Kỳ 10
Chế định dân luật trong “Luật Hông Đức” bảo vệ quyền tư hữu tài sản, đặc biệt là bảo vệ ruộng đất, qui định trừng phạt nặng đối với con nợ, nghiêm cấm việc vi phạm của công. Luật qui định việc kế thừa tài sản, hôn nhân gia đình, bảo vệ chế độ phụ quyền. Điểm tiến bộ của “Luật Hồng Đức” so với pháp luật phong kiến châu Á la bảo vệ quyền của chủ sở hữu, đặc biệt là bảo vệ cho quyền lợi của người phụ nữ, một điều hiếm có ở pháp luật cổ, trung đại thế giới và Việt Nam. Trong luật tố tụng. “Quốc triều hình luật” phân cấp xét xử : Việc nhỏ xử ở cấp xã, lớn hơn xử ở cấp huyện, cấp phủ, việc lớn xử ở kinh đô. Bị cáo không thoả mãn với bản án có thể kháng cáo lên cấp trên. Luật qui định thời hạn cho quan đưa vụ án ra xét xử, quá thời hạn mà để án tồn đọng quan lại bị cách chức. Qui phạm này nhằm thúc đẩy quan lại chăm chỉ làm việc, không để án tồn đọng khiếu kiện về Trung ương. Trong khi điều tra, khởi tố, xét xử luật trọng chứng cớ hơn trọng cung. Luật trừng trị nặng việc quan lại ăn hối lộ, gian lận trong quá trình xét xử.
V:NHỮNG CUỘC KHÁNG CHIẾN BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ GIẢI PHÓNG DÂN TỘC THẾ KỶ X-XV.
Kháng chiến chống Tống năm 981: Năm 960 ở Trung Quốc Triệu Khuông Dận kết thúc cục diện Năm - Bắc triều, thống nhất Trung Quốc và lập ra vương triều Tống. Năm 981, đời Tống Thái Tông (Triệu Quang) cử hai đạo bộ binh và thuỷ binh sang xâm lược nước ta. Bộ binh theo đường Lạng Sơn tiến sang, thuỷ binh tiến theo đường biển Quảng Ninh vào. Hai đạo thuỷ bộ theo kế hoạch sẽ phối hợp vây hãm và công phá kinh đô Hoa Lư. Toàn bộ đạo quân xâm lược đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Hầu Nhân Bảo.
Vua Lê Đại Hành ra sức chuẩn bị kháng chiến và thân chinh cầm quân ra trận. Trên mặt biển, thuỷ quân ta chiến đấu anh dũng, đánh lui thuỷ binh địch, phá tan kế hoạch phối hợp giữa thuỷ binh và bộ binh địch. Đạo bộ binh địch vào đến ải Chi Lăng bị quân ta chặn đánh dữ dội, địch thua to phải rút lui, bị quân ta truy kích tiêu diệt, chủ tướng giặc là Hầu Nhân Bảo bị giết chết, nhiều tướng giặc bị băt sống. Cuộc viễn chinh xâm lược lần thứ nhất của nhà Tống vào Đại Cồ Việt bị đập tan. Chiến thắng oanh liệt này đã đẩy lùi nguy cơ xâm lược của một đế chế hùng mạnh, giữ vững nền độc lập non trẻ, tạo niềm tin vững chắc vào sức mạnh dân tộc, vào tương lai của đất nước.
Vào những năm 70 của thế kỷ XI, Tống Thần Tông (Triệu Húc) và Tể tướng Vương An Thạch mưu đồ xâm lược Đại Việt để giải quyết những khó khăn trong nước. Nhà Tống xây dựng những căn cứ quân sự, lương thực ở Ung Châu (Nam Ninh-Quảng Tây), Khâm Châu, Liêm Châu (Quảng Đông) để chuẩn bị cho cuộc Nam chinh.
