Sự đan bện giữa lịch sử - văn hóa - phong tục trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, sinh năm 1933 vừa qua đời tại nhà riêng ở Cổ Nhuế, Hà Nội, hưởng thọ 89 tuổi. Ông là tác giả của nhiều tập trường thiên tiểu thuyết như "Hồ Quý Ly", "Mẫu thượng ngàn", "Đội gạo lên chùa"..., đã để lại dấu ấn sâu đậm trong văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Sau một khoảng thời gian khá dài không xuất hiện trên văn đàn với tư cách một người sáng tác, năm 2000, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã trở lại bằng cuốn tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”. Tác phẩm ngay lập tức tạo nên một hiện tượng trong đời sống văn chương của năm đó (và vài năm sau nữa). Tình hình cũng gần như tương tự với hai cuốn tiểu thuyết tiếp theo của ông: “Mẫu Thượng Ngàn” (2006) và “Đội gạo lên chùa” (2011).

Tôi dùng chữ “hiện tượng” với rất ít sự căn cứ vào rất nhiều loại giải thưởng đã được trao cho tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, mà chủ yếu dựa vào cảm nhận chủ quan về một nét trội trong tác phẩm của ông, điều mà không nhiều nhà văn Việt Nam trước đó hay cùng thời làm được: sự đan bện giữa lịch sử và văn hóa – phong tục. Ở đây, có một câu hỏi rốt cuộc cũng sẽ phải được đặt ra: tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh là tiểu thuyết lịch sử hay tiểu thuyết văn hóa – phong tục? Đâu mới là topic chủ yếu để nhận diện tác phẩm của ông?

Không sai, nếu nói rằng đó là tiểu thuyết lịch sử. Bởi lịch sử, trong nhận thức mang tính phổ quát và ở nội dung đơn giản nhất có thể, là cái thuộc về quá khứ; và đối tượng mà Nguyễn Xuân Khánh mô tả, thể hiện thì đều là những con người những sự việc thuộc thì quá khứ. Nhưng xin lưu ý: không phải quá khứ nào cũng sẵn sàng được coi là lịch sử - có “quá khứ xa” và “quá khứ gần” và thường thì chỉ “quá khứ xa” mới là lịch sử đích thực. Điều đó được thể hiện ngay ở thái độ ngập ngừng của Nhà xuất bản (hẳn đã phải có sự đồng ý của chính tác giả) khi định danh thể tài cho các tác phẩm: trong ba cuốn sách của Nguyễn Xuân Khánh thì cuốn “Hồ Quý Ly” được in rõ ràng bốn chữ “tiểu thuyết lịch sử” trên bìa một, hai cuốn còn lại chỉ có hai chữ “tiểu thuyết”.

Có thể hiểu ý của Nhà xuất bản (và của chính tác giả) ở đây là: không nhất thiết phải xem hai cuốn ấy là tiểu thuyết lịch sử. Không khó hiểu, nếu ta nhớ rằng “Hồ Quý Ly” tái hiện một hiện thực cách nay đã trên bảy thế kỷ (quá xa), còn hiện thực ở “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa” thì mới trên dưới một thế kỷ (chưa xa lắm). Tuy nhiên, gạt sang một bên những khúc mắc hoặc sự ngập ngừng của việc phải gọi tên đối tượng, thì điều không thể phủ nhận ở cả ba cuốn tiểu thuyết này, đó chính là cảm hứng lịch sử -  hay nói cho chính xác hơn: cảm hứng trước và về lịch sử - của tác giả, cho dẫu vẫn có độ đậm nhạt khác nhau ở từng cuốn.

“Hồ Quý Ly” là tác phẩm tiểu thuyết mà cảm hứng trước và về lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh được thể hiện đậm nét nhất. Tái hiện bối cảnh xã hội Đại Việt đầy biến động trong giai đoạn ngắn cuối Trần đầu Hồ và tập trung vào xây dựng nhân vật Hồ Quý Ly, có thể nói, về phương diện “cái được viết”, Nguyễn Xuân Khánh đã làm một việc mà hầu như các nhà tiểu thuyết lịch sử Việt Nam trước ông đã bỏ qua (hoặc cố tình bỏ qua): viết tiểu thuyết lịch sử tức là làm một cuộc khám phá và truy xét lịch sử để có những nhận thức chân xác nhất, cho mình, về lịch sử.

