Kỳ 14
Trong khi cục diện Nam-Bắc Triều chưa kết thúc thì mâu thuẫn trong các tập đoàn phong kiến Nam Triều Trịnh - Nguyễn đã bùng phát. Sau khi thâu tóm quyền hành vào tay, Trịnh Kiểm đã giết chết em vợ là Nguyễn Uông (con cả Nguyễn Kim). Tính mệnh Nguyễn Hoàng, em của Nguyễn Uông cũng bị đe doạ. Nghe theo lời Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái,vạn đại dung thân” (một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời), Nguyễn Hoàng nhờ chị gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin Kiểm cho Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hoá. Trịnh Kiểm đồng ý với hi vọng Nguyễn Hoàng sẽ chết trong vùng đất khắc nghiệt.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng khi đó mới 34 tuổi được phong làm trấn thủ Thuận Hoá (ngày nay bao gồm Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam). Nguyễn Hoàng đã đem theo nhiều nghĩa dũng đồng hương Thanh Hoá vào lập nghiệp đất Miền Trong. Từ năm 1558 đến năm 1619 là thời kỳ Nguyễn Hoàng và sau đó con là Nguyễn Phúc Nguyên ra sức xây dựng phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi Miền Trong, xây dựng thực lực để trở thành một giang sơn riêng biệt. Mặt khác vẫn thần phục vua Lê, chúa Trịnh. Từ năm 1619 trở đi khi thực lực đã mạnh, họ Nguyễn không phục tùng Lê-Trịnh nữa và bắt đầu cuộc nội chiến lâu dài khốc liệt giữa hai tập đoàn phong kiến lớn Trịnh-Nguyễn.
Năm 1619, Trịnh Tùng đem quân chinh phạt họ Nguyễn mở đầu cho cuộc nội chiến. Từ năm 1627 đến năm 1672, hai bên đã 7 lần đánh nhau. Các vùng Quảng Bình, Nghệ An quanh năm bị biến thành bãi chiến trường núi xương, sông máu, gây bao nhiêu tang tóc đau thương cho nhân dân hai miền Nam-Bắc. Cuộc nội chiến kéo dài hàng trăm năm không phân thắng bại, cuối cùng hai bên phải lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm ranh giới, phía Bắc trở ra gọi là Đàng Ngoài, phía Nam trở vào gọi là Đàng Trong. Sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước bị các tập đoàn phong kiến phá vỡ vì quyền lợi ích kỷ của mình. Trong suốt thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn nhân cơ hội quốc gia Chiêm Thành ở phía Nam suy vong, tiến hành mở rộng lãnh thổ từ Quảng Ngãi xuống Bình Thuận. Phía Nam Bình Thuận là Thuỷ Chân Lạp của Vương quốc Chân Lạp cũng đang trên đường suy vong tạo ra khoảng trống quyền lực, đất đai hoang hoá. Các chúa Nguyễn tiếp tục cho cư dân tiến vào phía Nam khai hoang phục hoá mở rộng lãnh thổ Đàng Trong đến Mũi Cà Mâu-Rạch Giá vào cuối thế kỷ XVII.
Sang thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến Việt Nam bước vào cuộc khủng hoảng toàn diện và ngày càng sâu sắc. Ở Đàng Ngoài, tầng lớp cầm quyền ngày càng hủ bại. Mọi chính sách của nhà nước đều chỉ nhằm một mục đích duy nhất là củng cố vơ vét quyền lợi cho tập đoàn thống trị, vì thế các chính sách đều mang tính chất phản động. Phủ Chúa nắm toàn bộ quyền lực, tiêu phí không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức của nhân dân vào xây cất các công trình nguy nga tráng lệ, vào các cuộc ăn chơi sa đọa, tuần du tốn kém. Toàn bộ quan lại từ Trung ương đến địa phương vùi đầu trong cuộc sống xa hoa, bon chen, truỵ lạc, vô cảm trước sự đau khổ cùng cực của nhân dân. Quan lại thì ra sức xu nịnh cấp trên để được bao che, dung túng,bòn rút của nhà nước, của nhân dân để làm giàu. Tệ hoạn quan lộng hành, tệ mua bán bằng cấp, tệ mua quan bán chức được nhà nước công khai chấp nhận như một thể chế lựa chọn nhân sự vào bộ máy chính quyền. Tệ tham ô, hối lộ nhũng nhiễu đục khoét nhân dân được nhà nước làm ngơ và thừa nhận. Cha ông ta nói: “Nhà dột từ nóc”. Một nhà nước khi triều đình trung ương đã hủ bại thì quan lại địa phương cường hào ác bá mặc sức hoành hành. Chúng thâu tóm quyền hành, tác oai tác quái, bòn rút của cải, tiền bạc, cướp đoạt những mảnh đất cuối cùng của nông dân. Chúng bày đặt lắm mưu, nhiều kế độc ác gian xảo, vu oan giáng họa hãm hại người lương thiện, oan khốc đầy trời mà không biết kêu ở nơi nào cho thấu.
