Với tinh thần san sẻ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhiều đơn vị, cá nhân, tình nguyện viên lặng lẽ trở thành lực lượng hậu cần phục vụ từng suất cơm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các lực lượng y, bác sĩ, người nghèo, hộ khó khăn trong các khu điều trị, cơ sở cách ly tập trung. Tinh thần san sẻ yêu thương, chung lòng, hợp sức cũng là cách mà người Đồng Tháp vượt qua đại dịch trong giai đoạn này.
Những tấm lòng nơi hậu phương
21 giờ ngày 24/6/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp quyết định cách ly y tế tạm thời 7 ngày đối với Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Với mong muốn tiếp thêm tinh thần để 1.300 y, bác sĩ, bệnh nhân và thân nhân người bệnh sớm vượt qua những khó khăn trong thời gian Bệnh viện bị phong tỏa, tất cả mọi người đều dồn lực để hỗ trợ, tiếp tế. Không đứng ngoài cuộc, chị Lê Thị Thanh Hương – Chủ nhà hàng sinh thái Hương Quê (Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc) cùng những người đồng hành góp sức, chung tay cung cấp những suất ăn miễn phí cho Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc vào mỗi buổi chiều.
Chị Hương cho biết, từ ngày 25/6, gian bếp Nhà hàng sinh thái Hương Quê luôn đỏ lửa, những chiếc nồi, chảo công suất lớn được huy động để nấu các suất ăn miễn phí chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Trong 6 ngày liên tiếp, cứ tầm 16 giờ chiều, khoảng 1.300 suất ăn mặn và 40 suất ăn chay được chuyển đến cổng Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, giao cho nhân viên Bệnh viện tiếp nhận và phân phát cho từng khoa, phòng.
Kể từ khi có quyết định giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố Sa Đéc vào 18 giờ ngày 1/7, do không thể tập trung đông người, nên chị Hương đã quyết định phân chia phục vụ 600 suất ăn miễn phí vào 3 buổi trong ngày cho các lực lượng y tế phường 1, phường 3, Tân Phú Đông, Bệnh viện Dã chiến Trường quân sự địa phương tỉnh…
Chị Lê Thị Thanh Hương chia sẻ, nhìn thấy các y, bác sĩ thức trắng cả ngày lẫn đêm cùng những người nghèo vốn đã bị ảnh hưởng trong cuộc sống nay lại mắc bệnh nên chỉ biết dồn hết tình yêu thương vào các bữa ăn. Làm sao món ăn đảm bảo dinh dưỡng, an lành và thay đổi hàng ngày, để những người nơi tuyến đầu đảm bảo sức khỏe chiến đấu và chiến thắng với dịch bệnh.
Còn tại khu cách ly phường 6, thành phố Cao Lãnh – nơi kích hoạt trong hơn 10 ngày qua, để tiếp nhận khoảng 600 trường hợp F1 đến cách ly. Đã có gần 80 đoàn viên, thanh niên trong màu áo xanh tình nguyện đăng ký tham gia hỗ trợ hậu cần túc trực bên ngoài hàng dây văng, giúp “bên trong chiến hào” vững tinh thần, chắc ý chí trước dịch bệnh.
Tại đây, hàng ngày đều đặn từ 7 giờ đến 18 giờ, tổ hậu cần gồm 10 - 12 người (gồm đoàn viên thanh niên và hội viên Hội Phụ nữ) tham gia phân chia thức ăn thành từng túi nhỏ, chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho những người được cách ly, lực lượng bác sĩ, y tế và đội ngũ bảo vệ bên trong khu vực cách ly.
Là đoàn viên chi đoàn các cơ quan chuyên môn thành phố Cao Lãnh, chị Lư Thị Liễm tranh thủ hai ngày cuối tuần xung phong, “xắn tay áo” cùng mọi người tiếp nhận, phân chia và vận chuyển các suất ăn, các vật dụng hằng ngày vào khu cách ly. Chị Liễm chia sẻ, bản thân chị muốn góp một phần sức để chung tay vào công tác hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại địa phương. Đồng thời, đây cũng là cách để thế hệ thanh niên mang tình yêu thương giúp những trường hợp cách ly được quan tâm về sức khỏe tinh thần, vượt qua mốc thời gian 21 ngày.