Khi tiếp cận lịch sử, thường thì những người đi trước ông vẫn bị gián cách với lịch sử bằng một “khoảng cách sử thi” rất khó vượt qua. Trước cái “khoảng cách sử thi” ấy, họ ứng xử với lịch sử chủ yếu bằng thái độ kính cẩn và ca ngợi: kính cẩn trước những nhân vật anh hùng của lịch sử dân tộc và ca ngợi những võ công oanh liệt, những phẩm chất ngời ngời mà tiền nhân đã ghi dấu trong lịch sử. Không ngẫu nhiên mà từ Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Huy Tưởng của giai đoạn trước cách mạng tháng Tám đến các tác giả về sau này, như Hà Ân hay Thái Vũ, khi viết tiểu thuyết lịch sử thường vẫn hay chọn những “điểm son” của lịch sử dân tộc để thể hiện năng lực sáng tạo của mình. Theo tôi, trên một ý nghĩa nào đó thì tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của các tác giả này chỉ là sự tái khẳng định những nhận thức “đương nhiên đúng”, những chân lý đã trở nên “bất khả tư nghị” trong quan niệm về lịch sử mang tính phổ quát của toàn xã hội.

“Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh thì khác. Giai đoạn cuối Trần đầu Hồ không hề là một giai đoạn đáng tự hào trong lịch sử Việt Nam: trong nước thì “giặc cỏ” nổi lên như ong, chính quyền trung ương thì yếu đuối và đầy sự xáo trộn bởi những âm mưu tranh đoạt, bên ngoài thì binh lực Chiêm Thành đã vài lần đánh thốc vào tận kinh thành Thăng Long, và rồi cuối cùng thì cả nước rơi vào ách đô hộ của triều đình phương Bắc. Bản thân Hồ Quý Ly cũng là một nhân vật đầy phức tạp và còn xa mới có được sự “trong suốt” của những anh hùng trong lịch sử: với các sử gia chính thống, ông là một loạn thần tiếm ngôi; là tác giả của của những cái cách chính trị - xã hội đầy táo bạo, song ông lại không được lòng dân và từ đó dẫn đến mất nước (Nhân họ Hồ chính sự phiền hà/ Để trong nước lòng dân oán hận).

Chọn lựa giai đoạn lịch sử này và nhân vật lịch sử này để viết, Nguyễn Xuân Khánh đã vượt qua được sự kính cẩn thường thấy của tiểu thuyết gia trước lịch sử. Rõ ràng ông không ca ngợi, mà ông truy xét lịch sử để biết xem điều gì đã thực sự diễn ra trong giai đoạn quốc gia suy vong dường ấy, và nguyên nhân nào khiến nó phải diễn ra? Với nhân vật Hồ Quý Ly cũng vậy, tác giả đã tiếp cận rất sát, từ điểm nhìn của người kể chuyện và từ cả điểm nhìn của những nhân vật khác, đặc biệt là Hồ Nguyên Trừng, con trai Hồ Quý Ly. Khát vọng quyền lực và khát vọng đối mặt với những thách thức đầy nguy hiểm để có được sự thỏa mãn về năng lực của mình, theo tôi, đó là điều Nguyễn Xuân Khánh nhận ra từ Hồ Quý Ly và đã thể hiện khá thành công (chi tiết Hồ Quý Ly ngay từ nhỏ rất thích đùa với lửa, thích “nuôi” lửa, là một trong những chi tiết đắt giá).

Thứ khát vọng ma mỵ ấy có sức hấp dẫn riêng của nó: không ngẫu nhiên tác giả đã đẻ ra nhân vật Nguyễn Cẩn như một tín đồ cuồng nhiệt với biến pháp của Hồ Quý Ly. Bi kịch cũng từ đấy mà ra, một bi kịch mang tính quy luật: đó là bi kịch của tư tưởng canh tân khi phải đấu tranh với sự thủ cựu nhân danh lương tri của toàn xã hội; đó là sự chết non của cái mới khi mà nó chưa/không hội được những điều kiện cần và đủ để cắm rễ vào đời sống. Có thể nói, ở “Hồ Quý Ly”, đó là một sự trăn trở lịch sử - điều rất hiếm gặp ở các tiểu thuyết lịch sử trước kia.

