Toàn huyện có hơn một trăm lễ hội như: Hội đình, hội đền, hội nghè, hội chùa, hội chạ, hội hát, hội chợ...Nhân dân Việt Yên đã duy trì sinh hoạt, bảo tồn lưu giữ các loại hình văn hóa dân gian, và coi đây là di sản văn hóa của huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Một trong những lễ hội tiêu biểu đó là Hội Bổ Đà được tổ chức hàng năm vào các ngày 16, 17, 18 tháng 2 âm lịch. Nơi đây có chùa Bổ Đà nằm trong quần thể các di tích phật giáo gắn liền với hai truyền tích mà đối tượng tâm linh là thiên thần và phật.
Phạm vi không gian của lễ hội chùa Bổ Đà có hệ thống ba đền thờ Thạch Linh Thần tướng như đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, trải dài khoảng 2000m dọc núi Bổ Đà thuộc địa phận hai thôn Hạ Lát và Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên. Hệ thống đền này là truyền tích nơi sinh ra Thạch Tướng quân, lớn lên đánh giặc Man Khấu, thắng giặc quay về lên đỉnh núi Phượng Hoàng, bay hóa về trời ngày 12/9.
Hệ thống hai chùa thờ phật là chùa Quan Âm (chùa Bổ Đà) và chùa Tứ Ân. Các di tích như đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, chùa Quan Âm, chùa Tứ Ân, chùa Cao, chùa Khám, chùa Linh Chi, đình Thượng Lát, đình Hạ Lát, chùa Thạch Long, chùa Vân Sơn, chùa Núi Đất, chùa Núi Lùn, đền Can Vang, đình Ngự...nằm xen lẫn trong hệ thống thiết chế của lễ hội Bổ Đà.
Các công trình tôn giáo - tín ngưỡng có quy mô to nhỏ khác nhau, nhưng đều dựa vào núi Bổ Đà nằm ở bờ Bắc Sông Cầu, thuộc vùng đất Tây Nam tỉnh Bắc Giang. Tất cả các di tích ở quần thể lễ hội Bổ Đà, trong những ngày hội đều mở cửa, cắm cờ đại, cờ ngũ hành rực rỡ. Trên núi, dưới làng đều dập dìu những tốp người quần áo đẹp đẽ, đủ màu sắc về trẩy hội. Yếu tố tín ngưỡng dân gian và yếu tố phật giáo với những đặc điểm riêng biệt, truyền tích xuất phát riêng, nhưng lại hòa quyện vào nhau tạo nên cảnh sắc tươi đep cho toàn vùng được duy trì giữ hội trong suốt nhiều thế kỷ, đây là vẻ đẹp độc đáo của của lễ hội Bổ Đà.
Nổi bật trong hệ thống di tích Bổ Đà ở Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang là chùa Quan Âm ( nay gọi là chùa Bổ Đà) nằm trên núi Bổ Đà. Chùa Bổ Đà gắn liền với một truyền thuyết về phật giáo đó là ngày xưa có một tiều phu đi bổ củi, nhà tuy nghèo nhưng vợ chồng ông thật tốt bụng, chăm chỉ hiền lành, được nhân dân vô cùng quý mến. Hiềm một nỗi 40 tuổi mà vợ chồng ông chẳng được mụn con. Ai nấy đều thương sót. '' Quan thế âm bồ tát'' đã ứng hiện cứu đời, tế độ vợ chồng ông. Một hôm, ông dùng rìu bổ cây thông già trên núi, bỗng dưng bật ra 32 đồng tiền. ( Đó là 32 phép ứng hiện của ''Quan thế âm bồ tát''). Nhặt được 32 đồng tiền, gia cảnh ông hoàn toàn đổi mới, và cuối cùng ông bà sinh được cậu con trai. Cậu con trai xứ Bắc khôi ngô tuấn tú, thông minh, ông đặt tên là Minh.
Để tỏ lòng thành và tạ ơn ''Quan thế âm bồ tát'', ông dựng chùa, lập bàn thờ ngay chỗ ''Quan thế âm bồ tát'' ứng hiện. Đó chính là chùa ''Quan Âm'' kèm theo cái tên dân gian ''chùa Bổ - núi Bổ Đà''. Ngày nay nhân dân gọi là ''chùa Thượng'' vì chùa ở trên cao trên sườn núi. Đến đời Lê Bảo Thái (1720-1729) nhà sư Phạm Kim Hưng trụ trì chùa, đã trùng tu lần thứ nhất. Đến đời vua Lê Hiền Tông ( 1740-1786) sư tổ Ngô Tuệ Không khai phá Sơn Thạch dựng chùa ''Tứ Ân và am Tam Đức'' ( lúc này am mới có 3 tháp sư tổ). Đến thời vua Tự Đức (1847-1883) xây dựng thêm tiền ''đường''. Đến đây toàn bộ quần thể chùa Bổ đã hoàn thành. Vườn tháp là một công trình kiến trúc muôn màu, muôn vẻ, gồm ngót một trăm tháp sư tổ. Từ 1786 trở đi, trải qua nhiều hòa thượng kế tiếp nhau xây dựng chùa Bổ. Năm 1930 là Hòa thượng Nguyễn Đình, tiếp đó là Thích Quảng Luân. Nay trụ trì chùa Bổ là Thượng tọa Thích Tục Vinh, Ban trị sự giáo hội phật giáo huyện Việt Yên.
