Nam Định: Trực Ninh phát huy vai trò các CLB văn hóa văn nghệ trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Những năm qua, huyện Trực Ninh (Nam Định) đã quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ; tạo điều kiện thành lập các tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng. Nhờ vậy, phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện ngày càng phát triển với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở địa phương.

truc-ninh-nam-dinh-1625013377.jpg
Đoàn nghệ thuật huyện Trực Ninh tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Đến nay, cả 21 xã, thị trấn của huyện đều có nhà văn hóa, hội trường văn hóa đa năng; 100% khu dân cư đều có nhà văn hóa, địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Với hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, các tổ, đội, CLB văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện phát triển cả về số lượng và chất lượng. Toàn huyện có 21 CLB văn hóa, văn nghệ ở các xã, thị trấn; 125 CLB, tổ, đội văn nghệ ở các thôn, xóm, TDP; 27 đội kèn đồng, 37 hội trống ở các giáo họ, giáo xứ… Phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng phong phú, đa dạng loại hình như: Liêm Hải, CLB chèo thị trấn Cát Thành; CLB hát văn thôn Cống Giáp, xã Trực Thuận; CLB đàn hát dân ca thôn Nam Lạng, xã Trực Tuấn… Nghệ thuật chèo truyền thống ở xã Liêm Hải và thị trấn Cát Thành phát triển từ lâu đời, xuất phát từ những đội chèo thôn xóm và trở thành “món ăn” tinh thần của người dân. CLB chèo xã Liêm Hải và thị trấn Cát Thành thường xuyên tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện và đạt giải cao. Ngoài biểu diễn nhuần nhuyễn, thuần thục các vở, trích đoạn chèo cổ như: “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Tống Trân - Cúc Hoa”, “Trương Viên”, “Tấm Cám”, “Thạch Sanh”…, CLB chèo xã Liêm Hải và CLB chèo thị trấn Cát Thành còn dàn dựng các chương trình hát văn, ca khúc cách mạng với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, dàn dựng hoạt cảnh chèo có nội dung ca ngợi tình làng nghĩa xóm, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội tại các lễ hội làng truyền thống ở địa phương và các xã lân cận như: Trung Đông, Việt Hùng, Phương Định, thị trấn Cổ Lễ… Mỗi năm, tại các nhà văn hóa thôn, xóm, TDP, các CLB tổ chức dàn dựng từ 3-4 chương trình nghệ thuật biểu diễn trong các buổi sinh hoạt của các chi hội: Phụ nữ, Người cao tuổi, Cựu chiến binh, lễ mừng thọ đầu xuân, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), lễ tiễn tân binh lên đường nhập ngũ…

Huyện Trực Ninh hiện có 16 nhà thờ giáo xứ và 73 nhà thờ giáo họ với số giáo dân chiếm gần 30% dân số toàn huyện. Ở các xứ, họ đạo đều thành lập các đội kèn đồng, trống, trắc, duy trì hoạt động với sự tự nguyện của các nhạc công và cộng đồng giáo dân. Vào các ngày lễ của đồng bào Công giáo hay dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, của đất nước hoặc những ngày hội làng, âm hưởng nhạc kèn lại vang lên hùng tráng, sôi động. Xã Trực Hùng có có 99% đồng bào theo đạo Thiên chúa; toàn xã có 3 nhà thờ xứ và 9 nhà thờ họ lẻ. Tại các giáo xứ, giáo họ, các đội nhạc kèn được thành lập, hoạt động sôi nổi. Trong đó, tiêu biểu là hoạt động của 6 đội nhạc kèn ở các giáo xứ: Lác Môn, Lác Phường, Lác Lý và giáo họ Tân Châu, Tân Mỹ; mỗi đội có từ 30-40 người. Ngoài phục vụ các nghi lễ trong nhà thờ, các đội kèn còn thường xuyên biểu diễn trong lễ hội tại các di tích ở địa phương. Với nhiều năm kinh nghiệm, thành viên trong các đội kèn đồng ở Trực Hùng đã thể hiện được các kỹ thuật biểu diễn khó, độc đáo với các loại nhạc cụ như: saxophone, trumpet, trombone, clarinet, cymbales… Đội kèn giáo họ Tân Châu vinh dự nhiều lần đại diện cho xã tham dự Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống huyện. Ngoài 4 đội kèn nam, xã Trực Hùng còn có 2 đội kèn nữ thuộc giáo họ Tân Mỹ và giáo xứ Lác Môn; mỗi đội có trên 20 người. Các đội đã dàn dựng nhiều chương trình hợp xướng kèn đồng với những ca khúc cách mạng như: “Hành khúc ngày và đêm”, “Bài ca non sông”, “Chào bình minh thế kỷ”, “Xuân chiến thắng”, “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, “Lên đàng”...