Cách tiếp cận lịch sử và sự trăn trở lịch sử như Nguyễn Xuân Khánh thể hiện qua tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”, ít nhất, ta còn có thể bắt gặp ở một nhà văn cùng thế hệ với ông. Đó là Nguyễn Quang Thân, với hai tiểu thuyết “Con ngựa Mãn Châu” và “Hội thề” (Hồ Quý Ly và Con ngựa Mãn Châu đều ăn giải trong cuộc thi tiểu thuyết 1998 – 2000 của Hội nhà văn Việt Nam). Tuy nhiên, ở “Hồ Quý Ly” còn có điều dường như chỉ riêng có ở Nguyễn Xuân Khánh: văn hóa – phong tục của thời đại lịch sử đang được tái hiện. Điều này thực sự là một cảm hứng lớn trong sáng tạo tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh.

Trong lời tự bạch của các nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử ở ta, hầu như ai cũng nói tới yêu cầu phải làm sống “không khí” của lịch sử, nhưng “không khí” ấy là gì và bằng cách nào để làm sống lại nó thì ít người luận chứng cho rõ ràng, và càng ít người thể hiện một cách thuyết phục qua tác phẩm. Theo tôi, về khách quan, ấy bởi họ vấp phải một trở ngại lớn: sử liệu ở ta chủ yếu là sử về các vương triều và những biến động nơi triều chính, những biến động tầm quốc gia, chứ không phải là sử về đời sống phong phú muôn mặt của đám bách tính vô danh tạo thành nhân gian kia. Cho nên cái “không khí” lịch sử, nếu có được làm sống lại trong tiểu thuyết, thì cũng chỉ là “không khí” trong cung phủ, trong quân doanh và nơi chiến địa.

Nguyễn Xuân Khánh không đi con đường đó. Bằng một vốn kiến văn rộng và sâu về khoa học xã hội và nhiều mặt khác nhau của đời sống, ông muốn hướng đến việc làm sống lại cái “không khí” mà tiểu thuyết gia không sao có thể đọc được “giữa hai dòng chữ” của sử liệu. Ta có thể nhận thấy điều này trong “Hồ Quý Ly” khi đi theo tuyến tự sự của Hồ Nguyên Trừng và bám sát hành động của cặp nhân vật Hồ Nguyên Trừng - Thanh Mai.

Qua miêu tả của Nguyễn Xuân Khánh, đây là một cặp đôi tài tử - giai nhân đúng nghĩa, họ không hứng thú với chính trường, họ xa lạ với tham vọng quyền lực, ham muốn của họ là một đời sống gần với tự nhiên, tràn đầy tình cảm yêu đương và được đa dạng hóa bởi những thú chơi tao nhã. Từ cặp nhân vật này, Nguyễn Xuân Khánh đã có những trang viết hấp dẫn khi ông phác họa khung cảnh chung của Thăng Long xưa với chằng chịt những sông hồ, khung cảnh của vùng Kẻ Mơ, vườn cây mai của tướng Trần Khát Chân, cái thú thưởng hoa mai và rượu mai, rồi cái bay bổng thăng hoa của nghệ thuật cầm kỳ thi họa.v.v…

Bên cạnh đó, ông còn có những trang miêu tả rất sống động về Hội thề Đồng Cổ, về sinh hoạt của vua quan Chiêm Thành, về đời sống tình ái (đậm màu erotic) của vua Thuận Tôn hay của nhà sư nổi loạn Phạm Sư Ôn.v.v… Theo tôi, đây không phải một sự điểm xuyết hay thêm vào nhằm làm “mềm hóa” cho một tiểu thuyết vốn nặng về những đấu tranh quân sự - chính trị, mà nó là một nội dung thứ hai, đòi hỏi tác giả phải hao tổn năng lực sáng tạo không thua kém nếu so với nội dung thứ nhất kia: sáng tạo với rất ít vật liệu thực tế trong tay.

