Nam Định: Xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa

Những năm qua, ngành VH, TT và DL tỉnh Nam Định đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác gia đình; các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đẩy mạnh phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa (GĐVH)” với các mục tiêu “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

van-hoa-gia-dinh-1624752511.jpg
Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc

Hàng năm, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể của từng danh hiệu văn hóa, làm cơ sở để xây dựng các phong trào thi đua gắn với mục tiêu xây dựng NTM bền vững và phát triển. Sở VH, TT và DL phối hợp với Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào xây dựng “GĐVH” cho đội ngũ cán bộ văn hóa và Ban công tác Mặt trận cơ sở; xuất bản hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền về các tiêu chí ứng xử trong gia đình nhân Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6); hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội tác động đến gia đình; phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong dịp Tết Nguyên đán. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH, TT và DL về xây dựng GĐVH thời kỳ mới, các địa phương đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể với 3 nhóm nội dung, 24 tiêu chí gồm: Gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương (11 tiêu chí); gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng (6 tiêu chí); tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả (7 tiêu chí).

Huyện Hải Hậu là địa phương đi đầu trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Nhiều năm qua, công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng GĐVH được Phòng VH-TT huyện, Trung tâm VH, TT và TT huyện phối hợp các ngành, đoàn thể thực hiện với nhiều hình thức phong phú nhân các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của địa phương, đất nước; nổi bật là các hoạt động trong Lễ phát động hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam, Ngày hội Gia đình hạnh phúc tại các khu dân cư. Cả 34 xã, thị trấn của huyện đã thành lập được CLB gia đình hạnh phúc, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy, đường dây nóng và hàng trăm tủ sách pháp luật đặt tại các xóm, tổ dân phố. Kinh nghiệm trong thực hiện phong trào xây dựng “GĐVH” ở Hải Hậu là đẩy mạnh công tác gia đình gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động bình xét, tuyên dương, khen thưởng các GĐVH, họp mặt các gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, TDTT… để tạo không khí vui tươi, phấn khởi; nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của gia đình thời kỳ mới. Năm 2020, toàn huyện có 91.802/94.691 gia đình được công nhận danh hiệu “GĐVH”, đạt tỷ lệ 96,95%. Ở các vùng đất cổ như: Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, thực hiện phong trào xây dựng “GĐVH”, các địa phương đã định hướng phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đồng thời xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em; thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại nhằm bảo vệ sự ổn định và phát triển gia đình. Với sự “vào cuộc” của các tổ chức, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, phong trào xây dựng “GĐVH” đã thu được nhiều kết quả. Đến nay, huyện Vụ Bản có 28.118/43.988 gia đình được công nhận danh danh hiệu “GĐVH”; huyện Ý Yên có 62.570/72.300 gia đình được công nhận danh hiệu “GĐVH”; huyện Mỹ Lộc có 20.150/23.032 gia đình được công nhận danh hiệu “GĐVH”. Tại các làng nghề truyền thống như: nghề rèn ở xã Quang Trung; nghề làm mây tre đan, cót, thủ công mỹ nghệ ở các xã: Vĩnh Hào, Liên Minh, Hiển Khánh, Cộng Hoà; nghề dệt ở xã Thành Lợi; nghề may, thêu ở các xã: Thành Lợi, Minh Thuận, Đại Thắng, Tam Thanh (Vụ Bản); nghề sơn mài Cát Đằng ở xã Yên Tiến; chạm khắc gỗ La Xuyên, Ninh Xá ở xã Yên Ninh; đúc đồng Tống Xá, thị trấn Lâm; thêu ren, làm nón ở xã Yên Trung (Ý Yên)… tỷ lệ đạt GĐVH luôn từ 85-95%. Các gia đình đã phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa làng nghề truyền thống, duy trì nền nếp gia phong, luôn đề cao việc hình thành nhân cách, nếp sống, nếp nghĩ của từng thành viên trong gia đình. Đây là những yếu tố tạo ra sự gắn bó bền chặt trong cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ở các huyện: Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy, Nam Trực, Trực Ninh, các địa phương đã cụ thể hóa nội dung phong trào xây dựng “GĐVH”, thường xuyên lồng ghép với các phong trào thi đua: “Sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”... Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp đặc biệt quan tâm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tổ chức các hoạt động về “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên”, “Giáo dục bất bình đẳng giới”, “Giáo dục giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”; duy trì các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, TDTT người cao tuổi; phổ biến, tuyên truyền đến gia đình các kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ thời hiện đại, ứng xử giữa các thành viên trong các gia đình với nhau và với cộng đồng...

Tỉnh ta là địa phương có truyền thống văn hóa, là “điểm sáng” của khu vực đồng bằng sông Hồng về phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM. Kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đó là kết quả của quá trình tỉnh chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề; thành lập các HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm..., góp phần giúp người dân phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều hộ GĐVH tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống hòa thuận, hạnh phúc. Các GĐVH có điều kiện giao lưu, học hỏi, tiếp thu những giá trị văn hóa mới. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 534.369/604.175 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 88,5%).

Thời gian tới, để thực hiện mục tiêu xây dựng GĐVH gắn với phát triển kinh tế gia đình, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến gia đình; thông qua các giải pháp, chương trình, dự án để hỗ trợ gia đình phát triển bền vững, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Các địa phương tiếp tục chăm lo, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập; đảm bảo mỗi gia đình có đủ điều kiện vật chất để chăm lo phụng dưỡng người cao tuổi; nuôi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi để con cái được học hành, phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương đăng ký thực hiện các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa NTM”, “Khu dân cư văn hóa - NTM”; kiên quyết loại bỏ “bệnh” thành tích trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường giáo dục, phổ biến và quán triệt pháp luật về gia đình đến từng cán bộ, đảng viên và mọi người dân nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH.

Khánh Dũng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nam-dinh-xay-dung-gia-dinh-van-hoa-trong-thoi-ky-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-a3833.html