Gia đình cùng nhau chung sức, đồng lòng chống đại dịch COVID-19- Ảnh minh họa |
Vòng xoáy của đại dịch COVID-19
Tính đến sáng 28/6, Việt Nam có tổng cộng 15.643 bệnh nhân COVID-19, trong đó đang điều trị 9.244 ca, 6.319 ca đã khỏi, 76 người tử vong. Trong những ngày tới, dự báo số ca mắc COVID-19 vẫn chưa dừng lại ở đây.
Đại dịch COVID-19 lan đến và có diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang… Đại dịch diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến nhiều thành phần kinh tế, ngành, lĩnh vực, nhất là các doanh nghiệp. Ảnh hưởng của đại dịch đẩy nhiều người lao động lâm vào cảnh khó khăn, nhất là người làm công ăn lương, công nhân, nông dân, người lao động tự do…
Theo số liệu mới đây từ Tổng cục Thống kê, gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể chỉ trong năm tháng đầu năm 2021. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Do phải giãn cách, cách ly, không tập trung đông người nên các ngành hàng như khách sạn, nhà hàng, giao thông, vận tải, du lịch, vui chơi, giải trí… bị đại dịch tác động lớn. Sản phẩm của người nông dân làm ra cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ vì không ít nơi bị cô lập bởi dịch bệnh.
Những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 đang hằng ngày tác động đến thu nhập của hàng triệu gia đình ở khắp mọi miền đất nước, nhất là ở những tỉnh, thành phố nơi dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trở lại. Kinh tế sụt giảm, lao động bị dôi dư, thu nhập bị giảm sút, làm cho các gia đình phải thắt chặt chi tiêu, và đang phải trải qua những thử thách chưa từng để giữ vững vai trò là chốn bình yên trong dông tố của dịch bệnh COVID-19.
Bức tâm thư của bé Đỗ Hoài Anh (12 tuổi) động viên bố, mẹ, y, bác sĩ tuyến đầu yên tâm chống dịch - Ảnh minh họa |
Điểm tựa vững chắc trong phòng chống COVID-19
Gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc do vậy vào lúc này cần xây dựng gia đình trở thành pháo đài vững chắc, điểm tựa quan trọng trong phòng chống đại dịch COVID-19. Trong đó, sự chia sẻ, thấu hiểu và động viên lẫn nhau của từng thành viên gia đình, đồng thời động viên các chiến sĩ, y, bác sĩ ở tuyến đầu yên tâm, nỗ lực chống dịch bệnh cho cộng đồng là rất quan trọng.
Xúc động biết bao khi các báo đăng thư của cô bé Đỗ Thị Hà Anh (12 tuổi) gửi cho bố, mẹ đều là bác sĩ “trực chiến” tại Bệnh viện K Tân Triều. Đỗ Thị Hà Anh viết: “Mọi người chắc hẳn đều rất mệt, stress, nhớ nhà và gia đình. Con cũng vô cùng nhớ bố mẹ, hằng ngày chỉ gọi điện và nhắn tin nhưng không được gặp. Đây là lần đầu tiên con xa bố mẹ lâu đến thế. Con rất mong dịch bệnh mau qua để chúng ta được gặp lại gia đình, bạn bè. Bệnh viện K là tuyến đầu điều trị bệnh nhân ung thư, vì vậy sức khỏe hay cả mạng sống đều phụ thuộc vào mọi người. Con mong các cô chú bác sĩ, điều dưỡng hãy đánh bại dịch bệnh. Con, cũng như gia đình mọi người luôn cổ vũ, tin tưởng rằng Bệnh viện K sẽ chiến thắng dịch bệnh”. Thương các con, từ nơi tuyến đầu chống dịch, bác sĩ Phùng Thị Huyền gửi lời nhắn nhủ: "Dù không ở bên các con nhưng bố mẹ luôn dõi theo và hướng về các con. Chỉ cần chúng ta đồng lòng chắc chắn sẽ vượt qua, và bố mẹ sẽ sớm trở về với chiến thắng huy hoàng để các con tự hào và khắc ghi cả cuộc đời".
Bức thư của bé Đỗ Thị Hà Anh và lời nhắn nhủ của bác sĩ Phùng Thị Huyền được báo chí đăng, cũng như sự quan tâm chia sẻ của bao gia đình là nguồn động viên, cỗ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho người “trực chiến” ở tuyến đầu yên tâm chống dịch COVID-19.
Gia đình – Điểm tựa vững chắc trong phòng, chống đại dịch COVID-19- Ảnh minh họa |
Mặt khác, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh Đảng, Nhà nước là nhân tố quan trọng để gia đình vượt qua đại dịch COVID-19. Mới đây (ngày 24/6), nhân kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2021), Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.
Theo đó, Ban Bí thư xác định: Gia đình là tế bào của xã hội. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc; xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước.
Vì vậy, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm như: i) Nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là nhiệm vụ xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. ii) Các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương và vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc. Kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong công tác xây dựng gia đình. iii) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và gia đình. Huy động các cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ gia đình và chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình nghèo, khó khăn; bảo đảm gia đình được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản công bằng, bình đẳng, thuận lợi. iiii) Xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; chương trình giáo dục quốc gia về gia đình; chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc…
Chỉ thị của Ban Bí thư và các quyết sách kịp thời, sự nỗ lực, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là điểm tựa thiết yếu để các cấp, các ngành chăm lo cho các gia đình trở thành pháo đài, điểm tựa vững chắc vượt qua đại dịch COVID-19.
Lê Việt
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/de-gia-dinh-la-diem-tua-vung-chac-trong-phong-chong-dai-dich-covid-19-a3863.html