Ở hai tiểu thuyết sau, “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa”, nội dung thứ hai đã chiếm vị trí của nội dung thứ nhất. Có thể nhận ra ngay sự hoán chuyển này ở mấy điểm: 1. những nhân vật chính của tiểu thuyết không còn là những con người có thực trong lịch sử nữa, mà là những nhân vật hoàn toàn do nhà văn hư cấu; 2. các sự kiện có thực trong lịch sử bị giảm thiểu, và chúng chỉ được miêu tả như là bức phông nền, được nhắc đến như là cái cớ cho những sự kiện của tiểu thuyết mà thôi.

Có thể khẳng định, trọng tâm cảm hứng của Nguyễn Xuân Khánh trong hai tiểu thuyết này không gì khác, chính là văn hóa – phong tục, thứ văn hóa – phong tục được sinh thành và được tỏa ra, lan thấm vào đời sống từ những hệ tư tưởng tôn giáo lớn: đạo Mẫu (trong Mẫu thượng ngàn) và đạo Phật (trong Đội gạo lên chùa).

Có lẽ, vì đối tượng là một lịch sử “chưa xa lắm”, và những giá trị của quá khứ vẫn đang hiện diện giữa lòng đời sống hôm nay nên nhà văn mới vững tâm đi con đường này chăng? Dù sao mặc lòng, với hai tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa”, không phải chúng ta đọc những ghi nhận và lý giải về lịch sử chống thực dân xâm lược - bằng nghệ thuật tiểu thuyết - của Nguyễn Xuân Khánh. Mà thực chất là chúng ta đọc – dưới hình thức nghệ thuật tiểu thuyết, tất nhiên – sự cắt nghĩa về sức sống mãnh liệt và về khả năng sinh tồn dai dẳng của đất nước và dân tộc Việt Nam khi nó phải trải qua những thách thức khốc liệt nhất của lịch sử.

Ở “Mẫu thượng ngàn”, viết về tín ngưỡng thờ Mẫu, Nguyễn Xuân Khánh viết với sự hiểu biết và tâm thế như của một người trong cuộc. Chính điều đó đã khiến những trang ông miêu tả cảnh hầu thánh của cô đồng Mùi, tiếng đàn nguyệt của ông cung văn Trịnh Huyền hay những nghi thức cúng tế của nhân dân làng Cổ Đình v.v… vừa sống động vừa đầy sức hấp dẫn của sự huyền bí, sức hấp dẫn của cái thiêng. Nhưng xuyên qua và vượt lên trên những miêu tả cụ thể ấy, điều thực sự có ý nghĩa, đó là Nguyễn Xuân Khánh đã phát hiện và khai thác được yếu tố “lõi” của văn hóa Việt: mẫu tính.

Mẫu tính không chỉ thể hiện ra bằng những vai nữ trong hệ thống thần thiêng của tín ngưỡng đạo Mẫu, mà quan trọng hơn, nó được cụ thể hóa bằng chính những nhân vật nữ trong “Mẫu thượng ngàn”. Họ là ngọn nguồn và là dưỡng chất của sự sống, là sức mạnh bảo vệ và là lạc thú của cuộc sống; nhưng đồng thời, họ cũng chính là mầm mống của sự hủy diệt, là bản thân sự hủy diệt.

Trong tác phẩm, nhân vật thím Pháo là nhân vật đặc biệt tiêu biểu cho sự tổng hợp những phẩm chất đối nghịch này của mẫu tính. Nếu đặt những sự kiện của tiểu thuyết trên phối cảnh rộng của sự va chạm về nhiều mặt giữa Ta và Pháp, giữa Đông và Tây, thì sự chiến thắng tuyệt đối trong những “trận chiến chăn gối”, khả năng khiến cho đối phương phải kiệt quệ của thím Pháo, nói không quá, đã mang giá trị của một ý nghĩa biểu trưng, một tuyên ngôn cho sức sống bất tuyệt của dân tộc Việt, văn hóa Việt.

