Là vùng đât văn hiến, hoạt động giao thương buôn bán tấp nập, Bắc Ninh được mệnh danh là đất trăm nghề với nhiều làng nghề thủ công truyền thống và nghề nào cũng phát triển nổi tiếng, được sử sách ghi chép và ca ngợi: “Tỉnh Bắc có lịch, có lề/Có nghề buôn bán, có nghề cửi canh/Có nghề xe chỉ học hành/ Có nghề tô vẽ tờ tranh bốn mùa”...
Theo các nguồn sử liệu, nghề thủ công và làng nghề truyền thống hình thành và phát triển trên vùng đất cổ Kinh Bắc - Bắc Ninh từ trước Công nguyên. Nghề và làng nghề truyền thống ở Bắc Ninh phát triển rộng khắp với số lượng phong phú, loại hình đa dạng, kỹ thuật chế tác độc đáo, tiêu biểu như: Nghề dệt vải, dệt lụa ở Đình Cả, Hồi Quan, Đại Mão, Tam Sơn; đúc gò dát sản phẩm bằng đồng ở Đại Bái, Quảng Bố; nghề nung gạch ngói, gốm sứ ở Đương Xá, Quả Cảm. Đặc biệt, 3 trung tâm gốm sứ nổi tiếng của nước ta đều tập trung ở vùng Kinh Bắc là Bát Tràng sản xuất đồ sứ, Phù Lãng làm đồ gốm men da lươn, Thổ Hà làm đồ gốm sành. Ngoài ra, nhiều địa phương có nghề chạm khắc, đắp vẽ, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre, gỗ, giấy...
Thời Pháp thuộc, Bắc Ninh được đánh giá là một tỉnh quan trọng nhất của Bắc Kỳ, giàu về sản phẩm và công nghệ địa phương, tiêu biểu là hàng thêu được xuất khẩu sang Pháp và Mỹ. Ở Hà Nội giai đoạn đó còn có phố Bắc Ninh với 32 gian hàng thủ công... Trải qua nhiều bước thăng trầm lịch sử tồn tại và phát triển, nghề và làng nghề truyền thống là nguồn di sản văn hoá quý của quê hương, một thành tố quan trọng và tiêu biểu của nền văn hiến Kinh Bắc, là nguồn lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nhiều du khách trong nước và nước ngoài tới tham quan tìm hiểu lịch sử, văn hóa vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Nhắc đến làng nghề thủ công truyền thống ở Bắc Ninh bây giờ, nhiều người nhớ ngay đến nghề làm tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành), nghề gốm Phù Lãng (Quế Võ), nghề tre trúc Xuân Lai, gò đúc đồng Đại Bái (Gia Bình), nghề rèn sắt thép Đa Hội ở Châu Khê, nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc (Từ Sơn), nghề sản xuất giấy Đống Cao, Đào Xá, Châm Khê (thành phố Bắc Ninh)... Ngoài ra, còn rất nhiều làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, làm các món ăn đặc sản nổi tiếng như: Nghề làm đậu phụ Trà Lâm, nem Bùi Xá, bánh Phu Thê Đình Bảng, bún Khắc Niệm…
Hiện nay, di sản văn hoá làng nghề truyền thống đang được các cấp, ngành, địa phương quan tâm bảo tồn và phát huy. Hệ thống di tích đình, đền, lăng mộ tôn thờ vị tổ nghề được nhà nước xếp hạng bảo vệ, nhân dân địa phương tu bổ tôn tạo. Lễ hội ở các làng nghề được duy trì. Một số làng nghề thủ công truyền thống được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nhiều nghệ nhân được tôn vinh vẫn ngày đêm cần mẫn, miệt mài gìn giữ, truyền lửa tinh hoa cho thế hệ sau.
Hiện toàn tỉnh có 62 làng nghề truyền thống hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, giấy, gỗ, gốm, sắt thép, đúc đồng, mây tre, chế biến thực phẩm... chiếm khoảng 10% tổng số làng nghề truyền thống cả nước. Nếu phân loại theo 3 mức độ phát triển thì có 20 làng nghề phát triển tốt, 26 làng nghề hoạt động cầm chừng và 16 làng nghề hoạt động kém có nguy cơ mai một.
Qua khảo sát thực tế, hầu hết các gia đình, cơ sở sản xuất ở làng nghề truyền thống đều đang tiếp cận thị trường bằng việc cải tiến sản phẩm, thay đổi mẫu mã, tìm hướng đi mới. Như ở làng gốm Phù Lãng có thêm các sản phẩm tranh gốm trang trí trên tường; một số cơ sở bắt tay tổ chức hoạt động trải nghiệm để phục vụ khách du lịch. Tại làng tre, trúc Xuân Lai sản xuất ra nhiều sản phẩm nội thất và đồ trang trí từ tre trúc phù hợp thị hiếu người tiêu dùng hiện đại. Làng tranh Đông Hồ cũng sáng tạo các mẫu tranh mới, ứng dụng linh hoạt trên các chất liệu, đồ dùng và kết hợp với hoạt động tham quan du lịch... Dẫu vậy, đa số sản phẩm làng nghề của Bắc Ninh hiện chưa có nhãn hiệu hàng hóa, chưa đăng kí bảo hộ sở hữu trí tuệ, thị trường tiêu thụ không ổn định, qua nhiều khâu trung gian...
Như vậy, muốn bảo tồn và phát triển bền vững di sản làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế cần nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực. Có cơ chế chính sách, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư bảo tồn và phát triển làng nghề, đặc biệt là các dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới. Tích cực đổi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm; tăng cường hợp tác giao lưu, hội nhập về văn hóa, quảng bá sản phẩm; đồng thời chú trọng quy hoạch làng nghề trọng điểm, định hướng nghiên cứu, khai thác giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể các làng nghề trong hoạt động du lịch.
T.Lâm
T. Lâm
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bac-ninh-gin-giu-phat-huy-di-san-van-hoa-lang-nghe-truyen-thong-a4080.html