Kiên Giang: Ưu tiên đầu tư phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng

Ưu tiên đầu tư cho du lịch có ý nghĩa quan trọng, không chỉ phát huy hiệu quả sử dụng vốn, khai thác được giá trị tài nguyên mà còn tạo điều kiện cho xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh tạo thương hiệu cho du lịch Kiên Giang.

2-kien-giang-don-ca-tai-tu-lam-phong-phu-1621005366.jpg
 

Tiền đề về cơ sở vật chất để phát triển du lịch Kiên Giang còn thiếu trên một số lĩnh vực, vì vậy cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, sản phẩm du lịch là hết sức cần thiết. Đầu tư cơ sở vật chất du lịch cần có chính sách đầu tư hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư mang tính tầm cỡ để tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp trong du lịch, cần phải huy động các nguồn khác để hỗ trợ phát triển du lịch.

Để du lịch từng bước phát triển mạnh mẽ, tỉnh cần  ưu tiên đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch cấp quốc gia. Các khu du lịch này cần tính toán cân nhắc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng khu với chất lượng cao và mang tính khác biệt với các khu du lịch khác trên địa bàn cả về kiến trúc, mô hình và loại sản phẩm để cho các khu du lịch trở thành trụ cột cho việc phát triển du lịch và thương hiệu của du lịch Kiên Giang, làm cơ sở, tiền đề cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thu hút khách du lịch cho tỉnh, nhất là các khu du lịch có tiềm năng tài nguyên biển đảo và sinh thái tại khu du lịch Mũi Nai, khu du lịch đảo Hòn Sơn và khu du lịch sinh thái VQG U Minh Thượng.

Cần ưu tiên kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm cho ngành Du lịch và chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành trong việc nghiên cứu và xây dựng quy hoạch chi tiết cho các khu, điểm du lịch quốc gia để trình Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra cần tranh thủ vốn các nguồn tài trợ quốc tế, nguồn vốn ODA, FDI và các nguồn vốn khác. Xây dựng cơ chế huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch theo hướng đấu giá quyền sử dụng đất; phát hành trái phiếu; hình thức BOT trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch gắn với các cơ sở dịch vụ kinh doanh du lịch; điều tiết các khoản thu ngân sách của địa phương trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; cơ chế về việc sử dụng các ưu đãi đầu tư để phát triển các khu, điểm du lịch quốc gia; các khu, điểm du lịch thuộc địa bàn khó khăn...

Đồng thời đầu tư xây dựng một số cơ sở lưu trú cao cấp. Hệ thống cơ sở lưu trú có chất lượng cao cấp không chỉ tạo ra sự khang trang, hiện đại cho khu vực đó mà còn có ý nghĩa đối với chất lượng phục vụ, một đẳng cấp trong phát triển du lịch. Thực tế nghịch lý trên địa bàn du lịch Kiên Giang là số lượng cơ sở lưu trú và số lượng phòng quá nhiều nhưng thiếu cơ sở lưu trú có chất lượng cao, chất lượng dịch vụ trong lưu trú còn đơn điệu chưa đáp ứng nhu cầu khách du lịch, ảnh hưởng đến thu hút khách. Trong thời gian tới, cạnh tranh thị trường khách du lịch trong khu vực càng cao thì yêu cầu chất lượng trong kinh doanh lưu trú được đặt ra hàng đầu. Chính vì vậy việc đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hệ thống khách sạn, đặc biệt là các khách sạn thương mại, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp với đầy đủ các công trình dịch vụ bổ trợ như tổ hợp thể thao, khu hội chợ, hội nghị, hội thảo, các nhà hàng, cơ sở vui chơi giải trí… là hết sức quan trọng và cần thiết.

Tỉnh cũng cần đầu tư phát triển đồng bộ và có chất lượng đối với dịch vụ chơi giải trí để thu hút khách. Hiện nay, các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao có chất lượng cao bổ trợ cho các hoạt động, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trên địa bàn còn ít về số lượng, chất lượng còn rất hạn chế. Điều này đã hạn chế đáng kể thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của khách, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch. Để khắc phục tình trạng này cần lựa chọn một số dịch vụ bổ sung tại một số khu vực như TP, TX và khu vực đảo để ưu tiên đầu tư xây dựng các dịch vui chơi giải trí và thể thao tổng hợp để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa - thị trường khách có nhu cầu cao về các dịch vụ vui chơi giải trí và thể thao. So với một số tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL thì Kiên Giang có số lượng tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng về chủng loại nhưng chưa tập trung lựa chọn ra loại tài nguyên du lịch nào tiêu biểu mang đặc trưng cho du lịch Kiên Giang để phục vụ cho công tác tuyên truyền quảng bá và xúc tiến cho khách du lịch. Vì vậy, du lịch Kiên Giang nên lựa chọn đầu tư theo khu vực hình thành nên một khu du lịch hay điểm du lịch trên địa bàn để tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng thương hiệu.

