Từ trường hợp bản dịch “Thần khúc” – Dịch văn học: Say mê là một lẽ…

Năm nay là tròn 700 năm ngày mất của Đại thi hào Italia – Dante Alighieri cũng là tròn 12 năm tác phẩm “Thần khúc” của Đại thi hào Ý – Dante được giới thiệu tại Việt Nam qua bản dịch của Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn.

Tháng 10 này, bản dịch “Thần khúc” sẽ được tái bản. Nhân dịp này, PV đã có cuộc trò chuyện với Dịch giả Thúy Toàn, người bạn tâm giao với Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, cũng là người hiểu rõ về lịch sử chuyển ngữ “Thần khúc” của Dante sang tiếng Việt. 

PV: Thưa Dịch giả Thúy Toàn, là người thân thiết với Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn thuở sinh thời, hẳn ông hiểu rất rõ về hành trình GS tìm hiểu và chuyển ngữ của tác phẩm “Thần khúc” của Dante sang tiếng Việt?

Dịch giả Thúy Toàn: Trước khi bản dịch “Thần khúc” của Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn ra mắt độc giả vào năm 2009 thì đã có một bản dịch từ năm 1978 của Giáo sư Lê Trí Viễn và nhà thơ Khương Hữu Dụng, in tại Nhà xuất bản Văn học. Thời điểm ấy, GS Nguyễn Văn Hoàn đã nhận nhiệm vụ giảng dạy về văn học Ý ở Đại học Sư phạm rồi. Thực tế, từ những năm 50, GS Hoàn đã được thầy của mình là GS Đặng Thai Mai giảng về “Thần khúc” rồi. Cũng nhờ Giáo sư Đặng Thai Mai, trong kháng chiến chống Pháp, cậu học trò Nguyễn Văn Hoàn đã được học lớp dự bị Đại học rồi trở thành nhà nghiên cứu, giảng dạy về văn học cổ của Việt Nam và thế giới tới gần 20 năm, từ cuối những năm 50 đến những năm 70. GS Nguyễn Văn Hoàn cũng được coi là chuyên gia về “Truyện Kiều”. Suốt quá trình ấy, ông được đi học, đào tạo về tiếng Ý, tham gia các hoạt động của hữu nghị Việt – Ý, tham gia các hội nghiên cứu về Dante. Lúc ấy, NXB Văn học chúng tôi có ý định tìm người chuyển ngữ tác phẩm “Thần khúc” và có đặt vấn đề với GS Nguyễn Văn Hoàn. Nhưng ông trả lời rằng mình là người mới bắt tay vào việc nghiên cứu “Thần khúc” nên xin lui để GS Lê Trí Viễn và nhà thơ chuyên dịch thơ cổ Khương Hữu Dụng đứng ra chuyển ngữ tác phẩm. Chính GS Hoàn đã cho hai vị tiền bối mượn một bản tiếng Pháp của “Thần khúc” để họ căn cứ vào đó để dịch một phần “Thần khúc” ra tiếng Việt, in năm 1978. Nhờ bản dịch đó mà SG Hoàn lại có tài liệu để dạy văn học Ý và đi sâu vào tác phẩm Dante.

PV: Quá trình dịch một tác phẩm viết bằng tiếng Ý cổ chắc chắn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và công sức. Tại sao nhiều năm sau khi biết đến tác phẩm “Thần khúc”, GS Nguyễn Văn Hoàn mới bắt tay vào việc chuyển ngữ tác phẩm này?

Dịch giả Thúy Toàn: GS Hoàn là người làm việc rất nghiêm cẩn. Đến những năm 1988, GS mới bắt tay vào việc dịch “Thần khúc”. Bởi lúc đó ông nhận thấy bản thân mình có thể chuyển ngữ tác phẩm sau một thời gian dài nghiên cứu. Ông rất khiêm tốn khi thân chinh đi mời người cộng tác chuyển ngữ. Trước hết ông đến gặp nhà thơ Khương Hữu Dụng, lúc ấy đã ngoài 80 tuổi nhưng ông cho rằng mình gần đất xa trời rồi nên chỉ xin cảm ơn lời mời của hậu bối. GS Hoàn vẫn chưa tin hẳn mình cho nên tiếp tục đến gặp một người trẻ hơn. Ông không tâm sự cụ thể nhưng tôi đoán chắc là Dịch giả Thái Bá Tân. Vì Thái Bá Tân lúc bấy giờ được đánh giá cao về dịch thơ Nga, từng dịch cả một tiểu thuyết bằng thơ của Puskin. Thái Bá Tân lấy lý do rằng vợ mới sinh con, hiện tại phải dịch những bản dịch “mì ăn liền” để nuôi con, gánh vác công việc gia đình để chối từ. GS Hoàn lúc ấy mới quyết tâm tự dịch “Thần khúc”. Một cách cẩn thận, ông luôn tham khảo bạn bè, các nhà thơ trong nước và nước Ý, những người ông quen biết khi học tập, giao lưu và tìm hiểu về quê hương của Dante, dự các hội thảo về Dante, nhờ bạn bè giúp đỡ tìm các tài liệu mang từ Ý, từ Pháp về.