Năm 1072, Lý Thánh Tông mất, Lý Nhân Tông lên nối nôi mới 7 tuổi , toàn bộ quyền lực nằm trong tay Phụ quốc Thái uý Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt chủ trương tấn công vào đất Trung Quốc để tiêu diệt tất cả những căn cứ hậu cần của địch, gây khó khăn cho chúng trong cuộc xâm lược vào Đại Việt sau này. Thực hiện kế hoạch đó, ngày 27 tháng 6 năm 1075, quân ta gồm 10 vạn quân chia làm hai đường tấn công vào đất Tống. Đạo chủ lực do Lý Thường Kiệt chỉ huy dùng chiến thuyền từ Móng Cái đổ bộ vào tiêu diệt căn cứ Khâm Châu, Liêm Châu rồi tiến về phía tây cùng các đạo quân của các tù trưởng Tôn Đản, Vi Thủ An, Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Thân Cảnh Phúc vây đánh thành Ung Châu (Nam Ninh). Sau 42 ngày công phá, ta hạ thành Ung Châu, diệt 5 vạn quân Tống. Cả chiến dịch ta tiêu diệt 10 vạn quân địch, triệt phá toàn bộ căn cứ hậu cần của chúng rồi rút quân về nước. Nhà Tống vẫn không kịp đối phó.
Sau chiến dịch “Tiên phát chế nhân” (hành động trước để khống chế quân địch), về nước , Lý Thường Kiệt ra sức chuẩn bị kháng chiến. Ta xây dựng phòng tuyến bờ nam sông Cầu kiên cố kéo dài từ Tam Đảo đến Lục Đầu Giang (Hải Dương) để bảo vệ Thăng Long. Bên trong chiến luỹ quân chủ lực do Lý Thường Kiệt chỉ huy đóng ở phủ Thiên Đức (Từ Sơn-Bắc Ninh). Hai vạn thuỷ binh và 400 chiến thuyền do hai hoàng tử Chiêu Văn và Hoằng Chân chỉ huy đóng ở hồ Vạn Xuân (Phả Lại). Các đạo quân của các tù trưởng đóng giữ các miền biên ải chủ yếu. Lưu Kỷ cùng 5000 quân chặn đánh địch ở châu Quảng Nguyên (Cao Bằng), 1vạn quân ta ở động Cổ Lộng Ngân Sơn- Bắc Kạn) uy hiếp sau lưng địch. Quân của phò mã Thân Cảnh Phúc mai phục ở Kép (Bắc Giang), quân của Sầm Khánh Tảo, Nùng Thuận Linh, Hoàng Kim Mãn giữ Môn Châu (Đông Khê-Cao Bằng), chặn địch từ Cao Bằng tới Thái Nguyên, Vi Thuận An đóng quân ở châu Tô Mậu chặn địch từ Tư Lăng tới Lạng Sơn.
Cuối năm 1076, nhà Tống huy động 10 vạn quân chiến đấu, 20 vạn phu phen phục dịch, tổng cộng số người tham gia chiến tranh lên đến 30 vạn do Quách Quì làm Chánh tướng, Triệu Tiết làm Phó tướng. Tháng 1 năm 1077, quân Tống chia làm 3 đạo tiến vào nước ta. Đạo từ Ung Châu tiến vào Cao Bằng, đạo chủ lực từ Ung Châu tiến vào Lạng Sơn, đạo thuỷ quân theo đường biển tiến vào sông Bặch Đằng rồi vào sông Cầu đưa bộ binh vượt sông công phá chiến luỹ của ta để vào Thăng Long. Ngày 8 tháng 1 năm 1077, đại quân Quách Quì vào Lạng Sơn. Ngày 18 tháng 1, bộ binh địch tràn xuống bờ bắc sông Cầu. Tại mặt trân Đông bắc, quân ta do tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy đánh nhau với thuỷ binh địch hơn 10 trận, kiên quyết ngăn không cho chúng tiến vào sông Cầu phối hợp với bộ binh. Bộ binh địch không có phương tiện vượt sông phải đóng quân thành hai khối lớn ở bến đò Như Nguyệt và núi Nham Biền. Địch mở hai cuộc tập kích sang phòng tuyến quân ta ở bờ Nam, nhưng bị quân ta đập tan. Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của địch phá sản. Chiến tranh kéo dài làm cho địch lâm vào tình thế khó khăn, thiếu thốn lương thực, 20 vạn phu phen vận chuyển chỉ đủ 10 vạn quân, 1 vạn ngựa ăn trong 1 tháng. Quân địch thiếu ăn, đau ốm, sau lưng bị quân ta do các tù trưởng dân tộc thiểu số tiêu hao. Tình thế suy yếu của quân địch tạo điều kiện cho quân ta phản công chiến lược, kết thúc chiến tranh. 