Về  quê

Quê tôi vùng ven thị xã Vĩnh Yên. Thế mà 47 năm hết học hành, đi công tác xa, chiến tranh biên giới, bận làm quản lý mãi bây giờ ở tuổi 65 mới thảnh thơi tìm hiểu quê nhà. Nhiều câu hỏi... cứ day dứt đòi câu trả lời: vì sao xóm quê lại là xóm Gạch? Xóm hình thành từ bao giờ? Đầm Vạc là thắng cảnh còn không? Vì sao các ông chánh công xứ thời Pháp và nhiều vị quan đầu tỉnh thời ta hoặc chết bất đắc kỳ tử hoặc bị lửa lò đốt cháy? Các huyền thoại dân gian nói huyệt mạch ở Vĩnh Yên có đúng không...?

ve-que-tran-huu-son-1622826315.jpg
Chú thích ảnh

Xóm Gạch thuộc xã Tích Sơn Phủ Đoan Hùng xưa. Năm 1890. thực dân Pháp thành lập tỉnh Vĩnh Yên, tỉnh lỵ đóng tại xã Tích Sơn. Lúc đó cả  xã có 5 làng: làng Tiếc, làng Hạ, làng Khâu, làng Đậu, làng Sậu và 2 phố: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thành. Lúc đó chưa có tên xóm Gạch. Đầu thế kỷ 20, xóm Gạch mới hình thành và trở thành một xóm ngụ cư. Đầu tiên, Gia đình ông Dương Quang Cơ (là ông nội của người sau này là vợ tôi) từ làng Tiếc đến cư trú ở khu đất đẹp của xóm Gạch. Ông là bậc khá giả, lại có chân trong hội đồng kỳ mục nên gọi là cụ Hội. Ông chiêu mộ một số người ở tỉnh Hà Nam lên làm gạch bán cho cư dân ngoài phố. Xóm Gạch - xóm ngụ cư ven thị xã dần dần hình thành. Tên xóm Gạch cũng ra đời gắn liền với gần 20 lò gạch của hơn chục hộ dân tứ xứ. Ngoài gia đình của ông Hội có ruộng ở làng Tiếc còn cư dân xóm Gạch, mảnh đất cắm dùi không có. Đa số hộ dân đều làm Gạch đời sống bấp bênh. Có hộ nhà ông Thương kinh tế khá nhất nhờ nghề làm đậu phụ. Nhà ông có nhà cấp 4 bằng Gạch rộng nhất xóm. Mọi cuộc họp thời cải cách ruộng đất đều mượn nhà ông. Các hộ gia đình khác thì đi làm thuê, gánh nước, kiếm củi hoặc phục vụ cửa hàng ăn. Nhà nào vỡ hoang được ít đất thì trồng rau. Ông nội tôi vừa trồng rau vừa dành dụm ít tiền mua được cái thuyền nhỏ đánh tép ở Đầm Vạc. Dân ngụ cư mất nhiều quyền lợi trong làng xã nhưng họ bị đóng thuế ít và được tự do hơn. Có người chịu khó đi làm thuê dăm bẩy năm cũng nhịn ăn, nhịn mặc chung vốn mở hàng ăn, kéo xe tay chở khách ở ngoài phố. Cải cách ruộng đất, các hộ bần cố nông ở xóm Gạch được chia đất trồng lúa ngoài Vân Hội cách nhà từ 6 đến 7 km. Và ruộng đất của hợp tác xóm Gạch cũng ở cách xa. Tôi còn nhớ thập kỷ 60, 70 của thế kỷ 20, tôi và chú em thứ 2 phải đi gặt lúa giúp mẹ từ hai, ba giờ sáng. Đất trồng lúa quá ít, canh tác xa nhà, vất vả vô cùng. Cả làng phải chạy chợ, làm thuê. Hầu như nhà nào trong xóm cũng có một nghề phụ. Đời sống của người dân cũng khá hơn so với dân trong làng. Ở các làng Hạ, làng Tiếc, làng Khâu, trẻ em chỉ học hết cấp một. Còn ở xóm Gạch trẻ em được học hết cấp 2. Tôi và cô em con chú ruột là 2 trong số 3 người đầu tiên của xã nông nghiệp đỗ đại học. Nhưng các gia đình có nghề phụ đời sống đều dần khá hơn dù họ chỉ học hết cấp hai.

Vào cuối thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60 của thế ky 20, cư dân xóm Gạch được bổ sung đội ngũ công chức, sĩ quan mới. Đầu xóm là nhà của đại tá Hoàng Cầm (sau này là thượng tướng Hoàng Cầm Tư lệnh quân đoàn 4). Và hàng loạt sĩ quan cấp uý của bộ đội, công an. Một xóm nhỏ thôi có dăm bẩy ông lãnh đạo ty, ngành tỉnh Vĩnh Phúc về cư trú. Đợt nhập cư lớn nhất là cuối thập kỷ 90 - khi tách tỉnh Vĩnh Phú, Xã Tích Sơn từ xã lên Phường. Còn xóm Gạch được đổi tên thành phố Điện Biên. Người dân bỏ ruộng trồng lúa xa nhà. Các đất rau xanh trở thành các nhà hàng. Khu gò Nhót, gò trận địa xưa là bãi tha ma thì nay là các khách sạn sang trọng của khu research Sông Hồng. Nhiều gia đình, bố mẹ gánh nước tưới rau nổi u ở vai thì nay con cái thành bà chủ các cửa hàng, cửa hiệu. Nhưng giàu nhất là một số cán bộ lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh. Họ thường có hai nhà: một biệt thự trong xóm và một biệt phủ ở ven đầm Vạc. Người dân nghèo nhờ bán đất cũng xây được nhà “hoành tráng“. Chỉ có trình độ học vấn không cao so với các làng còn nghèo ở Lập Thạch, Vĩnh Tường. Sách địa chí Vĩnh phúc xuất bản năm 2015, thống kê cả phường Tích Sơn chỉ có 2 anh em tôi là Tiến sỹ (tôi và TS Dương Tuấn Nghĩa - cậu em út của vợ tôi). Trong khi đó xã Sơn Đông huyện Lập Thạch có gần 70 tiến sĩ. Tôi cứ nghĩ có lẽ cần gợi ý cho học trò làm luận văn hoặc luận án về vấn đề này. Tuy nhiên, một làng, một xóm không đánh giá về số người đậu tiến sĩ như xã hội xưa. Điều quan trọng người dân có đời sống khá hơn, bình an và hạnh phúc hơn. Càng quý hơn nếu có nhiều nhà doanh nghiệp phát triển kinh tế bền vững, đóng góp cho quê hương, đất nước.

Về quê, sau cả cuộc đời lăn lộn với công danh, sự nghiệp, giờ mới có thời gian lắng lại, thư thả ngắm bức tranh quê hương - Một xóm nhỏ ven đô mang dáng dấp của miền quê đổi mới.

 

 

Trần Hữu Sơn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bo-vhttdl-yeu-cau-chan-chinh-hoat-dong-quang-cao-su-dung-mxh-cua-nghe-si-a3341.html