Chính trị mục nát đã làm cho đạo đức, kỷ cương, đạo lý của Nho giáo sụp đổ. Những nguyên lý trong kinh điển Nho gia chỉ còn là những lời nói rỗng tuếch lừa bịp, mị dân. Bộ máy nhà nước do mua quan bán tước trở nên cồng kềnh đông đúc mà không được lương bổng hoặc lương bổng thấp nên càng ra sức đục khoét nhân dân. Như ở Đàng Trong, một xã có đến 20 xã trưởng. Chế độ Trịnh - Nguyễn tăng thuế má lên một cách khủng khiếp. Nhà nước ước tính số chi trước để định ra mức thu, bất chấp những khó khăn thực tế, những nổi cùng khổ của nhân dân. Ví như thuế đinh chỉ cần kiểm tra dân số một lần và ấn định mức thu lâu dài cho các xã. Thành thử những người còn sống, những người ở lại phải đóng cả thuế cho những người đã chết, những người bỏ làng phiêu bạt.
Các chính quyền Trịnh - Nguyễn khi đó với chính sách “ức thương” phản động bóp chết tất cả những mầm mống của kinh tế hàng hoá: độc quyền thủ công nghiệp, đánh thuế rất nặng các nghề thủ công tư nhân khiến họ bị vùi dập không phát triển lên được, không chuyển dịch được cơ cấu thủ công nghiệp sang kinh tế hàng hoá thị trường. Trong thương mại đối ngoại, các tập đoàn phong kiến ra sức bế quan toả cảng, khước từ giao lưu buôn bán với các nước tư bản phương Tây như Hà Lan, Pháp... khi đó có mặt ở Việt Nam. Chính sách bế quan toả cảng mù quáng, bảo thủ của các chính quyền phong kiến đã giam hãm đất nước trong vòng lạc hậu, bỏ qua vận hội, không tận dụng được những yếu tố bên ngoài để phát triển theo chiều hướng tiến bộ. Chính sách phản động này đã đưa đến kết quả mất nước vào nửa sau thế kỷ XIX khi bị thực dân Pháp tấn công xâm lược.
Như vậy qua 500 năm xây dựng và phát triển, vào thế kỷ XVI, chế độ phong kiến Việt Nam bắt đầu suy thoái và vào thế kỷ XVIII bước vào cuộc khủng hoảng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, tư tưởng, đạo đức. Các tập đoàn phong kiến chỉ biết quan tâm đến quyền lợi của bản thân, gia đình và dòng họ, gây nội chiến chiến tranh tranh giành quyền lực, phá vỡ sự thống nhất đất nước, cam tâm bóc lột nhân dân một cách tàn bạo để ăn chơi sa đoạ, đẩy nhân dân vào con đường khổ nhục, đói khát, mất ruộng đất nhà cửa, phiêu tán, chết chóc do đói khổ, chiến tranh. Chính sách phản động của nhà nước phong kiến đó triệt tiêu nền kinh tế hàng hóa thị trường, những nhân tố kinh tế tư bản chủ nghĩa không ra đời được, tức là Việt Nam vào thế kỷ XVIII vẫn không có những nhân tố mới để đưa xã hội phát triển theo chiều hướng tiến bộ chung của thời đại khi đó. Việt Nam vẫn bị giam hãm trong vũng lầy xã hội phong kiến đã cực kỳ thối nát. Nguyên nhân khủng hoảng của chế độ phong kiến nằm ngay trong tư tưởng ích kỷ của giai cấp cầm quyền, thói tham lam vô hạn độ đó làm cho chúng không còn tư tưởng vì dân, vì nước, quên mất đạo đức thánh hiền, quên mất nguyên lý “Dân vi bản”. Trong các thế kỷ này, tư tưởng cá nhân, dòng họ, tập đoàn chi phối toàn bộ các hoạt động, các chính sách của nhà nước. Cả dân tộc và nhân dân là nạn nhân của chính sách ích kỷ ấy của giai cấp cầm quyền.
Những nhiệm vụ cấp thiết của lịch sử Việt Nam khi đó là phải lật đổ chế độ phong kiến, đưa Việt Nam sang một hình thái kinh tế xã hội cao hơn: hình thái kinh tế xã hội tư bản chủ nghĩa, mở đường cho xã hội Việt Nam phát triển. Tức là xã hội Việt Nam khi đó cần có một cuộc cách mạng dân chủ tư sản, lật đổ chế độ phong kiến, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, mang lại ruộng đất cho nông dân, quyền dân chủ cho nhân dân.
