Uy linh núi Dũng Quyết - Nghệ dục Bình sinh

Nghệ An - mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi đây lưu giữ rất nhiều trầm tích của lịch sử từ thời dựng nước, giữ nước. Núi Dũng Quyết nơi đền thờ hoàng đế Quang Trung (phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An) là một trong những trầm tích còn đó với hậu thế. Không chỉ thơ mộng, huyền ảo mà còn kỳ vĩ.

dung-quyet-dhoa-2352352-1623575498.gif
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung.

Vùng đất tứ linh

Núi Dũng Quyết có 4 chi: Long thủ (đầu rồng), Phượng Dực (cánh phượng), Kỳ Lân (con Mèo) và quy bối (con Rùa). Người xưa gọi đây là đất tứ linh bởi có đủ Long, Ly, Quy, Phượng. Núi Dũng Quyết từ buổi đầu dựng nước và giữ nước đã là vị trí yết hầu trên con đường thiên lý xuyên việt, trở thành căn cứ quân sự trọng yếu.

Cuối thế kỷ XVII - XVIII, chế độ phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng toàn diện và sâu sắc. Đất nước bị nội chiến chia cắt. Yên Trường (Vinh) là vị trí tranh chấp quyết liệt của tập đoàn Trịnh - Nguyễn. Đồn Thủy, Lũy Ông Ninh và vũng núi Dũng Quyết là đại bản doanh của chúa Trịnh Toàn. 

Năm 1786 sau khi đánh tan quân Chúa Nguyễn ở đàng trong, Nguyễn Huệ người anh hùng áo vải đất Tây Sơn đã kéo quân ra Bắc dẹp chúa Trịnh. Trong những lần nghỉ chân ở đất Nghệ An, thế đất và lòng dân của vùng Yên Trường đã được Nguyễn Huệ đặc biệt quan tâm với “hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng có thể chọn để xây dựng kinh đô mới”. Nhà Vua cho rằng nếu đóng đô ở đây vừa “khống chế được trong Nam, ngoài Bắc, vừa tiện cho Người tứ phương đến kêu kiện đi về. Như vậy “trước là vì xã tắc sơn hà, thứ đến là vì lương dân trăm họ”. Vua Quang Trung đã quyết định chọn vùng đất Yên Trường để lập Phượng Hoàng Trung Đô.

Phượng Hoàng Trung Đô được xây dựng ở núi Dũng Quyết gồm có hai lần thành gọi là Thành ngoại và Thành nội. Giữa Thành nội dựng tòa lầu rồng 3 tầng. Công việc xây dựng kinh đô đang tiến hành dang dở thì Quang Trung băng hà. Mặc dù Kinh Đô chưa được xây dựng xong nhưng từ đây Vinh trở thành mốc son lịch sử được chọn làm Kinh Đô cho cả nước và cũng chính thức trở thành Trấn sở Nghệ An. Kế thừa truyền thống hào hùng của dân tộc, những người dân trên mảnh đất Phượng Hoàng Trung Đô đã nối tiếp nhau ra sức sản xuất, chiến đấu lập nên nhiều chiến công xuất sắc.

Phượng Hoàng Trung Đô là kinh thành do vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ, 1752 - 1792) xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết; nay là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Thành được xây vào năm 1788. Tại đây vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long lúc bấy giờ đang bị quân Thanh xâm chiếm. Ngôi thành này dự định được xây dựng để thay thế kinh đô Phú Xuân, được đặt tên theo ý nghĩa chim Phượng hoàng, một loài chim trong truyền thuyết. Trung Đô còn có ý nghĩa là kinh đô nằm giữa vùng lãnh thổ do Quang Trung kiểm soát. 

Phượng Hoàng Trung Đô có 2 lần thành gọi là thành Nội và thành Ngoại hình thang, chu vi: 2820m, diện tích: 22 ha. Phía ngoài có hào rộng 3m, sâu 3m, thành cao 3 - 4m. Thành Nội xây bằng gạch vồ và đá ong, chu vi gần 1680m, cao 2m, cửa lớn mở ra hai hướng Tây và Đông. Trong thành nội có toà lầu rộng, cao 3 tầng, trước có bậc tam cấp bằng đá ong, sau có hai dãy hành lang nối liền với điện Thái hoà dùng cho việc thiết triều. Sách La Sơn phu tử nói rõ thêm: Núi Mèo (tức Kỳ Lân) làm nền cho đồn gác, thành phía Nam chấp vào núi ấy. Mặt đông bắc lấy núi Quyết (Phượng Hoàng) làm thành. Cũng theo sách La Sơn phu tử, về kích thước của thành Ngoại, ngoài các vách núi làm bức luỹ tự nhiên, còn phải đắp bờ thành nam dài 300m, bờ thành Tây dài 450m. Bề đứng ở những đoạn phải đắp cũng rất cao vì để hài hoà với vách núi.

dung-quyet-dhoa-2666352352-1623575575.gif
Từ núi Dũng Quyết nhìn về TP Vinh.