Cái tâm thức “theo dòng mẫu hệ” này, ý niệm về sức mạnh của mẫu tính này còn được Nguyễn Xuân Khánh triển khai tiếp tục trong tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa”, cho dẫu không thể phủ nhận rằng đây là một tác phẩm mang tính luận đề về ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống tâm linh và văn hóa Việt. “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”, câu này – mượn từ bài phú Nôm của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông – vừa xuất hiện ở lời đề từ của “Đội gạo lên chùa”, vừa lặp đi lặp lại trong tác phẩm như một châm ngôn hành xử, một triết lý sống của những nhân vật chính, sư cụ Vô Úy và chú tiểu An.

Chính lối ứng xử cởi mở, chính cái tinh thần khai phóng, không chấp trước, cái năng lực “tùy duyên” ấy đã giúp cho ngôi chùa nhỏ bé của làng Sọ vẫn cứ tồn tại trên lớp sóng thời gian dù phải trải qua những cơn rung lắc khủng khiếp nhất (dưới chính quyền tề ngụy; và sau đó, dưới sự lộng hành tăm tối của chính quyền nông dân thời cải cách ruộng đất).

Sự thấm nhiễm tư tưởng Phật giáo trong văn hóa và trong đời sống, đó là một trong những bí mật làm nên khả năng trường tồn của dân tộc. Tuy nhiên, như đã nói, ở “Đội gạo lên chùa” còn có sự thể hiện của ý niệm về sức mạnh mẫu tính như nó đã từng được thể hiện trong “Mẫu thượng ngàn”. Đọc “Đội gạo lên chùa”, ta bắt gặp một thế giới đàn bà được phác lên bằng rất nhiều chân dung và chân dung nào cũng sắc nét.

Những nhân vật bà Nấm, bà Thêu, cô Rêu, cô Mai, chị Thì, chị Xim… mỗi người đàn bà trong tiểu thuyết là cả một nguồn năng lượng sống được dồn nén đến cực độ, chỉ chờ dịp để được bung phá, tuôn trào mãnh liệt. Có vẻ như cái phần đời sống tươi rói này mới thực sự hợp với “tạng văn” của Nguyễn Xuân Khánh, và chính nó mới làm nên sức hấp dẫn cho một cuốn tiểu thuyết luận đề về ảnh hưởng của tôn giáo?

Sự đan bện giữa lịch sử và văn hóa – phong tục, đó là một phẩm chất trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh. (Vẫn cần phải nhắc lại lần nữa, đây là điều không thường gặp trong các tiểu thuyết lịch sử ở ta từ trước đến nay). Tuy nhiên, không phải bao giờ sự đan bện này, “theo kiểu Nguyễn Xuân Khánh”, cũng đạt hiệu quả tối ưu. Tôi muốn diễn đạt một cách cụ thể hơn: về phương diện khai thác văn hóa – phong tục của thời đại lịch sử đang được nói đến, nhà văn vẫn nghiêng về cái phương diện “đại tự sự” của nó, tức là văn hóa – phong tục ở mặt ý niệm nhiều hơn là ở mặt vật thể cụ thể.

Hãy so sánh tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh với một số tác phẩm tiểu thuyết của văn học nước ngoài như “Đàn hương hình” của Mạc Ngôn, “Gót sen ba tấc” của Phùng Ký Tài, hay “Tên tôi là Đỏ” của Orhan Pamuk… ta sẽ thấy ngay: lịch sử được tái hiện trong tác phẩm của các tiểu thuyết gia kể trên là lịch sử được gắn với một, và chỉ một yếu tố đặc thù trong văn hóa – phong tục của thời đại (hình phạt dùng gỗ đàn hương đóng xuyên hậu môn trong Đàn hương hình, tục bó chân trong Gót sen ba tấc, nghệ thuật tiểu họa thời đế quốc Ottoman trong Tên tôi là Đỏ…). Xác định rõ ràng đối tượng của mình, nhà văn phát huy đến tận độ vốn hiểu biết và khả năng tưởng tượng để làm sống lại quá khứ và tạo được cảm giác hết sức cụ thể trên người đọc của thời hiện tại./.

Nhà phê bình văn học Hoài Nam

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/su-dan-ben-giua-lich-su-van-hoa-phong-tuc-trong-tieu-thuyet-nguyen-xuan-khanh-a3524.html