tụ tập về đây. Căn cứ vào 9 bộ xương sọ thì đoán là 9 người. Căn cứ vào những súng đạn, Quân dụng như bi đông, xoong chậu… thì đoán rằng các anh là bộ đội, chớ làm sao biết được họ tên các anh và các anh có phải là chiến sĩ Sư đoàn 312 hay không. Có ý kiến cho rằng các anh thuộc Bộ đội của Trung đoàn 88, Sư đoàn 398. Nhưng nghĩ cho cùng, dù ở đơn vị nào thì chắc chắn các anh cũng đều là những người lính hy sinh vì sự nghiệp Giải phóng dân tộc. Do đó Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị cùng ngành chức năng đã quyết định đưa hài cốt các anh về mai táng thành một ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh.

Hơn 40 năm sau chiến tranh, đứng giữa làng Như Lệ, nhìn cảnh tượng ngôi làng cây cối xanh tươi, những căn nhà tường vôi mái ngói đỏ tươi nằm bên những con đường trải bê tông, tôi không còn nhận ra đâu là những căn hầm chúng tôi từng ở, những hố bom hố pháo đỏ lòm. Xa xa những dẫy đồi Cháy, đồi Chè, Động Ông Do… cũng phủ một màu xanh ngút ngàn bởi những cây bạch đàn, dương liễu, cao su… Đất đã hồi sinh và đang đổi thay từng ngày. Cuộc sống đang đi lên và tôi biết sự đổi thay đó bắt nguồn từ những hy sinh, từ máu xương của đồng đội tôi ngày ấy.

          Theo Trái tim người lính                                                                                

Trịnh Duy Sơn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tro-lai-lang-nhu-le-a3234.html