Cần chú trọng quảng bá & xúc tiến để thu hút khách du lịch. Các thị trường trọng điểm là thị trường du lịch Campuchia, các trung tâm du lịch lớn trong nước như TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ…và chú trọng số khách du lịch là chuyên gia, nhân viên sứ quán, văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế; thị trường khách du lịch tại các nước khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Lào, Trung Quốc, Nhật bản, Hồng Kông. Xúc tiến và quảng bá du lịch thông qua các diễn đàn, cuộc hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm…trong và ngoài nước. Khuyến khích các doanh nghiệp và cơ quan quản lý tham gia quảng bá sản phẩm du lịch. Thông qua các công ty lữ hành chuyên nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để giới thiệu, bán và kết nối các chương trình du lịch đến với các khu điểm tài nguyên du lịch trên địa bàn Kiên Giang. Khuyến khích các công ty lữ hành của tỉnh đặt các văn phòng đại diện, chi nhánh của mình tại các trung tâm du lịch trong và ngoài nước theo quy định của Nhà nước.

Doanh nghiệp lữ hành có vai trò rất quan trọng đối với phát triển du lịch cho từng quốc gia, là cầu nối tài nguyên du lịch với khách du lịch. Sự tăng giảm lượng khách du lịch phụ thuộc rất nhiều đối với nghiệp vụ kinh doanh lữ hành, đặc biệt là lữ hành quốc tế. Đối với du lịch Kiên Giang, thì doanh nghiệp lữ hành chưa phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn chưa đủ mạnh, thiếu chiến lược thị trường, vẫn thụ động ngồi chờ khách du lịch; đội ngũ cán bộ không chuyên sâu, yếu cả trình độ chuyên môn và ngoại ngữ nên chưa chủ động thị trường khách du lịch, đặc biệt thị trường khách quốc tế. Vì vậy, đẩy mạnh hoạt động doanh nghiệp lữ hành và doanh nghiệp cung cấp sản phẩm du lịch là cần thiết hơn bao giờ hết đối với du lịch Kiên Giang. Trước mắt, ưu tiên xây dựng, thành lập các doanh nghiệp lữ hành đủ mạnh cả vật chất và năng lực dưới hình thức nhà nước tạo cơ chế chính sách, doanh nghiệp đầu tư xây dựng; có thể liên kết hoặc chấp nhận các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trên địa bàn với các ưu đãi đặc biệt, để đảm bảo nguồn khách du lịch cho du lịch. Nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý du lịch; đồng thời trang bị nghiệp vụ chuyên ngành và trình độ ngoại ngữ cho cán bộ hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch; tăng cường đào tạo nghiệp vụ du lịch, vệ sinh môi trường du lịch, bảo vệ tài nguyên môi trường và phong cách phục vụ cho cộng đồng dân cư nơi có thể phát triển du lịch như ven biển, vùng đồng bào dân tộc miền Tây.

Trong quá trình phát triển du lịch trên địa bàn cần nhận được sự hợp tác của mọi thành viên trong xã hội thông qua giải pháp xã hội hóa trong phát triển du lịch. Xã hội hóa du lịch thực chất là khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dư­ới các hình thức khác nhau, đặc biệt có cơ chế thích hợp để thu hút nguồn vốn trong dân để đầu tư phát triển du lịch. Thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị tài nguyên và môi trường để phục vụ phát triển du lịch. Để xã hội hóa có hiệu quả cần có cơ chế chính sách về xã hội hóa cho từng hoạt động cụ thể như: xã hội hóa trong đầu tư cần có cơ chế quản lý đầu tư­, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư­ phát triển du lịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư­ để thu hút các nhà đầu t­ư; xã hội hóa trong lĩnh vực xây dựng phát triển sản phẩm cần có sự liên kết của các bên để tạo ra sự bình đẳng giữa quyền và nghĩa vụ các bên tham gia.

Huy động các nguồn vốn đầu t­ư phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích thu hút các nguồn vốn đầu tư khác vào các dự án du lịch. Nguồn vốn đầu tư này chủ yếu dành cho­ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đường giao thông; cung cấp điện, nước; xử lý môi trường…; cho công tác bảo tồn và tôn tạo các giá trị tài nguyên du lịch, đặc biệt là các di sản văn hóa, các giá trị đa dạng sinh học; hỗ trợ cho công tác quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Hình thành cơ chế huy động vốn thích hợp để thu hút và tạo ra các nguồn vốn đầu tư phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch, huy động mọi nguồn vốn để giải quyết về nhu cầu đầu t­ư, bao gồm: Vốn tích lũy của các doanh nghiệp; vốn vay ngân hàng với tỷ lệ lãi suất ưu đãi dành riêng cho các dự án đầu tư vào các vùng đất còn hoang sơ, cơ sở hạ tầng chưa phát triển; vào các lĩnh vực kinh doanh còn mới…; vốn đầu t­ư trong nước, trong dân thông qua Luật Đầu tư­; vốn thông qua cổ phần hóa các doanh nghiệp; tạo nguồn vốn thông qua hình thức cho thuê đất trả tiền trư­ớc; vốn đầu tư­ trực tiếp nư­ớc ngoài (FDI) hoặc liên doanh với n­ước ngoài, vốn đầu tư 100% nước ngoài, vốn ODA (dành cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường...

 

 

Trương Anh Sáng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-uu-tien-dau-tu-phat-trien-du-lich-tuong-xung-voi-tiem-nang-a3357.html