400 chiến thuyền cùng hai vạn thuỷ binh ta do hai hoàng tử Chiêu Văn, Hoằng Chân tập kích vào 5 vạn quân của Quách Quì ở bến đò Thị Cầu, tạo điều kiện để quân chủ lực do Lý Thường Kiệt chỉ huy tập kích vào khối quân của Triệu Tiết ở bến đò Như Nguyệt. Trong trận này, ta tiêu diệt 6 phần 10 quân địch, nhưng ta cũng bị tổn thất, hai hoàng tử Chiêu Văn và Hoằng Chân hi sinh. Trận tập kích này có ý nghĩa như trận quyết chiến chiến lược kết thúc chiến tranh Tống -Việt. Sau trận này, địch đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, tiến thoái lưỡng nan. Biết Quách Quì muốn rút quân nhưng còn sợ mất thể diện, Lý Thường Kiệt chủ động đàm phán giảng hoà, mở lối thoát cho địch, sớm kết thúc chiến tranh, đỡ hao tổn xương máu mà vẫn giữ được độc lập dân tộc. Quách Quì như sắp chết đuối vớ được cọc, liền giảng hoà và rút quân về nước.
Gây chiến tranh xâm lược Đại Việt, nhà Tống bị thiệt hại nặng nề. 10 vạn quân khi rút về chỉ còn 2 vạn, 8 vạn phu phen chết. Cả hai giai đoạn chiến tranh trên đất Tống và trên đất Việt, 30 vạn quân Tống bị tiêu diệt, chi phí hết 5. 190. 000 lạng vàng. Thắng lợi oanh liệt của quân dân Đại Việt đè bẹp ý chí xâm lược của nhà Tống. Năm 1164, nhà Tống phải thừa nhận Đại Việt là quốc gia độc lập, suốt 200 năm sau phong kiến Trung Quốc không dám xâm phạm nước ta.
Chiến tranh là một sự thử thách toàn diện sức mạnh của một dân tộc. Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Tống năm 1076-1077 chứng minh quốc gia Đại Việt đã lớn mạnh về mọi mặt qua một thế kỷ xây dựng và phát triển. Sức mạnh dân tộc đã tạo nên chiến thắng. Người biết phát huy sức mạnh để chiến thắng trên chiến trường là anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Ông là người đầu tiên chủ động tấn công sang đất địch để tự vệ, để giành thế chủ động khi chiến tranh nổ ra sau này. Khi chiến tranh diễn ra trên đất Đại Việt, ông là người buộc quân địch phải đánh lâu dài để chuyển hoá lực luợng bất lợi cho địch, tạo điều kiện cho ta phản công tiêu diệt, ông cũng là người đầu tiên biết đánh vào tinh thần quân địch, với bài thơ “Thần” nổi tiếng khẳng định chủ quyền nước Nam đọc trên phòng tuyến sông Cầu đã làm cho quân địch hoang mang khiếp sợ mà tan rã, không còn tinh thần chiến đấu:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách Trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Bài thơ được xem là “Bản tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Lý Thường Kiệt cũng là người biết tổ chức chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc vào cuộc kháng chiến. Sự đóng góp của các đội quân các thủ lĩnh dân tộc miền núi trong cuộc kháng chiến là một minh chứng. Nhà Lý khi đó biết hoà hợp quyền lợi dòng họ, tập đoàn với quyền lợi dân tộc. Nhờ vậy mới phát động được cuộc chiến tranh nhân dân. Thiên tài của Lý thường Kiệt là ở chỗ biến khả năng thành hiện thực, Biến sức mạnh của nhân dân thành sức mạnh vật chất trên chiến trường để chiến thắng quân thù. Lý thường kiệt là người đầu tiên vừa đánh vừa đàm, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao để sớm kết thúc chiến tranh mà vẫn giữ được độc lập, chủ quyền dân tộc.
Cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông thế kỷ XIII
Đế quốc Nguyên-Mông: Vào cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, công xã nguyên thuỷ của các bộ lạc du mục Mông Cổ phía bắc Trung Quốc đang tan rã, bước sang xã hội có giai cấp và nhà nước. Sự thống nhất các bộ lạc, ra đơì nhà nước được thực hiện bằng những cuộc chiến tranh tàn khốc giữa các thủ lĩnh bộ lạc. Cuối cùng, năm 1206, Tê Mu Zin chiến thắng và lên ngôi Hãn (Vua), xưng là Thành Cát Tư Hãn (Trin Gít Khan). Nhà nước phong kiến quân sự Mông cổ ra đời. Nhưng Thành cát Tư Hãn đã lợi dụng tài bắn cung cưỡi ngựa của người Mông Cổ, đưa đất nước vào những cuộc xâm lựơc tàn khốc các quốc gia châu Á, châu Âu lập nên một đế quốc rộng lớn, hung bạo bậc nhất thời kỳ trung đại. Dưới thời Thành Cát Tư Hãn, quân Mông Cổ tiêu diệt Tây Hạ, vương quốc Kim, đánh chiếm vùng Trung Á, đánh chiếm nước Nga, chiếm Xi bê ri, Crưm. Năm 1227, Thành Cát Tư Hãn chết, con là Oa Khát Đài lên nối ngôi Hãn mở rộng xâm chiếm tới Bắc Nga, vùng Ban Tích, đánh chiếm Hung ga ri, Ba Lan, Đức làm rung động châu Âu và toà thánh Vaticăng. Dưới thời Oa Khát Đài vó ngựa quân Mông Cổ tiến tới I ran, I rắc. Năm 1236, Oa Khát Đài chết, Man Gu lên thay tiến hành chiến tranh khốc liệt chiếm Trung Đông, Bắc Phi, vó ngựa quân Mông cổ khua cát bụi, máu, lửa đến tận Đa Mát, thủ đô vương quốc Xi Ri. Em Man Gu là Hốt Tất Liệt (Khu Bi Lai) tiến hành xâm lược Việt Nam lần thứ nhất năm 1258, tiêu diệt nước Liêu, chiếm bắc Trung Quốc. Năm 1259, Man Gu chết, Hốt Tất Liệt lên thay ngôi Hãn hoàn thành xâm lược Trung quốc. Năm 1279, Hốt Tất Liệt tiêu diệt nhà Nam Tống, lập ra nhà Nguyên. Hốt Tất Liệt là vua Trung Quốc, đồng thời cũng là vua của toàn đế quốc Mông Cổ. Đại Đô (Bắc Kinh) trở thành trung tâm của toàn đế quốc Nguyên- Mông. Sau khi xâm lược toàn Trung Quốc, Hốt Tất Liệt tiến hành xâm lược Đông Nam Á. Nhưng thất bại ở Đại Việt năm 1285, năm 1287-1288 đã phá vỡ giấc mộng điên cuồng này của Hốt Tất Liệt. Hơn nửa thế kỷ xâm lược, Mông cổ đã thành một đế quốc rộng lớn vắt ngang từ Thái Bình Dương đến bờ Hắc Hải. Cả châu Âu , châu Á chấn động bởi họa xâm lăng và sự tàn bạo của quân Mông Cổ.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-10-a3970.html