Bổ Đà là một nơi danh thắng thuở xưa, là rừng vắng non xanh; ''Thợ trời khéo tạo bức tranh, tán tre tùng bách buông mành liễu tơ''. Nơi đây có sơn thủy hữu tình, có chùa chiền cổ kính, có thiên nhiên tuyệt mỹ. Khách hành hương hoặc khách du lịch mỗi khi đến đây như lạc vào tiên cảnh, rồi chẳng ai muốn trở về nơi trần tục. Còn các phật tử thì có cảm giác như đang ngồi trên con thuyền Bát nhã để bước lên cõi Niết bàn cực lạc...Chính vì thế trong không gian lễ hội Bổ Đà hàng năm, trung tâm lễ hội được tổ chức ở khu vực chùa Bổ. Khu vực này có núi cao và có làng mạc, ruộng đồng bao quanh. Tại nơi này có các điểm cho khách hành hương là đền Thượng trên đỉnh núi, chùa Quan Âm ở phía Bắc núi, đền Trung ở sườn phía Nam núi và chùa Tứ Ân ở chân núi Phượng Hoàng.
Vào những ngày xuân ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cả một vùng núi Bổ Đà rực rỡ bóng cờ. Tiếng trống phách rộn ràng thôn xóm. Dân làng trong xã chuẩn bị cho tế lễ ở đền Hạ, và tổ chức lễ rước từ đền Hạ lên đền Trung để bái vọng lên đền Thượng. Do đó ở đền Hạ không khí rất tưng bừng, náo nhiệt. Đền Hạ nơi thờ thánh mẫu, trước đây vốn là một cái ao nhỏ có ba hòn đá lớn, một hòn có dấu bàn tay, tương truyền là thánh mẫu để lại khi đau đẻ sinh ra Thạch Tướng Quân. Trên một khối đá có xây một miếu nhỏ để thờ phụng. Hiện nay ở khu vực này xây một tòa lớn mái cong, chồng diêm tám mái để hội họp tế lễ. Sáng 17 đoàn rước cử hành từ đền Hạ lên đền Trung. Đám rước được sự phối hợp tham gia giữa nhà chùa với dân làng nên đoàn rước khá sôi nổi, rầm rộ. Đoàn rước đi qua đình Hạ Lát, chùa Linh Chi, chùa Núi Đất rồi lên đền Trung. Kiệu và rước đóng tại đền Trung để dân làng làm lễ bái vọng lên đề Thượng. Sau lễ này là lễ hoàn cung. Còn khách thập phương tiếp tục cùng dân làng lên núi thắp hương ở đền Thượng và tiến lễ cúng phật ở chùa Quan Âm và chùa Tứ Ân.
Chùa Quan Âm và chùa Tứ Ân là một khu di tích lớn ở huyện Việt Yên và tỉnh Bắc Giang. Trong khu vực này có rất nhiều công trình lớn nhỏ cổ kính. Bên trong đó là cả một thế giới phật pháp lung linh để mọi người chiêm ngưỡng, thành kính dâng hương. Và bên cạnh thế giới phật pháp, chùa Tứ Ân có bàn thờ riêng thờ Đức Thạch Tướng Quân và thờ cả Khổng Tử, Lão Tử. Trong 3 ngày hội, khu vực này diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao ở các thôn xóm. Đặc biệt là khu vực Bổ Đà có tổ chức hát quan họ thu hút các ''liền anh, liền chị'' ở Bắc Giang, Bắc Ninh và các địa phương đến tham gia.
Điều ghi nhận là khách đi du lịch hay đi lễ, khi đến hội Bổ Đà sẽ tận mắt thăm một vùng danh thắng với các truyền tích, huyền thoại về đá, về một trung tâm phật giáo lớn ở Bắc Giang. Quý khách sẽ cảm nhận vẻ đẹp núi sông nơi bờ Bắc Sông Cầu thật sự sơn thủy hữu tình và đầy chất thơ mộng. Quý khách cũng cảm thấy một tập tục thờ đá rất cổ kính của Bắc Giang và sẽ được thấy cuộc sống của các nhà sư nơi thiền viện. Chùa Bổ đã được Nhà nước công nhận là một Di tích quốc gia đặc biệt. Bộ văn hóa thông tin và du lịch công nhận là một di tích lịch sử văn hóa, một di tích lịch sử kiến trúc quý giá đã được nhiều quý khách nước ngoài, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các địa phương đến tham quan.
Đến với lễ hội Bổ Đà,chúng ta có dịp tìm hiểu truyền thuyết về Thạch Linh Tướng Quân và chùa Bổ Đà- một truyền thuyết tuyệt vời và một lịch sử huy hoàng, một di tích lịch sử quý giá có gần 300 xây dựng. Chúng ta có dịp tìm hiểu vì sao Vườn Tháp Chùa Bổ Đà đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Chùa Bổ Đà có Vườn tháp lớn nhất Việt Nam; Có Bộ mộc bản Kinh Phật của Thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ Thị cổ nhất; Có cây Vối quý giá nhiều năm tuổi. Chùa Bổ Đà đã được Nhà nước công nhận là một Di tích Quốc gia đặc biệt của huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đến vãng cảnh Chùa Bổ Đà và tham gia lễ hội, chúng ta sẽ cảm nhận được yếu tố văn hóa dân gian hòa với phật giáo để tạo sức sống cho lễ hội Bổ Đà ở Việt Yên Bắc giang.
Nhân dân xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang luôn có tấm lòng rộng mở đón khách trong và ngoài nước đến thăm chùa Bổ Đà. '' Đi du lịch cũng là đi lễ, chẳng hành hương thiệt ấy ai bù''.
Vũ Hoàng Thương
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/di-tich-va-danh-thang-chua-bo-da-a4048.html