NSND Năm Châu: Bậc thầy của sân khấu cải lương Nam bộ

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Năm Châu tên thật Nguyễn Thành Châu, sinh năm 1906, tại làng Mỹ Tịnh An, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Ông là một nghệ sĩ (NS) bậc thầy của nền sân khấu cải lương Nam bộ, là diễn viên tài danh, nhà viết kịch uy tín, nhà đạo diễn nổi tiếng, người NS có công cách tân sân khấu nước nhà...

Không những làm giám đốc của nhiều đoàn hát lớn, NS Năm Châu còn là Giáo sư kịch nghệ đầu tiên của Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, soạn giả của hơn 50 tuồng cải lương sáng giá, mà còn có công lớn trong việc đào tạo nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và giỏi cả trên lĩnh vực chuyển âm, lồng tiếng phim, tuồng cải lương, phim nước ngoài trong giai đoạn kỹ thuật còn phôi thai ở nước ta. NS Nguyễn Thành Châu được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSND (đợt 2-1988). 

nam-chau-1623211524.jpg
NSND Nguyễn Thành Châu. Ảnh: sưu tầm

TỪ NHỎ, QUYẾT THEO NGHIỆP CẦM CA

Khi còn thơ, ông đã bộc lộ khả năng thiên phú về âm nhạc khá rõ rệt. Năm 9 tuổi, ông đã làm quen với âm nhạc, cả đàn violon. Bước sang tuổi 12, là bước ngoặt đưa ông đến với sự nghiệp âm nhạc cải lương sau này, vì ông đã chính thức theo học cổ nhạc và đàn kìm.

Đang học năm thứ hai của Trường Trung học Mỹ Tho, nhân dịp nghỉ hè, ông ra Phú Quốc thăm cha. Trước đó, thân sinh của ông đang làm việc tại Tòa bố Mỹ Tho, vì tính cương trực đã làm “mích lòng” ông Tỉnh trưởng người Pháp nên bị thuyên chuyển ra làm việc tại đảo Phú Quốc, tỉnh Rạch Giá. Đến ngày tựu trường, vì bão tố, tàu bè không trở về đất liền kịp, ông bị cắt học bổng và bị đuổi học. Gia đình định cho ông tiếp tục học ở Trường La San Taberd Sài Gòn, nhưng ông quyết định tự lập, theo nghiệp cầm ca, gia nhập gánh hát thầy Năm Tú vào năm 1922 (khi đó ông 16 tuổi).

Thầy Năm Tú là chủ gánh hát, không phải là nghệ sĩ, nhưng từng du học ở Pháp về, có khuynh hướng muốn đào kép bỏ lối hát ca ra bộ theo phong cách cũ trước đó đã từng áp dụng ở các tuồng: Trang Tử thử vợ, Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên - Nguyệt Nga… 

nam-chau-4-1623211635.jpg
Từ trái sang: NS Kim Cúc (vai Tây Thi) và NS Năm Châu (vai Ngô Phù Sai, đứng giữa) trong vở “Tây Thi - gái nước Việt”. Ảnh: HUỲNH CÔNG MINH

Năm 1922, NS Năm Châu soạn vở Giọt lệ cương thường, tác phẩm này đã gắn liền với tên tuổi của ông ở lĩnh vực sáng tác, bởi nội dung vở tuồng diễn tả được thực trạng xã hội thời ấy. Mặt khác, những nhân vật trong vở tuồng này đã phản ảnh được hình ảnh bọn cường hào ác bá chuyên bóc lột dân lành. Sau vở diễn thành công này, ông càng hăng say hơn với công việc sáng tác.

Cuối năm 1922, NS Năm Châu sáng tác vở Vẹn tấm lòng son, công diễn tại đình Điều Hòa (nay thuộc địa bàn TP. Mỹ Tho), được rất đông khán giả đến xem và ái mộ. Kể từ đó, NS Năm Châu được công chúng nhắc đến không chỉ là vị trí của một kép chánh, mà còn là tên tuổi của một soạn giả tài năng.

Sau đó, ông về sân khấu Tái Đồng Ban, đã cùng với ông Năm Mạnh soạn vở cải lương 3 màn Tái Sanh Duyên, công diễn vào năm 1925. Thời điểm ấy, khán giả yêu thích cải lương chuyển xu hướng sang những tích truyện Tàu, nên NS Năm Châu thường kết hợp với soạn giả Tư Chơi. Với vốn Pháp ngữ và am hiểu sân khấu Pháp, NS Năm Châu đã dựa theo những câu chuyện và kịch Pháp để soạn nhiều vở tuồng cải lương giá trị phục vụ công chúng.

Càng về sau, NS Năm Châu gần như cố gắng hết sức để đưa thị hiếu khán giả đến với các vở tuồng phản ánh đời sống thực tế của xã hội đương đại. Trong sự nghiệp sáng tác góp phần tạo nền sân khấu cải lương Nam bộ, NS Năm Châu đã sáng tác nhiều vở tuồng “sống mãi với thời gian”: Giọt lệ cương thường, Men rượu hương tình, Nợ dâu, Sân khấu về khuya, Vẹn tấm lòng son, Nước biển mưa nguồn, Vợ và tình, Thiên thần áo trắng, Hoa cuối mùa, Đêm không ngày…

Vóc dáng phương phi, ngoại hình đẹp trai lẫn giọng ca trời phú, không bao lâu NS Năm Châu nhanh chóng trở thành kép chánh nổi tiếng nhất trên sân khấu cải lương lúc bấy giờ. Chưa nói đến đoàn hát mà ông vừa là bầu gánh, diễn viên chính, vừa là soạn giả kiêm đạo diễn, tham gia bất luận gánh hát nào, NS Năm Châu luôn giữ vai trò kép chính.