Để khích lệ tinh thần, Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp Huỳnh Minh Thức cũng đã đến thăm và dành những lời thăm hỏi, chia sẻ, động viên đến các bạn đoàn viên, thanh niên và lực lượng đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng quân sự, công an đang trực tiếp hỗ trợ khu vực cách ly. Đồng thời, mong muốn các bạn đoàn viên, thanh niên và đội hình của tổ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các đoàn viên, thanh niên tình nguyện thực hiện nghiêm thông điệp 5K trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã trao máy xịt khử khuẩn, kính chống giọt bắn, 750 lít nước sát khuẩn, 30 thùng sữa tươi, 10 thùng nước rửa tay dạng nước, 10 thùng nước rửa tay khô, 750 chai nước suối để tiếp sức cho lực lượng hậu cần.
Những áo trắng blouse đi vào tâm dịch
Một tuần sau khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19 tại Bệnh viện Sa Đéc, số ca dương tính SARS-CoV-2 tại thành phố Sa Đéc tăng nhanh. Nhận lời “hiệu triệu”, ngày 1/7, 37 giảng viên và sinh viên tình nguyện của Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp đã nhanh chóng lên đường đi vào tâm dịch để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Chị Châu Thị Thuý Hằng - Bí thư Đoàn trường, Trưởng phòng công tác sinh viên cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xác định vai trò, trách nhiệm của y, bác sĩ, các giảng viên, sinh viên trường luôn trong tâm thế tình nguyện vào các “điểm nóng”.
Chị Châu Thị Thúy Hằng thông tin, đã có 35 sinh viên (năm thứ hai, ba) chuyên ngành điều dưỡng, dược, xét nghiệm và 2 giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp tình nguyện đến tiếp sức thành phố Sa Đéc. Đây là lực lượng có sức khoẻ tốt, có kiến thức chuyên môn vững vàng thực hiện nhiệm vụ truy vết, khoanh vùng với quyết tâm cao.
Bạn Bùi Quốc Vinh – Liên chi phó Liên chi hội Sinh viên Đồng Tháp tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ chia sẻ: “Là một sinh viên y đa khoa của trường Đại học Y dược Cần Thơ và cũng là người Đồng Tháp, nên khi nhận được thông tin trường sẽ cử nhân lực về hỗ trợ cho tỉnh, em rất sẵn sàng. Mục tiêu chúng em đặt ra là cùng địa phương nhanh chóng truy vết các trường hợp lây nhiễm, giúp địa phương kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đem lại sự bình yên cho cộng đồng".
Ngoài ra, Tổ hỗ trợ của Bộ Y tế cũng đã đến Đồng Tháp từ ngày 3/7 để tham gia công tác chống dịch tại tỉnh. Hiện tổ chia làm 3 nhóm để khảo sát thực tế tình hình công tác phòng, chống dịch tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, tham gia vào hoạt động truy vết, dập dịch của các địa phương và hoạt động của khu cách ly, bệnh viện dã chiến để đưa ra những khuyến nghị giúp Đồng Tháp sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông Lê Thành Công - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố tăng cường tổ chức các đội hình xung kích, tình nguyện, thường xuyên hỗ trợ các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, khu vực cách ly, các chốt kiểm soát dịch, các lực lượng hỗ trợ y tế do Bộ Y tế và các đơn vị khác chi viện về Đồng Tháp.
Ông Lê Thành Công cũng chỉ đạo hệ thống mặt trận chủ động nắm tình hình, đời sống nhân dân, nhất là ở những địa phương thực hiện giãn cách xã hội, địa bàn, khu vực cách ly và hộ gia đình có người cách ly để phát hiện khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo với cấp uỷ, chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc các cấp để có giải pháp hỗ trợ, không để người dân phải thiếu lương thực, thực phẩm do ảnh hưởng dịch bệnh.
Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các Tổ Nhân dân tự quản, Hội quán thực hiện tốt việc quản lý, theo dõi, giám sát những người đã đến hoặc về từ vùng dịch trong, ngoài tỉnh và các địa phương có nguy cơ cao về dịch bệnh; phối hợp lực lượng chức năng truy vết, khoanh vùng, nắm chắc không để sót lọt các trường hợp tiếp xúc gần các trường hợp F1, F2, bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh ở địa phương với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nghia-tinh-trong-mua-dich-a4084.html