Bi kịch của lịch sử ở chỗ là Việt Nam khi đó chưa có những tiền đề kinh tế, xã hội, tư tưởng cho một cách mạng tư sản do chính sách ức thương của nhà cầm quyền phong kiến. Giai cấp tư sản Việt Nam chưa ra đời để lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc cách mạng tư sản. Vì thế giai cấp nông dân, để cứu mình, cứu nước đã đứng dậy tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt chống chế độ phong kiến nhằm giải quyết những nhiệm vụ mà lịch sử đang đặt ra cho giai cấp, cho dân tộc trong thời đại đó
2. KHỞI NGHĨA NÔNG DÂN THẾ KỶ XVI,XVII,XVIII
Ở một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam thì nông dân chiếm đa số, tới 90% dân số, họ là lực lượng sản xuất chính ra của cải vật chất cho xã hội. Giai cấp phong kiến cầm quyền thống trị áp bức, bóc lột chủ yếu là áp bức bóc lột nông dân. Cho nên mâu thuẫn giữa nông dân với giai cấp quí tộc phong kiến, với nhà nước phong kiến là mâu thuẫn cơ bản, bao trùm toàn bộ xã hội. Khi các triều đại vừa mới thành lập, các vua ông, vua cha con biết ‘Khoan thứ sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ” thì mâu thuẫn giữa hai giai cấp này còn tạm thời chưa gay gắt. Nhưng thế kỷ XVI,XVII,XVIII, chế độ phong kiến đã tha hóa, các vua con, vua cháu, các quan con, quan cháu quên lời dặn dò, quên những kinh nghiệm lịch sử quí báu của ông cha, chỉ biết tăng cường áp bức bóc lột nông dân để có nhiều tiền ăn chơi, sa đọa thì nông dân là ngườì chịu hậu quả nặng nề nhất của một chế độ tha hoá, thối nát.
Từ thế kỷ XVI, XVII, nông dân đã bị cướp đoạt ruộng đất. Sang thế kỷ XVIII, hầu hêt ruộng đất trong nước đều nằm trong tay giai cấp địa chủ phong kiến. Nông dân còn phải chịu nộp hàng trăm thứ thuế phi lý, nặng nề, quanh năm không bao giờ đủ thóc và tiền để nộp thuế. Chính quyền không chăm lo bảo vệ tôn tạo đê điều, do đó nạn vỡ đê lụt lội xẩy ra thường xuyên, sản xuất bị tàn phá dẫn đến nạn mất mùa, đói kém liên tục suốt các thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Nạn đói năm 1740 có nơi chết 9/10 dân số, một mẫu ruộng không đổi được một cái bánh đa, 100 đồng tiền không đổi được một bữa ăn. Nông dân phải bỏ nhà cửa, quê hương tha phương cầu thực. Ở Đàng Ngoài vào các thế kỷ này có 527 xã cư dân phiêu bạt hết. Năm 1741, con số này lên đến 3691 xã[1]. Trong khi đó, tầng lớp cầm quyền coi tiền bạc như cỏ rác, coi mạng người như chó ngựa. Hàng chục vạn nông dân phơi xác ngoài chiến trường bởi các cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều, chiến tranh Trịnh-Nguyễn. Hàng vạn nông dân còn phơi xác trên con đường đói khát, tha phương cầu thực. Số còn lại bị áp bức bóc lột, bị hành hạ gần như nô lệ bởi một bộ máy bạo lực khổng lồ, bởi tầng lớp cầm quyền hoàn toàn vô nhân tính. Mâu thuẫn giữa nông dân với phong kiến vào thế kỷ XVI, XVII, XVIII đã bị đẩy đến mức độ gay gắt nhất trong lịch sử xã hội Việt Nam. Vì vậy, các thế kỷ này nông dân đã vùng dậy khởi nghĩa với một khí thế quật khởi rung trời chuyển đất, với mục đích lật nhào chế độ bất công tham lam tàn ác.