Ngoài ra, ở hoạt động điện ảnh, ông thực hiện các phim chuyển thể từ các vở cải lương và là người đầu tiên thực hiện lĩnh vực chuyển âm, lồng tiếng cho các phim nước ngoài (năm 1950 - 1960) tại Sài Gòn. Cũng chính NS Năm Châu là đạo diễn cho các phim: Người đẹp Bình Dương, Chức Nữ - Ngưu Lang của hãng phim nổi tiếng Mỹ Vân, do nữ minh tinh đóng vai chính là Thẩm Thúy Hằng - một trong “Ngũ đại mỹ nhân” được coi là biểu tượng nhan sắc một thời của đất Sài Gòn hoa lệ năm xưa.

Năm 1948, ông cùng với các ông Trần Hữu Trang (Tư Trang) và Nguyễn Long Vân (Ba Vân) thành lập Ban Việt kịch Năm Châu, lợi dụng sân khấu để tập hợp văn nghệ sĩ và hoạt động yêu nước theo sự chỉ đạo của ông Mai Văn Bộ, Ủy viên Tuyên truyền của Thành hội Liên Việt TP. Sài Gòn. Sau năm 1954, sinh sống và hoạt động nghệ thuật ở vùng địch tạm chiếm, ông vẫn giữ vững bản lĩnh và khí tiết của một nghệ sĩ yêu nước chân chính.

Đến đầu năm 1960, sân khấu cải lương có sự chuyển biến lớn: Sự xuất hiện của những giọng ca vàng, khiến thế hệ của ông phải nhường bước cho lớp trẻ ca vọng cổ xuất sắc được khán giả ưa chuộng như: Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Út Hiền, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh, Tấn Tài, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Nga… đã chiếm lĩnh sân khấu cải lương và các hãng dĩa.

Từ năm 1962, ông được mời làm Giáo sư của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh) - là giáo sư kịch nghệ khóa đầu tiên của trường này. Với tinh thần dạy nghề hết lòng vì nguồn nhân lực cho sân khấu, ông là bậc thầy trong việc đúc kết những kinh nghiệm giảng dạy nghệ thuật cho thế hệ nhà giáo của bộ môn này.

NĂM CHÂU VÀ PHÙNG HÁ - ĐÔI NGHỆ SĨ TÀI SẮC MỘT THỜI

Cuộc đời nghệ thuật của NSND Phùng Há có bước ngoặt rất quan trọng khi gặp được NSND Năm Châu. Trước đó, bà hoạt động nghề nghiệp theo bản năng, chuyên diễn tuồng Trung Hoa theo phong cách Quảng Ðông, học nghề từ các nghệ nhân Quảng Ðông sang Sài Gòn - Chợ Lớn biểu diễn. Bà chỉ biết mê nghề và rèn luyện nghề.

Khi gặp NSND Năm Châu, bà mới ý thức được trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ. Bà nhận ra nghệ sĩ không phải chịu số phận “thằng kép, con đào” mua vui cho thiên hạ, mà còn có một thiên chức khác là làm cho con người yêu thương nhau hơn, xã hội tốt đẹp hơn...

nam-chau-3-1623211690.jpg
NS Phùng Há (người ngồi) trong vở diễn đóng cùng NS Năm Châu. Ảnh: sưu tầm

NS Năm Châu và bà đã diễn cùng nhau trong các vở tuồng phóng tác từ kịch Tây, tuồng xã hội hiện đại; và sự thành công ở các vai diễn loại này vượt trội lên, khẳng định bà là một nữ nghệ sĩ toàn năng. Cho tới những năm cuối đời, bà luôn tôn kính NS Năm Châu là người thầy, người anh trong nghề. Sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của người nghệ sĩ đã đưa bà tham gia hoạt động trong các phong trào yêu nước ở đô thị miền Nam.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, NSND Phùng Há cùng NSND Nguyễn Thành Châu, NSND Ba Vân làm cố vấn cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và tham gia giảng dạy, đào tạo nên nhiều nghệ sĩ ưu tú sau này như: Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tấn Giao, Tô Châu, Thanh Lựu, Mỹ Hằng... Khi còn sống, bà từng trải lòng: “Trong giới chị em nghệ sĩ, chúng tôi tôn sùng anh Năm Châu là ông vua sân khấu, người đã dốc hết trí óc để cải tạo nền nghệ thuật cải lương và cải tiến sân khấu ngày càng sáng đẹp, để lưu lại cho giới cải lương chúng tôi ngày nay và cho mai sau...”.

NSND Năm Châu đã có đóng góp to lớn cho các gánh hát của: Thầy Năm Tú, Nam Đồng Ban, Tái Đồng Ban, Huỳnh Kỳ, Con Tằm, Đoàn Việt kịch Năm Châu... Thời kỳ rực rỡ nhất của Đoàn Việt kịch Năm Châu là 2 năm cuối của đoàn hát cải tiến này (1952 - 1955), khi trình diễn vở “Tây Thi - gái nước Việt”, NS Năm Châu vừa làm đạo diễn, kiêm diễn viên 2 vai trung tâm: Ngô Phù Sai và Phạm Lãi, đã gây tiếng vang lớn về khuynh hướng nghệ thuật cải lương mới, làm say mê đông đảo khán giả lúc đó...

Nguồn: baoapbac.vn

HÀ ANH (tổng hợp)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nsnd-nam-chau-bac-thay-cua-san-khau-cai-luong-nam-bo-a3431.html