Nghệ dục Bình sinh

Nếu Bình Định là mảnh đất người anh hùng áo vải sinh ra và lớn lên, thì Nghệ An lại là nơi có nhiều duyên nợ nặng tình, nặng nghĩa với Quang Trung Nguyễn Huệ. Quê cha đất tổ của Ngài vốn là họ Hồ ở làng Thái Lão (Hưng Đạo, Hưng Nguyên). Từ mảnh đất này ông tổ 4 đời của Hoàng đế Quang Trung là Hồ Sỹ Anh đã vào Đằng Trong khai phá vùng Tây Sơn thượng đạo, hậu duệ của Hồ Sỹ Anh ở Bình Định là ông Hồ Phi Phúc kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Đồng, con gái duy nhất trong một gia đình khá giả, sinh ra 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Sau này Nguyễn Huệ đã ra Nghệ An tìm lại cội nguồn gia đình, nhận gia phả họ Hồ ở làng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên làm đồng tộc, chọn Thái Lão làm tổ quán. Năm 1789, Hoàng đế Quang Trung đã truyền cho dân làng Thái Lão tu tạo lại tổ miếu để phụng thờ tổ tiên.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Quang Trung:

“Nguyễn Huệ là kẻ phi thường, 
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu.
Ông đà chí cả mưu cao, 
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng.
Cho nên Tàu dẫu làm hung, 
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà”.

Bước lên theo 81 bậc tam cấp, kiến trúc ngôi đền hiện ra uy nghi bề thế, và cổ kính, tiêu biểu cho kiến trúc đền chùa ở Việt Nam. Bước chân vào khu vực đền là nghi môn tứ trụ, gồm 1 cổng lớn và 2 cổng nhỏ đối xứng ở hai bên; cổng lớn được bố trí 2 tầng 8 mái bằng gỗ lim kiểu chồng diêm, cả 3 cổng đều được lợp ngói mũi hài, ở cổng chính hai bên có 2 thần hộ pháp canh giữ đền. Tiếp đó là tấm bình phong tứ trụ được làm bằng đá Thanh Hóa có chạm khắc hoa văn. Sau bình phong là 2 nhà bia ngoảnh mặt vào nhau, song song với trục chính đạo, nhà bia phía bên tay trái gồm 1 trống lớn và bia khắc công trạng Hoàng đế Quang Trung ghi lại những mốc son chói lọi trong sự nghiệp vĩ đại của Hoàng đế.

Nhà bia phía bên tay phải gồm 1 chuông lớn và bia khắc bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Hoàng đế Quang Trung với lòng tự hào dân tộc. Nối tiếp là nhà tả vu và hữu vu gồm 3 gian, 2 chái làm bằng gỗ lim. Nhà hữu vu là nhà đón tiếp đại biểu và các đoàn khách về viếng thăm. Nhà tả vu là phòng trưng bày các tư liệu hiện vật liên quan cuộc đời hoạt động của Hoàng đế Quang Trung và Triều đại Tây Sơn. Giữa hai nhà là khoảng sân rộng 1.500m2 với vườn cây đại, bồ đề và các chậu cây cảnh hòa chung vào không gian của rừng thông thơ mộng.

Nhà hạ điện, trung điện, thượng điện được xem là trung tâm của toàn bộ ngôi đền, được thiết kế theo hình chữ Tam, cao dần lên. Cả 3 nhà đều được làm bằng gỗ lim, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. Nhà hạ điện có diện tích lớn nhất 180m2 gồm 3 gian, kết cấu 2 tầng mái, giữa hai tầng có bộ chắn song con tiện để thông gió và lấy ánh sáng từ ngoài vào nhằm tăng thêm phần hoành tráng, đồ sộ, cổ kính cho toàn bộ ngôi đền. Khung thờ ở đền được bố trí theo tín ngưỡng thờ phụng truyền thống của người Việt Nam là tiền phật hậu thánh, bàn thờ Phật Thích Ca Mâu Ni được bố trí trang nghiêm ở gian giữa nhà tiền đường, là nơi để các phật tử tỏ lòng thành kính với đức Phật. Phía bên tả là bàn thờ Tứ phủ công đồng và Tam tòa thánh mẫu. Phía bên hữu là gian thờ Trấn thủ Nghệ An thời Tây Sơn Nguyễn Thận.