Hoạt động văn học nghệ thuật quần chúng ở Trực Ninh cũng phát triển sôi động. Huyện hiện có hơn 10 tổ, CLB thơ, tiêu biểu như: CLB thơ Việt Nam huyện Trực Ninh, CLB thơ Hương Văn thị trấn Cổ Lễ; CLB thơ ca người cao tuổi các xã Trực Tuấn, Trực Đạo; CLB thơ Sông Ninh, xã Phương Định, CLB thơ cựu giáo chức các xã Trực Cường, Trực Khang, thị trấn Ninh Cường… CLB thơ Việt Nam huyện Trực Ninh hiện có trên 30 hội viên... Nhiều tác giả trong CLB có tác phẩm được đăng trong các tập thơ của các Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Cùng với các hoạt động sáng tác thơ, CLB còn thành lập tổ văn nghệ biểu diễn một số tiết mục chèo, chầu văn đặc sắc. CLB thơ Sông Ninh (xã Phương Định) có 25 thành viên. Từ khi thành lập, CLB trở thành sân chơi bổ ích của những người cao tuổi yêu thơ ở địa phương. CLB thường xuyên duy trì sinh hoạt vào dịp cuối tuần với các hoạt động giao lưu, giới thiệu sáng tác mới, cùng nhau chia sẻ những niềm vui trong cuộc sống, kinh nghiệm giáo dục, nuôi dạy con cháu. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11), Ngày Thơ Việt Nam (15 tháng Giêng), các tổ, CLB thơ ở Trực Ninh đều tổ chức các buổi bình thơ, ngâm thơ, giao lưu thơ với các CLB thơ khác trong và ngoài huyện, tạo điều kiện cho các hội viên có dịp trao đổi kinh nghiệm sáng tác.

Cùng với sự phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ ở các khu dân cư, nhiều năm qua, ở huyện Trực Ninh đã hình thành các tổ, đội văn nghệ trong các ngành: GD và ĐT, Ngân hàng, Y tế, Công Thương, Công an, Quân đội… Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, để thúc đẩy phong trào văn nghệ phát triển, hàng năm, các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi vào dịp kỷ niệm ngày thành lập các ngành và các ngày lễ lớn của đất nước như: Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày giải phóng miền Nam (30-4) và Ngày Quốc tế Lao động (1-5), Ngày thành lập Đảng (3-2), Ngày thành lập Đoàn (26-3)… thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Cũng trong dịp này, Liên đoàn Lao động huyện và các Công đoàn trực thuộc cũng tổ chức nhiều hội diễn, hội thi văn nghệ, các giải TDTT. Phong trào văn nghệ trong các hội, đoàn thể các cấp trong huyện cũng phát triển mạnh như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh... Mỗi cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp ở Trực Ninh đều có đội văn nghệ với đa dạng các thể loại như: ca múa nhạc, kịch, chèo, hát dân ca…

Để động viên, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, hàng năm, Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Trực Ninh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong huyện tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ theo từng chủ đề, sự kiện; cử cán bộ hỗ trợ các tổ, đội, CLB văn nghệ bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về nhạc lý, kỹ năng biểu diễn… Mặc dù các CLB văn nghệ quần chúng hoạt động theo phương thức xã hội hóa, do thành viên tự đóng góp kinh phí nhưng được Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện quan tâm hướng dẫn chuyên môn và tổ chức các cuộc thi, hội diễn đã tạo động lực để các CLB duy trì tập luyện, biểu diễn, có sự tham gia tích cực từ những người có niềm say mê, yêu thích ca hát nên đảm bảo chất lượng cả về nội dung và nghệ thuật, có sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của bà con. Thực tế cho thấy tại các địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh đều là những đơn vị tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Ở đó chất lượng các phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Khu dân văn hoá” từng bước được nâng lên. Đến nay, tỷ lệ “Gia đình văn hóa” toàn huyện đạt 95%; tỷ lệ thôn, xóm, TDP được công nhận “Khu dân cư văn hóa” đạt 99,7%; 137/148 cơ quan, trường học, trạm y tế được công nhận danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nam-dinh-truc-ninh-phat-huy-vai-tro-cac-clb-van-hoa-van-nghe-trong-xay-dung-doi-song-van-hoa-co-so-a3901.html