Màn dạo đầu của khởi nghĩa nông dân và chiến tranh nông dân bắt đầu từ thế kỷ XVI. Năm 1511 bùng nổ cuộc khởi nghĩa do Trần Tuân lãnh đạo từ vùng Tây Bắc lan khắp các vùng Phú Thọ, Phúc Yên. Quân khởi nghĩa có lần uy hiếp cả kinh thành Thăng Long. Năm 1512 khởi nghĩa của Lê Hi, Trịnh Hưng, Lê Minh Triết lan khắp vùng Nghệ An, Thanh Hoá. Tiếp đó quân khởi nghĩa do Phùng Chương lãnh đạo đã làm rung động khắp một vùng Sơn Tây, Vĩnh Phúc. Đặng Hân, Lê Cát bạo động chiếm giữ Thanh Hoá. Trần Công Minh làm mưa làm gió vùng Phú Thọ. Trần Cao hùng cứ một vùng Đông Triều, Quảng Ninh. Năm 1521, từ Quảng Ninh, nghĩa quân đã ba lần tấn công kinh thành Thăng Long khiến nhà Lê phải chạy về Tây Đô Thanh Hoá. Từ năm 1522, phong trào nông dân Đàng Ngoài bị nhà nước phong kiến đàn áp thẳng tay nên tạm thời lắng xuống, nhưng ngọn lửa căm thù chế độ vẫn đang âm ỉ, sấm chớp vẫn đang tích tụ sẵn sàng tạo nên những cơn bão táp dữ dội hơn. Khởi nghĩa nông dân làm cho chế độ phong kiến Lê - Trịnh kiệt sức, đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Bước sang thế kỷ XVIII, giai cấp nông dân bị nhà nước đẩy đến bước đường cùng, do đó khởi nghĩa đã biến thành những cuộc chiến tranh nông dân, nội chiến thực sự. Năm 1737 khởi nghĩa do Nhà sư Nguyễn Dương Hưng lãnh đạo bùng nổ ở Sơn Tây, lan khắp vùng Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Nguyễn Dương Hưng xây dựng căn cứ ở Tam Đảo rồi từ đó làm chủ suốt một vùng tây bắc Kinh thành. Khởi nghĩa Nguyễn Dương Hưng mở màn cho chiến tranh nông dân Đàng Ngoài suốt thế kỷ XVIII. Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Vũ Trác Oánh dấy binh ở Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương và sau đó khởi nghĩa lan tràn đến Bắc Ninh, Sơn Nam (Nam Định, Hà Nam, Thái Bình), Hà Đông, uy hiếp phía nam kinh thành Thăng Long. Ở Sơn Nam có nghĩa quân Hoàng Công Chất, Vũ Đình Dung, Đoàn Doanh Chấn và Tú Cao. Năm 1738, Lê Duy Mật phất cao cờ nghĩa nông dân ở Thanh Hoá. Năm 1740 đến năm 1751, Nguyễn Danh Phương tung hoành ở mạn Sơn Tây. Các dân tộc thiểu số cũng vùng dậy chống lại triều đình bởi sự bi thảm của họ còn hơn cả người Việt. Từ năm 1740 đến năm 1752, Tượng Cầm khởi nghĩa ở Sơn Tây, Toản Cơ đã lãnh đạo người Tày - Nùng vùng dậy ở miền Lạng Sơn. Năm 1741-1751, tại Đồ Sơn Hải Phòng, Nguyễn Hữu Cầu đã phất cao cờ: “Đông đạo Tổng quốc bảo dân Đại tướng quân” kêu gọi nông dân khởi nghĩa. Ngọn lửa chiến tranh lan tràn khắp các tỉnh ngoài Bắc đến Thanh Hoá. Lá cờ nghĩa ‘Bảo dân” của Nguyễn Hữu Cầu tung bay suốt 10 năm trời, làm cho triều đình Lê - Trịnh khốn đốn. Nguyễn Hữu Cầu là anh hùng nông dân kiệt xuất nhất Đàng Ngoài thế kỷ XVIII. Các cuộc khởi nghĩa của nông dân Đàng Ngoài cuối cùng bị đàn áp thất bại nhưng đã làm rung chuyển nền tảng thống trị của giai cấp phong kiến.
Ở Đàng Trong sau khi khởi nghĩa của chàng Lía ở Qui Nhơn thất bại thì ngay sau đó các dân tộc thiểu số người Chàm, người Chăm Rê vùng dậy. Thương nhân bị nhà nước “ức thương” cũng nổi dậy chống chính quyền. Năm 1747, Lý Văn Quang cầm đầu cuộc khởi nghĩa ở Đông Phố (Gia Định) chống lại chính sách bóp nghẹt thương mại và thuế khoá nặng nề của triều đình chúa Nguyễn đánh vào thương nhân.
Tất cả các cuộc khởi nghĩa chứng minh tinh thần bất khuất của nông dân. Tinh thần và sức mạnh của giai cấp này được kết tinh lại thành một cuộc chiến tranh nông dân to lớn nhất vào những năm 70 của thế kỷ XVIII: Phong trào nông dân Tây Sơn.
(Còn nữa)
CVL
[1] :Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam: Lịch sử Việt Nam t1, sách đã dẫn,tr324.
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-14-a4062.html