Đáng chú ý ở nhà hạ điện là bức đại tự bằng chữ Hán, phiên âm “Nghệ dục Bình sinh” dịch nghĩa: Nghệ An là quê cha đất tổ, còn Bình Định là nơi người anh hùng áo vải sinh ra và lớn lên. Nhà Trung điện có diện tích nhỏ hơn, 160m2 với 3 gian thờ, gian giữa thờ các quan lại tướng sỹ thời Tây Sơn nói chung, hai bên tả hữu thờ các văn thần và võ tướng tiêu biểu của Triều Tây Sơn. Bàn thờ quan văn gồm bài vị của 3 vị: Binh bộ thượng thư Ngô Thì Nhậm, Viện trưởng Sùng chính viện La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp và Bắc hành sứ bộ Phạm Công Trị. Bàn thờ tướng võ gồm bài vị của 3 vị: Thủy sư đô đốc Ngô Văn Sở, Thống suất Đại nguyên soái Trần Quang Diệu và Đô đốc trung liệt nữ Bùi Thị Xuân. Nhà Trung điện cũng treo 3 bức đại tự lớn bằng chữ Hán, bức ở giữa “Vạn cổ anh phong” nghĩa là: “Sự nghiệp anh hùng lưu danh muôn thủa”, bức bên trái “Địa linh nhân kiệt” Nghĩa là: “Đất linh thiêng sinh ra anh hùng hào kiệt”, bức bên phải “Nhất nhung đại định” Nghĩa là: “Đánh một trận lớn mà bình định được cả thiên hạ”. Thượng điện là nơi đặt bàn thờ của Hoàng đế Quang Trung cùng vương phụ Hồ Phi Phúc và Vương mẫu Nguyễn Thị Đồng. Tượng Hoàng đế Quang Trung dáng ngồi, đúc bằng đồng cao 1,5m được đặt uy nghi chính giữa hậu cung.

Hàng năm đền thờ Hoàng đế Quang Trung có 2 ngày lễ lớn đó là: Ngày 29 tháng 7 âm lịch - ngày giỗ của Hoàng đế Quang Trung, và ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch - ngày Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Đặc biệt vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đền thờ Hoàng đế Quang Trung tổ chức lễ phát hành thẻ ấn để phù hộ cầu mong cho mọi người, mọi nhà được bình an may mắn trong năm mới.

“Đường lên núi Quyết nắng mênh mông
Vẳng tiếng quân reo vọng chiến công
Nâng bước cháu con vào kỷ mới
Trèo bao bậc núi bấy thành công”.

Từ núi Dũng Quyết, ta ngoái nhìn biển Đông mênh mông, trắng xóa. Một đô thị biển Cửa Lò trẻ trung, năng động. Ta ngắm nhìn những cánh đồng mầu mỡ của Đức Thọ, Nghi Xuân, hướng về quê hương đại thi hào Nguyễn Du, quê hương Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Ta sẽ mải mê ngắm nhìn núi Thiên Nhẫn như đàn ngựa ruổi rong, có thành xây của vua Lê Lợi ngày nào và vùng ẩn cư của danh sĩ Nguyễn Thiếp. Ta xúc động khi nhìn về núi Đại Huệ có lăng mộ bà nội Bác Hồ và thân mẫu của Người, trông lên núi Đụn, núi Chung gắn bó với thời niên thiếu của Bác. Và đây còn có lăng mộ vua Mai, nhà lưu niệm của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Tất cả là một vùng khí thiêng non nước.

Núi Dũng Quyết đã và ngày càng rực rỡ là một vùng đất thiêng, một vùng du lịch văn hóa, tâm linh và sinh thái, một vùng du lịch đặc biệt, là của cải vật chất, tinh thần, văn hóa của xứ Nghệ và cả nước. Bổ sung quy hoạch và tiếp tục xây dựng vùng du lịch đặc biệt này đúng với tầm cỡ trong thời kỳ mới là trách nhiệm trực tiếp của thành phố Vinh, của tỉnh Nghệ An, và cả các ngành ở trung ương. Phải chăng, đó cũng là một đột phá, cần có một cơ chế đặc thù, tạo động lực để Vinh sớm trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ./.

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/uy-linh-nui-dung-quyet-nghe-duc-binh-sinh-a3533.html