Tiền Giang: Nâng chất hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã

Trung tâm Văn hóa - Thể thao (TTVH-TT) cấp xã là thiết chế văn hóa, nơi thực hiện công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương; đồng thời, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ (VHVN), thể dục thể thao (TDTT), phát triển các câu lạc bộ (CLB) sở thích, các lớp năng khiếu ở cơ sở

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 172 TTVH-TT, Nhà Văn hóa (NVH) cấp xã. Thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động của TTVH-TT, NVH xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2021” (gọi tắt là Đề án), TTVH-TT, NVH cấp xã đã phát huy chức năng, nhiệm vụ và khai thác hiệu quả công năng các thiết chế văn hóa cơ sở.

tg1-1622558490.jpg
Sinh hoạt giao lưu hát với nhau tại TTVH-TT xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (ảnh chụp thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát).

Theo đó, các TTVH-TT cấp xã đã quan tâm tổ chức định kỳ các chương trình VHVN, sinh hoạt các CLB sở thích, luyện tập TDTT phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh trên địa bàn, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Qua đó, tạo điều kiện nâng chất công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Tuy nhiên, theo Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tiền Giang Lê Thanh Lan, thời gian qua, nguồn kinh phí địa phương dành cho hoạt động của các TTVH-TT cấp xã rất hạn chế. Một số đơn vị chưa có sự phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể trong khai thác sử dụng, vì cho rằng việc tổ chức các hoạt động của TTVH-TT cấp xã là của ngành Văn hóa nên hoạt động của các trung tâm chủ yếu phục vụ hội, họp, chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm các TTVH-TT cấp xã chủ yếu kiêm nhiệm, không có đội ngũ cộng tác viên nên việc tổ chức, duy trì hoạt động VHVN, TDTT tại các trung tâm chỉ mang tính thời vụ, chưa đa dạng hình thức tổ chức…

Qua triển khai thực hiện Đề án đến nay, cấp ủy, chính quyền cấp xã đã quan tâm chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo Đề án, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, nêu cao vai trò của các tổ chức đoàn thể, sự vào cuộc của Ban Chủ nhiệm ấp, khu phố, Ban Chủ nhiệm các CLB cho thấy, hoạt động VHVN, TDTT tại các TTVH-TT cấp xã đã có nhiều khởi sắc, với sự tham gia ngày càng đông đảo của người dân; có sự phối hợp tổ chức hoạt động giao lưu giữa các trung tâm…

Cụ thể, TTVH-TT của các xã: Hậu Thành (huyện Cái Bè); Xuân Đông, Trung Hòa (huyện Chợ Gạo); Phước Trung, Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông); Phú Nhuận, Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy); Phú Quý (TX. Cai Lậy); Long Hưng (TX. Gò Công); Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) tổ chức định kỳ hằng tháng 3 buổi sinh hoạt ca hát, khiêu vũ, múa… với khoảng 100 người tham dự ở mỗi buổi sinh hoạt. Đây là tín hiệu vui cho hoạt động của TTVH-TT các xã. Tuy nhiên, theo công chức Văn hóa - Xã hội các xã, nếu có sự quan tâm đầu tư hỗ trợ kinh phí cũng như thực hiện tốt công tác xã hội hóa thì phong trào VHVN, TDTT ở cơ sở sẽ còn phát triển mạnh mẽ.

Công chức Văn hóa - Xã hội xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo) Nguyễn Tấn Xĩ cho biết: “Thời gian qua, nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa thể thao không đáp ứng được nhu cầu. Năm 2021, khi thực hiện Đề án, anh em rất phấn khởi vì đã có kinh phí tổ chức mỗi tháng đảm bảo 3 buổi sinh hoạt VHVN và các CLB.

Cụ thể, TTVH-TT xã đã kết hợp với các đơn vị bạn tổ chức giao lưu đờn ca tài tử thu hút gần 200 đại biểu tham gia; đồng thời, mở lớp võ thuật, sinh hoạt định kỳ các CLB của các tổ chức đoàn thể. Do đó, rất mong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2022 - 2025 để các TTVH-TT cấp xã khai thác hiệu quả công năng”.

Thực tế, để tiếp tục nâng chất hoạt động TTVH-TT cấp xã, cần thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đây được xem là yếu tố quan trọng giúp các TTVH-TT, NVH cấp xã phát huy hết công năng. Các TTVH-TT cấp xã được đầu tư xây mới cần chú ý đến vị trí xây dựng sao cho thuận tiện đi lại của người dân và nên nằm ngoài khuôn viên UBND xã nhằm thu hút người dân đến sinh hoạt.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhất là về Đề án. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức TTVH-TT, NVH cấp xã; xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực để xây dựng, khai thác các TTVH-TT, NVH cấp xã. Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động VHVN, TDTT…

Nguồn: baoapbac.vn

Ánh Dương

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tien-giang-nang-chat-hoat-dong-trung-tam-van-hoa-the-thao-cap-xa-a3270.html