Mạn Thuật

Bài viết này rút trong bộ sách " Hồng hạc cõi trời Nam" (Giải mã thơ Nguyễn Trãi") của Vũ Bình Lục

bl1b-1622948999.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Ngày tháng kê khoai những sản hằng,

Tường đào ngõ mận ngại thung thăng.

Đạo ta cậy bởi chân non khoẻ,

Lòng thế tin chi mặt nước bằng.

Đìa cỏ được câu ngâm gió,

Hiên mai cầm chén hỏi trăng.

Thề cùng viên hạc trong hai ấy,

Thấy có ai han chớ đãi đằng.

Dễ nhận biết đây là bài thơ Nguyễn Trãi viết ở Côn Sơn, quãng thời gian danh nghĩa vẫn làm quan, chức “Nhập nội hành khiển”, nhưng thực tế là ông đã bị thất sủng, sống cảnh thiếu thốn vật chất, nhưng mà thanh đạm. Nguyễn Trãi còn cho rằng, đó lại là điều may mắn và xem như mình đang ở ẩn, ngoài vòng danh lợi, thảnh thơi tiêu sái với thiên nhiên và suy ngẫm việc đời.

Mở đầu là hai câu thất ngôn:

Ngày tháng kê khoai những sản hằng,

Tường đào ngõ mận ngại thung thăng.

Một cuộc sống giản dị của người bình dân, tháng ngày làm bạn với “kê” với “khoai”. Và “sản hằng”, tức “hằng sản”, sản vật sinh hoạt hằng ngày của Tiên sinh cũng chỉ là “khoai” với “kê”, có lẽ cũng do chính gia đình ông gieo trồng quanh nhà, chứ lấy đâu ra cao lương mỹ vị! Sống xa chốn cung đình quyền quý đã lâu, lại cũng nhận thức rõ nơi quyền môn nhiều hiểm độc, nên Tiên sinh mới cảm nhận thấy rằng “Tường đào ngõ mận ngại thung thăng”. Ngại, là ngại ngùng, lười nhác, hàm nghĩa đã chán rồi, chắng muốn đến nữa. Thực lòng, ông cũng không muốn giao tiếp với tầng lớp quan lại quyền quý đã tha hoá lúc bấy giờ. “Đào, lý”, vốn là cây đào, cây mận, dùng để ví với những bậc hiền tài, nhưng ở đây đã chuyển nghĩa thành nơi quyền quý cao sang, theo nghĩa phái sinh. Ở một chỗ khác, Nguyễn Trãi cũng đã nói “Đến trường đào mận ngặt chăng thông”…là vậy!

Câu 3: “Đạo ta cậy bởi chân non khoẻ”, vậy “đạo ta” là đạo gì? Đạo thánh hiền chăng? Người quân tử theo đạo Nho, cần biết cái lẽ “xuất” và “xử”. Gặp thời thuận thì ra làm quan giúp đời. Bất như ý thì lại lui về nhà. Có lẽ Tiên sinh không muốn nói đến cái đạo nào khác trong sách vở và lý thuyết cao siêu, đầy rẫy đó đây. Nguyễn Trãi hình như muốn lập ra một cái “đạo” cho riêng mình, vào chính thời điểm này, ấy là đạo “Nhàn ẩn” chăng? Chả thế mà Tiên sinh có khi đã gọi cái “Đạo” của ông là “Đạo cả”, đạo lớn đấy ư? Ở ẩn trong núi Côn Sơn Chí Linh, xa lánh cái “trường đào mận”, nên chỉ cần có đôi chân khoẻ, để mà lội suối trèo non, thế cũng là đủ! Còn như câu “Lòng thế tin chi mặt nước bằng”, đối với câu trên là hợp lý. “Lòng thế”, chính là lòng người, lòng thế gian rộng lớn, ví như mặt bể ấy, thoạt trông thì có vẻ phẳng lặng đấy, nhưng cũng chả có gì đáng tin. Đơn giản là bởi dưới mặt nước có vẻ như bằng phẳng kia, ai dám chắc là không có sóng ngầm, không có thác ghềnh nguy hiểm, không có cạm bẫy chết người? Cho nên, vui với « đạo ta » là phải.

Đìa cỏ được câu ngâm gió,

Hiên mai cầm chén hỏi trăng.

Tạ Linh Vận bên Tàu, nằm mơ, gặp được câu thơ hay “Trì đường sinh xuân thảo” (Bờ ao sinh cỏ xuân). Nguyễn Trãi cũng tự vui với “đạo ta”, đạo của mình mà tìm hứng cho câu thơ “ngâm gió”, ngâm nga với gió với mây. Và “Hiên mai cầm chén hỏi trăng”. Có thơ “Đìa cỏ”, lại có rượu mà cất chén mời gió mời trăng, hỏi chuyện cùng trăng như Lý Bạch thuở nào, như Cao Bá Quát hỏi trăng sông Trà sau này, chẳng phải cũng là đạo Tiên, khách Tiên đấy sao? Thật là “Giũ bao nhiêu bụi, bụi lầm / Giơ tay áo đến tùng lâm” (Ngôn chí –Bài 4). Giũ đi tất cả các thứ bụi dơ bẩn, bụi mềm lầm lẫn, để có được “Một phút thanh nhàn trong buổi ấy / Ngàn vàng ước đổi được hay chăng?” Còn có sung sướng nào bằng! “Hiên mai”, là uống rượu thưởng mai ở hiên nhà mình và trò chuyện với trăng. Nguyễn Trãi từng viết “Đêm thanh nguyệt hiện ngoài hiên trúc”. Vậy “Hiên mai” cũng có thể là cách nói cho đẹp câu văn, hoặc bên hiên nhà có cây mai, khóm trúc, cũng là biểu trưng cho thú nhàn tao nhã của người quân tử.

Hai câu kết là thề thốt, với vượn, với hạc, với cả chính mình, hay là dặn dò cái bọn vượn hạc như bầu bạn, như con cái trong nhà kia, rằng:

Thề cùng viên hạc trong hai ấy,

Thấy có ai han chớ đãi đằng!

Thề, có nghĩa là thề thốt, ở đây cũng có thể hiểu thêm là dặn dò. Viên (vượn) và hạc (chim hạc) vốn là bạn bầu, như thể là con cái của Tiên sinh, nên cũng xem chúng như người nhà thân thích, phải dặn dò chỉ bảo cho chúng biết, rằng “Thấy có ai han chớ đãi đằng”! . Nghĩa là nếu như có người lạ bắt chuyện, hỏi han, thì chớ có vội vàng đon đả xoắn xuýt mà gợi chuyện lợi danh. Hãy vui với thú lâm tuyền mà tránh xa danh lợi, ví như Tiên sinh từng nhủ lòng, rằng “Dễ hay ruột bể sâu cạn / Khôn biết lòng người vắn dài”! (Ngôn chí-Bài 5).

Vũ Bình Lục

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/man-thuat-bai-1-a3366.html