PV: Những trăn trở, nghiên cứu, đào sâu và công việc kỳ công sưu tầm để chuyển ngữ “Thần khúc” của GS Nguyễn Văn Hoàn cũng gợi cho chúng ta những suy nghĩ về việc dịch và giới thiệu tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt.

Dịch giả Thúy Toàn: Đúng vậy! Người dịch văn học có sự đào tạo đến nơi đến chốn như GS Hoàn. Rất mừng có một người Việt Nam được làm việc, học hành, nhận được hướng dẫn giúp đỡ của nhà nước, chính phủ bạn bè trong việc tìm hiểu và chuyển ngữ văn học. Ông chủ động tham gia các hoạt động của các hội hữu nghị dính dáng đến nước Ý, văn học Ý. Có người chỉ chăm chăm vào sách vở thôi cũng không hay. Ngoài tham khảo sách vở, tài liệu, báo chí, cần phải đi đây đi đó. Đây là điểm cần được khuyến khích. Say mê đã đành nhưng cũng cần được tạo điều kiện.

PV: Trực tiếp đọc cả hai bản dịch “Thần khúc” của GS Lê Trí Viễn và Khương Hữu Dụng và sau đó là bản chuyển ngữ của GS Nguyễn Văn Hoàn. Chắc hẳn dịch giả Thúy Toàn cũng có những so sánh, đối chiếu?

Dịch giả Thúy Toàn: Bản dịch của GS Lê Trí Viễn và Khương Hữu Dụng dựa vào bản dịch tác phẩm “Thần khúc” từ tiếng Ý sang tiếng Pháp do chính GS Hoàn cho mượn. GS Hoàn đã có điều kiện 4 – 5 bản tiếng Pháp đã đành, “Thần khúc” cũng tập hợp nhiều bản chép tay và sao chép lại cho nên GS Hoàn đã có những bản chính xác, khoa học nhất từ 27 bản chép tay cô đọng lại thành ra một bản để nghiên cứu. Giống như Truyện Kiều của ta hàng bao nhiêu bản Nôm. Phải so sánh mới có một bản chuẩn xác. GS Hoàn đã có những tài liệu rất cơ bản ấy về văn bản để hiểu được ngôn ngữ tiếng Ý. Ví dụ có một câu GS Lê Trí Viễn và nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch là: “Chân lao trước, chân trụ sau thêm vững” thì GS Hoàn dịch rõ hơn là: “Chân phải vẫn dẻo hơn chân trái”. Rõ ràng cùng một câu nhưng hai cách hiểu khác nhau. So sánh từng cái một, phải nói rằng đọc cả hai bản đều cho ta những hiểu biết nhất định để tham khảo lẫn nhau. Dù sao bản đầu cũng là căn cứ để GS Hoàn giảng dạy cho sinh viên và tham khảo để dịch chính xác hơn.

PV: Mới đó mà bản chuyển ngữ “Thần khúc” của Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn đã chính thức ra mắt độc giả Việt Nam được 12 năm. Trước thềm sự kiện tái bản bản dịch này vào tháng 10 tới, Dịch giả Thúy Toàn có cảm nghĩ ra sao?

Dịch giả Thúy Toàn: Trong vòng hàng chục năm, bản dịch “Thần khúc” của GS Nguyễn Văn Hoàn mới sơ bộ hoàn thành. Năm 2000, có Bộ trưởng Văn hóa của Italia sang thăm Việt Nam thì GS Hoàn đã có bản thảo đầu tiên đưa để giới thiệu với bạn; đến năm 2003 mới cho xuất bản thử trên báo, năm 2004 mới in thành sách một phần và năm 2009 mới ra sách. Tôi đọc cả 2 bản của GS Lê Trí Viễn – Khương Hữu Dụng và bản của GS Nguyễn Văn Hoàn thì thấy bản đầu mới dịch có 30 khúc, cho độc giả hiểu biết cơ bản, sơ lược trong khi toàn bộ tác phẩm là 100 khúc. Tất nhiên không thể yêu cầu chính xác trăm phần trăm được. Tiếng Ý nhiều âm sắc, cung bậc, Dante lại sử dụng thể thơ ba câu truyền thống. GS Hoàn khiêm tốn tự nhận chỉ chủ yếu dịch diễn đạt nội dung, cốt truyện chính chứ còn thành một thể thơ 3 câu của Ý với những cung bậc khác nhau rất khó. Tuy nhiên, đọc cũng không phải là một thứ văn xuôi bình thường mà có nhịp điệu, có âm hưởng. đây là bước đầu nhưng như lời GS Hoàn nói về việc dịch “Thần khúc” như thế nào trong những chia sẻ trong lời đầu cuốn sách thì ông không dám nói đây là một bản dịch hoàn chỉnh. Rồi đây hi vọng những người có tâm, có tầm, hiểu biết, giỏi về thơ, hay hơn nữa là nhà thơ có tài, trẻ, có sức, có tâm, có điều kiện hơn hi vọng có những bản dịch hay hơn, đi vào lòng người hơn.

PV: Vâng! Cảm ơn Dịch giả Thúy Toàn.

Võ Hà/VOV6

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tu-truong-hop-ban-dich-than-khuc-dich-van-hoc-say-me-la-mot-le-a3277.html