Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, bên cạnh Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được ban hành, cần phải có thêm những chế tài xử phạt để việc lệch chuẩn không thể tái diễn.
PV: Thưa ông, việc Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh dư luận đang bức xúc, bất bình trước vô số hiện tượng lệch chuẩn văn hóa hoành hành trên không gian mạng?
Ông Lê Như Tiến: Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ TTTT ban hành rất phù hợp, mặc dù nếu ban hành sớm thì tốt hơn. Trong thời gian vừa qua, trên không gian mạng có rất nhiều phát ngôn lệch chuẩn, thậm chí có những bài viết mang tính bịa đặt, kích động, bôi đen… rất phản cảm. Người dùng mạng xã hội bây giờ đa phần là giới trẻ. Nhiều bài đăng những “thông tin đen” lan truyền trên mạng xã hội ảnh hưởng lớn đến lớp trẻ - những người chưa có khả năng tự bảo vệ mình, sức đề kháng còn kém trước nhiều luồng thông tin trái chiều, xấu, độc. Phải bằng nhiều cách để góp phần làm cho không gian mạng trở nên sạch sẽ, trong lành hơn, mọi hành vi và lời nói đều phải chuẩn mực. Việc đưa ra những quy chuẩn soi chiếu vào đó để tìm ra những lời nói, phát ngôn của mình có thiếu đúng đắn, thiếu văn hóa hay không, tôi hoàn toàn ủng hộ.
Quyền được tiếp cận thông tin là quyền chính đáng của mọi người, internet và không gian mạng làm cho người ta được mở rộng tầm nhìn và tiếp nhận nhiều tri thức hơn. Tuy nhiên, cái gì cũng phải có những giá trị đúng của nó, không thể dùng giá trị giả, lệch lạc, sai lệch mà coi như đấy là đúng.
PV: Nhiều người nổi tiếng hiện nay đang lạm dụng quyền tự do được bày tỏ quan điểm trên không gian mạng để phát ngôn tùy tiện, xúc phạm danh dự, bôi nhọ người và tổ chức khác. Trên mạng xã hội, những người trẻ, người hâm mộ đang xem họ là thần tượng thì sự ảnh hưởng và hệ lụy từ những phát ngôn “gây sốc” ấy như thế nào?
Ông Lê Như Tiến: Những người nổi tiếng nói chung và nghệ sĩ nói riêng có sức ảnh hưởng, sức lan tỏa rất lớn đến xã hội. Vì thế, những phát ngôn, hành vi lệch chuẩn của họ trên không gian mạng càng gây ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là đối với lớp trẻ.
Tự do ngôn luận phải trên cơ sở văn minh, lịch sự, văn hóa, chứ không phải bôi nhọ, xúc phạm, vu khống, đưa lên những thông tin bẩn, thông tin rác, thông tin đen, làm méo mó nhân cách của con người, đặc biệt là lớp trẻ. Văn nghệ sĩ hay bất cứ đối tượng nào cũng đều phải thực hiện theo đúng những quy tắc ứng xử chuẩn mực, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Mặt khác, chúng ta cũng phải có biện pháp giáo dục thế hệ trẻ để có khả năng tự đề kháng được trước những biểu hiện sai lệch trên mạng xã hội, để cách ly với luồng thông tin độc hại đó. Ngoài ra phải có những thông tin chính thống với chức năng nhiệm vụ của mình phải phản đối, lên án những phát ngôn, hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội.
PV: Điều đáng nói, thay vì "dẹp loạn", những phát ngôn hay livestream có ngôn từ bậy bạ, tục tĩu của người nổi tiếng lại được tung hô, thậm chí còn rất thu hút, có lượt tương tác, chia sẻ nhiều. Ông đánh giá sao về việc này?
Ông Lê Như Tiến: Đại đa số nhân dân, những người dùng mạng xã hội, tôi tin là người ta đều biết phân biệt trắng - đen, đúng – sai, xấu - tốt. Phần lớn những người dùng mạng xã hội có văn hóa và trình độ. Còn những người ủng hộ, tung hô chỉ là bộ phận nhỏ trong nhân dân, trong tầng lớp trí thức thôi. Không ai muốn nghe những điều tục tĩu, dùng những từ ngữ có tính chất xúc phạm, xỉa xói, thóa mạ, hạ nhục, vu khống người khác trên mạng xã hội cả. Những người có văn hóa, có trí thức sẽ tẩy chay những phát ngôn lệch chuẩn này.
Những người nổi tiếng lâu nay được tôn vinh, nếu cứ tiếp tục lạm dụng quyền tự do ngôn luận để phát ngôn hay livestream với ngôn từ bậy bạ, tục tĩu thì cá nhân người nổi tiếng sẽ bị ảnh hưởng đến thanh danh, tự đánh mất tình yêu trong lòng công chúng. Từ người nổi tiếng sẽ trở thành… tai tiếng.
PV: Bộ quy tắc chỉ mang tính hướng dẫn, giúp điều chỉnh phát ngôn của công dân để tránh chạm vào ranh giới mong manh với vi phạm pháp luật, không có giá trị bắt buộc thực thi, nên không thể kỳ vọng nó sẽ giúp thay đổi mạnh mẽ cách hành xử của mọi người trên mạng xã hội. Theo ông, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có cần thêm những chế tài mạnh để tăng tính răn đe?
Ông Lê Như Tiến: Bất cứ ai, kể cả người nổi tiếng nếu không tự điều chỉnh được những hành vi, những phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội của mình thì phải đưa vào bộ quy tắc những chế tài như cảnh cáo, xử phạt hành chính, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự. Trang mạng xã hội của họ có thể bị xóa vĩnh viễn. Đi kèm với Bộ quy tắc vẫn cần có quy định pháp luật, chế tài đủ mạnh với các trường hợp vi phạm để tăng tính răn đe. Bởi vì những phát ngôn đi trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội vu cáo, nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người khác, tổ chức khác gây ra những nguy hại cho xã hội chắc chắn phải chịu trách nhiệm hình sự.
PV: Xin cảm ơn ông!
Phương Anh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/phat-ngon-lech-chuan-nguoi-noi-tieng-se-chi-con-tai-tieng-a3815.html